Bỏ bữa sáng có thể gây nguy hiểm đến bệnh nhân tiểu đường loại 2, nghiên cứu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chuyên gia cho biết bỏ bữa sáng thậm chí có thể làm bệnh tiểu đường trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Diabetes Care, bỏ bữa sáng có thể là thảm họa cho sức khỏe. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 bỏ bữa sáng có nguy cơ gây ra tăng đột biến lượng đường trong máu và làm suy giảm thêm chức năng insulin.

Người ta thường nói rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và nghiên cứu này cho thấy lý do tại sao việc ăn uống lành mạnh vào buổi sáng lại quan trọng như vậy.

Bệnh tiểu đường loại 2 là gì?

Tiểu đường loại 2 là hậu quả của việc sản xuất insulin kém. Vai trò chính của insulin - một loại hormone do tuyến tụy tiết ra tự nhiên - là điều chỉnh lượng đường trong máu.

Nếu không được cung cấp đủ insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng lên và kết quả có thể rất tàn khốc. Do đó, nếu bạn bị bệnh tiểu đường loại 2, bạn phải tìm các phương pháp thay thế để điều chỉnh lượng đường trong máu cao.

Ảnh hưởng của bữa sáng đến bệnh tiểu đường loại 2

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Tel Aviv, gồm 22 người bệnh tiểu đường loại 2, có độ tuổi trung bình là 56,9. Họ đều ăn cùng một chế độ ăn lành mạnh trong hai ngày, gồm sữa, cá ngừ, bánh mì và một thanh sô cô la.

“Mặc dù thực tế là nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh lợi ích của bữa sáng giàu calo trong việc giảm cân và điều chỉnh sự trao đổi chất glucose, nhưng rất ít thông tin được biết về tác động của việc bỏ bữa sáng đối với sự gia tăng đường huyết sau bữa ăn trong suốt cả ngày", giáo sư Daniela Jakubowicz, một trong những nhà nghiên cứu chính của cuộc nghiên cứu nói.

Tuy nhiên, vào ngày thứ hai, những người tham gia không ăn sáng. Giáo sư Jakubowicz giải thích: “Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng việc bỏ bữa sáng sẽ không có lợi cho sức khỏe, nhưng thật ngạc nhiên khi thấy mức độ suy giảm chuyển hóa glucose cao như vậy chỉ vì những người tham gia không ăn sáng".

“Đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, việc bỏ bữa sáng có liên quan đến sự gia tăng đáng kể lượng đường trong máu cả ngày và chỉ số HbA1c, thể hiện mức đường huyết trung bình trong ba tháng trước đó.”

Vào ngày thứ 2 lượng đường huyết cao nhất là 14,9 sau bữa trưa và 16,6 sau bữa tối. So với ngày đầu tiên có bữa sáng, lượng đường huyết cao nhất chỉ là là 10,7 sau bữa trưa và 11,9 sau bữa tối.

Nghiên cứu lập luận rằng bữa sáng hàng ngày quan trọng hơn việc bạn ăn cụ thể những gì. Dù bạn thực hiện chế độ ăn kiêng nào, các chỉ số sẽ trở nên khác hẳn nếu bạn bỏ bữa sáng.

Ông Jakubowicz nói: “...giảm lượng tinh bột và đường trong bữa trưa và bữa tối sẽ không có tác dụng làm giảm lượng glucose tăng cao nếu những người mắc bệnh tiểu đường cũng bỏ bữa sáng,”

Bữa sáng giúp ích như thế nào

Theo giáo sư Jakubowicz, bệnh nhân tiểu đường loại 2 không nên bỏ bữa sáng, vì nó có thể gây tổn hại đến chức năng tế bào beta tuyến tụy và dẫn đến lượng đường cao, ngay cả khi họ không ăn quá nhiều vào bữa trưa và bữa tối.

Bà Jenna Freeman Scudder, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế Wexner Đại học Bang Ohio cho biết: ‘Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy rằng bỏ bữa sáng thực sự có thể dẫn đến kháng insulin nhiều hơn’.

Bà Scudder bổ sung rằng bữa sáng cũng có liên quan đến việc tăng lượng đường trong máu sau cả bữa trưa và bữa tối. Điều này có thể gây căng thẳng quá mức cho cơ thể cũng như dẫn đến việc lựa chọn chế độ ăn uống kém hiệu quả. Bà giải thích: ‘Không ăn sáng sau một đêm có thể gây căng thẳng cho cơ thể và quá trình trao đổi chất, và có thể dẫn đến ăn quá nhiều ở các bữa khác. Nó cũng làm cho các lựa chọn không lành mạnh, nhiều calo trở nên hấp dẫn hơn’.

Nhiều nghiên cứu cho thấy bữa sáng lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng thừa cân/béo phì và có xu hướng khỏe mạnh hơn, ít mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường hơn. Vì vậy rất nhiều chuyên gia khẳng định rằng bữa sáng rất quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay cơ chế của bữa sáng tác động đến cơ thể vẫn chưa được chứng minh đầy đủ.

Quang Minh (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Bỏ bữa sáng có thể gây nguy hiểm đến bệnh nhân tiểu đường loại 2, nghiên cứu