Chăm sóc da thông minh: Cách lựa chọn  mỹ phẩm không chứa hóa chất độc hại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong  bộ phim tài liệu từng đoạt giải thưởng của Phyllis Ellis có tên “Toxic Beauty”, các sản phẩm chăm sóc da được ví như “thuốc lá mới”. Một chuyên gia hóa học người Thụy Sĩ của một thương hiệu lớn nhất thế giới thừa nhận rằng, ngành công nghiệp mỹ phẩm đang phá hủy các tế bào của phụ nữ.

Nhưng ngành công nghiệp chăm sóc cá nhân đang phá hủy không chỉ các tế bào…

Hoá chất độc hại trong mỹ phẩm

Trong số hàng chục nghìn hóa chất sử dụng trong ngành mỹ phẩm, hầu hết chúng không được cơ quan chính phủ kiểm duyệt trước khi đưa ra thị trường. Các hoá chất độc hại trong mỹ phẩm như kim loại nặng gây ung thư, paraben và phthalates gây kích ứng, dị ứng. Chúng còn có liên quan đến một số vấn đề sức khỏe như ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Gần đây hơn 15.000 phụ nữ đã kiện nhãn hàng Johnson & Johnson vì cho rằng, phấn rôm trẻ em làm từ bột talc của công ty là nguyên nhân gây ung thư buồng trứng. Một lượng nhỏ amiăng - một chất gây ung thư nổi tiếng, đã được tìm thấy trong kem che khuyết điểm và phấn nhũ trẻ em tại Claire's.

TEDx đã xác định được hơn 200 hóa chất có thể gây rối loạn nội tiết trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Theo The Guardian, một phụ nữ Mỹ sử dụng trung bình 12 sản phẩm tương đương 200 loại hóa chất mỗi ngày. Cũng theo một khảo sát được thực hiện bởi nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp vào năm 2016, một số phụ nữ sử dụng trung bình 16 sản phẩm mỗi ngày trên khuôn mặt của họ.

Trang điểm bằng các sản phẩm độc hại cũng đã tồn tại từ lâu. Trước đây, các nữ hoàng Ai Cập thường trang điểm mắt đen bằng chì. Người Victoria thì làm cho da rạng rỡ bằng các sản phẩm chứa thành phần độc hại như thủy ngân, asen và amoniac.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều loại mỹ phẩm ra đời với đa dạng kiểu dáng, thành phần, mùi hương và màu sắc để đáp ứng nhu cầu của con người. Cũng chính vì vậy, càng nhiều hoá chất được dùng hơn trong các sản phẩm này.

Các hoá chất độc hại phổ biến phải kể đến trong mỹ phẩm như: các chất tạo mùi, hợp chất BHT(Butylated Hydroxytoluene) và BHA (Beta Hydroxy Acid), chất bảo quản Formaldehyde, Paraben, PEGs, Phthalates, Siloxanes, Triclosan, lưu huỳnh, v.v..

Vậy làm thế nào để người tiêu dùng tìm được mỹ phẩm không chứa hóa chất độc hại?

Cách giảm sự độc hại của hóa chất trong mỹ phẩm

Khi nhận thức của mọi người về những thành phần độc hại trong mỹ phẩm ngày càng tăng, những biện pháp làm giảm bớt sự độc hại cũng được quan tâm nhiều hơn. Mới đây, nhóm Công tác Môi trường đã cung cấp nhãn kiểm định mới (EWG Verified). Nhãn này dùng để chứng nhận sản phẩm mỹ phẩm đó là đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần và tính minh bạch.

“Chương trình này là phần mở rộng công việc của nhóm với cơ sở dữ liệu Skin Deep. Trong hơn một thập kỷ, hàng chục triệu khách đã truy cập thông tin về thành phần hóa chất và độ an toàn tương đối của mỹ phẩm và dầu gội yêu thích của họ.”

Nói cách khác, EWV Verified được thiết kế để hoạt động như một nhãn chính thức. Nó là một con dấu phê duyệt màu xanh lá cây, giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn thông minh và sáng suốt về loại mỹ phẩm họ mua.

  • Lựa chọn thương hiệu và địa chỉ mua mỹ phẩm

“Vẻ đẹp tự nhiên” hay “vẻ đẹp sạch” là gì? Trong ngành công nghiệp làm đẹp, các thuật ngữ “hoàn toàn tự nhiên” thường gây nhầm lẫn cho hầu hết người tiêu dùng.

Điều này cũng giống như các chứng nhận sản phẩm hữu cơ của ngành thực phẩm. Ngày nay, ngành mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân có hơn 400 nhãn chứng nhận an toàn với mức độ tin cậy khác nhau. Thậm chí có những nhãn chưa đủ thông tin và khó giải mã. Ngoài ra, sức mạnh thao túng của quảng cáo cũng có thể độc hại như các sản phẩm mà nó nó tiếp thị. Các loại mỹ phẩm được khẳng định là “nguyên chất”, “hữu cơ”, hay “tự nhiên” có thực sự là như vậy?

Là người tiêu dùng thông minh, bạn nên tìm hiểu về thương hiệu mỹ phẩm trước khi mua. Các thương hiệu mỹ phẩm uy tín sẽ có website riêng của mình và các sản phẩm của họ sẽ được giới thiệu đầy đủ trên đó. Nên chọn mua mỹ phẩm tại các showroom chính hãng, bởi bạn sẽ được tư vấn viên chuyên nghiệp hướng dẫn cách dùng sản phẩm.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, nếu bạn gặp phải tình huống xấu, bạn có thể đến nơi đó để được đổi sản phẩm hoặc được chăm sóc khách hàng tốt hơn.

  • Kiểm tra mỹ phẩm trước khi mua

Sau khi đã lựa chọn thương hiệu và địa chỉ tin cậy, một bước quan trọng nữa không thể bỏ qua đó là cần thử mỹ phẩm trước khi mua. Điều sẽ giúp bạn xem trước loại mỹ phẩm đó có phù hợp với da của mình hay không nhằm tránh gây hại cho da và tránh lãng phí khi mua mỹ phẩm về rồi mà không dùng được.

Cách để thử mỹ phẩm không khó. Tại các showroom của hãng mỹ phẩm bao giờ cũng có sản phẩm dùng thử để test. Bạn hãy thoa một lớp mỏng mỹ phẩm lên mặt trong của cánh tay (nơi có làn da mỏng dễ bị kích ứng) và quan sát trong khoảng 1 ngày, nếu da không bị kích ứng thì bạn có thể mua sản phẩm đó để dùng.

Như đã đề cập, EWG’s Skin Deep là website tin cậy để bạn có thể kiểm tra cẩn thận bảng thành phần mỹ phẩm và tra cứu bất cứ thành phần lạ nào.

  • Chọn sản phẩm phù hợp với da

Với mỗi loại da thường có sản phẩm chăm sóc khác nhau. Vì vậy bạn cần chú ý chọn sản phẩm phù hợp loại da và lứa tuổi của mình. Làn da nhạy cảm nên hạn chế sản phẩm có chứa chất bảo quản, bởi thành phần chất bảo quản có ở các loại mỹ phẩm là chất có nguy cơ làm kích ứng da cao nhất. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh mua sản phẩm có mùi thơm nhân tạo.

Khi sử dụng sữa tắm, dầu gội, mỹ phẩm chăm sóc da, kem chống nắng… nếu thấy những dấu hiệu bất thường trên da thì rất có thể bạn đang bị dị ứng với hương liệu chứa trong mỹ phẩm. Khi bị dị ứng hương liệu thường có những biểu hiện: ngứa họng, ngứa mũi, hắt xì, ngứa mắt, phát ban, ngứa ngoài da, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt… nên dừng ngay sản phẩm.

  • Sử dụng ít sản phẩm lại

Mỹ phẩm có nhiều hoá chất độc hại nhưng nó cũng không hoàn toàn có lỗi. Cách con người quá lạm dụng mỹ phẩm mới thực sự là vấn đề. Nếu một người sử dụng mỹ phẩm với tần suất thường xuyên, thậm chí trong ngày dặm lại nhiều lần thì mức độ phơi nhiễm độc tính sẽ tăng lên.

Chính vì vậy để có thể tránh tiếp xúc với các thành phần độc hại trong mỹ phẩm, chúng ta hãy giảm tần suất sử dụng. Nếu không thực sự cần thiết, chúng ta có thể giảm một số bước trong trang điểm. Điều này giúp giảm gánh nặng cho làn da, vừa tạo nên sự nhẹ nhàng vừa hạn chế mỹ phẩm. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn các sản phẩm thay thế an toàn cho sức khỏe hơn hoặc tự làm từ các nguyên liệu tự nhiên.

Hi vọng những gợi ý trên sẽ giúp bạn đọc lựa chọn được sản phẩm an toàn, phù hợp và hạn chế độc hại từ hóa chất.

Theo The Epoch Times tiếng Anh
Cát Mộc biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chăm sóc da thông minh: Cách lựa chọn  mỹ phẩm không chứa hóa chất độc hại