Nhật Bản cân nhắc nới lỏng quy định bắn hạ khí cầu nước ngoài vì khinh khí cầu nghi của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 15/2, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Nhật Bản đang tính toán cách nới lỏng quy định đối với Lực lượng phòng vệ (SDF), nhằm cho phép họ dùng vũ khí bắn hạ khí cầu của nước ngoài bay vào không phận Nhật Bản.

Động thái trên của Nhật Bản diễn ra sau khi có báo cáo về việc khinh khí cầu do thám Trung Quốc bay qua không phận Nhật Bản trong những năm gần đây.

Theo đài truyền hình NHK của Nhật Bản, các quy định hiện hành chỉ cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) bắn hạ những phương tiện vi phạm không phận Nhật Bản để tự vệ hoặc trong trường hợp khẩn cấp.

Trong một cuộc họp ngày 15/2, Bộ Quốc phòng đề xuất rằng quân đội Nhật Bản được phép sử dụng vũ khí để bắn hạ các đối tượng xâm nhập, vì luật của SDF cho phép thực hiện "các biện pháp cần thiết" đối với máy bay nước ngoài xâm phạm không phận Nhật Bản.

Hôm 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada khẳng định rằng quân đội Nhật Bản có thể thực hiện các bước cần thiết để bắn hạ các khinh khí cầu nước ngoài vi phạm không phận Nhật Bản nhằm bảo vệ công dân của nước này.

Theo ông Hamada, quân đội sẽ được phép sử dụng vũ khí, bao gồm cả tên lửa không đối không, để bắn hạ khinh khí cầu nước ngoài theo luật của SDF.

"Các thiết bị phù hợp sẽ được sử dụng tùy theo tình hình khi thực hiện biện pháp này", ông nói với các phóng viên.

Việc quân đội Mỹ bắn rơi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc gần đây đã hướng sự chú ý đến thực tế là các vật thể tương tự đã được phát hiện bay qua Nhật Bản trong những năm trước.

Hôm thứ Ba (14/2), Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, các vật thể bay không xác định được phát hiện ở Nhật Bản trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 “rất có thể” là "khí cầu do thám không người lái của Trung Quốc".

Bộ không nêu rõ địa điểm cụ thể phát hiện ra các vật thể bay vào các năm 2019, 2020 hay 2021. Theo báo cáo, Tokyo đã liên lạc với Bắc Kinh để xác minh sự cố và yêu cầu những vụ xâm nhập như vậy không bao giờ tái diễn.

Mỹ công bố ảnh trục vớt khí cầu do thám Trung Quốc
Hải quân Mỹ đang tiến hành trục vớt xác khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, hôm 5/2/2023. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, họ thừa nhận các tuyên bố của Nhật Bản, nhưng nói thêm rằng "Nhật Bản phải khách quan và vô tư" trong vấn đề này.

Bắc Kinh trước đó đã lên án hành động bắn hạ khinh khí cầu của Mỹ là "một phản ứng thái quá rõ ràng". Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, đây chỉ là khinh khí cầu dân sự đã bị thổi bay khỏi lộ trình và không gây ra mối đe dọa nào đối với an ninh quốc gia.

Mặt khác, Washington cho rằng đây rất có thể là một phương tiện do thám tầm cao tinh vi đang theo dõi các mục tiêu quân sự nhạy cảm của Mỹ, bao gồm cả căn cứ cất giữ vũ khí hạt nhân ở tiểu bang Montana.

Đài Loan cũng tuyên bố đã phát hiện khinh khí cầu Trung Quốc bay qua hòn đảo tự trị vào năm ngoái, đồng thời tuyên bố họ sẽ thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp, bao gồm cả việc bắn hạ các mối đe dọa, tùy thuộc vào mức độ lo ngại.

Nhật Bản 'mua số lượng lớn' tên lửa Tomahawk của Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Hamada hôm 14/2 cho biết, Nhật Bản có kế hoạch đặt hàng số lượng lớn tên lửa hành trình Tomahawk từ Hoa Kỳ vào tháng 3 năm sau, trong bối cảnh nước này tăng cường sức mạnh quân sự nhanh chóng.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG 52) của Hải quân Hoa Kỳ phóng một tên lửa hành trình Tomahawk để hỗ trợ cho Chiến dịch Bình minh Odyssey trên biển Địa Trung Hải, hôm 29/3/2011. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/Getty Images)

Ông Hamada nói rằng Nhật Bản hy vọng sẽ ký kết hợp đồng mua tên lửa hành trình Tomahawk của nhà sản xuất Raytheon Technologies Corp thông qua chương trình bán hàng quân sự nước ngoài (FMS) của Hoa Kỳ trong năm tài chính tiếp theo, bắt đầu vào ngày 1/4.

Ngoài ra, ngân sách quốc phòng mới nhất của Nhật Bản, sẽ tăng một phần tư so với năm ngoái, trong đó phân bổ 1,6 tỷ USD để mua tên lửa hành trình Tomahawk. Đây được cho là một phần trong kế hoạch xây dựng quân đội lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến II.

Nhật Bản muốn trang bị tên lửa hành trình tấn công tầm xa Tomahawk cho quân đội nước này để ngăn chặn các đối thủ tiềm năng tấn công, bao gồm cả Trung Quốc.

Phiên bản phóng từ tàu của loại vũ khí này, với tầm bắn hơn 1.000 mét, sẽ có khả năng đánh trúng các mục tiêu bên trong lãnh thổ Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ba văn kiện quốc phòng quan trọng vào tháng 12/2022, bao gồm “Chiến lược An ninh Quốc gia”, “Chiến lược phòng thủ quốc gia” và “Chương trình nâng cao năng lực quốc phòng”.

Chiến lược An ninh Quốc gia đề cập đến chính quyền Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản. Đồng thời, các hành động quân sự của Trung Quốc là “vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế”.

Động thái này được nhiều người coi là đi ngược lại hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản, vốn cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng Nhật Bản sẽ duy trì “chính sách định hướng quốc phòng độc quyền” trong đó nêu rõ rằng lực lượng phòng thủ chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp bị tấn công.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản cân nhắc nới lỏng quy định bắn hạ khí cầu nước ngoài vì khinh khí cầu nghi của Trung Quốc