Bệnh nhân đầu tiên được tiêm thuốc trị 5 loại ung thư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Loại thuốc này được phát triển từ một chủng virus đã biến đổi gen, có khả năng xâm nhập vào bên trong tế bào ung thư và phát nổ, từ đó kích thích hệ thống miễn dịch.

Thuốc trị ung thư có tên CF33-hNIS (hay còn gọi là Vaxinia), được phát triển từ cuối năm 2020 dựa trên chủng virus oncolytic bởi các nhà khoa học tại City of Hope ở Los Angeles (bang California, Mỹ) và công ty công nghệ sinh học Imugene Limited, theo tạp chí Y khoa News Medical (Anh).

Thực tế, các nhà khoa học đã biến đổi gen virus oncolytic để nó có khả năng lây nhiễm có chọn lọc, tức nhắm vào và tiêu diệt các tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến tế bào lành.

Các kết quả nghiên cứu trước đó cho thấy loại thuốc này có hiệu quả tốt trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Hiện tại, thuốc sẽ được thử nghiệm trên người và chia thành hai giai đoạn, bắt đầu từ tháng 4/2022 đến cuối năm 2024.

Sau khi được tiêm vào cơ thể, virus sẽ xâm nhập vào tế bào ung thư, tự nhân đôi rồi phát nổ. Khi tế bào nhiễm bệnh vỡ ra, nó giải phóng hàng nghìn hạt virus mới hoạt động như kháng nguyên.

Lúc này, các virus mới sẽ kích thích tế bào lympho T của hệ miễn dịch nhận diện các tế bào ung thư, từ đó tiêu diệt chúng, theo Science Alert.

Giai đoạn 1 của nghiên cứu dự kiến có 100 tình nguyện viên tham gia. Đây đều là các bệnh nhân trưởng thành, có khối u rắn di căn hoặc tiến triển, đã thử ít nhất 2 phương pháp điều trị tiêu chuẩn trước đó.

Tất cả những người tham gia sẽ được tiêm Vaxinia ở ngày đầu tiên và ngày thứ 8 bằng hai cách: tiêm qua tĩnh mạch và tiêm trực tiếp vào khối u.

Bên cạnh đó, cũng có một số tình nguyện viên được điều trị kết hợp với pembrolizumab, vốn được dùng để điều trị một vài bệnh ung thư cụ thể.

Kết quả của nghiên cứu sẽ được các nhà khoa học đánh giá, từ đó đưa ra liều lượng phù hợp với bệnh nhân ung thư cũng như mức độ an toàn của thuốc.

CF33-hNIS được chứng minh có hiệu quả với 5 bệnh ung thư trong các thử nghiệm trước đó gồm: ung thư ruột kết, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tuyến tụy, theo Daily Mail.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu giai đoạn 1 thành công, giai đoạn 2 sẽ được triển khai trên quy mô rộng hơn. Họ cũng hy vọng thuốc mới sẽ được đưa vào sản xuất đại trà và sử dụng phổ biến cho các bệnh nhân ung thư, theo News Medical.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Bệnh nhân đầu tiên được tiêm thuốc trị 5 loại ung thư