Khó thở hậu COVID: Mức độ nguy hiểm, kéo dài bao lâu và cách chữa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khó thở hậu COVID là một trong những triệu chứng phổ biến và dai dẳng nhất đối với những người từng mắc virus và khỏi bệnh. Vậy biện pháp cải thiện là gì?

Mặc dù chỉ là di chứng, nhưng khó thở hậu Covid vẫn tiềm ẩn những rủi ro nếu người bệnh chủ quan.

Khó thở là gì?

Khó thở là khi bạn cảm thấy không thể hít đủ không khí để thở một cách bình thường, hoặc cảm thấy như thể bạn không thể hít thở đủ sâu (hơi thở ngắn, hụt hơi), theo National Jewish Health.

Tình trạng khó thở hậu COVID-19

Trong quá trình hồi phục sau COVID-19, bạn dễ dàng cảm thấy đuối sức và khó thở khi thực hiện một số hoạt động vốn rất dễ dàng trước đây, chẳng hạn như mang đồ giặt hoặc đi bộ lên cầu thang.

Theo Vnexpress, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết trong hơn một tháng (số liệu ghi nhận vào tháng 1/2022), đã có khoảng 4000 bệnh nhân đến khám do các di chứng hậu COVID gây ra.

Trong số này, khoảng 80% bệnh nhân mắc di chứng với các triệu chứng dai dẳng và kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Các biểu hiện phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh…

Riêng về khó thở, số liệu cho thấy có khoảng 50% bệnh nhân xuất hiện triệu chứng này.

Theo Khoa Y thuộc Đại học Michigan (Hoa Kỳ), tình trạng khó thở (hay hụt hơi) có thể cản trở các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân hậu COVID. Đồng thời, tình trạng này cũng gây ra cảm giác hoảng sợ và lo lắng.

Nếu tình trạng khó thở của bạn không nghiêm trọng và bác sĩ đã xác định không có nguyên nhân nào khác cần điều trị, thì bạn có thể tự thực hiện một số biện pháp để giải quyết các triệu chứng này.

Tình trạng khó thở hậu COVID-19, khó thở sau covid, khó thở hậu covid
Riêng về khó thở, số liệu cho thấy có khoảng 50% bệnh nhân xuất hiện triệu chứng này. (Getty Images)

Nguyên nhân gây nên hiện tượng khó thở sau COVID-19

Những triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân COVID-19 phụ thuộc rất nhiều vào cách virus lây nhiễm sang các cơ quan trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đã thí điểm với 36 bệnh nhân, trong đó nhận thấy COVID-19 có thể gây ra tổn thương vi thể cho phổi mà rất khó phát hiện bằng các xét nghiệm thông thường.

TS.BS. Lê Thanh Hải, giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa Thiên Huế, giải thích rằng mặc dù virus corona tấn công toàn thân, nhưng nó lại tập trung chủ yếu ở phổi và hệ hô hấp.

Tại đây, coronavirus tấn công các mô và niêm mạc phổi, nó cũng lây lan nhanh chóng và làm suy yếu đường dẫn khí, gây rối loạn quá trình trao đổi khí và làm mất cân bằng oxy cơ thể, dẫn đến các tổn thương như viêm phổi, xơ phổi… khiến diện tích trao đổi khí bị thu hẹp.

Virus cũng gia tăng tình trạng viêm toàn thân và tại chỗ của hệ hô hấp, gây ra các tổn thương và làm rối loạn quá trình trao đổi chất, rối loạn đông máu làm tắc vi mạch cùng nhiều cơ chế khác, dẫn đến nguồn dung nạp oxy hấp thụ vào cơ thể giảm, và hụt hơi khó thở là triệu chứng chính của tình trạng này.

Ông Hải cũng nói thêm, các tổn thương này sẽ cần nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn, kể cả sau khi bệnh nhân đã khỏi COVID. Do đó, người từng nhiễm coronavirus vẫn xuất hiện các triệu chứng kéo dài như khó thở, hụt hơi.

Nguyên nhân gây nên hiện tượng khó thở sau COVID-19, bị khó thở hậu covid, hậu covid có bị khó thở không,
Rất khó phát hiện các tổn thương mà COVID-19 có thể gây ra cho phổi. (Pixabay)

Khó thở hậu COVID-19 có nguy hiểm không?

Khó thở có lẽ là một trong những hậu quả nguy hiểm và đáng sợ nhất khi một người mắc COVID. Nó cũng là một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân và có thể cần hỗ trợ y tế kịp thời.

Đối với một số người, triệu chứng này có thể nhẹ và tự khỏi ngay tại nhà. Tuy nhiên, cũng không hiếm người gặp khó khăn khi tình trạng kéo dài mà không thuyên giảm.

Khi bị khó thở, nếu bệnh nhân không có biện pháp xử lý tương ứng và kịp thời, thì lượng oxy cung cấp cho não không đủ trong thời gian lâu, sẽ gây ra hiện tượng suy giảm nhận thức tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Mặt khác, triệu chứng khó thở nghiêm trọng cũng có nguy cơ dẫn đến một loạt biến chứng như tổn thương não, hoại tử não hay đột quỵ…

Khó thở hậu COVID-19 kéo dài bao lâu?

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời của bác sĩ Đồng Phú Khiêm (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, bệnh nhân hậu COVID-19 có triệu chứng khó thở chiếm 10 - 71%, thời gian thường kéo dài từ 2 - 3 tháng hoặc lâu hơn.

Tương tự, TS.BS. Lê Thanh Hải cũng cho rằng, triệu chứng khó thở sau COVID có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

Khó thở hậu COVID-19 kéo dài bao lâu, khó thở covid, khó thở hậu covid có nguy hiểm không, khó thở hậu covid kéo dài bao lâu
Triệu chứng khó thở sau COVID có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. (Getty Images)

Triệu chứng khó thở hậu COVID-19 như thế nào?

Mức độ khó thở ở mỗi người là khác nhau, ngoài ra còn tùy thuộc vào cảm giác chủ quan của bệnh nhân. Nhưng nhìn chung, các triệu chứng và biểu hiện là như sau:

  • Cảm giác phổi không thể nhận đủ không khí, thở nông, rất khó để hít thở sâu;
  • Khi ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể liên tục thở gấp hoặc khó thở;
  • Cảm thấy phần trên thân nặng nề và phải thường xuyên xoa tay lên ngực để dễ hô hấp hơn;
  • Khi vận động phải dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để lấy lại hơi thở bình thường;
  • Khó kiểm soát hơi thở, không thể hít thở một cách bình thường;
  • Tức ngực khi hít vào hoặc thở ra;
  • Tim đập nhanh;
  • Thở khò khè;
  • Chóng mặt;
  • Ho.
Triệu chứng khó thở hậu COVID-19 như thế nào, triệu chứng khó thở hậu covid
Khi ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể liên tục thở gấp hoặc khó thở. (Getty Images)

Bệnh nhân bị khó thở cần gặp bác sĩ khi nào?

Theo trang web của Khoa Y thuộc Đại học Michigan, nếu triệu chứng khó thở đi kèm với các biểu hiện dưới đây, thì bạn cần đi khám càng sớm càng tốt:

  • Khó chịu, đau, tức ngực;
  • Thở khò khè;
  • Căng cứng cổ họng hoặc ho khan, khàn giọng;
  • Khó thở sau khi hoạt động nhẹ;
  • Không thể thở được khiến bạn thức giấc về đêm; hoặc phải ngủ trong tư thế chống đỡ để thở;
  • Khó thở khi nói chuyện đơn giản.

Nói chung, bệnh nhân COVID-19 sau khi xuất viện cần tái khám để phát hiện sớm các di chứng, theo Vnexpress.

Đặc biệt, nhóm có nguy cơ cao như người lớn tuổi, từng thở máy, thở oxy, hoặc nằm phòng ICU… đều phải tái khám sau một tháng khỏi bệnh.

Ngoài ra, nếu người từng mắc COVID nhẹ vẫn xuất hiện các triệu chứng như khó thở, rụng tóc, mệt mỏi… sau hơn một tháng khỏi bệnh, thì cũng nên đến bệnh viện kiểm tra.

Hơn nữa sau 3 tháng, nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, thì những người này bắt buộc phải khám lại.

Việc tái khám cũng cần thiết đối với những người đã áp dụng biện pháp luyện tập hít thở, phục hồi chức năng hô hấp hay uống thuốc, nhưng triệu chứng không giảm bớt.

Tất nhiên, không phải bất kỳ ai có di chứng sau COVID cũng cần tái khám. Đối với người mà tình trạng hụt hơi, khó thở chỉ kéo dài từ 2 - 3 tuần là hết, sau đó cơ thể khôi phục trở về bình thường, thì tái khám là không cần thiết.

Tất cả bệnh nhân COVID-19 sau khi xuất viện cần tái khám để làm các xét nghiệm và đánh giá. (Getty Images)

Nên làm gì khi gặp triệu chứng khó thở hậu COVID-19?

Ngoài việc chủ động liên hệ bác sĩ và tái khám như đã nói ở trên, nhiều người băn khoăn không biết phải làm sao để cải thiện nếu tình trạng hụt hơi, khó thở đột ngột xuất hiện.

Lúc này, bạn nên bình tĩnh để xử lý, bởi sự hoảng loạn có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi triệu chứng khó thở xuất hiện, bạn cần ngừng di chuyển và nói chuyện, sau đó thư giãn và phục hồi nhịp thở bình thường bằng một số bài tập đơn giản.

1. Bài tập thở

Trước hết, nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi đứng, thì hãy chọn tư thế ngồi sao cho quá trình hô hấp được thuận tiện. Bạn tập hít thở theo các bài tập mà Bộ Y tế, Hội Phổi, Hội Hô hấp đề xuất.

Bạn có thể tập thở mím môi, chia thành nhiều lần luyện tập mỗi ngày, kéo dài khoảng 5 - 10 phút mỗi lần. Cụ thể, mím môi và hít sâu vào bằng mũi trong 2 nhịp, giữ 3 - 5 giây, sau đó chúm môi như thổi sáo và thở ra bằng miệng trong 4 nhịp.

Bạn còn có thể tập thở bụng hoặc thở ngực, đều là những bài tập có tác dụng hiệu quả trong phục hồi di chứng hậu COVID.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số cách tập khác dưới đây:

Thở chậm, sâu: Thư giãn, nhẹ nhàng hít vào bằng mũi rồi thở ra bằng miệng. Lặp lại nếu cần.

Hít thở sâu: (1) Hít sâu bằng mũi trong khi đếm đến 5; (2) nín thở trong thời gian ngắn; (3) thở ra bằng miệng lâu hơn so với hít vào. Mục đích là để tối đa hóa lượng oxy đi vào cơ thể và lượng khí carbon dioxide thải ra.

Luyện thở theo nhịp: Hít vào thở ra theo kịp bất cứ việc gì bạn đang làm. Ví dụ, đi bộ lên cầu thang, hít vào ở một bước và thở ra ở bước tiếp theo. Bạn nên dành 15 phút mỗi ngày để hít thở theo mô hình 4-6-1: bốn giây hít vào, sáu giây thở ra và giữ một giây trước khi lặp lại.

2. Hạn chế vận động mạnh khi bị khó thở

Người bị khó thở nên tránh các vận động mạnh như chạy bộ, làm việc nặng.

Bạn nên bắt đầu tập thể dục với các bài ngắn, nhỏ và tăng từ từ khi phổi có thể dung nạp được nhiều không khí hơn.

Dành 30 phút mỗi ngày đi bộ kết hợp hít thở sâu. Ngoài ra bạn có thể đạp xe, bơi lội…

Xen kẽ thời gian ngắn nghỉ ngơi giữa mỗi lần vận động. Chia các nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn. Tránh vận động liên tục và làm việc nặng. Ngoài ra bạn có thể yêu cầu trợ giúp khi cần.

Người bị khó thở nên tránh các vận động mạnh như chạy bộ, làm việc nặng. (Pixabay)

3. Một số tư thế giúp khôi phục lại hơi thở

A - Nằm nghiêng với gối cao: Ở tư thế này, bạn nằm nghiêng sang một bên, dùng gối kê cao đầu và cổ, đầu gối hơi co lại.

B - Nằm dựa vào bàn: Ngồi vào ghế có bàn (tốt nhất là bàn làm việc để có chiều cao hợp lý). Đặt gối lên bàn (có thể đặt nhiều chiếc để gối cao hơn), sau đó ngả người về phía trước rồi dựa lên gối. Hai tay đặt song song lên mặt bàn.

C - Ngồi ghế: Tìm một chiếc ghế và ngồi xuống, người hơi ngả về phía trước. Kê tay của bạn lên đùi hoặc lên thành ghế.

D - Đứng nghiêng về phía trước: Đứng lên, tìm một cửa sổ có chiều cao vừa phải (không quá thấp) hoặc một vật dụng trong nhà có thể trụ chắc chắn (chẳng hạn như ghế). Đặt hai tay lên cửa sổ hoặc ghế rồi hơi dựa người về phía trước.

E - Đứng dựa lưng vào tường: Trong khi đứng, bạn dựa lưng vào tường, đồng thời áp hai tay sát mặt tường. Đặt chân cách mặt tường khoảng 30cm và giữ hơi xa một chút.

Để thực hiện chính xác hơn, bạn có thể tham khảo link gốc kèm hình minh họa tại đây.

4. Một số biện pháp cải thiện triệu chứng khó thở khác

  • Luyện tập thiền định;
  • Phơi nắng sáng sớm khoảng 10 - 15 phút. Vitamin D được tổng hợp qua da từ ánh nắng có thể góp phần nâng cao hệ miễn dịch;
  • Ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng, kết hợp với lối sống khoa học, điều độ; hạn chế thức khuya, căng thẳng, bia rượu và đặc biệt là thuốc lá;
  • Cân nhắc sử dụng máy đo áp độ bão hòa oxy trong máu để theo dõi tình trạng;
  • Hít hơi nước nóng, hoặc xịt thông mũi có thể giúp đường thở thông thoáng hơn;
  • Trà gừng cũng là một biện pháp giúp dễ thở hơn. Bạn cắt gừng tươi thành từng lát mỏng rồi cho vào 2 cốc nước sôi. Đậy nắp khoảng 10 phút, cho thêm chanh, mật ong vào rồi uống.
Một số biện pháp cải thiện triệu chứng khó thở khác, khó thở hậu covid phải làm sao, khó thở hậu covid nên làm gì, hậu covid bị khó thở nên làm gì
Thiền định cũng là một cách tốt để hỗ trợ điều trị chứng khó thở. (Getty Images)

Điều trị khó thở hậu COVID-19

1. Vật lý trị liệu

Chia làm hai loại gồm: vật lý trị liệu vận động và vật lý trị liệu hô hấp.

Vật lý trị liệu vận động dành cho người có triệu chứng nhẹ. Các bài tập chủ yếu nhằm mở rộng dung tích phổi và mở rộng khoang ngực. Chúng bao gồm hít xà, bơi lội, squat, hít đất.

Ngược lại với phương pháp trên, vật lý trị liệu hô hấp dành riêng cho những người có triệu chứng nghiêm trọng hơn. Ví dụ như bệnh nhân bị xơ phổi, giãn phế quản, áp xe phổi…

2. Uống thuốc

Không ít người tìm kiếm loại thuốc phù hợp để điều trị chứng khó thở của họ. Vậy rốt cuộc bạn nên uống thuốc gì để cải thiện?

Nói chung, bác sĩ sẽ tùy thuộc theo triệu chứng của bệnh nhân để lựa chọn thuốc phù hợp. Thông thường, do phổi đã tổn thương nên bệnh nhân rất dễ bị viêm phế quản, viêm phổi mãn tính.

Trong trường hợp viêm phổi nhẹ, các toa thuốc như azithromycin, clarithromycin hoặc erythromycin có thể được bác sĩ sử dụng để kê cho bệnh nhân.

Đối với các trường hợp nặng hơn, toa thuốc sẽ thay đổi tùy theo tình trạng và các bệnh đi kèm.

Do đó, để biết chính xác nên uống thuốc gì, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Điều trị khó thở sau Covid-19 bằng phương pháp vật lý trị liệu. (Getty Images)

3. Hồi sức

Phương pháp này thường dành cho những người mắc COVID đã khỏi bệnh nhưng di chứng để lại nặng; chẳng hạn như nhiễm trùng phổi, suy hô hấp cấp…

Trên đây là những thông tin bạn cần biết về triệu chứng khó thở hậu COVID-19. Tuy nhiên, nội dung này vẫn chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị thay thế cho lời khuyên của các chuyên gia y tế và bác sĩ. Do đó, bạn vẫn nên đến bệnh viện khi xuất hiện các triệu chứng hụt hơi, khó thở bất thường và tránh tự ý mua thuốc nếu không có hướng dẫn cụ thể.

Hoàng Tuấn

Tham khảo:
[1] - https://vnexpress.net/hang-nghin-nguoi-tp-hcm-mac-di-chung-hau-covid-4416096.html
[2] - https://vnexpress.net/lam-gi-khi-kho-tho-do-di-chung-covid-4416324.html
[3] - https://benhvienthienduc.vn/kho-tho-hut-hoi-hau-covid-khi-nao-can-di-kham.html
[4] - https://tamanhhospital.vn/kho-tho-hau-covid/
[5] - https://suckhoedoisong.vn/hut-hoi-kho-tho-hau-covid-19-169220318151216792.htm
[6] - https://www.cognitivefxusa.com/blog/how-long-does-covid-shortness-of-breath-last
[7] - https://www.med.umich.edu/1libr/FamilyMedicine/PostCOVIDclinic/PostCOVIDBreathlessness.pdf
[8] - https://myhealth.alberta.ca/after-covid/symptoms/feeling-short-of-breath
[9] - https://timesofindia.indiatimes.com/life-style/health-fitness/health-news/coronavirus-why-does-covid-19-cause-shortness-of-breath/photostory/81780657.cms
[10] - https://www.nationaljewish.org/patients-visitors/patient-info/important-updates/coronavirus-information-and-resources/health-tips/self-care-tips/how-to-check-for-shortness-of-breath



BÀI CHỌN LỌC

Khó thở hậu COVID: Mức độ nguy hiểm, kéo dài bao lâu và cách chữa