Mỹ: Niềm tin sản xuất suy giảm dù sản xuất mở rộng mạnh nhất trong 7 tháng qua

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ đón nhận một số thông tin vĩ mô tốt như hoạt động sản xuất mở rộng hơn cả kỳ vọng, mức tốt nhất trong 7 tháng qua, chỉ số giá trị đồng USD phục hồi về mức 2 năm trước đó. Tuy nhiên, niềm tin nhà sản xuất lại suy giảm vì lo ngại lạm phát. Trong khi đó, giá trị USD tăng trở lại cũng do nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ sớm tăng lãi suất với biên độ lớn hơn.

Chỉ số PMI phản ánh mức độ mở rộng đơn hàng của nhà sản suất Mỹ, được khảo sát và tính toán bởi S&P Global Flash, đã tăng lên 59,7 điểm vào tháng 4/2022 từ mức 58,8 trong tháng 3/2022, đánh bại dự báo thị trường là 58,2 điểm. Số liệu này cho thấy mức tăng trưởng mạnh nhất trong hoạt động của các nhà sản xuất Mỹ trong 7 tháng qua, chủ yếu do sản lượng tăng nhanh hơn, đơn đặt hàng mới và việc làm mở rộng.

Chỉ số PMI mở rộng theo đà tăng của lạm phát ở Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn phập phồng lo ngại bóng ma lạm phát trong tương lai (Ảnh chụp màn hình từ Trading Economics).

Bất chấp sự suy giảm rõ rệt về hiệu quả hoạt động của nhà cung cấp, các công ty vẫn có thể tăng sản lượng trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng mạnh hơn và có được khách hàng mới, chủ yếu từ nước ngoài. Mức giá hàng hoá tăng với tốc độ kỷ lục, giá nguyên nhiên vật liệu cao nhất trong 14 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ phải chật vật tăng cường mua dự trữ hàng hoá đầu vào. Tuy vậy, lượng công việc tồn đọng do gián đoạn chuỗi cung ứng, khó khăn đầu vào sản xuất, chi phí nhiên liệu quá cao vẫn tăng mạnh.

Mặc dù mở rộng đơn hàng mạnh mẽ nhưng niềm tin trong lĩnh vực sản xuất lại xuống nhất trong 6 tháng qua (theo Markit Economics); lý do là lo ngại lạm phát bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, bào mòn sức tiêu dùng của người dân trong khi bất ổn địa chính trị ngày một lớn hơn.

Tin rằng lạm phát cao nhất trong 40 năm qua trong khi việc làm mở rộng, sản xuất mở rộng sẽ buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải thay đổi chính sách tiền tệ nhanh hơn, mạnh tay hơn, dòng tiền đã đổ vào đồng USD như một nơi trú ẩn an toàn mới. Chỉ số USD index (DXY) một lần nữa lại phá vỡ mốc 101 điểm, mức từng được chứng kiến hồi tháng 3/2020.

Một số nhà hoạch định chính sách của Fed, bao gồm các chủ tịch khu vực Mary Daly ở San Francisco, Charles Evans ở Chicago và Raphael Bostic ở Atlanta, đã lặp lại câu chuyện rằng Fed sẽ tăng 50 điểm phần trăm, chứ không phải là 25 điểm như kế hoạch trước đó vào tháng 5 tới đây. Tuần thứ 3 liên tiếp, chỉ số sức mạnh USD so với 6 loại ngoại tệ mạnh khác là DXY, công bố mức tăng khoảng 0,6%.

Trà Nguyễn

(Theo Trading Economics)

 



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Niềm tin sản xuất suy giảm dù sản xuất mở rộng mạnh nhất trong 7 tháng qua