Các loại thảo mộc giúp ổn định huyết áp cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Huyết áp của chúng ta thay đổi liên tục trong ngày. Tuy nhiên, nếu nó ở mức cao quá lâu có thể làm tổn hại các bộ phận khác. Đó là lý do khiến các bác sĩ lo ngại.

Huyết áp cao hoặc tăng huyết áp cần phải khám bác sĩ và kê đơn thuốc. Theo thống kê của Viện Tim, Phổi và Máu Hoa Kỳ cảnh báo, một nửa dân số Mỹ bị huyết áp cao. Trong đó, có những người thậm chí không biết mình bị huyết áp cao.

Khi đo huyết áp sẽ có 2 chỉ số. Thứ nhất là huyết áp tâm thu. Đây là khi tim đang đẩy máu qua các mạch của chúng ta. Huyết áp tâm thu là giới hạn cao nhất của áp lực máu tác động lên thành động mạch khi tim co bóp. Huyết áp tâm thu ổn định là ở mức 120mmHg. Thứ hai là huyết áp tâm trương, khoảng dừng giữa các nhịp tim khi tim được bơm đầy máu. Huyết áp tâm trương ổn định là ở mức bằng hoặc thấp hơn 80 mmHg.

Như vậy, chỉ số huyết áp của người bình thường là 120/80 mmHg.

Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng kiểm tra huyết áp của mình tại các phòng khám với máy đo kỹ thuật số. Hoặc chúng ta có thể tự kiểm tra huyết áp của mình bằng máy đo huyết áp tại nhà. Vì huyết áp thay đổi trong ngày nên việc theo dõi là rất quan trọng và cần thực hiện thường xuyên theo lịch trình.

Cụ thể, đo huyết áp cần đo cùng một thời điểm, cùng một vị trí và cùng một trạng thái. Uống rượu, ăn uống, hút thuốc hoặc tập thể dục có thể làm thay đổi chỉ số huyết áp. Do vậy, chúng ta nên đợi khoảng 30 phút sau các hoạt động này trước khi đo huyết áp.

Ngay cả việc xem tin tức giật gân hoặc suy nghĩ căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp của bạn. Trên thực tế, nhiều người cảm thấy căng thẳng hoặc khó chịu khi đến phòng khám của bác sĩ. Từ đó dẫn đến hiện tượng “tăng huyết áp áo choàng trắng”. Chính vì vậy mà chỉ số huyết áp tại phòng khám bác sĩ cao hơn so với các cơ sở khác.

Việc duy trì huyết áp ổn định rất quan trọng. Các mạch máu nếu chịu quá nhiều áp lực trong thời gian dài sẽ mất tính đàn hồi và hoạt động không tốt. Do đó giữ huyết áp bình thường giúp giải quyết một số rủi ro liên quan đến huyết áp cao. Đồng thời có thể ngăn ngừa các vấn đề như bệnh tim mạch, bệnh thận và đột quỵ. Khi huyết áp ổn định, nó giúp giữ cho tim và mạch của chúng ta hoạt động tốt dưới áp lực bình thường.

Trước khi bị chẩn đoán tăng huyết áp hoặc huyết áp cao, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi lối sống để giúp duy trì huyết áp bình thường. Do đó, việc duy trì thói quen lành mạnh là vô cùng quan trọng. Cụ thể như duy trì hoạt động, ăn uống lành mạnh, không uống rượu hoặc hút thuốc và kiểm soát được căng thẳng.

Ngoài ra, cũng có một số loại thảo mộc hữu ích mà chúng ta có thể thêm vào chế độ ăn uống của mình. Một số loại thảo mộc có tác dụng chữa bệnh tương tự như thuốc điều trị huyết áp cao.

Sử dụng một lượng nhỏ an toàn các loại thảo mộc này có thể giúp phòng ngừa và giảm huyết áp. Thêm vào đó, những loại thảo mộc này cũng có thể làm giảm rủi ro của huyết áp cao kéo dài.

Thuốc có thể không tương thích với một số loại thảo mộc. Vì vậy, nếu bạn đang dùng thuốc thì hãy tham khảo lời khuyên từ chuyên gia và bác sĩ.

Thuốc huyết áp

Có một số loại thuốc được kê đơn để giúp kiểm soát huyết áp cao. Trong tự nhiên cũng có một số loại thảo mộc có tác dụng tương tự những loại thuốc này. Hoặc, có thể nói rằng việc phát hiện ra những loại thuốc như vậy đến từ các phương thức được tìm thấy trong các loại thuốc dân gian cổ xưa. Các tác dụng chữa bệnh thường được tìm thấy trong thực vật tự nhiên.

Ví dụ, thuốc lợi tiểu giúp cơ thể loại bỏ nước và natri dư thừa bằng cách tăng đi tiểu. Chúng thường được gọi là thuốc lợi tiểu và được kê đơn cho cả bệnh nhân mắc các vấn đề như tăng huyết áp.

Trong tự nhiên, nhiều loại thực phẩm và thảo mộc có công dụng như thuốc lợi tiểu. Cụ thể như bồ công anh, rau mùi tây, chanh, cần tây, dưa chuột, dưa hấu và dứa, cũng như tỏi, gừng và hành.

Năm 2014, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Dược phẩm và Trị liệu đã nêu vai trò của dinh dưỡng trong liệu pháp điều trị bằng thuốc thông thường đối với bệnh cao huyết áp.

Khi khám phá các hợp chất tự nhiên, họ tuyên bố: “Nhiều hợp chất tự nhiên trong thực phẩm, cũng như một số chất bổ sung dinh dưỡng, vitamin, chất chống oxy hóa hoặc khoáng chất, có một phần tác dụng như các loại thuốc, hoạt động tương tự như thuốc hạ huyết áp. Tuy nhiên, chúng có thể kém hiệu quả hơn và mất nhiều thời gian hơn so với thuốc hạ huyết áp. Khi được sử dụng kết hợp với các chất dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng khác, tác dụng hạ huyết áp có thể được phóng đại”.

Thảo dược giúp điều trị huyết áp cao

  1. Cỏ Xạ hương (Thymus Vulgaris)

Đây là một loại thảo mộc phổ biến có mùi thơm và tạo hương vị thơm ngon trong các món súp, đồ nướng, nước sốt hay món nhồi. Cỏ Xạ hương được tìm thấy ở cửa hàng dưới dạng tươi, lá khô hoặc trong nhiều loại hỗn hợp thảo mộc.

Cỏ Xạ hương có nguồn gốc từ Địa Trung Hải với hơn 50 loại, thường là cây thân gỗ lâu năm cứng cáp. Nó có khả năng chịu hạn, phát triển chậm và ưa đất thoát nước tốt. Nó không thích ứng với bị úng rễ và phát triển tốt hơn trong thời tiết nắng ấm.

Cỏ xạ hương làm tăng hương vị món ăn và tốt cho sức khỏe. (Ảnh: unsplash.com)

Thu hoạch cỏ Xạ hương bằng cách tỉa bớt phần mọc mới từ thân cây, khoảng 10-15cm. Thời điểm tốt nhất để thu hoạch cỏ xạ hương là trước khi cây ra hoa vào cuối mùa xuân và tầm cuối buổi sáng sau khi sương sớm đã khô.

Sử dụng cỏ Xạ hương tươi trong vòng vài ngày sau khi thu hoạch, hoặc có thể bảo quản Xạ hương ở nhiệt độ đóng băng và sấy khô. Những cách bảo quản này giúp Xạ hương sử dụng được lâu dài mà vẫn giữ được mùi hương.

Thành phần cỏ Xạ hương và tác dụng chữa bệnh

Cỏ Xạ hương có rất nhiều tác dụng chữa bệnh như chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa và chống ung thư.

Nó có nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin cũng như flavonoid và tinh dầu bao gồm thymol và carvacrol. Có tám axit phenolic trong cỏ xạ hương gồm axit gallic, axit syringic và axit rosmarinic. Axit rosmarinic là một trong những thành phần chính của cỏ xạ hương và được biết đến với nhiều tác dụng chữa bệnh, trong đó có điều trị huyết áp cao.

Nghiên cứu trên động vật năm 2017 cho thấy, axit rosmarinic làm giảm huyết áp bằng cách hoạt động như một chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE). Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, chiết xuất cỏ xạ hương có chứa axit rosmarinic. Chiết xuất này làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và tâm trương trong các nghiên cứu trên động vật.

Cách sử dụng cỏ xạ hương

Làm trà: Hoạt động chống oxy hóa và kháng khuẩn của xạ hương không chỉ tuyệt vời trong điều trị cảm lạnh và sức khỏe đường hô hấp mà còn ổn định huyết áp. Xạ hương tươi, khô hoặc đông lạnh đều có thể dùng bằng cách ngâm trong nước sôi và lọc để có một tách trà thơm nồng với hương vị thuốc nhẹ.

Thêm vào món ăn: Cỏ xạ hương làm tăng hương vị món ăn và tốt cho sức khỏe. Khoai tây nướng hoặc các loại rau nướng có thể rắc thêm cỏ xạ hương tươi, khô hoặc đông lạnh sẽ rất tuyệt vời. Bạn có thể tìm hiểu các công thức nấu ăn có bổ sung thêm xạ hương. Nếu bạn đang dùng thuốc bao gồm cả thuốc hạ huyết áp, hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ về các phản ứng tiêu cực tiềm ẩn.

2. Rau mùi tây (Petroselinum crispum)

Loại gia vị này được xếp vào danh mục đồ trang trí. Tuy nhiên, những chiếc lá mùi tây xanh tươi, xinh xắn, cuộn tròn còn làm được nhiều việc hơn là tạo thêm độ tương phản cho đĩa ăn. Rau mùi tây giúp làm sạch vòm miệng và cho hơi thở thơm tho. Loại cây sống được 2 năm này chứa chất dinh dưỡng và hương thơm trong những chiếc lá phẳng hoặc cuộn tròn phong phú. Nó có hương vị sảng khoái, tinh khiết. Bên cạnh việc làm đồ trang trí đẹp mắt, nó có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Rau mùi tây cũng là một loại thảo mộc Địa Trung Hải khác. Nó ưa đất màu mỡ với nhiều chất hữu cơ và một vị trí đầy đủ ánh nắng mặt trời. Rau mùi tây phát triển dễ dàng từ hạt, nảy mầm sau 10 - 14 ngày. Trong năm phát triển thứ nhất, nó có màu xanh tươi ngon. Vào năm thứ hai, lá mùi tây cứng hơn và ít hương vị hơn vì cây đang dồn năng lượng để tạo hạt. Thân cây trung tâm cao được bao phủ bởi các cụm hoa màu vàng và sẽ phát triển thành hạt sọc vào giữa đến cuối mùa hè.

Để trồng mùi tây, bạn có thể gieo hạt rải khắp vườn nơi có đất và độ ẩm thích hợp.

Lá mùi tây có thể cuộn lại hoặc phẳng tùy thuộc vào giống. Những chiếc lá xanh tươi có thể để trong tủ lạnh vài ngày. Bạn cũng có thể làm khô hoặc trữ đông lá mùi tây để dùng lâu dài. Thời gian thu hoạch lá từ cây năm thứ nhất vào đầu ngày từ cuối mùa xuân đến cuối mùa thu. Sau đó, ngâm lá trong nước muối lạnh để loại bỏ bụi bẩn, côn trùng. Những bó rau mùi tây tươi sạch có thể nghiền thành bột và đóng gói để trong tủ đông. Như vậy, bạn có thể dễ dàng thêm vào súp, nước sốt, salad và nước xốt vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Mùi tây có sẵn cả tươi và khô trong các cửa hàng tạp hóa. Khi rau mùi tây vào mùa, bạn có thể mua một lượng lớn và bảo quản như mô tả ở trên. Rau mùi tây cũng có sẵn dưới dạng thực phẩm chức năng giúp lợi tiểu, tốt cho sức khỏe tim mạch, hỗ trợ tiêu hóa cũng như chất lượng dinh dưỡng và chất chống oxy hóa cao.

Thành phần rau mùi tây và tác dụng chữa bệnh

Từ năm 1996 - 2013, một lượng lớn các nghiên cứu được tiến hành liên quan đến các hoạt động dược lý của rau mùi tây. Các nghiên cứu này đã chứng minh, cây thuốc này có nhiều tác dụng chữa bệnh. Một số trong đó là hoạt động chống oxy hóa, bảo vệ não, chống tiểu đường, giảm đau, bảo vệ dạ dày, kháng khuẩn và kháng nấm. Ngoài ra, rau mùi tây cho thấy giúp lợi tiểu và hạ huyết áp. Cũng có bằng chứng về tác dụng đối với bệnh cao huyết áp và bệnh tim.

Năm 2019, một nghiên cứu đánh giá chức năng hạ huyết áp của chiết xuất nước mùi tây. Mặc dù nghiên cứu mới thực nghiệm trên động vật, nhưng nó cho thấy chiết xuất này làm giảm huyết áp tâm thu, tâm trương và huyết áp động mạch trung bình. Từ đó kết luận rằng: “Nghiên cứu đã chứng minh hoạt động của mùi tây như một tác nhân giúp hạ huyết áp.”

Cách sử dụng rau mùi tây

Bạn có thể dễ dàng thêm mùi tây vào hầu hết các bữa ăn. Cho dù được rắc lên trên, cho vào súp và nước sốt, hoặc được dùng để trang trí thêm, hương vị sảng khoái của rau mùi tây đều có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy thử món sốt xanh chimichurri với rau mùi tây tươi, hoặc salad được làm từ hương vị tươi sáng của rau mùi tây và chanh.

3. Râu Ngô (Stigma maydis)

Theo Trung y, râu ngô được sử dụng như một phương thuốc thảo dược. Nó có thể hỗ trợ sức khỏe tâm thần, nhiễm trùng đường tiết niệu và bệnh tim.

Các sợi tơ dài dễ dàng thu thập khi tách lõi ngô. Loại râu ngô tốt nhất là loại hữu cơ hoặc tự trồng. Bạn có thể phơi khô râu ngô ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng. Khi thu thập các sợi tơ, cuộn chúng thành các tổ có kích thước từ 3 - 5 cm như tổ mì ống nhỏ và đặt chúng lên khay. Để khô trong 48 đến 72 giờ. Mỗi tổ sẽ vừa đủ cho một tách trà râu ngô.

Khi mùa ngô kết thúc ở nhiều nơi, râu ngô cũng có sẵn ở dạng khô hoặc dưới dạng thực phẩm bổ sung.

Thành phần tơ ngô và tác dụng chữa bệnh

Râu ngô có các thành phần hoạt tính sinh học như flavonoid và terpenoid giúp lợi tiểu, chống oxy hóa và chống tăng huyết áp. Một chất hóa học do cơ thể tạo ra có tên là men chuyển angiotensin (ACE) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì huyết áp. Đôi khi nó hoạt động quá tốt và có thể làm tăng huyết áp bằng cách thu hẹp các mạch máu. Ức chế ACE là phương pháp điều trị phổ biến đối với bệnh cao huyết áp. Do vậy, một số người bị tăng huyết áp được kê đơn thuốc ức chế men chuyển để làm giãn mạch máu nhằm giảm huyết áp. Trà râu ngô cho thấy tác dụng đối với hoạt động của ACE. Trong một nghiên cứu trên động vật, chiết xuất từ râu ngô làm giảm đáng kể mức huyết áp tâm thu và ức chế hoạt động của ACE.

Cách sử dụng Râu ngô

Trà râu ngô: Để pha trà râu ngô, hãy dùng một thìa cà phê râu ngô khô cho một cốc nước sôi. Để từ 5–10 phút và thưởng thức với một lát chanh và mật ong hoặc hương liệu bạn thích.

Râu ngô không độc hại nên rất an toàn để dùng cho mọi người. Một nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy liều lượng rất cao cũng không gây tử vong hoặc có bất kỳ phát hiện bất thường nào ở động vật. Tuy vậy, hãy bắt đầu với một liều lượng thấp để quan sát phản ứng của cơ thể và kiểm tra xem có bất kỳ tác động tiêu cực nào như dị ứng hay không.

Công thức trà duy trì huyết áp

Loại trà này được khuyến nghị dùng trước khi đi ngủ, dù nó có thể uống bất cứ lúc nào trong ngày. Lý do vì một nghiên cứu được công bố năm 2019, ghi nhận thuốc huyết áp uống trước khi đi ngủ có hiệu quả hơn.

Mặc dù không bao giờ được khuyến nghị thay thế các loại thuốc được bác sĩ kê đơn hoặc khuyên dùng, nhưng loại trà này và kết hợp với thay đổi lối sống có thể giúp duy trì huyết áp ổn định.

(Ảnh: unsplash.com)

Công thức:

¼ muỗng cafe xạ hương khô hoặc ½ muỗng cafe lá tươi

¼ muỗng cafe lá mùi tây khô hoặc ½ muỗng cafe lá mùi tây tươi

¼ muỗng cafe râu ngô khô hoặc ½ thìa cafe râu ngô tươi

Hãm với 1-2 cốc nước đun sôi trong 5-10 phút. Bạn có thể dùng máy hoặc dụng cụ pha trà để thu được nước trà tinh khiết không cặn. Sau đó, thêm một lát chanh và chút mật ong rồi thưởng thức.

Đối với những người không thích dậy đi vệ sinh vào ban đêm, hãy uống trà này hai giờ trước khi đi ngủ.

Lưu ý:

Các loại thuốc dựa trên thực vật truyền thống đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ và thường được coi là an toàn. Tuy nhiên, vào thời đại chúng ta ngày nay, mọi thứ không còn được như trước. Lý do là bởi đất mà nơi cây mọc hay cách chúng được trồng, thu hoạch và chế biến có thể thay đổi thành phần hóa học của các đặc tính chữa bệnh. Giống như thuốc tây, thuốc từ thực vật cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác. Từ đó gây ra các tác dụng phụ chưa biết hoặc liên quan đến dị ứng, mẫn cảm hay tình trạng bệnh lý.

Với bất kỳ thành phần mới nào, bạn nên thử nghiệm một lượng nhỏ trên da và đợi 24 giờ. Bất kỳ phản ứng nào như khó chịu, ngứa ngáy hoặc phát ban có thể là dấu hiệu của sự nhạy cảm. Hãy nhận biết các chống chỉ định tiềm năng với thuốc. Luôn kiểm tra và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu các biện pháp điều trị mới bằng thảo dược. Khi dùng thuốc, nếu các triệu chứng vẫn tồn tại hoặc trầm trọng hơn, hãy ngừng sử dụng.

Theo Epoch Times tiếng Anh
Viên Minh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Các loại thảo mộc giúp ổn định huyết áp cao