Chiến sự Ukraine đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến Nga - Ukraine đang khuấy động những thay đổi sâu sắc về chính sách quốc phòng ở cả châu Âu và châu Á. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đang phải nghiêm túc xem xét khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tại châu Âu, ví dụ điển hình về biến động chính sách quốc phòng là việc Thụy Điển cùng Phần Lan từng trung lập nay đệ đơn xin gia nhập NATO.

Ở Đông Á, cuộc xâm lược của Moscow và lời đe dọa tấn công kẻ thù bằng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến Hàn Quốc và Nhật Bản phải nghiêm túc xem xét mua và tự phát triển vũ khí hạt nhân.

Bối cảnh: khả năng về việc Hàn Quốc và Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là điều gì mới. Cả hai quốc gia tinh thông kỹ thuật này đều có GDP nằm trong top 10 và có cơ sở hạ tầng công nghệ cao. Ở Nhật Bản, các nhà lãnh đạo đã lý thuyết hóa việc sở hữu vũ khí hạt nhân. [Tuy nhiên,] năm 1957, Thủ tướng Nobusuke Kishi khi đó nói với Quốc hội rằng theo ông, bản Hiến pháp hòa bình sau chiến tranh của Nhật Bản không cấm nước này sở hữu vũ khí hạt nhân một cách rõ ràng - nếu chúng ở số lượng rất nhỏ.

Hàn Quốc không chịu bối cảnh chủ nghĩa hòa bình [như Nhật Bản]. Kể từ khoảng năm 2006, khi chế độ Kim của Bắc Triều Tiên đe dọa gây ra chiến tranh hạt nhân, những người Hàn Quốc hiểu tình hình đã lặng lẽ hành động để đảm bảo rằng Seoul có thể chế tạo thiết bị hạt nhân trong thời gian ngắn mà không gặp khó khăn gì. Vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc sẽ không chỉ phát nổ mà tên lửa mang nó sẽ phá hủy nơi ẩn nấp của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (biệt danh Little Rocket Man).

Triều Tiên đã trình làng máy bay chiến đấu không người lái. Có lẽ ông Kim muốn đưa ra một lời tuyên bố về máy bay không người lái. Vào cuối tháng 12 năm ngoái, một số thiết bị bay không người lái của Triều Tiên đã xâm nhập lãnh thổ Hàn Quốc. Ngày 04/01, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố mạnh mẽ rằng Hàn Quốc có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật “hoặc sở hữu năng lực hạt nhân của riêng mình” nếu Triều Tiên gia tăng đe dọa.

Tháng 03/2022, sau khi Nga đổ quân vào Ukraine, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố mạnh mẽ rằng Nhật Bản phải khẩn trương xem xét về việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Abe muốn tranh luận cởi mở, không lưu lại hối hận và đặt tình hình trong bối cảnh thế giới thực.

Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida đã bác bỏ đề xuất của ông Abe, gọi đó là “không thể chấp nhận được”. Ông Kishida đến từ Hiroshima, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề từ vụ ném bom hạt nhân thời Thế chiến II. Thực tế đó định hình quan điểm không phổ biến vũ khí hạt nhân có phần chuyên chế của ông.

Cần phải hiểu rằng, từ khi Nga tấn công Crimea hồi tháng 02/2014 cho đến giây phút này, vũ khí hạt nhân đã trở thành vấn đề toàn cầu sâu sắc của cuộc chiến tại Ukraine.

Khi Nga xâm lược Crimea, nước này đã vi phạm một thỏa thuận ngoại giao đa phương nhằm đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đó là Bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Theo thỏa thuận này, Ukraine giao nộp vũ khí hạt nhân để tạo ra an ninh chung. Vào thời điểm đó, Ukraine có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, khoảng 5.000 vũ khí.

Hoa Kỳ và Anh ủng hộ thỏa thuận. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó đã đặt bút ký thỏa thuận. Bản ghi nhớ Budapest là một phần của khuôn khổ ngoại giao lớn hơn sau Chiến tranh Lạnh, theo sau đó là các hoạt động giải trừ quân bị, phát triển kinh tế, hợp tác mang tính xây dựng và phát triển dân chủ ở các quốc gia Bức màn sắt trước đây.

Chính quyền Clinton, Ukraine và Anh nghĩ rằng họ đã giải quyết được vấn đề vũ khí hạt nhân của Liên Xô cũ và chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.

Rõ ràng, họ đã không. Hiện giờ Ukraine phải đối mặt với cuộc xâm lược và đe dọa hạt nhân.

Một Hàn Quốc thiếu vũ khí hạt nhân là một ví dụ khác. Vũ khí hạt nhân mang lại cho ông Kim Jong Un đôi chút vị thế quốc tế. Với tên lửa đạn đạo, tầm với của ông Kim vượt xa Seoul.

Đây là thủ đoạn tống tiền bằng vũ khí hạt nhân của ông Kim: “Đưa tiền cho tôi và đảm bảo sự tồn tại của chế độ tội phạm, nghèo khó của tôi, nếu không tôi sẽ đánh bom hạt nhân các người và khiến tất cả các người phải trả giá bằng mạng sống và của cải nhiều hơn là những khoản tiền và sự khuất phục của giới truyền thông mà tôi yêu cầu”.

Vở kịch tống tiền hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mối đe dọa tấn công hạt nhân lặp đi lặp lại và sau đó là yêu cầu cung cấp lương thực và viện trợ tài chính, đã làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các mối đe dọa hạt nhân của Nga đối với Ukraine cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi vụ tống tiền biến thành một cuộc chiến.

Trong nhiều năm, các nhà phân tích quốc phòng đã suy đoán xem Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ mất bao lâu để sản xuất một thiết bị hạt nhân. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (The Federation of American Scientists) từng cho rằng Nhật Bản “có thể sản xuất vũ khí hạt nhân có mục đích đặc biệt chỉ trong thời gian một năm”. Năm 2014, NBC cho biết, theo các nguồn ẩn danh, Nhật Bản đã có “nguyên vật liệu và phương tiện để sản xuất vũ khí hạt nhân trong vòng sáu tháng”.

Hiểu ý từ phía Nhật Bản, các nguồn tin Hàn Quốc sau đó đưa ra ước tính như sau: “Họ sẽ không mất nhiều thời gian đâu”.

Một Nhật Bản được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ là cơn ác mộng của Trung Quốc. Trung Quốc cũng biết rằng vũ khí hạt nhân của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ hoạt động hiệu quả.

Nhà độc tài Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, có thể “cảm ơn” người bạn của mình, ông Vlad Putin, vì đã thúc đẩy hai nền dân chủ giàu có ở châu Á trở thành những cường quốc hạt nhân trong khu vực.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Tác giả Austin Bay là đại tá đã nghỉ hưu của Lực lượng Dự bị Quân đội Hoa Kỳ, là tác gia, là nhà báo, đồng thời là giảng viên về chiến lược và lý thuyết chiến lược tại Đại học Texas–Austin. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Cocktails from Hell: Five Wars Shaping the 21st Century” (Cocktail từ địa ngục: 5 cuộc chiến định hình thế kỷ 21).



BÀI CHỌN LỌC

Chiến sự Ukraine đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân