Nghiên cứu: Vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể kém hiệu quả trước biến thể Nam Phi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới gần đây cho thấy, vaccine của AstraZeneca dường như thất bại trước những trường hợp nhiễm COVID-19 biến thể Nam Phi nhẹ và trung bình...

Theo tờ Financial Times đưa tin, trong thử nghiệm lâm sàng và xét nghiệm máu của những người được tiêm chủng cho thấy, vaccine AstraZeneca “không cho thấy khả năng bảo vệ cơ thể trước nhiễm biến thể 501Y.V2 ở mức độ nhẹ và trung bình”.

Biến thể 501Y.V2 còn gọi là biến thể Nam Phi, một trong những biến thể có tốc độ lây lan nhanh, và có khả năng đề kháng vaccine.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu do trường Đại học Witwatersrand và Đại học Oxford của Nam Phi dẫn đầu, họ vẫn chưa xác định được hiệu quả của vaccine AstraZeneca đối với những trường hợp nặng do biến thể Nam Phi gây ra, cũng như nguy cơ nhập viện và tử vong của những bệnh nhân nhiễm phải biến chủng này.

Các chuyên gia y tế vẫn lạc quan

Tại trường Đại học Oxford - nhà đồng phát triển vaccine với AstraZeneca, GS Sarah Gilbert cho biết bà đã thấy bằng chứng từ các nhà phát triển vaccine khác về việc “giảm hiệu quả chống lại một số loại virus biến thể”.

“Điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể không làm giảm tổng số trường hợp nhiễm virus, nhưng vẫn có thể giúp các trường hợp đó chống lại nguy cơ trở nặng, nhập viện và tử vong.” - GS Sarah Gilbert chia sẻ trong chương trình Andrew Marr Show của đài BBC.

Bà cho biết thêm rằng “điều đó thực sự quan trọng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe”, vì áp lực đối với các bệnh viện có thể giảm bớt nếu vaccine giúp hạn chế mọi người đến bệnh viện.

Đồng thời, GS Gilbert cho biết nhóm của bà đã có "một phiên bản vaccine cho biến thể Nam Phi”, mặc dù nó chưa thực sự sẵn sàng.

“Thật dễ dàng để thích nghi với công nghệ, phát triển một loại vaccine mới sẽ phải trải qua một vài thử nghiệm lâm sàng nhỏ, nhưng không có nhiều như số lượng chúng tôi đã phải trải qua vào năm ngoái”.

Trước nghiên cứu mới này, Peter Openshaw, giáo sư y học thực nghiệm tại Đại học Imperial College London, cho biết: “Các loại vaccine có hiệu quả chống lại bệnh nặng hơn có thể không có hiệu quả đối với các dạng bệnh nhẹ hơn, vì vậy có thể lạc quan rằng bệnh nặng vẫn sẽ được ngăn ngừa bằng vaccine ban đầu bất chấp các chủng đột biến”.

“Ngoài ra, nhiều loại vaccine hiện đã được chứng minh là có hiệu quả có thể được thiết kế lại tương đối dễ dàng để đối phó với các dạng đột biến mới nổi”.

Trước những nguy cơ đột biến của virus COVID-19, Bộ trưởng Anh Nadhim Zahawi cho biết, rất có thể sẽ có một đợt “tiêm chủng tăng cường” vào mùa thu, và sau đó là tiêm chủng hàng năm.

Chúng tôi thấy rất có thể sẽ có một đợt tiêm phòng tăng cường vào mùa thu và sau đó là hàng năm - theo như cách đã thực hiện với virus cúm. Cách làm là khi nhìn vào biến thể của virus đang lây lan khắp thế giới, bạn nhanh chóng sản xuất ra một phiên bản vaccine và sau đó bắt đầu tiêm chủng và bảo vệ quốc gia.” - ông chia sẻ trên Andrew Marr Show.

Hiện tại, một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi đang được tiến hành trên 2.026 người có xét nghiệm HIV âm tính, với độ tuổi trung bình là 31. Một nửa nhóm này được tiêm ít nhất một liều giả dược, trong khi nửa còn lại nhận ít nhất một liều vaccine Oxford/AstraZeneca. Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine trên nhóm bệnh nhiễm biến thể Nam Phi nặng.

Thiện Đức
- Theo ET tiếng Anh.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể kém hiệu quả trước biến thể Nam Phi