Mỹ xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản để hạ bệ vị thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo giới chuyên gia, quân bài đất hiếm của Bắc Kinh đang dần mất đi tác dụng răn đe khi mà nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Úc, đang áp dụng các biện pháp quyết liệt để tách khỏi chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc.

Động thái gần đây của Washington nhằm hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể trả đũa bằng cách cắt nguồn cung đất hiếm, tương tự như những gì họ đã làm với Nhật Bản năm 2010. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (pdf), Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm 78% lượng đất hiếm nhập khẩu của Mỹ giai đoạn 2017-2020.

Tuy nhiên, trước những lo ngại đó, các chuyên gia cho rằng “quân bài đất hiếm” của Bắc Kinh có thể sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa thực sự nào vì các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, vốn đã bắt đầu tự khai thác các nguyên tố đất hiếm.

Kim loại đất hiếm rất cần thiết cho các ngành công nghiệp quốc phòng và năng lượng sạch. Chúng được sử dụng trong nhiều sản phẩm quốc phòng như các thiết bị laser, radar, hệ thống nhìn ban đêm, hệ thống dẫn đường tên lửa, động cơ phản lực và hợp kim cho xe bọc thép. Chúng cũng là nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất nam châm vĩnh cửu dùng trong xe điện và tuabin gió.

Kể từ những năm 1980, sản lượng đất hiếm của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Áp dụng chiến lược giá thấp, năm 2009, quốc gia này đáp ứng khoảng 97% nhu cầu kim loại đất hiếm của thế giới. Tuy nhiên, con số đó đã giảm trong những năm qua khi các nước khác gia nhập cuộc chơi.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, năm 2018, Trung Quốc đáp ứng khoảng 70% nhu cầu đất hiếm trên thế giới trong khi kiểm soát khoảng 85% khả năng chế biến đất hiếm toàn cầu.

Ông Tạ Điền, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc và Giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, nói với The Epoch Times rằng Trung Quốc đã đánh đổi môi trường để có được thị phần.

Ông cho biết mặc dù các khoáng chất quan trọng ấy được gọi là đất hiếm, chúng lại không hề khan hiếm. Chính cái giá phải trả về môi trường để khai thác các kim loại này khiến chúng trở nên hiếm, vì quá trình khai thác có thể gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.

“Cách tiếp cận của Trung Quốc là hoàn toàn phớt lờ ô nhiễm, khai thác môi trường một cách bừa bãi bất kể cái giá nào, do đó có được lợi thế đáng kể về thị trường”, ông Tạ nói.

Bắc Kinh vũ khí hóa đất hiếm

Theo một báo cáo năm 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ (pdf), “Trung Quốc đã lấp đầy các thị trường toàn cầu bằng đất hiếm một cách chiến lược với hoạt động trợ giá, loại bỏ đối thủ cạnh tranh và cản trở những bên khác tham gia thị trường”.

Báo cáo cho biết thêm “khi [Bắc Kinh] cần thể hiện sức mạnh mềm của họ thông qua cấm vận đất hiếm, họ không ngần ngại làm như vậy; như Nhật Bản đã học được điều đó trong một cuộc tranh chấp trên biển năm 2010”.

Trong nhiều trường hợp, Bắc Kinh đã vũ khí hóa vị thế thống trị của họ trên thị trường khoáng sản bằng cách đe dọa cắt nguồn cung cho các quốc gia khác. Một ví dụ đáng chú ý là vụ tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc năm 2010.

Năm 2010, Bắc Kinh chặn xuất khẩu tất cả 17 sản phẩm đất hiếm sang Nhật Bản do tranh chấp kéo dài về quyền kiểm soát các đảo không có người sinh sống trên Biển Hoa Đông sau khi tàu của lực lượng tự vệ hải quân Nhật Bản và tàu cá Trung Quốc đụng độ nhau. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh cũng hạn chế xuất khẩu một số loại đất hiếm sang các nước khác, khiến giá đất hiếm toàn cầu tăng chóng mặt.

Ngoài ra, từ lâu, Trung Quốc đã áp dụng cơ cấu định giá hai lớp cho việc bán đất hiếm, khiến các công ty nước ngoài phải trả mức giá cao gấp đôi so với doanh nghiệp trong nước. Các công ty nước ngoài phải chuyển nhà máy và công việc sang Trung Quốc nếu họ muốn có giá tốt hơn và nguồn cung đảm bảo hơn.

Theo Tạp chí Wired, hành động này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc mà còn khiến Trung Quốc dễ dàng đánh cắp tài sản trí tuệ của ngoại quốc.

Kể từ tranh chấp hàng hải năm 2010, Nhật Bản chẳng những không từ bỏ yêu sách đối với các đảo mà còn tích cực cảnh báo các quốc gia khác về hành vi thương mại không đáng tin cậy của Trung Quốc. Vài năm gần đây, Đại sứ Nhật Bản tại Úc, ông Yamagami Shingo, đã lên tiếng cảnh báo khi Bắc Kinh áp dụng chiến thuật tương tự; đó là áp đặt hạn ngạch và thuế quan lớn đối với hàng hóa của Úc vào Trung Quốc. Hành động của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Úc kêu gọi điều tra về nguồn gốc của COVID-19.

Trung Quốc coi đất hiếm là vũ khí để trừng phạt các quốc gia khác, Trung Quốc nhiều lần đột ngột ngừng bán hàng cho đối tác và phải nhận về quả đắng, Mỹ xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản để hạ bệ vị thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc
Một máy xúc đang chuyển đất có chứa khoáng sản đất hiếm để xuất khẩu sang Nhật Bản, tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Tách khỏi chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc

Các hoạt động thương mại thường xuyên gây tranh cãi của Bắc Kinh đã khiến phương Tây nhận ra mối nguy hiểm khi phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm là vấn đề cấp thiết đối với các nước đang tìm cách tách khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Giáo sư Tạ Điền cho biết kim loại đất hiếm do Trung Quốc sản xuất thường không thể sử dụng cho các ứng dụng cao cấp vì chúng cần phải được tinh chế và xử lý thêm. Chúng chủ yếu được xuất khẩu sang các quốc gia khác dưới dạng nguyên liệu thô.

Ông nói thêm rằng nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã bắt đầu khai thác đất hiếm của riêng họ; và nếu Bắc Kinh hạn chế nguồn cung, tác động sẽ rất nhỏ và ngắn hạn.

“Hạn chế nguồn cung đất hiếm sẽ trở thành mối đe dọa suông”, ông Tạ nói. Ông cho rằng Mỹ sẽ không coi đó là hành động trả đũa đáng gờm; đồng thời bất kỳ lệnh trừng phạt nào liên quan đến chất bán dẫn do Mỹ áp đặt lên Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nhiều mỏ đất hiếm lớn đã được phát hiện ở Greenland, Brazil, Canada, Việt Nam, Myanmar, Lào, Na Uy và một số quốc gia châu Phi kể từ năm 2009. Trong giai đoạn 2010-2020, 261 công ty ở 37 quốc gia bên ngoài Trung Quốc đã khởi xướng tổng cộng 429 dự án đất hiếm, bổ sung từ 80.000 đến 100.000 tấn vào năng lực sản xuất đất hiếm toàn cầu.

Trong khi đó, giai đoạn 2013-2020, trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc giảm 20% - từ 55 triệu tấn xuống còn 44 triệu tấn - do bị khai thác tận lực trong nhiều thập kỷ. Sản phẩm đất hiếm của nước này cũng giảm từ gần 100% thị phần toàn cầu vào năm 2010 xuống còn 60% vào năm 2021.

Mỹ tài trợ nhiều nhà máy đất hiếm

Trong nỗ lực thoát khỏi sự kìm kẹp của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng, Mỹ đã thành lập chuỗi công nghiệp khai thác và chế biến đất hiếm - bao gồm Mỏ Mountain Pass tại California, nhà máy khai thác Mount Weld tại Úc và cơ sở chiết xuất Kuantan tại Malaysia.

Lầu Năm Góc đã đồng ý tài trợ toàn bộ kinh phí 120 triệu USD cho một cơ sở phân tách kim loại đất hiếm nặng do công ty Lynas Rare Earths của Úc xây dựng ở Texas, nhằm thúc đẩy một chương trình được triển khai từ năm 2020, công ty Lynas Rare Earths cho biết hôm 14/06.

Nằm trên Bờ Vịnh, cơ sở sắp được xây dựng này sẽ cho phép Mỹ tiếp cận các kim loại đất hiếm nặng được sản xuất ngay trong nước. Tại đây sẽ xử lý đất hiếm nặng được khai thác ở Úc, tạo thành một chu trình sản xuất hoàn toàn bỏ qua Trung Quốc. Lynas Rare Earths có kế hoạch kết hợp nhà máy sắp tới với một cơ sở phân tách đất hiếm nhẹ do công ty và Bộ Quốc phòng Mỹ đồng tài trợ.

Lynas Rare Earths sản xuất được gần 20.000 tấn oxit đất hiếm hàng năm từ mỏ Mount Weld ở Úc và từ nhà máy xử lý ở Kuantan (nằm trên bờ biển phía đông bán đảo Malaysia). Theo một bài xã luận năm 2021 của Bloomberg, chỉ riêng sản lượng đất hiếm của công ty này là “quá đủ để đáp ứng tất cả nhu cầu của Mỹ, chứ không chỉ 500 tấn cần thiết cho các ứng dụng quan trọng trong quốc phòng”.

Dự án được công bố lần đầu tiên vào tháng 07/2020 như một phần trong chiến lược của chính phủ Mỹ — theo lệnh hành pháp năm 2017 do cựu Tổng thống Donald Trump ký — nhằm giảm sự phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu khoáng sản quan trọng từ nước ngoài.

Lầu Năm Góc cũng đang tài trợ cho một cơ sở xử lý và phân tách đất hiếm nặng ở Mountain Pass, nam California. Mountain Pass là nơi có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 8 thế giới.

Vào tháng 2, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trao hợp đồng trị giá 35 triệu USD cho MP Materials - chủ sở hữu mỏ Mountain Pass - để thiết kế và xây dựng cơ sở xử lý nguyên tố đất hiếm nặng (HREE) tại địa điểm sản xuất Mountain Pass của công ty.

Mỹ xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản để hạ bệ vị thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc
Toàn cảnh mỏ đất hiếm Steenkampskraal (SKK), cách thị trấn Vanrhynsdorp thuộc Western Cape Nam Phi khoảng 8km, ngày 29/07/2019. (Ảnh: RODGER BOSCH / AFP qua Getty Images)

Động thái từ các nhà lập pháp Mỹ

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã thông qua nhiều luật để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến đất hiếm.

Ví dụ: Các Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Cộng hòa - Arkansaw) và Mark Kelly (Dân chủ - Arizona) hồi tháng 01/2022 đã giới thiệu một dự luật, trong đó cấm sử dụng kim loại đất hiếm của Trung Quốc trong các hệ thống quân sự nhạy cảm vào năm 2026 và tạo ra một năm dự trữ chiến lược các nguyên tố và sản phẩm đất hiếm vào năm 2025.

Một dự luật khác do các Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa - Florida) và Cindy Hyde-Smith (Cộng hòa - Mississippi) giới thiệu hồi tháng 4 sẽ giúp Bộ Năng lượng Mỹ thúc đẩy các cơ sở sản xuất đất hiếm tại Mỹ phát triển, với mục đích giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cát Duyên

Theo Anne Zhang & Sean Tseng - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản để hạ bệ vị thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc