Sữa chua có thể ngăn chặn lợi ích của quả việt quất đối với huyết áp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao sữa có thể can trở lợi ích sức khỏe của quả mọng và trà?

Một bộ ba nghiên cứu của Harvard theo dõi hơn 100.000 phụ nữ trong hơn một thập kỷ đã phát hiện ra rằng, những người tiêu thụ nhiều anthocyanin nhất (sắc tố có màu sắc rực rỡ được tìm thấy trong quả mọng, như quả việt quất và dâu tây) “đã giảm 8% nguy cơ mắc” huyết áp cao. Nhóm tiêu thụ nhiều nhất mỗi ngày chỉ ăn khoảng 6 quả dâu tây, hoặc thậm chí chỉ 11 quả việt quất - tương đương chỉ một phần mười cốc.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm soát các yếu tố bao gồm: lượng ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, muối, hút thuốc, tập thể dục cùng nhiều thứ khác, và lợi ích của quả mọng vẫn còn. Nhưng chúng ta không biết chắc chắn cho đến khi đưa chúng vào thử nghiệm.

Các nhà nghiên cứu tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi và có nhóm giả dược kiểm soát. Điều đáng nói, tiêu đề của nghiên cứu dường như khẳng định một kết luận khá ly kỳ: “Ăn việt quất hàng ngày giúp cải thiện huyết áp”.

Tuy nhiên, làm thế nào họ có thể thực hiện thử nghiệm mù đôi với một loại thực phẩm? Làm thế nào họ có thể tạo ra một quả việt quất giả dược một cách thuyết phục?

Thực tế, họ đã nghiền toàn bộ quả việt quất (tương đương khoảng một cốc) thành bột, mục đích là khiến vẻ ngoài của nó giống với bột giả dược. Bột giả dược có cùng lượng đường và calo như việt quất, nhưng về cơ bản thì không có quả thật.

Trong nghiên cứu kéo dài 8 tuần, những người trong nhóm dùng giả dược không có thay đổi thực sự. Họ bắt đầu với huyết áp 138 trên 79 và kết thúc là 139 trên 80, trong khi nhóm dùng việt quất lại giảm từ 138 trên 80 xuống 131 trên 75 - một mức giảm đáng kể.

Nói chung, mức huyết áp 131 vẫn còn quá cao. Bạn muốn giảm xuống ít nhất là 120 hoặc thậm chí 110, vì vậy một mình quả việt quất không thể chữa khỏi bệnh cho bạn. Tuy nhiên về mặt lâm sàng, bạn có sự cải thiện đáng kể đối với căn bệnh chết người bằng cách chỉ thêm một thứ duy nhất vào chế độ ăn uống là khá ấn tượng.

Về mặt lâm sàng, bạn có sự cải thiện đáng kể đối với căn bệnh chết người bằng cách chỉ thêm quả việt quất vào chế độ ăn uống là khá ấn tượng.
Về mặt lâm sàng, bạn có sự cải thiện đáng kể đối với căn bệnh chết người bằng cách chỉ thêm quả việt quất vào chế độ ăn uống là khá ấn tượng. (Pexels)

Vậy như thế nào sẽ tốt hơn? Nếu sử dụng liều lượng gấp đôi, giống như hai cốc quả việt quất tươi mỗi ngày thì sao? Bạn sẽ thấy mức giảm tương tự, nhưng dường như nó không đem lại hiệu quả tốt hơn. Vì vậy, một cốc là đủ, thậm chí ít hơn cũng có thể hiệu quả, dù rằng nó chưa bao giờ được thử nghiệm.

Nhìn chung, đã có năm nghiên cứu can thiệp cho đến nay về tác dụng của quả việt quất đối với huyết áp. Tổng hợp tất cả các nghiên cứu lại với nhau, người ta kết luận rằng không cho thấy “bất kỳ hiệu quả lâm sàng nào”, nhưng chờ đã, tại sao lại không có hiệu quả lâm sàng nào?

Chẳng phải tôi (tác giả gốc của bài viết) vừa cho bạn xem hai nghiên cứu về hiệu quả tuyệt vời của việt quất đấy sao? Thực tế, xem kỹ các nghiên cứu, “quả việt quất trong hai nghiên cứu [mà tôi đã cho bạn thấy ở trên là được] pha chế với nước”. Họ chỉ trộn bột việt quất với nước. Còn với các nghiên cứu không cho thấy hiệu quả là do việt quất được chế biến với sữa chua và sinh tố làm từ sữa tách béo.

Nếu bạn từng xem video của tôi cách đây tám năm, thì việc hấp thụ các chất dinh dưỡng từ quả mọng có thể bị sữa ngăn chặn. Chỉ vài giờ sau khi uống nước trộn dâu tây, bạn sẽ có được một lượng lớn chất dinh dưỡng thực vật từ dâu tây trong máu. Nhưng nếu thay vào đó, bạn ăn dâu tây với kem, tức trộn cùng một lượng dâu tây với sữa, thì cơ thể hấp thụ ít dinh dưỡng hơn đáng kể. “Tác dụng ức chế của sữa [được cho là] là do [sự] tương tác [giữa các sắc tố quả mọng] và protein sữa”. Vâng, nhưng điều tương tự có xảy ra với quả việt quất không? Hãy cùng tìm hiểu.

“Hoạt động chống oxy hóa của [quả việt quất] bị… sữa làm suy giảm”.
“Hoạt động chống oxy hóa của [quả việt quất] bị… sữa làm suy giảm”. (Pexels)

Quả thực: “Hoạt động chống oxy hóa của [quả việt quất] bị… sữa làm suy giảm”. Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đã ăn một cốc rưỡi quả việt quất với nước hoặc sữa. Kết quả cho thấy, sữa đã ngăn chặn sự hấp thụ của một số chất dinh dưỡng thực vật, nhưng không phải những chất khác.

Vậy thì nó có quan trọng lắm không? Đây là lượng đột biến trong máu sau khi uống quả việt quất với nước, và đây là lượng nước được hấp thụ với sữa. Được rồi, ít hơn.

Nhưng hãy xem điều gì xảy ra với tổng khả năng chống oxy hóa trong máu. Nếu chỉ ăn riêng quả việt quất với nước, khả năng chống oxy hóa trong máu sẽ tăng lên trong vòng một giờ và duy trì ở mức cao trong năm giờ sau đó.

Với sữa, bạn có nghĩ rằng nó ít hơn không? Bạn có thể nói như vậy; không chỉ ít hơn, mà còn ít hơn so với thời điểm ban đầu. Bạn vừa ăn cả một bát việt quất và kết quả là khả năng chống oxy hóa trong cơ thể kém hơn, đơn giản là vì bạn đã ăn chúng với sữa. Không có gì ngạc nhiên khi trộn việt quất với sữa chua hoặc sữa có thể làm mất tác dụng hạ huyết áp.

Thật thú vị, sữa nguyên kem ức chế sự hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, tương tự như những gì người ta thấy khi thêm sữa vào trà: so với sữa tách béo, giá trị chống oxy hóa trong ống nghiệm giảm gấp đôi khi dùng sữa nguyên chất, điều này thật kỳ lạ vì chúng ta luôn nghĩ rằng protein sữa là thủ phạm. Thực tế thì, dường như chất béo sữa có một số liên quan đến việc ngăn chặn cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng.

Theo Michael Greger từ The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Tiến sĩ Michael Greger, là một bác sĩ, tác giả sách best-seller của New York Times. Ông cũng là diễn giả chuyên nghiệp được quốc tế công nhận về một số vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng. Ông đã thuyết trình tại Hội nghị về các vấn đề thế giới, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ và Hội nghị Thượng đỉnh về Cúm gia cầm Quốc tế, điều trần trước Quốc hội Mỹ, xuất hiện trên chương trình “The Dr. Oz Show” và “The Colbert Report”, và được mời làm nhân chứng chuyên gia để bảo vệ Oprah Winfrey tại phiên tòa khét tiếng về tội phỉ báng thịt.



BÀI CHỌN LỌC

Sữa chua có thể ngăn chặn lợi ích của quả việt quất đối với huyết áp