Nước tiểu có màu vàng và mùi hôi? 5 điều cơ thể gợi ý cho bạn, đừng bỏ qua

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nước tiểu sau khi thải ra ngoài một thời gian sẽ có mùi hơi hôi do vi khuẩn phân hủy ure tạo thành amoniac. Tuy nhiên, nếu nước tiểu có màu vàng rất đặc và mùi quá nặng, thì nó cho thấy cơ thể đang mắc một số bệnh lý.

1. Nước tiểu bình thường có màu gì?

Lượng nước tiểu trung bình hàng ngày của người trưởng thành khỏe mạnh là 1 - 2 lít, trong đó nam giới khoảng 1.5 - 2 lít / ngày và nữ giới khoảng 1 - 1.5 lít.

Thông thường, nước tiểu có màu vàng nhạt, cũng có thể có màu đậm và nhạt tùy thuộc vào lượng nước bạn uống, lượng hoạt động và lượng mồ hôi bạn đổ ra.

Tuy nhiên, nếu nước tiểu có màu bất thường thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh.

- Nước tiểu màu đỏ: Nước tiểu có màu đỏ như máu, chứng tỏ có thể có dư thừa hồng cầu trong nước tiểu, y học gọi là "tiểu máu".

Nguyên nhân của tiểu máu rất phức tạp, có thể chỉ ra các bệnh như bệnh thận, viêm tuyến tiền liệt, sỏi, u bàng quang. Nếu tiểu máu kèm theo đau thắt lưng dữ dội thì có thể do sỏi.

Nếu tiểu ra máu kèm theo chảy máu mũi, lợi, da thì có thể do rối loạn chảy máu toàn thân. Nếu tiểu máu không đau và bệnh nhân trên 50 tuổi, hãy cảnh giác với bệnh lý ác tính.

- Nước tiểu không màu: Nước tiểu có thể có màu nhạt hơn khi bạn uống quá nhiều nước.

Tuy nhiên, nếu bạn không uống nhiều nước nhưng màu nước tiểu vẫn gần như không màu; thì đây có thể là do bệnh tiểu đường, đái tháo nhạt, viêm thận kẽ mãn tính và các bệnh khác… Bạn cần chú ý nhận biết.

- Nước tiểu đen: Nước tiểu đen là một tình trạng hiếm gặp, thường do tan máu, sốt rét do falciparum hoặc bệnh gan.

Cũng có một số ít bệnh nhân sẽ bị tiểu đen sau khi dùng phenylhydrazine, cresol, levodopa và các loại thuốc khác, nhưng nó thường biến mất sau khi ngừng thuốc.

Ngoài ra, nước tiểu đen còn được thải ra ngoài khi bị ngộ độc phenol, nhiễm toan đen hoặc có khối u đen.

- Nước tiểu màu trắng: Có thể là nước tiểu có màu trắng đục, có mủ hoặc nước tiểu mặn.

Nếu nước tiểu có màu trắng sữa và đôi khi lẫn máu hoặc cục trắng, thì đây là bệnh chyluria (dưỡng trấp niệu).

Tình trạng này thường diễn ra từng đợt và có thể do các yếu tố như ký sinh trùng (giun chỉ), nhiễm trùng lao, hoặc khối u chèn ép các mạch bạch huyết của người.

Kết quả là, sau khi thức ăn bị phân hủy, dưỡng trấp (chyl) hoặc dịch bạch huyết từ đường tiêu hoá không thể đi đến ống tiêu hóa một cách thuận lợi, chảy ngược trở lại thận, và được thải ra ngoài theo đường nước tiểu.

Nếu màu nước tiểu trắng đục thì đó là “nước tiểu có mủ”, nguyên nhân có thể là do hệ tiết niệu bị nhiễm trùng nặng.

Nếu nước tiểu có màu đục như nước gạo thì gọi là “nước tiểu muối”, thường gặp ở trẻ em và hay gặp hơn vào mùa đông.

Nước tiểu muối thực chất là một hiện tượng sinh lý bình thường, nó có thể tự khỏi mà không cần dùng đến thuốc, chỉ cần uống nhiều nước là đủ.

2. Nước tiểu có màu vàng và có mùi hôi? 5 điều cơ thể bạn đang báo cho bạn

Nước tiểu khi vừa thải ra ngoài sẽ có mùi khá đặc trưng, sau một thời gian do vi khuẩn phân hủy ure sẽ tạo thành amoniac hơi hôi.

Tuy nhiên, nếu nước tiểu có màu vàng rất đặc và mùi quá nặng, thì nó cho thấy cơ thể đang mắc một số bệnh lý dưới đây:

Uống không đủ nước

Màu sắc của nước tiểu có thể trở nên đậm hơn hoặc nhạt hơn tùy thuộc vào lượng nước bạn uống. Khi lượng nước uống tăng lên, nước tiểu sẽ tăng theo; do đó, tỷ lệ urochrome trong nước tiểu sẽ giảm, và màu sắc của nước tiểu sẽ nhạt hơn.

Khi uống thiếu nước, sắc tố ure trong nước tiểu chiếm tỷ lệ lớn, màu sắc nước tiểu sẽ ngả vàng hơn. Nếu nước tiểu có màu vàng và kèm theo khó chịu về thể chất, hoặc tình hình không thuyên giảm dù đã bù đủ nước, thì bạn cần cảnh giác.

Hiệu ứng thực phẩm

Nếu bạn thường xuyên ăn nhiều thực phẩm có chứa sắc tố tự nhiên như cà rốt, củ dền, mâm xôi cũng sẽ khiến nước tiểu ngả vàng.

Ngoài ra, nếu bạn ăn một số đồ ăn mặn, bạn cũng có thể tiểu nước màu vàng.

Loại nước tiểu vàng này nhìn chung chỉ là tạm thời, có thể cải thiện bằng cách uống thêm vài cốc nước nên không cần quá lo lắng.

Lạm dụng chất gây nghiện

Màu sắc của nước tiểu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc và chuyển sang màu vàng. Ví dụ, nếu bạn đang dùng vitamin B, thuốc chữa kiết lỵ, đại hoàng, rifampicin, metronidazole và các loại thuốc khác, thì nước tiểu có thể ngả vàng.

Ngoài ra, nếu bạn dùng vitamin B và các loại thuốc khác với liều lượng lớn trong thời gian dài cũng có thể gây ra hiện tượng nước tiểu có màu vàng tạm thời.

Loại nước tiểu vàng do thuốc này, chỉ cần bạn uống nhiều nước hơn, hoặc giảm và ngưng thuốc là các triệu chứng có thể thuyên giảm.

Bệnh tiết niệu

Nếu bạn bị rối loạn tiết niệu như viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, thì bạn có thể thấy nước tiểu bị ngả vàng. Một biểu hiện khá rõ ràng nữa là nó thường kèm theo mùi hôi và cảm giác đau khi đi tiểu.

Các nguyên nhân gây bệnh khác

Ở bệnh nhân sốt cấp tính hoặc tiêu chảy, cơ thể sẽ bài tiết nhiều nước do đổ mồ hôi hoặc đại tiện. Lúc này, nước tiểu có màu vàng do giảm nồng độ.

Nước tiểu của những bệnh nhân mắc các bệnh về thận như viêm thận, suy thận sẽ có màu hơi vàng, thậm chí có khi gần với màu nâu.

Khi mắc bệnh về túi mật hoặc gan (như sỏi mật, tắc túi mật…), mật sẽ được thải ra ngoài theo đường niệu đạo khiến nước tiểu chuyển sang màu vàng sẫm, nước tiểu của bệnh nhân viêm gan cũng có mùi tanh nồng.

Ngoài nước tiểu màu vàng, những bệnh nhân này sẽ còn kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn.

3. Có 3 tiêu chuẩn cho thấy tình trạng tiểu tiện bình thường

Khi nào thì tình trạng tiểu tiện được coi là bình thường và khỏe mạnh? Ngoài việc xem màu và mùi của nước tiểu, bạn hãy tự đánh giá dựa trên các tiêu chí sau:

Tần suất đi tiểu

Bình thường đi tiểu khoảng 8 lần một ngày và tổng lượng không vượt quá 3 lít. Nếu bạn không uống nhiều nước mà vẫn tiểu trên 8 lần thì đó là chứng “tiểu nhiều lần”.

Hầu hết đi tiểu thường xuyên không liên quan đến thận.

Nếu bạn đi tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu lại ít, thì đây có thể là do các vấn đề về niệu đạo hoặc bàng quang.

Nếu bạn đi tiểu thường xuyên và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn, thì đó có thể là do các bệnh chuyển hóa bên trong như tiểu đường hoặc đa niệu.

Tần suất đi tiểu

Quá trình chuyển hóa bình thường của nước trong cơ thể thường mất 30 - 45 phút, vì vậy tần suất đi tiểu hợp lý là khoảng 30 - 45 phút sau khi uống nước.

Nhưng không có nghĩa là tần suất đi tiểu nhiều hơn hoặc thấp hơn giá trị thời gian này tức là thận có vấn đề.

Bên cạnh đó, thời gian lưu trú của nước trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng bởi độ mặn của khẩu phần ăn và lượng thực phẩm đã hấp thụ.

Nếu thời gian đi tiểu kéo dài hơn đáng kể, kèm theo các biểu hiện như tiểu không hết, tiểu yếu, tiểu khó hoặc số lần tiểu đêm tăng lên, thì bạn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tìm hiểu nguyên nhân.

Tình trạng nước tiểu

Trạng thái nước tiểu khỏe mạnh có màu vàng nhạt, mờ và trong. Nếu nước tiểu có nhiều bọt và màu sắc bất thường, bạn nên chú ý đến vấn đề sức khỏe, đến bệnh viện kịp thời và làm các xét nghiệm liên quan.

4. Nước tiểu màu vàng, có mùi vị tanh nồng - Cách xử lý

Đầu tiên, bạn hãy uống nhiều nước, đừng đợi đến khi khát mới uống. Vì lúc này cơ thể đã mất nước, nên đương nhiên sẽ dẫn đến hiện tượng nước tiểu có màu vàng. Khi nước tiểu bị ngả vàng, uống nhiều nước hơn có thể làm giảm các triệu chứng.

Nên uống nhiều hơn 3 lít nước mỗi ngày, nhưng lưu ý không nên uống quá nhiều một lúc, uống ít và chia làm nhiều lần. Ngoài ra, bạn cũng không nên nhịn tiểu.

Thứ hai, bạn hãy chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống của bạn. Ăn đồ cay dễ làm nước tiểu ngả vàng. Bạn có thể ăn nhiều thực phẩm có tính khử hỏa như mướp đắng, bưởi.

Mặt khác, ăn nhạt hơn cũng góp phần giúp cải thiện hiện tượng nước tiểu vàng.

Cuối cùng là tăng cường vận động cơ thể. Bạn có thể lựa chọn các bài tập thể dục như đi bộ, chạy bộ hay bơi lội để tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Đồng thời, bạn cũng nên chú ý đến việc vệ sinh vùng kín, thay quần lót thường xuyên, chọn quần rộng rãi, thoáng khí.

Mặc dù tiểu tiện là việc phải làm hàng ngày, nhưng trong cuộc sống ít ai để ý đến tình trạng của nó.

Trên thực tế, nước tiểu cũng ẩn chứa những tín hiệu bệnh tật. Việc quan sát màu sắc, mùi và tần suất đi tiểu hàng ngày sẽ giúp bạn nắm rõ tình trạng cơ thể và phòng tránh bệnh tật.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Nước tiểu có màu vàng và mùi hôi? 5 điều cơ thể gợi ý cho bạn, đừng bỏ qua