Đèn LED ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như thế nào? (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi các nguồn sáng xung quanh chúng ta ngày càng trở nên khác biệt so với ánh nắng mặt trời, thì hậu quả đối với sức khỏe cũng tăng lên.

Xã hội hiện đại đã và đang chứng kiến một sự thay đổi tinh tế nhưng không thể nhầm lẫn về nguồn sáng trong vài năm qua.

Trong gần hai thập kỷ, chính sách của các chính phủ trên toàn cầu đã dần loại bỏ bóng đèn sợi đốt truyền thống, theo sau đó là sự thúc đẩy một nguồn chiếu sáng mới: đèn LED.

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, đèn LED đã trở thành nguồn sáng chủ yếu trong các gia đình, kể cả ngoài trời. Bạn có thể tìm thấy chúng trong nhà, trường học, văn phòng hay đèn đường… gần như bất kỳ nơi nào mà bóng đèn sợi đốt từng ngự trị.

Nhưng sự phổ biến của công nghệ này lại tỷ lệ nghịch với chất lượng ánh sáng mà chúng phát ra. Đèn LED phát ra ánh sáng lạnh hơn nhiều so với đèn sợi đốt (vốn tương đối ấm) và chúng có giá cao hơn.

Động lực chính đằng sau sự phổ biến của đèn LED là tiết kiệm năng lượng. Từ năm 2007, Hoa Kỳ đã định ra các tiêu chuẩn mới khiến bóng đèn sợi đốt không còn phổ biến trên thị trường và nhường chỗ cho đèn LED. Mặc dù các lựa chọn đèn sợi đốt vẫn còn ở nhiều nơi, tuy nhiên tại các tiểu bang có tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ có nhiều hạn chế hơn.

Chiếu sáng trong bóng tối luôn đòi hỏi vấn đề năng lượng. Cách đây nhiều thế kỳ, lửa là nguồn sáng được sử dụng phổ biến khi mặt trời lặn. Nhưng cho dù đó là củi hay là gì đi nữa, chúng ta vẫn cần một thứ gì đó để thắp sáng trong bóng tối.

Tuy nhiên, “cuộc chơi” đã thay đổi khi có sự xuất hiện của bóng đèn điện. Bóng đèn sợi đốt vẫn tỏa nhiệt giống lửa, chúng tỏa sáng nhờ dây tóc nóng ở lõi. Nhưng so với lửa, bóng đèn sợi đốt sáng và có tuổi thọ lâu hơn rất nhiều. Chỉ cần tưởng tượng bạn cần bao nhiêu ngọn nến để có độ sáng tương đương với một bóng đèn 60 watt.

Bóng đèn sợi đốt vẫn tỏa nhiệt giống lửa, chúng tỏa sáng nhờ dây tóc nóng ở lõi. Nhưng so với lửa, bóng đèn sợi đốt sáng và có tuổi thọ lâu hơn rất nhiều.
Bóng đèn sợi đốt vẫn tỏa nhiệt giống lửa, chúng tỏa sáng nhờ dây tóc nóng ở lõi. Nhưng so với lửa, bóng đèn sợi đốt sáng và có tuổi thọ lâu hơn rất nhiều. (Pexels)

Đèn LED có tỷ lệ ánh sáng trên năng lượng thậm chí tốt hơn, tạo ra cùng một mức lumen (độ sáng) nhưng chỉ bằng một phần nhỏ công suất của đèn sợi đốt. Đó là bởi vì 90% năng lượng mà một bóng đèn sợi đốt đốt cháy sẽ tỏa nhiệt.

Đèn LED phát sáng không dựa vào nhiệt (mặc dù chúng có nóng lên), mà thông qua một chất bán dẫn đặc biệt phát ra ánh sáng khi có dòng điện chạy qua. LED là viết tắt của đi-ốt phát quang.

Mặc dù đèn LED có chi phí đầu vào cao hơn, nhưng chúng tiết kiệm về lâu dài vì tiêu tốn ít năng lượng và tuổi thọ lâu hơn so với đèn sợi đốt.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ưa thích nó. Bất chấp cả những ưu điểm mà đèn LED mang lại, sẽ là một gáo nước lạnh khi biết đến chất lượng ánh sáng mà chúng phát ra.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, các nhà sản xuất đã cố gắng khiến đèn LED phát ra ánh sáng ấm hơn, nhưng chúng vẫn kém nếu so với hơi ấm từ đèn sợi đốt (vốn khá giống mặt trời).

Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng đèn LED có thể mang theo một số nhược điểm ngoài tính thẩm mỹ. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng từ đèn LED có thể liên quan đến bệnh tâm thần, rối loạn giấc ngủ, mất cân bằng nội tiết tố hoặc thậm chí ung thư.

Các nhà khoa học cho biết bóng đèn LED phát ra ánh sáng lạnh, được gọi là ánh sáng xanh lam. Đây cũng là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe nói trên.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Health Perspectives năm 2018, tiếp xúc với phổ ánh sáng xanh ngoài trời vào ban đêm có liên quan đến ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng từ đèn LED có thể liên quan đến bệnh tâm thần, rối loạn giấc ngủ, mất cân bằng nội tiết tố hoặc thậm chí ung thư.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với ánh sáng từ đèn LED có thể liên quan đến bệnh tâm thần, rối loạn giấc ngủ, mất cân bằng nội tiết tố hoặc thậm chí ung thư. (Wikimedia Commons)

Ánh sáng xanh - Nguồn sáng đầy năng lượng

Ánh sáng xanh vẫn luôn tồn tại xung quanh chúng ta. Ánh sáng mặt trời phát ra cũng có phổ ánh sáng màu xanh lam, nó là một phần của quang phổ ánh sáng. Vào một ngày nắng đẹp, màu xanh lam sẽ là màu sáng chủ đạo, khiến bạn nhìn thấy bầu trời trong xanh.

Điều khiến ánh sáng xanh trở thành vấn đề là thời gian chúng ta tiếp xúc với nó. Mặc dù xanh là một màu tràn đầy năng lượng. Đây không phải là một quan sát chủ quan, mà là một thực tế khoa học.

Ánh sáng bao gồm các hạt di chuyển theo sóng. Ánh sáng xanh lam có bước sóng ngắn so với các màu ấm hơn trong quang phổ (ví dụ như màu đỏ và cam). Điều này có nghĩa là các sóng ánh sáng xanh gặp mắt chúng ta với tần suất lớn hơn các dạng sóng của các màu khác.

Đặc tính này của ánh sáng xanh là một lợi thế trong suốt buổi sáng khi mặt trời mọc. Khi một ngày mới bắt đầu, bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và muốn hoàn thành thật nhiều việc.

Tuy nhiên, sau khi mặt trời lặn, đặc biệt là trong vài giờ trước khi ngủ, ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đến cơ thể và làm mất sự cân bằng.

Ánh sáng xanh tác động đến quá trình sản xuất melatonin

Melatonin chính là lý do khiến các nhà khoa học tin rằng, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh không đúng thời điểm trong ngày có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ánh sáng xanh ức chế quá trình sản xuất melatonin của cơ thể. Sự gián đoạn trong hormone này được biết là làm đảo lộn các quá trình sinh học như giấc ngủ, chu kỳ kinh nguyệt, sức khỏe tâm thần và khả năng miễn dịch. Melatonin cũng là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ.

Làn da chỉ có thể sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với tia UV, vốn có nhiều trong ánh nắng mặt trời, rất ít trong bóng đèn sợi đốt và thực tế không có trong đèn LED.
Làn da chỉ có thể sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với tia UV, vốn có nhiều trong ánh nắng mặt trời, rất ít trong bóng đèn sợi đốt và thực tế không có trong đèn LED. (Pxfuel)

Cơ thể sản xuất bao nhiêu melatonin và thời điểm sản xuất ra nó cũng có thể tác động đến toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, khi nói đến ảnh hưởng của ánh sáng, quá trình này chủ yếu bắt đầu từ mắt. Bước sóng ngắn, nhanh của ánh sáng xanh kích thích sắc tố mắt gọi là melanopsin, sắc tố này báo hiệu việc sản xuất hoặc ức chế melatonin.

Chúng ta thường bật đèn hoặc dựa vào ánh sáng mặt trời để nhìn rõ hơn, nhưng các loại ánh sáng khác nhau ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách mà chúng ta không thể nhìn thấy.

Ví dụ, làn da chỉ có thể sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với tia UV, vốn có nhiều trong ánh nắng mặt trời, rất ít trong bóng đèn sợi đốt và thực tế không có trong đèn LED.

Nhưng ngay cả khi chúng ta chỉ nói về ánh sáng xanh chiếu vào mắt, thì ảnh hưởng nó còn sâu sắc hơn so với nhận thức thông thường.

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng võng mạc của con người chỉ có hai loại tế bào cảm quang: hình que và hình nón. Cả hai cấu trúc võng mạc này đã giúp các nhà khoa học hiểu hơn về cách chúng ta nhìn, nhưng bí ẩn vẫn còn đó. Ví dụ, tại sao bệnh nhân mù vẫn có kiểu ngủ-thức theo chu kỳ của mặt trời trong khi họ không thể nhìn thấy?

Trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cấu trúc khác trong mắt, một thứ gọi là tế bào hạch võng mạc cảm quang nội tại (ipRGCs). Những tế bào này được tìm thấy ở phía sau võng mạc và ánh sáng màu xanh lam kích thích chúng.

Những ipRGC này có thể là một phần trong tầm nhìn của chúng ta, nhưng chúng không hỗ trợ khả năng nhìn. Thay vào đó, chúng chỉ hoạt động để điều chỉnh mô hình thức-ngủ của bạn, còn được gọi là nhịp sinh học.

Hầu hết chúng ta tiếp xúc với ánh sáng xanh từ máy tính bảng, điện thoại và màn hình máy tính. Một số thiết bị này sử dụng màn hình LED, nhưng hầu hết sử dụng màn hình LCD (màn hình tinh thể lỏng), có đèn nền để chiếu sáng.

Cho dù bạn chọn loại màn hình nào, bạn vẫn không thể tránh nguồn sáng có màu xanh lam.
Cho dù bạn chọn loại màn hình nào, bạn vẫn không thể tránh nguồn sáng có màu xanh lam. (Pexels)

Cho dù bạn chọn loại màn hình nào, bạn vẫn không thể tránh nguồn sáng có màu xanh lam. Vì xanh lam là màu cơ bản, nên ánh sáng của nó là thành phần thiết yếu để tạo ra dải màu khổng lồ trong ảnh, video và đồ họa trên màn hình. Ngay cả một màn hình trắng cũng cần ánh sáng xanh.

Một đánh giá được công bố trong ấn bản tháng 12 năm 2019 của Tạp chí Biophotonics giải thích rằng, việc tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh trước khi đi ngủ “có thể tác động nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ, giai đoạn sinh học và thời lượng của chu kỳ”.

“Điều này chắc chắn làm tăng nhu cầu về các giải pháp cải thiện sức khỏe, sự tỉnh táo và hiệu suất nhận thức trong xã hội hiện đại ngày nay, nơi việc tiếp xúc với các thiết bị phát ra ánh sáng xanh ngày càng tăng”, bài đánh giá viết.

Khi mọi người trên khắp thế giới tăng thời gian sử dụng màn hình, nhận thức về tác động của ánh sáng xanh cũng tăng lên. Ngày nay, một số chuyên gia sức khỏe khuyên mọi người, đặc biệt là những người bị mất cân bằng nội tiết tố, khó ngủ hoặc có vấn đề về thị lực, nên tắt màn hình ít nhất nửa giờ hoặc lâu hơn trước khi đi ngủ.

Nếu bạn không thể cắt đứt thói quen sử dụng thiết bị điện tử của mình, bạn có thể mua kính màu cam đặc biệt được thiết kế để chặn màu xanh lam. Hầu hết các thiết bị thông minh cũng có chế độ ánh sáng ban đêm để giảm thiểu màu xanh lam và giảm thiểu các sự cố liên quan đến việc xem ánh sáng này quá gần giờ đi ngủ.

Đừng quên tắt hoặc tắt các bóng đèn LED chiếu sáng môi trường buổi tối của bạn. Bạn có thể cân nhắc chiếu sáng về đêm bằng bóng đèn có số lượng quang thông (một đại lượng đo lường công suất bức xạ phát ra từ một nguồn sáng) thấp hơn hoặc thử dùng bóng đèn màu đỏ. Màu đỏ có bước sóng dài nhất trong tất cả các màu và do đó ít có khả năng làm đảo lộn nhịp sinh học của bạn nhất.

(Còn tiếp)

Theo Thomas E. Levy từ The Epoch Times tiếng Anh
Hoàng Tuấn biên dịch

Conan Milner là phóng viên y tế của Epoch Times. Anh tốt nghiệp Đại học Bang Wayne với bằng Cử nhân Mỹ thuật và là thành viên của Hiệp hội Lương y Hoa Kỳ.



BÀI CHỌN LỌC

Đèn LED ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như thế nào? (Phần 1)