Trái cây mốc cắt bỏ một phần có ăn được không? 7 hiểu lầm khi ăn trái cây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất phytochemical, có tác dụng ngăn ngừa ung thư, kháng viêm, tăng cường miễn dịch. Nhưng bạn đã ăn đúng chưa?

7 hiểu lầm khi ăn trái cây

Trái cây giàu dinh dưỡng, vì vậy ăn càng nhiều càng tốt?

Công nghệ nông nghiệp hiện đại đã làm cho trái cây ngọt đến mức người ta thường ăn quá nhiều mà không nhận ra. Một số người thậm chí còn bỏ bữa và ăn nhiều trái cây hơn để giảm cân.

Tuy nhiên, ăn quá nhiều trái cây sẽ không chỉ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, mà còn dễ gây béo phì, gan nhiễm mỡ và các vấn đề khác.

Dương Tư Hàm (Yang Sihan), một chuyên gia dinh dưỡng tại Hệ thống Y tế Đồng Tâm (Đài Loan), giải thích rằng đường fructose trong trái cây là một monosaccharide, ăn quá nhiều sẽ làm tăng lượng đường trong máu.

Trong khi gan chuyển hóa lượng đường dư thừa trong máu thành đường để dự trữ, cũng sẽ tích tụ thành gan nhiễm mỡ. Ăn quá nhiều trái cây cũng có thể dẫn đến béo phì. Do đó, bữa ăn chỉ nên dùng một khẩu phần nhỏ, không nên ăn quá nhiều.

Ngoài ra, không nên thay cơm bằng trái cây, vì trái cây không thể thay thế tinh bột. Giảm cân đúng cách chính là kiểm soát lượng calo tổng thể và thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng.

2. Đối với những người có vấn đề về đường huyết, nếu chọn trái cây không đường thì có thể yên tâm ăn?

Khi mua trái cây, người ta rất dễ gặp phải trường hợp sau: người bán trái cây cam đoan quả rất ngọt. Trái cây tươi ngọt quả thực rất ngon, nhưng bệnh nhân đường huyết thường e ngại và thà chọn những trái không ngọt.

Trên thực tế, vị ngọt và lượng đường trong trái cây không thể được đánh đồng với chỉ số đường huyết (giá trị GI).

Chuyên gia Dương Tư Hàm chỉ ra rằng, trái cây càng ngọt không có nghĩa là hàm lượng đường càng cao.

Bất kể nó có vị ngọt như thế nào, một khẩu phần trái cây (1 nắm tay, tức bằng khoảng từ nửa bát đến 80% sức chứa của bát) cung cấp 15 gram đường.

Vì vậy, những người lo lắng về lượng đường trong máu nên chọn các loại trái cây có giá trị GI thấp. Trong trường hợp cùng một khẩu phần, trái cây có giá trị GI thấp có thể làm cho lượng đường trong máu ổn định hơn các loại trái cây khác.

  • Trái cây có chỉ số đường huyết thấp (giá trị GI ≤ 55) gồm: Cà chua bi, táo, ổi, cam, quýt, đu đủ, anh đào, lê, bưởi, kiwi, dâu tây.
  • Trái cây có chỉ số đường huyết từ trung bình đến cao (giá trị GI > 55) gồm: Chuối chín, dưa vàng hami, dứa, nho, dưa lưới, dưa hấu, xoài, vải, nhãn.

Chuyên gia Dương cho rằng bệnh nhân tiểu đường có thể tiêu thụ 1 phần trái cây mỗi lần. Sau khi ăn hãy thử đo lượng đường trong máu. Mức chênh lệch đường huyết giữa sau và trước bữa ăn phải là 30-60 mg / dl.

Nếu ăn trái cây sau bữa ăn làm tăng đường huyết quá nhiều, thì bạn nên giảm lượng trái cây vừa phải từ 0.5 đến 1 khẩu phần tùy theo tình trạng đường huyết của mình.

3. Một ly nước trái cây mới vắt có thể thay thế trái cây không?

Nước trái cây tươi rất ngon, đặc biệt là nước ép tổng hợp. Bạn có thể nhận được chất dinh dưỡng của nhiều loại trái cây khác nhau trong cùng một cốc.

Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Trương Nghi Đình (Zhang Yiting) cho biết, uống nước ép trái cây không giống như ăn trái cây.

Sau khi trái cây được ép thành nước, các chất dinh dưỡng và chất xơ sẽ bị thay đổi, hàm lượng dinh dưỡng cũng sẽ giảm tương đối. Hơn nữa, hàm lượng trái cây trong nước ép thường vượt quá nhu cầu của cả ngày.

Nếu bạn uống nước ép trái cây thay vì ăn, thì bạn lại đang tiêu thụ quá nhiều trái cây, có thể dẫn đến béo phì, gan nhiễm mỡ và các vấn đề khác.

4. Người không thích ăn rau, có thể ăn trái cây thay thế?

Nhiều người sợ mùi vị của một số loại rau như cà rốt, cần tây, ớt xanh, mướp đắng… thậm chí không thích ăn rau xanh mà chỉ ăn hoa quả.

Chuyên gia Trương Nghi Đình chỉ ra rằng rau và trái cây là những thực phẩm khác nhau, từ chất dinh dưỡng, calo cho đến quá trình tiêu hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Vì vậy, trái cây không thể thay thế rau xanh, vì cả hai đều quan trọng như nhau.

5. Chuối, cam và các loại trái cây khác không cần rửa sạch, sau khi gọt vỏ ăn trực tiếp đều được?

Chuối có được ăn trực tiếp sau khi gọt vỏ không? Hãy cẩn thận, thói quen này có thể khiến bạn ăn phải thuốc trừ sâu.

Nhan Tông Hải, Giám đốc Khoa Độc chất của Bệnh viện Chang Gung ở Lâm Khẩu (Đài Loan), cho biết chuối, cam, vải và các loại trái cây khác phải được rửa sạch trước khi gọt vỏ.

Vì trên vỏ trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu. Do đó nếu không rửa kỹ, thì trong quá trình bóc và gọt vỏ, một phần thuốc trừ sâu dính vào tay và bám ngược trở lại vào cùi trái cây, có thể khiến bạn vô tình ăn phải thuốc trừ sâu.

Vậy nên trước khi ăn rau quả, bạn cần loại bỏ thuốc trừ sâu bằng cách ngâm và rửa: ngâm dưới vòi nước chảy trong 10 phút, sau đó dùng bàn chải mềm rửa sạch các loại rau, quả có vỏ không đều.

Nếu có thể, trước khi ăn chuối, cam, vải tốt nhất nên ngâm một lúc sẽ yên tâm hơn.

Ông Hải nhắc nhở rằng một số người sử dụng muối hoặc một số chất làm sạch khác để rửa rau và trái cây. Thực ra, giấm, baking soda hay nước vo gạo có thể loại bỏ thuốc trừ sâu, nhưng kết quả thường không tốt.

Ví dụ, chất tẩy rửa trái cây và rau quả có thể để lại dư lượng chất hoạt động bề mặt nếu chúng không được rửa sạch. Vì vậy, cách hữu hiệu nhất để giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là ngâm và làm sạch bằng nước chảy.

6. Đối với những loại trái cây có thể gọt vỏ và ăn thì không phải lo thuốc trừ sâu?

Hầu hết các loại trái cây đều có thể gọt vỏ để tránh ăn phải thuốc trừ sâu, nhưng điều này không có nghĩa là bạn có thể yên tâm.

Vì thuốc trừ sâu được chia thành thuốc trừ sâu dạng tiếp xúc và thuốc dạng hệ thống: thuốc dạng tiếp xúc phần lớn tan trong nước và có thể loại bỏ bằng cách rửa; thuốc dạng hệ thống là loại thuốc được hấp thụ qua rễ và thân của cây lớn.

Tốt nhất bạn nên ăn các loại rau củ quả có nhiều theo mùa, rẻ và ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, không nhất thiết phải gọt vỏ để ăn, một số loại vỏ có giá trị dinh dưỡng cao, ví dụ như vỏ táo có rất nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ rất tốt.

Lương Gia Vĩ (Liang Jiawei), chuyên gia dinh dưỡng tư vấn tại "The Dietitian's Table" cho biết, ngoại trừ người già và trẻ em dưới 3 tuổi cần ăn táo đã gọt vỏ, hầu hết mọi người đều có thể ngâm và rửa sạch táo rồi ăn cả cùi.

7. Quả bị thối một phần, cắt bỏ phần thối, phần còn lại ăn được?

Nếu quả bị thối và mốc một phần, một số người sẽ cắt bỏ những phần này và ăn phần cùi còn lại, nhưng họ cũng sẽ ăn phần nấm mốc mà mắt thường không nhìn thấy được.

Cách đúng là loại bỏ toàn bộ trái cây bị mốc, thối. Chuyên gia Trương Nghi Đình giải thích rằng nấm mốc có thể đã xâm nhập vào toàn bộ trái cây. Nếu là quả tươi bị thâm, bạn hãy cắt bỏ phần hư và ăn.

Bảo Vy
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trái cây mốc cắt bỏ một phần có ăn được không? 7 hiểu lầm khi ăn trái cây