Phát hiện các thành phần cơ bản của sự sống trong 10 mẫu đá sao Hỏa khác nhau

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu cho biết, tàu thăm dò Perseverance của NASA đã tìm thấy một loạt các phân tử hữu cơ đa dạng trong một miệng núi lửa trên sao Hỏa.

Các hợp chất hữu cơ là các phân tử bao gồm carbon và thường bao gồm các nguyên tố khác như hydro, oxy, nitơ, phốt pho và lưu huỳnh. Trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện một số loại phân tử hữu cơ trong các thiên thạch có nguồn gốc từ sao Hỏa rơi xuống Trái đất và trong miệng núi lửa Gale trên hành tinh Đỏ, nơi mà xe tự hành Curiosity của NASA đã khám phá từ năm 2012.

Sunanda Sharma, tác giả chính của nghiên cứu, một nhà khoa học hành tinh tại Viện Công nghệ California ở Pasadena, Hoa Kỳ, nói với Space.com: “Chúng là một manh mối thú vị đối với các nhà sinh vật học vũ trụ, vì chúng thường được coi là các khối xây dựng của sự sống”.

Tuy nhiên, Sharma nhấn mạnh rằng, một điều quan trọng cần lưu ý là “chúng có thể được tạo ra bởi các quá trình không liên quan đến sự sống". Do đó, việc điều tra những phân tử hữu cơ nào tồn tại trên hành tinh Đỏ và cách chúng được tạo ra là chìa khóa để hiểu được những gì có thể hoặc không thể liên quan đến sự sống trên sao Hỏa.

Sharma nói: "Là các nhà khoa học hành tinh và nhà sinh vật học vũ trụ, chúng tôi rất cẩn thận khi đưa ra các tuyên bố - tuyên bố rằng sự sống đã tạo ra các chất hữu cơ hoặc các dấu hiệu sinh học tiềm năng là một giả thuyết cuối cùng, có nghĩa là chúng tôi đã phải loại trừ tất cả nguồn gốc phi sinh học khác".

Trong nghiên cứu mới, Sharma và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu từ xe tự hành Perseverance. Vào tháng 2/2021, xe tự hành này đã hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero. Địa điểm này của một lưu vực hồ cổ đại mà nghiên cứu trước đây cho thấy đây có nhiều khả năng là nơi có thể ở được trong quá khứ. Đáy hồ cũng chứa đất sét và các khoáng chất khác có thể bảo quản vật liệu hữu cơ.

Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã kiểm tra dữ liệu từ thiết bị SHERLOC (Scanning Habitable Environments with Raman and Luminescence for Organics and Chemicals), một công cụ đầu tiên trên sao Hỏa có khả năng lập bản đồ và phân tích tỷ lệ nhỏ các phân tử hữu cơ, trên tàu Perseverance. Họ đã tập trung vào dữ liệu từ Máaz và Séítah, hai thành tạo đá trong miệng núi lửa Jezero.

Trong tất cả 10 mục tiêu mà Perseverance đã khoan vào Máaz và Séítah, Sharma và các đồng nghiệp của cô đã tìm thấy dấu hiệu của các phân tử hữu cơ có mặt từ khoảng ít nhất 2,3 tỷ đến 2,6 tỷ năm trước.

Sharma cho biết, những dấu vết này “chỉ ra khả năng rằng các khối xây dựng sự sống có thể đã tồn tại trong một thời gian dài ở nhiều nơi trên bề mặt sao Hỏa”.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng chứng về nhiều loại phân tử hữu cơ khác nhau. Việc các hợp chất hữu cơ này xuất hiện theo nhiều hình thái trong Máaz và Séítah, cho thấy chúng có thể bắt nguồn từ một số khoáng chất và có cơ chế hình thành khác nhau. Ngoài ra, chúng cũng chủ yếu xuất hiện dưới dạng liên kết với các khoáng chất liên quan đến nước.

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định các phân tử hữu cơ cụ thể là gì. Sharma cho biết: “Để xác nhận sự hiện diện của các hợp chất hữu cơ và các loại cụ thể của chúng, chúng tôi sẽ cần các mẫu được đưa trở lại Trái đất. Đó là mục tiêu của chúng tôi”.

Các nhà khoa học đã trình bày chi tiết những phát hiện của họ trên tạp chí Nature.

Theo Livescience

Văn Thiện biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện các thành phần cơ bản của sự sống trong 10 mẫu đá sao Hỏa khác nhau