Nhật Bản phái chuyên gia xử lý bom đến kiểm tra ‘quả cầu kim loại bí ẩn' dạt vào bờ biển

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia về chất nổ của Nhật Bản đã được triệu tập để điều tra một vật thể hình cầu lớn không rõ nguồn gốc dạt vào một bãi biển của Nhật Bản hôm thứ Ba (21/2).

Hôm 21/2, một phụ nữ địa phương đã phát hiện ra quả cầu bí ẩn trên bãi biển Enshu của thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka (miền Trung Nhật Bản) và nhanh chóng trình báo cảnh sát. Hãng tin NHK News mô tả vật thể này là một "quả cầu kim loại" có đường kính 1,5 mét.

Theo các nguồn tin địa phương, quả cầu kim loại này dường như đã bị rỉ sét và có chốt ở hai đầu khối cầu cho thấy nó có thể được móc vào một thứ khác.

Cảnh sát đã phong tỏa khu vực xung quanh vật thể trong bán kính 200 mét và triệu tập các chuyên gia về chất nổ đến hiện trường để kiểm tra xem bên trong vật thể có chất nổ hay không. Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra bên trong vật thể bằng công nghệ tia X và phát hiện ra rằng vật thể rỗng.

Quả cầu bí ẩn xuất hiện trên bãi biển Nhật Bản hôm 21/2/2023. (Ảnh: Alina Claire/Twitter)

Sau đó, giới chức Nhật Bản xác định rằng quả cầu kim loại này không gây nổ. Do đó, khu vực phong tỏa đã được dỡ bỏ vào khoảng 4 giờ chiều ngày 21/2, theo đài FNN.

Tuy nhiên, nguồn gốc của quả cầu kim loại vẫn là một ẩn số.

Một người dân địa phương khác nói với đài NHK News rằng anh đã nhìn thấy vật thể này trên bãi biển khoảng một tháng trước.

khinh khí cầu do thám trung quốc, vật thể bay không xác định, ufo
Các thủy thủ trục vớt một khinh khí cầu do thám tầm cao từ mặt nước ngoài khơi bờ biển Nam Carolina vào ngày 5/2. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Liên tiếp xuất hiện vật thể lạ

Những lo ngại về sự xuất hiện của các vật thể đáng ngờ ngày càng tăng sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám nghi là của Trung Quốc vào ngày 4/2. Phản hồi về vụ việc, Bắc Kinh tuyên bố rằng đó là khinh khí cầu dân sự của nước này đang nghiên cứu khí tượng thì bị thổi bay chệch hướng khỏi lộ trình nên mới “đi lạc” vào không phận Hoa Kỳ.

Kể từ đó, Quân đội Mỹ đã liên tiếp phát hiện và bắn hạ thêm 3 vật thể bay không xác định: một cái trên bờ biển phía bắc của tiểu bang Alaska vào ngày 10/2, một cái ở khu vực Yukon của Canada vào ngày 11/2 và một cái ở Hồ Huron, tiểu bang Michigan, vào ngày 12/2.

Chính phủ Mỹ cho biết, các vật thể bị bắn hạ vì chúng gây ra mối đe dọa cho giao thông hàng không dân dụng.

Tổng thống Joe Biden ngày 16/2 tuyên bố rằng, 3 vật thể bay bị quân đội Mỹ bắn hạ nêu trên ‘rất có thể’ là các vật thể thuộc sở hữu của ‘các công ty tư nhân, tổ chức giải trí hoặc viện nghiên cứu’ và không liên quan đến chương trình do thám của Trung Quốc.

“Chúng tôi chưa biết 3 vật thể này là gì, nhưng hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy chúng có liên quan đến chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc hoặc các phương tiện giám sát từ bất kỳ quốc gia nào khác", Tổng thống Biden cho biết hôm 16/2.

vật thể bay không xác định, ufo
Khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay qua Bãi biển Myrtle, Nam Carolina, Hoa Kỳ, ngay trước khi bị bắn hạ. (Ảnh: Wikipedia)

Nhật Bản báo cáo về các vụ khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận

Hôm 14/2, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ "đặc biệt nghi ngờ" các khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đã xâm nhập vào không phận Nhật Bản ít nhất ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.

Theo truyền thông địa phương, 3 khinh khí cầu đã hiện diện trong không phận Nhật Bản ‘mỗi năm một lần’.

  • Ngày 20/11/2019, khí cầu đầu tiên được phát hiện tại quận Kagoshima, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản và một doanh trại của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (SDF).
  • Ngày 17/6/2020, khinh khí cầu thứ 2 được phát hiện tại tỉnh Miyagi, nơi đặt các căn cứ quân sự của Nhật Bản.
  • Ngày 3/9/2021, khinh khí cầu thứ 3 được phát hiện tại tỉnh Aomori, nơi đặt căn cứ Hải quân của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF).

Chính phủ Nhật Bản đã liên lạc với Trung Quốc và yêu cầu mạnh mẽ chính phủ nước này xác nhận sự thật về những sự cố trên và yêu cầu Bắc Kinh bảo đảm tình huống như vậy sẽ không xảy ra trong tương lai.

Đáp lại, ngày 15/2 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản “chớ làm ầm ĩ” về vụ khinh khí cầu do thám, đồng thời nói rằng Tokyo “nên giữ lập trường khách quan và vô tư, có cái nhìn đúng đắn về tình huống bất khả kháng và dừng theo Mỹ để suy đoán giả tạo và lợi dụng vụ việc”.

Nhật Bản nới lỏng quy định bắn hạ vật thể lạ xâm nhập không phận

Trong bối cảnh đó, vào tuần trước, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản đã thông qua đề xuất nới lỏng quy định nhằm cho phép nước này sử dụng vũ khí quân sự để bắn hạ máy bay không người lái xâm phạm không phận Nhật Bản.

Hiện tại, quy định hiện hành chỉ cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng “các biện pháp cần thiết” đối với máy bay nước ngoài xâm nhập không phận Nhật Bản, còn vũ khí chỉ được phép sử dụng trong trường hợp tự vệ chính đáng hoặc hành động cần thiết.

Như vậy, chính sách được đề xuất sẽ cho phép nước này sử dụng vũ khí để bắn hạ máy bay không người lái và các khinh khí cầu - những vật thể gây nguy hiểm cho giao thông hàng không dân dụng của nước này trong tương lai, ngay cả khi hành động đó không được coi là tự vệ chính đáng.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, họ sẽ tính đến sự an toàn của công dân và các chuyến bay của máy bay dân sự trước khi phê duyệt bất kỳ quyết định sử dụng vũ khí nào để bắn hạ máy bay không người lái theo quy định mới.

Hôm 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada khẳng định rằng quân đội Nhật Bản có thể thực hiện các bước cần thiết để bắn hạ các khinh khí cầu nước ngoài vi phạm không phận Nhật Bản nhằm bảo vệ công dân của nước này.

Theo ông Hamada, quân đội Nhật Bản sẽ được phép sử dụng vũ khí, bao gồm cả tên lửa không đối không, để bắn hạ khinh khí cầu nước ngoài theo luật mới của SDF.

"Các thiết bị phù hợp sẽ được sử dụng tùy theo tình hình khi thực hiện biện pháp này", ông nói với các phóng viên.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản phái chuyên gia xử lý bom đến kiểm tra ‘quả cầu kim loại bí ẩn' dạt vào bờ biển