Các hạn chế do COVID tác động tiêu cực đến tinh thần của trẻ em

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các lệnh hạn chế được đưa ra trong thời kỳ COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em trong những năm qua.

Chúng áp đặt một hình thức giáo dục tách biệt mà các bậc cha mẹ và nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đã có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ em cũng như kinh nghiệm học tập và sự tiến bộ của chúng.

Khi các quy tắc COVID dần được nới lỏng và trẻ em bắt đầu trở lại với cuộc sống “bình thường”, cha mẹ và giáo viên có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi này.

Lindsay McBride, một nhà tâm lý học tại Vancouver (Canada), nói rằng việc tràn ngập những tin tức tiêu cực và các chiến thuật hù dọa đối với trẻ em, như đã làm trong hai năm qua, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cốt lõi của chúng.

Cô McBride nói với The Epoch Times tiếng Anh: “Kể từ tháng 3 năm 2020, chúng ta đã dành khoảng thời gian rất quan trọng này để nói với lũ trẻ rằng thế giới không an toàn.

Do đó, khi chúng ta làm điều đó một cách liên tục, chúng ta đang khiến bộ não bị cuộn lại và thay đổi cấu trúc cơ bản của hệ thần kinh.

Vì vậy, kết quả cuối cùng là trẻ em có phản ứng tự động hơn với phản ứng chống trả-hay-bỏ chạy (Fight-or-Flight Response), mức độ lo lắng cao hơn, giảm khả năng tiếp cận thùy trán và nó thay đổi cách thức hoạt động của chúng".

Nhà tâm lý McBride cho biết những hành động nhỏ từ cha mẹ và giáo viên có thể giúp ích rất nhiều, trẻ em cần phải có một nơi an toàn để chúng có thể truyền đạt cảm xúc của mình và biết rằng chúng sẽ được lắng nghe.

Cô nói thêm rằng, trẻ em sẽ được hưởng lợi từ việc có thêm các công cụ và chiến lược giúp chúng đối phó trong các tình huống khó khăn.

McBride nói: “Một cách khác để tăng khả năng phục hồi cho trẻ là tạo một 'hộp công cụ', trong đó chứa các kỹ năng đối phó mà trẻ có thể sử dụng khi cảm thấy căng thẳng hoặc quá tải.

Hộp công cụ này có thể được phụ huynh, giáo viên hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần xây dựng và phát triển.

Cuối cùng, để kỹ năng được thành thục, chúng cần được rèn luyện như một thói quen lặp lại, càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ có lợi cho những đứa trẻ đang cảm thấy lo lắng”.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần

Alexandra Brunner, một y tá làm việc tại Y tế Công cộng Ottawa (Canada), cũng có quan điểm tương tự với nhà tâm lý McBride.

Brunner cho biết cậu con trai 9 tuổi của cô (Jakob) cũng giống nhiều đứa trẻ khác, trở nên khá căng thẳng do không được gặp bạn bè, đồng thời cảm thấy khó khăn để tập trung học trực tuyến cả ngày.

Cô nói: “Tôi thấy sức khỏe tâm thần của con bị suy giảm, nhiều bậc cha mẹ khác mà tôi biết cũng nhận thấy điều tương tự. So với virus, tôi thậm chí cảm thấy những hạn chế này còn nguy hiểm hơn đối với trẻ em, vì nó khiến chúng không có tương tác trực tiếp với nhau”.

Cô Brunner cho biết, khi trẻ quay trở lại học trực tiếp và bắt đầu tương tác với bạn bè cùng trang lứa, sự hỗ trợ từ giáo viên và phụ huynh có thể giúp ích rất nhiều cho những đứa trẻ đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh hoặc thích nghi.

Nữ y tá nói: “Các giáo viên nên tổ chức cuộc họp hoặc thảo luận về những điều cần tìm ở một đứa trẻ gặp tình trạng sức khỏe tâm thần. Cha mẹ có thể nói chuyện với con cái về các vấn đề sức khỏe tâm thần, và trò chuyện cởi mở về cách tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cần”.

Cô Brunner nói thêm, chúng ta cần đảm bảo cho trẻ em hiểu được rằng chúng có thể nói chuyện với người lớn, hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe để giải quyết tình trạng của mình.

Giảm bớt nỗi sợ

Candice Benoit, một trợ lý giáo dục ở Hamilton (Ontario, Canada), người có hai con đang học tiểu học, cho biết cô nhận thấy sự nguy hiểm của các hạn chế COVID từ góc độ chuyên môn và gia đình.

Cô nói: “Nó đã ngăn cản con tôi đạt được và xây dựng các kỹ năng xã hội. Chúng đang trở nên thiếu kết nối giữa các cá nhân. Chúng cũng mất kết nối với nhiều bạn bè mà chúng đã có trong nhiều năm vì thiếu tương tác trực tiếp".

Con gái của Benoit mắc chứng lo âu toàn thân, những hạn chế trong thời kỳ COVID và nỗi sợ hãi càng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cô bé.

Benoit nói: “Con tôi trở nên ngại ở gần những đứa trẻ khác vì sợ bị bệnh. Cô bé được yêu cầu phải thường xuyên vệ sinh tay, và bây giờ nó đã hình thành thứ mà tôi coi là kiểu hành vi không lành mạnh - nỗi lo lắng về những gì sẽ xảy ra nếu không vệ sinh trong mọi tình huống.

Về mặt học thuật, điều này có thể bảo vệ sức khỏe của con tôi. Nhưng về mặt tình cảm và tinh thần, việc phải trở nên xa cách và không dám gần gũi người khác đã tác động vào sức khỏe tinh thần của cô bé".

Khi nhiều thành phố bắt đầu chuyển các lớp học trở lại hình thức trực tiếp, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thực sự đang tạo ra nhiều mức độ lo lắng cho phụ huynh và học sinh.

Benoit tự trấn an với những lo ngại đó bằng cách lưu ý rằng “trẻ em bị nhiễm COVID-19 thường sẽ có các triệu chứng nhẹ và hồi phục khá nhanh”.

Cô nói thêm: “Nếu một đứa trẻ bị suy giảm miễn dịch, thì tôi sẽ dặn chúng nên đeo khẩu trang [cùng với việc tuân theo các biện pháp bảo vệ] khác, như cách chúng ta đã làm trước khi đại dịch bắt đầu”.

Bảo Vy
Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Các hạn chế do COVID tác động tiêu cực đến tinh thần của trẻ em