Nhật Bản phát hiện ca bệnh viêm gan bí ẩn đầu tiên ở trẻ nhỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây cũng là bệnh nhi đầu tiên ở Châu Á. Chỉ trong vài tuần, bệnh viêm gan đã có mặt tại 11 quốc gia với khoảng 190 ca bệnh, 17 trẻ phải cấy ghép gan.

Theo Bloomberg, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết hôm 26/4, nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ nhỏ. Đây cũng ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở Châu Á. Hiện tại, bệnh nhi này vẫn chưa được cấy ghép gan.

Bà Meera Chand, Giám đốc phụ trách lâm sàng và các bệnh lây nhiễm mới nổi tại Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, cho hay các trường hợp mắc bệnh viêm gan bất thường đầu tiên được phát hiện ở Scotland vào ngày 31/3.

Theo The Guardian, Tổ chức Y tế Thế giới WHO nói rằng chỉ trong vài tuần, bệnh viêm gan bí ẩn đã có mặt tại 11 quốc gia với khoảng 190 trẻ em mắc bệnh.

Trong đó, 140 trường hợp ở Châu Âu, chủ yếu là ở Anh (110 ca). Các trường hợp còn lại cũng được phát hiện ở Israel, Mỹ và mới đây nhất là Nhật Bản. Đến nay, đã có ít nhất một bệnh nhi tử vong, 17 trẻ bị nặng tới mức phải tiến hành cấy ghép gan.

Đặc điểm chung của căn bệnh viêm gan này là chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi. Các triệu chứng bao gồm vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng, bất chấp trước đó các bệnh nhi đều khỏe mạnh.

Các chuyên gia cũng cho biết, họ không tìm thấy các virus phổ biến gây viêm gan như viêm gan A, B, C, D hay E; kể cả những virus như cytomegalovirus (CMV), một chủng vốn gây mụn rộp và thủy đậu, hay Epstein-Barr gây sốt tuyến.

Một giả thuyết đang được Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh đưa ra là việc thiếu tiếp xúc với loại virus adenovirus thông thường trong thời gian cách ly do đại dịch COVID-19, đã khiến trẻ em bị bệnh nặng hơn, theo The Guardian.

Để giải thích, họ cho rằng việc gỡ bỏ các lệnh phong tỏa cho phép trẻ tái hòa nhập với xã hội, điều này cũng khiến trẻ phải tiếp xúc liên tiếp với một số loại virus, làm hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức do chưa kịp thích nghi, cuối cùng dẫn đến viêm gan.

Cũng theo cơ quan này, một chủng adenovirus với tên gọi F41 có khả năng chính là nguyên nhân gây bệnh, theo Aljazeera. Cụ thể, trong số 53 trường hợp xét nghiệm ở Anh, người ta phát hiện 40 bệnh nhi (chiếm 75%) có dấu hiệu nhiễm adenovirus.

Theo các chuyên gia, đây không phải là một chủng adenovirus mới. Nó thường gây tiêu chảy ở trẻ em và lây lan qua đường phân - miệng.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết liệu có phải xuất hiện một biến thể mới của virus F41 gây nguy hiểm hơn cho gan của trẻ em hay không, hoặc đây chỉ là phản ứng bất thường của một số trẻ với virus.

Ngoài ra, các nhà chức trách y tế Anh cũng đang điều tra mối liên hệ tiềm tàng giữa đại dịch COVID-19 và đợt bùng phát viêm gan.

Cha mẹ nên làm gì?

Mặc dù đây là một tình trạng đáng lo ngại, nhưng cho đến nay nó chỉ ảnh hưởng đến một số lượng nhỏ trẻ em trên toàn cầu.

Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, đặc biệt là dai dẳng hoặc không rõ nguyên nhân, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn.

Trẻ em nên được hướng dẫn vệ sinh đơn giản, chẳng hạn như thường xuyên rửa tay, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi ăn.

Nếu trẻ có các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiêu hóa, chẳng hạn như nôn mửa và tiêu chảy, thì nên ở nhà trong vòng 48 giờ cho đến khi các triệu chứng chấm dứt.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Nhật Bản phát hiện ca bệnh viêm gan bí ẩn đầu tiên ở trẻ nhỏ