3 loại người không nên ăn nghệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghệ có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Do đó, thêm bột nghệ vào các bữa ăn và thức uống hàng ngày có thể giúp bảo vệ gan và tim mạch. Có 2 cách ăn nghệ để thu được hiệu quả cao hơn.

7 sức mạnh chống viêm của nghệ

Củ nghệ, với màu cam sáng, đã được sử dụng ở Ấn Độ trong hàng ngàn năm qua để chữa bệnh, làm đẹp, nấu ăn và nhuộm da, v.v.

Y học cổ truyền Ấn Độ Ayurveda tin rằng, nghệ có tác dụng thanh lọc. Nó có thể kết hợp với các loại thảo mộc khác để phát huy hiệu quả này cho da và các kênh khác như bạch huyết, tuyến mồ hôi, bã nhờn, v.v.

Trong kinh điển của y học cổ truyền Trung Hoa, nghệ ứng với kinh mạch lá lách và gan, có tác dụng phá huyết và thúc đẩy khí, thông kinh lạc và giảm đau, cải thiện tuần hoàn máu và loại bỏ huyết ứ.

Zhou Zonghan, một bác sĩ chăm sóc tại Phòng khám Y học Cổ truyền Trung Quốc Ruimingtang, cho biết nghệ thường được sử dụng để điều trị đau tim, bụng, ngực và các triệu chứng khác do huyết ứ, khí trệ và lưu thông máu kém.

Y học hiện đại cũng khẳng định những lợi ích sức khỏe của nghệ. Curcumin trong nghệ có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, có thể cải thiện tình trạng viêm mãn tính trên toàn cơ thể.

Có 7 lợi ích thường được đề cập của nghệ:

1. Phòng ngừa bệnh tim mạch

Huang Yiling, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm tư vấn dinh dưỡng Keyi cho biết, tác dụng chống viêm của nghệ có thể giúp nội mạc mạch máu kháng viêm, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, có lợi cho tuần hoàn máu, bảo vệ hệ tim mạch.

Tinh bột nghệ cũng có thể ức chế gan sản xuất quá nhiều cholesterol, có tác dụng làm giảm cholesterol và triglycerid, đồng thời giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Nghệ cũng là một vị thuốc Đông y, có tác dụng thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, loại bỏ huyết ứ, từ đó chống lại quá trình đông máu và xơ cứng động mạch.

2. Bảo vệ gan

Tác dụng chống oxy hóa của nghệ không chỉ giúp bảo vệ gan mà còn có thể thúc đẩy quá trình tiết mật, giúp gan giải độc và thải độc.

Huang Yiling giải thích rằng, nhiều chất độc hòa tan trong chất béo được bài tiết vào đường ruột thông qua mật, sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể.

3. Trị viêm khớp, giảm đau nhức cánh tay do phong thấp

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất curcumin có thể giúp chữa bệnh viêm khớp; đồng thời nó cũng làm giảm đau khớp, cứng khớp và viêm.

Nghệ cũng có thể giúp giảm đau cánh tay do phong thấp, thích hợp cho những người dễ bị đau cơ khi thời tiết lạnh.

4. Ngăn ngừa và cải thiện chứng mất trí nhớ

Tạp chí Tâm thần học Lão khoa Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu lâm sàng vào năm 2018 cho thấy, uống 90mg curcumin hai lần mỗi ngày trong 18 tháng giúp cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ của người lớn, ngăn ngừa nguy cơ sa sút trí tuệ.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, đặc tính chống oxy hóa của curcumin có thể cải thiện tình trạng viêm não và giảm suy giảm nhận thức thần kinh.

Nghệ cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, một dạng bệnh mất trí nhớ phổ biến nhất.

Curcumin có thể vượt qua các rào cản của mạch máu trong não và giúp loại bỏ sự tích tụ beta-amyloid trong não. Sự tích tụ beta-amyloid trong não có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ.

Người Ấn Độ thường ăn cà ri với nghệ, và các nghiên cứu dịch tễ học cũng chỉ ra rằng, người Ấn Độ có tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer thấp hơn.

5. Thuốc chống trầm cảm

Trầm cảm có liên quan đến tình trạng suy giảm một loại protein được gọi là yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF), và curcumin trong nghệ có thể làm tăng mức BDNF.

Theo tạp chí khoa học Psychopharmacology, chất curcumin làm tăng mức serotonin và dopamine. Serotonin và dopamine giúp cải thiện tâm trạng, khiến mọi người cảm thấy vui vẻ và có động lực.

6. Cải thiện kinh nguyệt không đều và hội chứng tiền kinh nguyệt

Y học cổ truyền Trung Hoa cho rằng nghệ có tính ấm, có thể hoạt huyết và ích khí, giảm đau, cải thiện tình trạng kinh nguyệt không đều, vô kinh và giảm đau bụng kinh ở phụ nữ.

Nhiều phụ nữ gặp nhiều triệu chứng về thể chất và tâm lý trước kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như cáu kỉnh, trầm cảm, đau đầu, đầy hơi và đau cơ.

Đặc tính chống viêm và chống trầm cảm của nghệ có thể giúp cải thiện loại hội chứng này.

7. Cải thiện tình trạng viêm mãn tính, ngăn ngừa ung thư

90% bệnh hiện đại là do viêm mãn tính lâu ngày gây ra.

Chúng bao gồm bệnh tim mạch, bệnh Alzheimer, viêm khớp, còn có béo phì, bệnh ngoài da, dị ứng, tiểu đường, và thậm chí cả ung thư. Tất cả những thứ này đều liên quan đến viêm mãn tính.

Lấy ung thư làm ví dụ, các dẫn xuất của curcumin có thể giúp chống lại ung thư, ức chế trực tiếp hoặc gián tiếp sự lây lan và tiến triển của tế bào ung thư.

Tẩm nghệ với dầu ăn, rắc chút tiêu để cơ thể hấp thụ tốt hơn

Thêm nghệ vào thức ăn có lợi cho sức khỏe, và có 2 cách ăn để cơ thể tận dụng nghệ hiệu quả hơn.

1. Ăn với chế độ nhiều chất béo

Curcumin là một chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo. Phần lớn các món hiện nay đều có dầu ăn, bạn có thể thêm một ít nghệ vào thức ăn, để nghệ và chất béo được trộn với nhau, có thể cải thiện sự hấp thụ của cơ thể.

Cà ri là món nghệ phổ biến nhất, nó được nấu bằng cách xào thịt cùng với rau và dầu. Bột nghệ cũng có thể mua trực tiếp và rắc vào các bữa ăn đã nấu, hoặc nấu thành cơm nghệ.

Huang Yiling cho biết, cơm nghệ là món ăn rất đơn giản, cho bột nghệ vào gạo đã vo sạch rồi nấu chung, sau khi cơm chín thì cho một ít dầu ăn vào. Tỷ lệ là 1 thìa tinh bột nghệ với 2 đến 3 chén cơm, tùy theo sở thích cá nhân mà bạn có thể tăng giảm lượng bột nghệ.

Ngoài ra, bạn có thể uống trà sữa nghệ, rắc bột nghệ lên trà sữa, chất béo trong sữa có thể giúp cơ thể hấp thụ nghệ.

2. Thêm tiêu trong khi nấu

Huang Yiling chỉ ra rằng, chất piperine trong hạt tiêu có thể làm giảm quá trình trao đổi chất của nghệ thành trạng thái không hoạt động, duy trì trạng thái tích cực hơn, có lợi cho sự hấp thụ của cơ thể và tăng tỷ lệ sử dụng.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thực phẩm đã đề cập rằng, piperine có thể làm tăng 2000% việc sử dụng curcumin.

3 loại người nên lưu ý với nghệ

Hầu hết chúng ta đều ăn nghệ gián tiếp thông qua các bữa ăn, vì lượng tiêu thụ thấp hơn nhiều, vì vậy không cần phải lo lắng về việc tiêu thụ quá nhiều và ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể.

Huang Yiling nói rằng nghệ rất an toàn, việc sử dụng nghệ như một nguồn thực phẩm có lợi cho việc chăm sóc sức khỏe; nhưng để có được kết quả rõ ràng, bạn nên sử dụng các sản phẩm sức khỏe đã được chiết xuất.

Nói chung, liều khuyến cáo hàng ngày là không quá 3mg cho mỗi kg trọng lượng cơ thể; tức đối với một người nặng 50kg, thì liều lượng chiết xuất nghệ có thể nằm trong khoảng 150mg.

Tuy nhiên, phụ nữ có thai, phụ nữ chuẩn bị mang thai, người âm hư hỏa vượng cần lưu ý khi dùng tinh bột nghệ.

Zhou Zonghan chỉ ra rằng, nghệ có thể thúc đẩy tuần hoàn máu và loại bỏ huyết ứ, thông kinh mạch, nhưng nó cũng có tác dụng chống lại sự làm tổ của trứng đã thụ tinh.

Phụ nữ mang thai ăn nghệ sẽ làm gia tăng các cơn co thắt tử cung, khiến máu chảy ra nhanh, từ đó ảnh hưởng đến thai nhi. Phụ nữ cần chuẩn bị mang thai cũng không nên tự ý dùng các loại thực phẩm có chứa tinh bột nghệ.

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khó chịu như nhiệt miệng hay hôi miệng là do âm hư hỏa vượng. Zhou Zonghan cho biết, có một bệnh nhân nữ bị lở miệng và viêm khóe miệng liên tục trong 10 tháng.

Trong giai đoạn này, bệnh nhân dùng thuốc điều trị steroid cho đỡ đau một chút; nhưng ngay sau khi ngừng thuốc, cơn đau lại xảy ra, không tìm được nguyên nhân. Cuối cùng, cô đến phòng khám ngoại trú của ông.

Ông nhận thấy người bệnh thường có thói quen thức khuya và ngủ nướng dẫn đến âm hư hỏa vượng. Do thiếu âm, dịch âm không đủ nên cơ thể khó cân bằng được các kích thích bốc hỏa từ bên ngoài.

Tuy nhiên, nữ bệnh nhân này đã uống viên nghệ hàng ngày suốt 6 tháng qua, thậm chí còn nấu thức ăn với lượng lớn bột nghệ.

Do uống quá nhiều bột nghệ, vốn có tính nóng, nên cơ thể cô đã tích tụ một lượng lớn nhiệt trong người, không cách nào tiêu biến, và các triệu chứng trên xảy ra.

Sau khi sử dụng bài thuốc Đông y thanh nhiệt và giải độc, các triệu chứng bệnh cuối cùng cũng thuyên giảm.

Ngoài 3 loại người trên, Zhou Zonghan nhắc nhở rằng vì nghệ có thể thúc đẩy tuần hoàn máu nên một số người muốn ăn nghệ trước khi đi ngủ, nhưng nó sẽ khiến tinh thần hưng phấn hơn, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Do đó, chúng ta nên tránh ăn nghệ trước khi đi ngủ nếu không có nhu cầu hoặc chỉ dẫn của bác sĩ.

Bảo Vy
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

3 loại người không nên ăn nghệ