Nghề đầu bếp từ ngàn năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu nói “Dân vĩ thực vi thiên” (người dân coi cái ăn quan trọng như trời) vốn có lịch sử từ rất xa xưa trong văn hóa ẩm thực Á Đông.

Để nấu được những món ăn cao lương mỹ vị, tất nhiên phải có một nhóm đầu bếp tay nghề tinh xảo và nền tảng vững chắc. Ở nhà, phụ nữ thường chịu trách nhiệm ngày nấu cơm ba bữa; nhưng trong các nhà hàng, quán rượu chúng ta thấy hầu hết đầu bếp lại do nam giới đảm đương. Và điều này cũng xảy ra trong lịch sử Trung Quốc, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Dưới đây là câu chuyện về một nữ đầu bếp ở triều đại nhà Tống.

Những đầu bếp nổi tiếng ở Trung Quốc cổ đại, chẳng hạn như Bành Khanh thời Đế Nghiêu, Dịch Nha thời Xuân Thu, Y Doãn thời Thương Thang, Chuyên Chư thời Xuân Thu nước Ngô, v.v., đều là nam giới.

Y Doãn được coi là ông tổ của đầu bếp Trung Quốc. Ông vốn ban đầu là món quà hồi môn, tới làm đầy tớ cho vua Thương Thang, và trở thành đầu bếp của Thương Thang. Với thân phận thấp kém, ông không cam tâm chỉ làm một kẻ đầy tớ, vì vậy đã nhân cơ hội dâng đồ ăn cho vua Thương Thang để phân tích tình hình thiên hạ. Vua Thương Thang nghe xong rất ngưỡng mộ ông, bèn phong ông làm thừa tướng. Sau đó, Y Doãn đã giúp vua Thương Thang tiêu diệt triều Hạ và trở thành danh tướng thời đại. Đồng thời ông còn có một số lý thuyết nấu ăn được truyền từ đời này sang đời khác, do đó ông được người đời gọi là Thánh bếp.

Vào thời nhà Chu, Lạc Dương là kinh đô, hoàng tộc nhà Chu có khoảng 2.000 người làm bếp, nhưng trong số họ không có người phụ nữ nào trực tiếp tham gia nấu nướng. Cho đến thời Đông Hán và các triều đại Ngụy, Tấn, mặc dù văn hóa ẩm thực ở Lạc Dương đã phát triển hơn, nhưng qua những bức tranh vẽ về yến tiệc và cảnh nấu ăn trong bếp được khai quật từ những ngôi mộ, người ta có thể thấy rằng hầu hết các đầu bếp thời đó vẫn là nam giới. Có thể thấy, từ xa xưa hầu hết các đầu bếp đa phần đều là nam giới đảm đương.

Nghề nữ đầu bếp trong triều đại nhà Tống

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có đầu bếp nữ nào cả. Lấy triều đại nhà Tống làm ví dụ, các nữ đầu bếp chuyên nghiệp đã xuất hiện vào thời nhà Tống. Các “nữ đầu bếp” không phải là người hầu làm việc vặt, họ tinh thông cả cầm kỳ thi họa, được huấn luyện nghiêm chỉnh, phẩm hạnh tao nhã, có tài nấu nướng. Họ là những đầu bếp cao cấp chuyên phục vụ những gia đình quyền quý. Trong sách ghi chép của nhà Tống có kể lại một câu chuyện về nữ đầu bếp thời đó, có thể hé mở cho chúng ta thấy phong thái và diện mạo của nữ đầu bếp thời nhà Tống khác với các thời đại khác.

Trong “Giang hành tạp lục” kể rằng: Một vị quan Thái thú tới tuổi già cáo lui về quê. Ông nhớ lại việc bản thân từng được mời tới dùng cơm ở nhà một vị quan nọ ở kinh đô, món nào cũng ngon vô cùng. Khi ông hỏi ra mới biết những món ăn đó là do ‘nữ đầu bếp’ của nhà vị quan đó làm. Vì thế, quan Thái thú cũng rất mong muốn mời một đầu bếp về quê hương mình, để cho người thân và bạn bè nếm thử các món ăn đặc biệt, mở rộng tầm mắt.

Ông viết thư nhờ bạn bè ở Kinh thành tìm giúp đầu bếp, nhưng người bạn viết thư trả lời rằng: “Mặc dù có nữ đầu bếp nhưng họ đều không muốn đi xa nên hiện tại không có ai cả”.

Vị quan già nhận được thư trả lời mà lòng không tránh khỏi phiền muộn, may mắn thay, không lâu sau ông nhận được bức thư thứ hai, người bạn cho biết đã tìm được người thích hợp cho ông: “Đầu bếp này khoảng 20 tuổi, biết đọc biết tính toán, ngoại hình ưa nhìn, chưa kể kỹ năng nấu ăn tuyệt vời”.

Vị quan già rất vui mừng và mỗi ngày đều mong ngóng chờ đợi người nữ đầu bếp đến. Sau gần một tháng, người nữ đầu bếp cuối cùng cũng đến quê nhà của vị quan già, nhưng cô không trực tiếp vào nhà vị quan, mà ở trong một quán trọ cách đó năm dặm. Cô viết thư một cách cung kính và ngay ngắn, trong thư ngoài việc ca ngợi vị quan già, cô còn lễ phép yêu cầu ông cử người mang kiệu ấm đến đón cô, và nói rằng như vậy mới phù hợp thể diện.

Sau khi nhận được lá thư này, đương nhiên vị quan vội vàng phái người mang kiệu tới nghênh đón cô. Khi nữ đầu bếp bước vào trong phủ, mọi người không khỏi tò mò quan sát cô. Họ nhận ra rằng quả thực cô rất khác với những người phụ nữ bình thường, váy áo lộng lẫy, phong thái tao nhã. Vị quan tâm đắc, mừng rỡ, mong ngày hôm sau cô sẽ nấu cho mọi người những món ngon, cao lương mỹ vị.

Ngày hôm sau, vị quan nói với nữ đầu bếp: “Trước tiên cô có thể chuẩn bị một bàn năm khay và năm bát đồ ăn bình thường là được”. Sau khi nghe xong, người nữ đầu bếp ngay lập tức lập dự tính thực đơn mua đồ và đưa cho vị quan xem. Vị quan nhìn mà kinh hãi. Hóa ra trong đó chỉ có thịt đầu cừu, mà lại cần tới mười cái đầu cừu và năm cân hành lá. Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên mời đầu bếp nên ông không tiện từ chối, nên đành sai người đi mua theo đúng như thế.

Sau khi nguyên liệu được chuẩn bị xong, người nữ đầu bếp thay bộ quần áo gấm lộng lẫy thành váy hoa thường, rồi sai a hoàn mở những cái hòm mang theo, trong đó có đầy đủ đồ nghề của cô như dao bếp, thớt, nồi... Hơn nữa, cô còn mang theo những bộ đồ ăn tinh xảo, tất cả đều được làm bằng bạc, tỏa sáng rực rỡ và khiến mọi người hết lời khen ngợi.

Sau khi a hoàn chuẩn bị xong nguyên liệu nấu ăn, người nữ đầu bếp nhẹ nhàng xắn tay áo, để lộ chiếc vòng bạc sáng bóng trên đôi tay mịn màng. Cô thái rau và cắt thịt với những động tác thành thạo và điêu luyện. Điều kỳ lạ là: hầu như tất cả các thành phần chỉ sử dụng một hoặc hai phần mười trong đó. Ví dụ, đầu cừu được chần trong nước sôi và vớt ra, chỉ giữ lại hai miếng thịt trên mặt cừu để sử dụng sau, phần còn lại thì vứt đi. Hành cũng chần qua nước nóng một lúc, chỉ chừa lại phần non ở giữa, phần còn lại bỏ đi. Khi những người khác hỏi tại sao, cô ấy nói rằng: “Ngoài những cái này ra, tất cả thứ còn lại quý nhân không ăn”.

Những món ăn được chế biến từ những nguyên liệu tinh túy theo cách này dĩ nhiên nhận được sự tán thưởng của mọi người, những người ăn đều nói: “Thơm ngon và rất giòn”. Vị quan cũng lấy làm hãnh diện, nhưng bữa ăn đơn giản này lại khá xa xỉ.

Người nữ đầu bếp nhẹ nhàng xắn tay áo, để lộ chiếc vòng bạc sáng bóng trên đôi tay mịn màng. (Tranh Epoch Times)

Ngày hôm sau, người nữ đầu bếp nói: “Hôm qua tôi đã nấu thử, may mắn là các thượng khách vừa ý, xin thưởng cho tôi như thường lệ”.

Vị quan không hiểu ý, nữ đầu bếp giải thích rằng trong nghề có quy ước, theo thông lệ xưa, nếu là bữa tiệc lớn thì cần thưởng cho nữ đầu bếp “10 ngàn xâu tiền, 20 xếp lụa”, còn nếu như chỉ là một bữa ăn tự nấu bình thường, thưởng giảm một nửa là được.

Mặc dù cảm thấy rất tốn kém, nhưng vị quan vẫn chỉ còn cách thưởng theo lệ, nhưng trong lòng thầm than: “Với nhân lực yếu kém như chúng ta, thường xuyên tổ chức yến tiệc như vậy là không thích hợp, thuê nữ đầu bếp như vậy cũng không thích hợp”.

Trên thực tế, lý do thực sự là chi phí thuê một nữ đầu bếp thực sự quá đắt. Không lâu sau, vị quan tìm cớ để cô ra đi.

Một đầu bếp duyên dáng, tao nhã và tinh tế như vậy đã hoàn toàn phá bỏ định kiến ​​​​về đầu bếp thời cổ xưa của chúng ta. Mặt khác, nó cũng chứng minh văn hóa ẩm thực thời Tống đã đạt đến trình độ rất cao, mới có thể sản sinh ra những đầu bếp chuyên nghiệp như vậy để phục vụ cho giới nhà giàu quý tộc.

Theo Lâm Mỹ Tuyền - NTDTV

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghề đầu bếp từ ngàn năm trước