Người không có tầm còn đáng sợ hơn là không có tiền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có người nói: “Cái gọi là có tầm, tức là chỉ tiêu chuẩn cao, tầm nhìn rộng, chiều sâu tư duy, sự điềm tĩnh và rộng lượng mà bạn thể hiện”. Đó là điều hiển nhiên, phạm vi nhận thức của một người đủ để xác định phương hướng tương lai của người đó.

Không có tầm đáng sợ hơn không có tiền. Người không có tiền có thể dựa vào trí tuệ và sức lao động để có được nhưng người không có tầm sẽ rơi vào cảnh khốn cùng, cả đời khó thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn chật hẹp.

Tầm quyết định độ cao của cuộc đời

Khổng Tử nói: "Quân tử bất khí", chỉ những người có tầm nhỏ thì mới đặt ra giới hạn cho mình ở mọi nơi, chỉ nhìn vào hiện tại, không nhìn vào tương lai. Họ không thấy những người xung quanh tốt hơn mình, không thể hiểu được sự không công bằng trên đời. Họ sẽ luôn bị mù quáng bởi những cái được và mất trước mắt, mất nhiều thời gian để điều chỉnh tâm lý của mình.

Tầm quyết định tầm cao của cuộc sống. (Pexels)

Trong cuộc sống, sau khi mua một thứ gì đó, một số người sẽ có thói quen so sánh giá cả, nhưng họ không biết rằng, nó thể hiện cái tầm của chính họ chỉ nằm ở chút chênh lệch giá rất nhỏ đó thôi.

Một người ăn xin không bao giờ ghen tị với những người giàu có, mà chỉ ghen tị với những người bạn ăn xin hơn mình, nó thể thiện cái tầm của họ chỉ đáng giá vài nghìn, vài chục nghìn từ những người bố thí.

Cái tầm quyết định chiều cao của cuộc sống, và một người có tầm nhỏ sẽ không thể đạt đến đỉnh cao cho dù có leo lên như thế nào. Vì công sức của họ đều dùng vào tính toán so đo, làm việc vô ích. Khi gặp phải một số chuyện nhỏ nhặt, cảm thấy trời như sập xuống, rất khó điều chỉnh tâm lý để xoay chuyển tình thế.

Cái tầm của một người như thế nào sẽ quyết định kết cục cuộc đời của họ như thế ấy.

Những người có tầm lớn đều có một trái tim bình thường, họ sẽ không buồn hay vui vì những cái được hay cái mất nhất thời, mà sẽ chỉ nhìn về tương lai với một tâm thái thản nhiên.

Làm việc xem năng lực, làm người xem tầm

Có câu nói thế này: “Thương gia nhỏ làm việc, thương gia vừa làm thị trường, thương gia lớn làm người”.

Năng lực có thể làm nên sự nghiệp, tầm có thể thành tựu con người.

Hồ Tuyết Nham từ một cậu bé không xu dính túi trở thành người giàu có nhất vào cuối triều đại nhà Thanh gắn liền với cái tầm của ông.

Một lần, có doanh nhân đang trên bờ vực phá sản, cần một lượng vốn lớn để quay vòng, vì vậy đã tiếp cận Hồ Tuyết Nham, đưa ra mức giá thấp với hy vọng anh ấy sẽ mua tài sản của mình.

Năng lực có thể làm nên sự nghiệp, tầm có thể thành tựu con người. (Pexels)

Sau khi Hồ Tuyết Nham điều tra kỹ lưỡng, phát hiện tài sản của doanh nhân này giá trị hơn so với mức giá thấp mà doanh nhân đưa ra, vì vậy ông đã mua nó theo giá thị trường.

Người thương gia rất ngạc nhiên về điều này: "Cảm ơn, chân thành cảm ơn ông, nhưng tôi thực sự không hiểu, tại sao ông không nhận món hời đã đến tận tay rồi?".

Hồ Tuyết Nham cười và nói: "Những thứ này, tôi sẽ giữ chúng cho ông. Khi ông vượt qua khó khăn, ông có thể đến chuộc lại những đồ của mình bất cứ lúc nào".

Hồ Tuyết Nham đã không lợi dụng nguy nan để ép giá, xem ra có vẻ như ông đã chịu thiệt, nhưng thực sự là đã kiếm được lương tâm. Ông coi giao dịch này là một sự giải cứu, không phải là một công việc kinh doanh, trong khi giúp đỡ người khác, ông cũng thành tựu chính mình.

Trong lĩnh vực kinh doanh, đối với ông mà nói, sẽ không bao giờ xảy ra xung đột lợi ích mà hơn hết là đôi bên cùng có lợi, đó là chìa khóa giúp ông kinh doanh ngày càng phát triển.

Những người bỏ lợi để đạt được nghĩa, cuối cùng sẽ nhờ nghĩa mà thu được lợi.

Đối nhân xử thế thể hiện cái tầm

Để đánh giá một người có tầm lớn hay không, thì có thể biết bằng cách nhìn vào cách anh ta đối nhân xử thế. Những người có tầm lớn luôn có thể nhìn thấy điểm tốt của người khác, nhìn những người xung quanh với sự đánh giá cao.

Họ thường có thái độ khiêm tốn, lựa chọn cái tốt của người khác để học, cùng bạn bè hỏi lẫn nhau và cùng tiến bộ. Họ không bao giờ so sánh quá nhiều với người khác, chỉ so sánh với chính mình trong quá khứ để đạt được sự trưởng thành hơn.

Những người có tầm lớn luôn có suy nghĩ nhân hậu và lòng trắc ẩn, họ khoan dung với người khác. Bởi họ biết rất rõ vàng không có vàng ròng, không ai là hoàn hảo, con người dù có cẩn thận đến đâu cũng sẽ mắc sai lầm. Hơn nữa, không phải ai cũng có xuất phát điểm và lợi thế giống mình.

Đối nhân xử thế thể hiện cái tầm. (Pexels)

Những người có tầm lớn phần nhiều là người biết ơn, thường báo đáp lòng tốt của người khác “nhận ân một giọt báo ơn một dòng". Trong mắt họ, tất cả những gì họ nhìn thấy là thế giới tươi đẹp. Bên tai họ, những gì họ nghe được đều là những lời tử tế.

Một người nhìn thấy những gì thì chính là những gì trong lòng mình nghĩ, những gì nghe thấy bên tai chính là những gì ta nghĩ trong lòng.

Từng lời nói và hành động là nhân cách, cư xử trong cuộc sống, thể hiện cái tầm của người đó. Những người có tầm lớn không chỉ có nhiều cơ hội trong sự nghiệp, mà còn bước đi thuận lợi trên đường đời.

Những người có kế hoạch lớn trước tiên nên chú ý đến cái tầm. Một người có tâm tầm như thế nào thì sẽ có số mệnh như thế đó. Chỉ nhìn người trước mắt thì khó tiến xa, kẻ chỉ ham lợi nhỏ khó có lãi lớn.

Tục ngữ có câu “Một chiếc lá che mắt, không thấy được Thái Sơn”, đừng bao giờ bị hiện tượng cục bộ trước mặt làm cho mù quáng che mất đại cục. Chỉ bằng cách nhìn lâu hơn, chúng ta mới có thể thấy nhiều cảnh khác nhau hơn.

Theo Vương Hòa - Aboluowang
Ngọc Liên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người không có tầm còn đáng sợ hơn là không có tiền