Nghệ thuật nói chuyện làm cho người nghe cảm thấy thoải mái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói chuyện kiểm soát được tâm thái sẽ khiến người nghe cảm thấy như gió xuân, ngược lại có thể khiến người nghe cảm thấy như có gai trên lưng. Nói chuyện quanh co là không tốt, nhưng quá trực tiếp đôi khi có thể làm tổn thương người khác.

Nói là một môn nghệ thuật. Châm chọc khiêu khích, chanh chua trong lời nói làm người ta phản cảm. A dua nịnh hót, những lời tâng bốc và xu nịnh khiến mọi người cảm thấy không chân thật; thích lên mặt dạy đời, vênh mặt hất hàm sai khiến làm cho người khác khó chịu; những lời quan tâm, thiện ý thì khiến mọi người cảm thấy thân thiết.

Cái gọi là "Cái mình không muốn thì đừng làm cho người khác", chúng ta không muốn nghe người khác nói những điều khiến mình khó chịu, vậy thì chúng ta cũng nên tôn trọng người khác khi nói. Nói chuyện “Làm cho người ta thoải mái" và "không đúng sự thật" hoặc "Đạo đức giả" là hai chuyện khác nhau. Vì giao tiếp với mọi người, phải thể hiện theo cách mà người khác có thể chấp nhận, để mọi người có thể hiểu ý bạn hoặc chấp nhận đề xuất của bạn. Khi nói chuyện với mọi người, hãy ghi nhớ những điều sau:

Tránh nói với người khác bằng giọng "bề trên"

Khi chúng ta tỏ thái độ đề cao khi nói chuyện với ai đó, hẳn người kia sẽ không thoải mái. Nếu bạn là sếp, bạn sẽ quát tháo cấp dưới hết mức, ngoài mặt tuy họ phục tùng nhưng trong lòng chắc hẳn rất không phục, vì bạn đã làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Nếu mọi người đều có địa vị như nhau, bạn lại luôn dùng giọng điệu “chỉ dạy người khác” để nói chuyện với mọi người, họ sẽ cảm thấy “Bạn tự cho mình là rất giỏi?”.

Khi người khác nghĩ rằng địa vị của bạn cao hơn họ, bạn nói "tuyệt vời", "không tệ", "làm tốt lắm", v.v., người khác sẽ cảm thấy rất vui và sẽ nghĩ rằng đó là sự khích lệ và khẳng định. Tuy nhiên, nếu đối phương cảm thấy địa vị của họ ngang bằng với bạn mà bạn lại sử dụng kiểu tuyên bố “trên so với dưới” như thế sẽ khiến người khác cảm thấy không thoải mái.

Khi đối phương không muốn lắng nghe bạn, xin đừng nói quá nhiều

Thời điểm để nói là khi ai đó yêu cầu bạn giúp đỡ hoặc muốn nghe lời khuyên của bạn. Đừng nghĩ rằng “chủ động nói lời thật thì khó nghe” sẽ giúp ích cho người khác. Khi đối phương không muốn nghe thì dù bạn có nói đến thế nào họ cũng không nghe, đôi khi còn gây tác dụng ngược, khiến người khác cảm thấy bạn cao ngạo với họ. Mình quản chuyện của mình, tự cho mình là đúng đi giúp đỡ người khác đôi khi lại phản tác dụng.

Sử dụng phép ẩn dụ để khiến người kia nghĩ theo cách khác

Khi ai đó chủ động hỏi bạn về những khuyết điểm của anh ấy, cách trả lời tốt nhất là không nên trực tiếp chỉ ra mà hãy cố gắng để anh ấy nhìn nhận bản thân theo cách của một bên thứ ba. Có hai phương pháp: Phương pháp thứ nhất là sử dụng phép ẩn dụ. Khi giải thích một câu chuyện có cùng tính chất, trọng tâm của nhân vật chính được chuyển sang các nhân vật khác, để đối phương trước tiên loại bỏ áp lực khỏi bản thân và dễ dàng suy nghĩ khách quan hơn. Nếu điểm yếu của bên kia là “tự kiêu”, bạn có thể kể một câu chuyện, áp dụng tình huống tương tự, để đối phương cảm nhận và xem nếu đó là bạn thì có khó chịu không. Thứ hai là hướng dẫn anh ấy bằng những câu hỏi, sử dụng cụm từ “bạn nghĩ rằng… bạn sẽ…” để anh ấy vào tình huống và khám phá ra vấn đề của chính mình.

Tránh nói những lời buộc tội

"Tại sao bạn lại làm điều này?" "Tại sao bạn không nghĩ đến hậu quả?" "Bạn không biết rằng điều này sẽ ...?" Nghe những lời buộc tội, ai cũng sẽ khó chịu ngay cả khi bạn nói có lý, vì nó nghe không thoải mái. Thay vì đổ lỗi trực tiếp, hãy hiểu động cơ của người kia trước. Bạn có thể hỏi những câu như: "Lý do bạn muốn làm điều đó là gì?" "Có phải bạn làm điều đó vì...?" "Ồ! Tôi có thể hiểu bạn, nhưng những người khác có thể không suy nghĩ như vậy". Điều này không chỉ giúp đối phương phát hiện và sửa chữa sai lầm của mình mà còn không gây ra gánh nặng về tâm lý.

Cân nhắc cảm xúc của người khác

“Lời nói tử tế thì ấm ba mùa đông, lời nói ác ý tổn thương người thì sáu tháng lạnh”. Nói chuyện không thể nói quá tùy tiện, đôi khi một lời nói vô tình cũng có thể làm tổn thương người khác, và những lời ác ý lại càng không chấp nhận được. Đôi khi vô tình nói sai thì phải kịp thời xin lỗi, nếu không sẽ làm tổn thương tình cảm, sinh lòng thù hận. Mặc dù nói đùa có thể tạo ra bầu không khí nhưng bạn cũng nên chú ý đến mức độ và đối tượng, không phải ai cũng thích đùa.

Đừng nói những lời thị phi, dối trá, tầm phào, bởi chúng sẽ làm tổn thương người khác và làm hỏng hình ảnh của bạn. Nếu bạn nói xấu bên thứ ba trước mặt người khác, người khác sẽ nghĩ: Vậy bạn cũng nói xấu tôi trước mặt người khác?

Đừng quá chủ quan và cũng đừng dễ dàng bình phẩm về người khác. Vài giây trước khi nói chuyện là thời điểm để thực hành “đặt mình vào vị trí người khác” để suy nghĩ về cảm giác của đối phương khi nghe bạn nói.

Đừng hỏi những câu không nên hỏi

Một số người rất hay buôn chuyện và hỏi mọi người về tuổi tác, mức lương, tình trạng gia đình,... ngay khi gặp mặt, điều này khiến mọi người cảm thấy mất lịch sự. Mỗi người đều có quyền riêng tư của mình, giữa mọi người cần có khoảng cách an toàn. Đừng tò mò quá mức đặt ra những câu hỏi không nên hỏi, một số điều không nên biết vẫn tốt hơn là biết.

Hy vọng khi nói chuyện mọi người có thể suy nghĩ đến cảm nhận của người khác và biến mình thành một người mà người khác nguyện ý, thích ở bên và cảm thấy thoải mái.

Tố Như

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ thuật nói chuyện làm cho người nghe cảm thấy thoải mái