Mắc bệnh viêm da cơ hiếm gặp, nữ diễn viên trong bom tấn 'Dangal' qua đời ở tuổi 19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau một thời gian điều trị viêm da cơ, nữ diễn viên trong bom tấn ‘Dangal’ (2016) - một trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời của Ấn Độ - Suhani Bhatnagar đã qua đời khi mới bước sang tuổi 19.

Suhani Bhatnagar, người đóng vai Babita Phogat thời trẻ trong bộ phim nói trên, được an táng tại khu hoả táng Ajronda ở Delhi vào ngày 17/2 vừa qua, theo tờ Hindustan Times.

Cha của nữ diễn viên, ông Sumit Bhatnagar cho biết cô bị viêm da cơ, vốn là căn bệnh viêm nhiễm hiếm gặp, có thể gây phát ban trên da và suy nhược cơ.

Ông nói rằng Suhani Bhatnagar bắt đầu có triệu chứng đầu tiên cách đây hai tháng. Ban đầu họ cho rằng đó là do dị ứng, nhưng tình hình ngày một tệ hơn.

Ngày 7/2, cô được điều trị tại Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ (AIIMS). Tại đây, tình trạng của cô vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Phổi của Suhani Bhatnagar tích tụ chất lỏng và bị tổn thương nghiêm trọng.

Suhani Bhatnagar được biết đến sau khi xuất hiện trong bộ phim “Dangal” năm 2016. Bộ phim kể về đô vật Mahavir Phogat (Aamir Khan), người đã dìu dắt hai cô con gái của anh đi đến thành công.

Cách kể chuyện đầy cuốn hút, lối cắt dựng nhanh và những màn đấu vật được thực hiện chuyên nghiệp. Bộ phim đã gặt hái thành công về mặt doanh thu không chỉ tại thị trường nội địa (Ấn Độ) mà còn vươn xa trên thị trường điện ảnh quốc tế.

Viêm da cơ là gì?

Bệnh viêm da cơ là một bệnh tự miễn hệ thống. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến người lớn (cuối 40 - đầu 60) và trẻ em (5-15 tuổi), trong đó, nữ giới trưởng thành thường có tỷ lệ mắc cao hơn.

Viêm da cơ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nên không điều trị kịp thời; chẳng hạn như khó nuốt gây sụt cân và suy dinh dưỡng, viêm phổi, khó thở, lắng đọng canxi hoặc nhiều bệnh lý khác (tim mạch, ung thư, hội chứng Raynaud…)

Nguyên nhân gây viêm da cơ đến nay vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, người ta cho rằng nó có thể là do nhiễm độc thuốc, nhiễm trùng hoặc di truyền.

Cũng có giả thiết cho rằng bệnh viêm da cơ có cùng cơ chế với các bệnh tự miễn hệ thống, khi đó, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công nhầm vào các mô cơ thể. Lúc này, các mạch máu nhỏ trong mô cơ bị tác động. Lớp nội mô bao quanh mạch máu bị các tế bào viêm tấn công, làm phá huỷ sợi cơ.

Phát ban đỏ tím trên da hoặc các mảng da sẫm màu là một vài biểu hiện đặc trưng của viêm da cơ. Vị trí phổ biến nhất là phát ban trên mặt, mí mắt, đốt ngón tay, khuỷu tay, đầu gối, ngực và lưng. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng đi kèm với ngứa, đau và khó chịu.

Viêm da cơ còn gây yếu cơ đồng đều ở cả hai bên trái và phải của cơ thể, nặng theo thời gian. Tình trạng này tiến triển ở các cơ hông, đùi, vai, cánh tay và cổ. Bệnh nhân thường bị mỏi cơ khi di chuyển, dáng đi không vững, dễ ngã và khó tự đứng dậy khi ngã xuống.

Mặt khác, hầu hết những người bị viêm da cơ sẽ có cảm giác mệt mỏi, cũng có trường hợp sốt cao, sụt cân và gầy.

Theo báo Sức khoẻ & Đời sống, hiện tại vẫn chưa có bất kỳ phương án dự phòng hoặc điều trị hiệu quả cho căn bệnh này, do đó, nếu một người phát hiện tình trạng này, cần lưu ý tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời trực tiếp; khi ra ngoài cần bôi kem chống nắng, mặc áo chống nắng hoặc dùng các biện pháp khác để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chế độ dinh dưỡng phù hợp với nhiều rau xanh, trái cây, đồ mềm.

Để tăng cường sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa co cứng cơ, bệnh nhân cần tập luyện thể dục thường xuyên kết hợp với phục hồi chức năng. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh nên nghỉ ngơi và tránh hoạt động thể chất.

Hoàng Tuấn tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Mắc bệnh viêm da cơ hiếm gặp, nữ diễn viên trong bom tấn 'Dangal' qua đời ở tuổi 19