Số mệnh là nhân quả, không có ngẫu nhiên, chỉ có tất nhiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số phận của con người đôi khi được gây ra bởi những hành động vô tình, sẽ kết thành một đoạn nhân duyên và gặp lại vào một ngày nào đó trong tương lai. Tất nhiên, dù là số mệnh tốt hay xấu, gieo nhân gì thì sẽ nhận được quả tương ứng.

Có người vừa gặp nhau liền rất vui vẻ, như thể là bạn cũ đã nhiều năm không gặp, nhưng có người khi gặp lại giống như oan gia, nhất định phía sau họ có một loại duyên phận nào đó. Bởi vậy, tùy duyên sẽ đạt được tự tại, phiền não liền tan biến. Chia sẻ với mọi người một câu chuyện trong Phật giáo để hiểu thêm về nhân duyên.

Một hôm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp cho các đệ tử, Ngài bỗng gọi A Nan đến bảo: “Hãy lấy một cái thùng, đến ngôi làng nhỏ cách đó năm dặm, hướng đến bà lão đang giặt quần áo bên giếng xin một thùng nước, nhớ giữ thái độ tử tế”. A Nan gật đầu, cầm lấy thùng rỗng đi về hướng mà Thế Tôn đã chỉ. Nghĩ thầm, chuyện đơn giản như vậy có thể thực hiện dễ dàng.

Không bao lâu đi tới ngôi làng, A Nan nhìn thấy một bà lão tóc bạc phơ đang giặt quần áo bên giếng. A Nan lễ phép cung kính nói với bà lão: “Lão bà, có thể xin bà một thùng nước được không?” Bà lão ngẩng đầu nhìn thấy người thanh niên, không khỏi tức giận nói: “Không được, cái giếng này chỉ dành cho người trong làng sử dụng, người ngoài không được phép dùng!" Sau đó, bà lão đuổi A Nan đi, dù có xin thế nào cũng không được!

Ảnh minh hoạ. (Pixabay)

A Nan không còn cách nào khác đành phải trở về với chiếc thùng rỗng, kể lại cho Thế Tôn và các đệ tử có mặt về tất cả những gì mà mình đã gặp phải. Đức Thế Tôn gật đầu ra hiệu cho A Nan ngồi xuống rồi yêu cầu Xá Lợi Phất đi.

Xá Lợi Phất cũng đến ngôi làng, thấy bà lão tóc trắng vẫn đang giặt quần áo bên giếng, ông lễ phép nói với bà lão: “Bà lão, có thể xin bà một thùng nước được không?” Bà lão ngẩng đầu nhìn, lại không khỏi vui mừng như gặp được người thân. Bà vội vàng vui vẻ đồng ý rồi đích thân bưng một thùng đầy nước đến cho ngài, Xá Lợi Phất cám ơn rồi mới quay người đi về, bà lão lại bảo ngài đợi một lát rồi vội về nhà mang đồ ăn chay kêu Xá Lợi Phất mang theo trên đường ăn.

Sau khi Xá Lợi Phất trở về, ngài cũng kể lại cho Thế Tôn và các đệ tử có mặt về tình huống mình gặp phải, Thế Tôn gật đầu ra hiệu cho Xá Lợi Phất ngồi xuống. A Nan và các đệ tử có mặt đều bối rối, họ hỏi Thế Tôn vì lý do gì mà hai người bị đối xử hoàn toàn trái ngược nhau như vậy?

Thế Tôn khai thị: Ở một kiếp xa trước đây, vị lão phụ này trong luân hồi chuyển sinh thành súc sinh, là một con chuột chết ở ven đường, phơi mình dưới nắng như thiêu như đốt. A Nan là một thương gia lúc bấy giờ đang đi buôn bán, khi nhìn thấy con chuột chết, trong lòng cảm thấy ghê tởm và bịt mũi mà qua. Sau đó, khi Xá Lợi Phất lên kinh dự thi đi ngang qua, nhìn thấy con chuột chết, động lòng thương xót, nên lấy một ít đất phủ lên cho nó. Đây là lý do tại sao họ gặp nhau sau một thời gian dài lại được bà lão đối xử khác biệt như vậy.

Không có gì có thể phán đoán đúng hay sai qua vẻ bề ngoài, bởi vì đó là nhân quả do nhân duyên gieo trồng trong quá trình luân hồi hàng trăm triệu năm, tuyệt không phải ngẫu nhiên, có chăng chỉ là tất nhiên.

Theo Lý Tư Nhị - Sound Of Hope
Nguyên Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Số mệnh là nhân quả, không có ngẫu nhiên, chỉ có tất nhiên