Nghiên cứu: Loài chó sống ở khu vực Chernobyl có những tiến hóa khác biệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một số bằng chứng cho thấy những con chó sống trong Khu vực Loại trừ Chernobyl (CEZ) đang trải qua quá trình tiến hóa nhanh chóng do những điều kiện khắc nghiệt mà chúng phải đối mặt.

Một nghiên cứu mới đã xem xét DNA của những con chó lang thang gần tàn tích nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và phát hiện ra rằng, việc tiếp xúc với bức xạ hạt nhân có thể là lý do khiến chúng khác biệt về gen so với những con chó ở phần còn lại của thế giới.

Tác giả nghiên cứu Elaine Ostrander, nhà di truyền học tại Viện Nghiên cứu Gen người Quốc gia của NIH (Hoa Kỳ), nói với IFLScience rằng:

“Tôi nghĩ điều đáng chú ý nhất về nghiên cứu là nó xác định được quần thể chó sống trong và dưới bóng của lò phản ứng, chúng tôi có thể biết những con chó đó là gì chỉ bằng cách xem xét hồ sơ DNA của chúng. Việc nghĩ đến các quần thể sống gần các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng là điều không thể tin được và nó nói lên khả năng phục hồi của loài chó”.

Khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bị con người bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân năm 1986, hiện tại khu vực này là nơi sinh sống của rất nhiều chó hoang.

Những con chó sống trong khu vực loại trừ phải tiếp xúc với mức độ bức xạ cao, nhiệt độ khắc nghiệt cùng khả năng tiếp cận thức ăn và nước uống hạn chế.

Trong môi trường này, chỉ những cá thể mạnh nhất và dễ thích nghi nhất mới có khả năng sống sót và sinh sản, dẫn đến những thay đổi về bộ gen và quần thể của chúng theo thời gian.

Những con chó đột biến để làm tăng khả năng sống sót

Bà Elaine Ostrander cũng là một chuyên gia về gen của loài chó tại Viện Nghiên cứu Gen người Quốc gia (Mỹ), nói với New York Times rằng nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu răng nanh “đột biến có cho phép chúng sống và sinh sản thành công ở khu vực này không?”

Nữ chuyên gia cũng cho biết họ đang tìm hiểu các thách thức mà những con chó phải đối mặt và "làm thế nào để chúng đối phó về mặt di truyền?"

Thật vậy, nghiên cứu mới phát hiện ra rằng những con chó sống tại Khu vực loại trừ Chernobyl bị bỏ hoang có sự khác biệt về gen rõ rệt so với những con chó sống ở nơi khác, kể cả ở Thành phố Chernobyl gần đó, vốn chỉ cách Nhà máy điện Chernobyl 10 dặm.

Theo giả thuyết của các nhà khoa học, đây có thể là kết quả của một đột biến hoặc thậm chí là sự tiến hóa xảy ra do chúng tiếp xúc với bức xạ trong khu vực.

Trong một nghiên cứu tương tự trước đó được công bố vào năm 2021, người ta phát hiện ra rằng những con chó trong khu vực loại trừ có tỷ lệ gen liên quan đến quá trình trao đổi chất và sửa chữa DNA cao hơn so với những quần thể chó khác. Điều này cho thấy rằng những con chó này có thể đã tiến hóa các cơ chế để đối phó với các tác động của việc phơi nhiễm bức xạ.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, những con chó đang sống trong CEZ có thể có nguồn gốc từ vật nuôi của những người sống trước đây trong khu vực.

Bà Ostrander giải thích: “Chúng tôi thấy rằng những con chó sống trong khu vực loại trừ hiện nay có khả năng là hậu duệ của vật nuôi từ những người chạy trốn khỏi khu vực khi vụ nổ xảy ra. Ngày nay, chúng ta có thể thấy lịch sử của những con vật cưng đó được khắc trong DNA của loài chó sống trong CEZ”.

Các nhà khoa học hoài nghi

Tuy nhiên, một số nhà khoa học nghi ngờ về những phát hiện mới cho rằng bức xạ ảnh hưởng đến DNA của quần thể chó ở Chernobyl. Theo đó, họ chỉ ra rằng giao phối cận huyết và các yếu tố khác cũng sẽ có ảnh hưởng.

Ông Jim Smith, một nhà khoa học môi trường tại Đại học Portsmouth (Anh) và không tham gia nghiên cứu, nhưng có kinh nghiệm hàng thập kỷ với công việc tương tự, nói rằng ông lo ngại nhiều người sẽ nghĩ theo hướng “bức xạ có thể tạo ra tác động nào đó”, nhưng thực tế thì “không có bằng chứng về điều này”.

Trả lời phỏng vấn với Science News, ông Smith cho biết: “[Những nghiên cứu này] rất khó… có rất nhiều thứ khác đang diễn ra trong môi trường tự nhiên. Hơn nữa, động vật có thể gặt hái một số lợi ích khi con người rời khỏi khu vực bị ô nhiễm”.

Trong khi đó, Tim Mousseau, một trong những người tham gia nghiên cứu và là Giáo sư Khoa học Sinh học tại Đại học Nam Carolina, nói với IFLScience: “Giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu này sẽ liên quan đến việc tăng độ phóng đại lên mức toàn bộ gen và cấu trúc của nó”.

Ông nói: “Tôi không thể nhấn mạnh điều này mang tính cách mạng như thế nào. Chúng tôi đã có thể thực hiện loại nghiên cứu này cho người và động vật trong phòng thí nghiệm ở những nơi có ngân sách cao. Hiện tại chúng ta đang ở giai đoạn mà công nghệ này có thể được áp dụng cho bất kỳ hệ thống nào và ở bất kỳ đâu”.

Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù những con chó trong khu vực loại trừ có thể đang tiến hóa nhanh chóng, nhưng điều này không có nghĩa là chúng đang phát triển mạnh hoặc hoàn cảnh của chúng là lý tưởng.

Những điều kiện khắc nghiệt mà chúng phải đối mặt vẫn đặt ra nhiều thách thức đáng kể đối với sự sống còn của chúng, các nỗ lực đang được thực hiện để cải thiện điều kiện sống của chúng thông qua các chương trình tiêm chủng và thiến.

Thảm họa Chernobyl một tai nạn thảm khốc

Vụ nổ Chernobyl là một tai nạn hạt nhân thảm khốc xảy ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine, khi đó là một phần của Liên Xô.

Vụ nổ xảy ra do sự kết hợp giữa lỗi thiết kế và lỗi của người vận hành trong quá trình kiểm tra an toàn của một trong các lò phản ứng.

Vụ nổ và các đám cháy sau đó đã giải phóng một lượng lớn các hạt phóng xạ vào khí quyển, gây ô nhiễm lan rộng cho khu vực xung quanh và hơn thế nữa.

Thành phố Pripyat gần đó đã được sơ tán và một khu vực cách ly 30km được thiết lập xung quanh nhà máy để ngăn ngừa ô nhiễm.

Thảm họa có tác động tàn phá đến môi trường và sức khỏe của người dân địa phương, ước tính có khoảng 4.000 người chết do phơi nhiễm phóng xạ và các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài như ung thư và các bệnh khác.

Toàn bộ thiệt hại do thảm họa gây ra vẫn đang được nghiên cứu và tranh luận, nhưng rõ ràng đây là một trong những vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử.

Những nỗ lực để làm sạch địa điểm và ngăn chặn bức xạ đã được tiến hành kể từ sau vụ tai nạn, nhưng khu vực này vẫn bị ô nhiễm và có khả năng duy trì như vậy trong nhiều thế kỷ tiếp theo.

Thảm họa cũng có những tác động chính trị và xã hội sâu rộng, góp phần vào sự sụp đổ của Liên Xô, đồng thời thay đổi cách nhìn nhận và quản lý năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới.

(*) Ảnh chủ đề: Jorge Franganillo Flickr - CC BY 2.0

Theo Irina Antonova từ The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Loài chó sống ở khu vực Chernobyl có những tiến hóa khác biệt