Hơn 2.000 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong số hơn 2.000 ca, 99% trường hợp là nam giới. WHO nhận định rằng, sự bùng phát của virus lần này chủ yếu tác động đến những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới hoặc quan hệ với nhiều bạn tình gần đây.

Kể từ đầu năm đến nay, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 2.103 ca mắc đậu mùa khỉ ở 42 quốc gia, trải dài từ Châu Âu, Châu Phi, Đông Địa Trung Hải đến Tây Thái Bình Dương và Châu Mỹ. Đặc biệt đã có một trường hợp tử vong, theo báo Tuổi Trẻ.

Trong số hơn 2.000 ca bệnh:

  • 99% trường hợp là nam giới có độ tuổi từ 0-65;
  • 84% (1.773 trường hợp) được ghi nhận tại Châu Âu;
  • 12% (245 trường hợp) ghi nhận tại Châu Mỹ.
  • Châu Phi chỉ chiếm 3%;
  • Còn lại thuộc về Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương (chưa tới 1%);
  • Vương quốc Anh là nước có số ca mắc nhiều nhất với 524 trường hợp.

WHO nhận định, các ca bệnh thực tế còn cao hơn do nhiều người vẫn đang trong thời kỳ ủ bệnh. Do tỷ lệ tử vong thấp, tổ chức này đánh giá mức độ lây lan và nguy hiểm của virus đậu mùa khỉ trên cấp độ toàn cầu là vừa phải.

Thời gian ủ bệnh được tính từ lúc bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cho đến khi bùng phát các triệu chứng trên cơ thể.

Hôm 16/6, nhóm chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm, Viện Y tế Công cộng và Môi trường Quốc gia (RIVM), Bilthoven (Hà Lan) đăng tải trên medRxiv và công bố trên tạp chí Eurosurveillance cho biết, thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ đã rút ngắn hơn so với những làn sóng trước đó, theo Zing.

Các nhà nghiên cứu cho hay, thời gian ủ bệnh sẽ tùy thuộc vào hình thức phơi nhiễm và đường lây truyền. Nó có thể thay đổi từ 9 đến 13 ngày.

Trong đó, thời gian 9 ngày áp dụng cho những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với vết loét, phát ban. Còn 13 ngày áp dụng với trường hợp tiếp xúc da kề da nhưng không có vết loét, giọt bắn. Nói chung, thời gian ủ bệnh trung bình sẽ rơi vào 8.5 ngày, dao động từ 4-17 ngày.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng sự bùng phát đậu mùa khỉ lần này chủ yếu ảnh hưởng đến những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới, hoặc những người đã quan hệ với nhiều bạn tình gần đây, theo báo Tuổi Trẻ.

Virus đậu mùa khỉ đang lây lan trên nhiều quốc gia hiện được xếp vào nhánh Tây Phi, với tỷ lệ tử vong chỉ 1%.

Người mắc bệnh thường bị sốt, đau đầu, đau cơ và kiệt sức. Cũng có trường hợp bị đau và sưng hạch bạch huyết. Sau khi sốt từ 1-3 ngày, các nốt phát ban bắt đầu xuất hiện và hình thành dịch mủ.

Phát ban thường lan từ mặt đến tứ chi và phần còn lại của cơ thể. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp xuất hiện ở bộ phận sinh dục rồi lan ra toàn thân. Bệnh có thể tự hồi phục sau 2-4 tuần.

Theo Zing, một số bệnh nhân ở Mỹ cho biết họ bị đau bên trong hoặc xung quanh hậu môn, trực tràng, chảy máu trực tràng, viêm màng đệm hoặc buồn tiểu không kiểm soát. Đây vốn không phải là các triệu chứng đặc trưng của bệnh đậu mùa khỉ.

Virus đậu mùa khỉ lây từ người sang người thông qua việc tiếp xúc gần gũi với chất lỏng cơ thể, giọt hô hấp hoặc các bề mặt như quần áo, khăn trải giường. Tất nhiên, bệnh cũng có thể lây nhiễm do tiếp xúc với các nốt phát ban và tổn thương trong hoạt động tình dục.

Thông thường, người bệnh nên cách ly cho đến lúc các vết thương đã bị bong, đóng vảy và rơi ra, kèm theo một lớp da tươi đã hình thành bên dưới, WHO cho biết.

Hôm 17/6, để thống nhất cách phản ứng đối với virus đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo họ đã bỏ sự phân biệt giữa các nước coi loại virus là bệnh đặc hữu và không phải bệnh đặc hữu.

Bệnh đặc hữu hiện chưa có định nghĩa chính xác. Tuy nhiên, WHO cho rằng bệnh đặc hữu được xác định khi mức độ lây truyền của virus diễn ra ổn định, không gây ra bùng phát rộng rãi trên phạm vi toàn cầu như đại dịch.

Trước đó, hôm 14/6, tổ chức này cũng thông báo rằng, họ đang làm việc với các chuyên gia để thay đổi tên của virus đậu mùa khỉ, nhằm tránh gây ra "sự hiểu nhầm" và "phân biệt đối xử".

Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 2.000 ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn cầu