Vì sao bạn nên uống nước trước khi đi ngủ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Uống nước trước khi đi ngủ là thói quen của nhiều người. Nhưng cũng có một số khác băn khoăn và lo lắng uống quá nhiều sẽ gây mất ngủ do tiểu tiện về đêm, hoặc bị phù nề; uống quá ít cũng khiến bản thân bị khát, thậm chí máu trở nên đặc và dính vì cơ thể thiếu nước. Vậy trước khi đi ngủ, chúng ta nên uống như thế nào?

4 kiểu người nên uống nước trước khi đi ngủ

Hiện tượng khát nước trước khi ngủ về đêm là do đồng hồ sinh học của não bộ kích thích các dây thần kinh.

Các nghiên cứu liên quan đã chỉ ra rằng khi đang ngủ, cơ thể sẽ bài tiết khoảng 450ml nước qua các hoạt động như tiểu tiện, đổ mồ hôi, thở…

Vì vậy, để ngăn chặn sự mất nước này ảnh hưởng đến cân bằng nội môi của cơ thể, não bộ của con người trước khi đi ngủ sẽ giục bạn uống nước. Đó là nguyên nhân vì sao bạn có cảm giác khát nước vào thời điểm này.

Uống nước trước khi đi ngủ có khả năng giúp cơ thể bổ sung nước trong máu, giảm độ nhớt của máu, ngăn ngừa huyết khối ở một mức độ nhất định, đồng thời giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và não.

Đặc biệt với 4 kiểu người sau đây, tốt nhất bạn không nên bỏ qua thói quen uống nước trước khi ngủ:

  • Người mắc một trong số các bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tăng lipid máu: Những người này khí huyết đặc hơn người thường, trước khi đi ngủ nên uống nước.
  • Người dễ bị nhồi máu cơ tim, nhồi máu não: Những người có vấn đề về xơ vữa động mạch rất dễ bị huyết khối và gây nhồi máu cơ tim, não. Uống nhiều nước trước khi đi ngủ để giảm độ nhớt của máu và giảm hình thành huyết khối.
  • Người có tiền sử rung nhĩ (rối loạn nhịp nhĩ nhanh và không đều): Do ảnh hưởng đến chức năng tâm thu của tâm nhĩ nên máu dễ bị ứ lại trong tâm nhĩ và hình thành huyết khối. Một khi các khối thuyên tắc này rơi ra sẽ đi đến các nơi khác theo đường tuần hoàn máu, gây tắc mạch phổi, tắc mạch não… Trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Những người bị tăng sản tuyến tiền liệt: Những người này thường có xu hướng đi tiểu đêm nhiều hơn và đổ mồ hôi, điều này khiến họ dễ bị mất nước vào ban đêm hơn những người bình thường. Vì vậy, họ không chỉ cần uống nước trước khi đi ngủ mà còn nên uống nước sau khi thức dậy vào buổi sáng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp uống nước trước khi đi ngủ.

Đặc biệt đối với bệnh nhân suy tim, suy thận, quá trình chuyển hóa nước và natri thường diễn ra bất thường, việc uống nước hàng ngày cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo lời khuyên của bác sĩ, nếu không có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Uống nước trước khi đi ngủ có gây phù nề không?

Uống nước trước khi đi ngủ là tốt, nhưng một số người lo lắng rằng thói quen này sẽ gây phù nề. Thực ra, đây là một sự hiểu lầm.

Thực tế, cơ thể con người rất thông minh. Nói một cách tổng quát, sau khi chúng ta uống nước, đầu tiên nước sẽ được ruột non hấp thụ, sau đó chúng được vận chuyển khắp cơ thể để tham gia vào quá trình trao đổi chất, thay vì nằm lại dưới da, từ đó tránh bị phù nề.

Do đó, chỉ cần bạn không quá uống nhiều nước thì sẽ không có gì phải lo lắng.

Ngoài ra, một số chứng phù mặt có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Chứng phù nề vô căn này hầu hết xảy ra trước hoặc trong kỳ kinh vài ngày, và có thể tự thuyên giảm sau khi hết kinh.

Nói chung, phụ nữ khí huyết kém thường mắc chứng phù nề này.

Phương pháp uống nước trước khi ngủ tốt cho sức khỏe

  • Lựa chọn thời gian: Trước khi đi ngủ, tốt nhất bạn nên uống nước trước 1 ~ 2 tiếng hoặc sau khi tiểu tiện.
  • Chọn loại phù hợp: Nước đun sôi để nguội hiện được coi là loại nước uống phù hợp nhất với cơ thể con người, tốt nhất nên uống trước khi đi ngủ. Trong khi đó, các loại nước khác như trà sữa, cà phê, nước muối nhạt, nước hoa quả, nước mật ong… tuy có tác dụng dưỡng ẩm như nhau nhưng đều chứa “tác dụng phụ” nhất định, vì vậy không nên uống trước khi đi ngủ.
  • Nhiệt độ thích hợp: Nhiệt độ nước không được quá nóng hoặc quá lạnh, và phải gần tương đương với nhiệt độ cơ thể.
  • Nước uống: Đối với người khỏe mạnh bình thường, buổi tối uống quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, uống quá ít sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, nói chung nên uống khoảng 100 ~ 200ml.
  • Phương pháp uống: Khi uống, bạn nên cho một ngụm nước vào miệng và nuốt từ từ trong nhiều lần. Vì uống nhiều nước nhanh sẽ làm loãng máu nhanh, tăng gánh nặng cho tim, không có lợi cho giấc ngủ.

Nước uống hàng ngày phải phù hợp với vóc dáng

Người ta nói rằng một người nên uống 8 ly nước mỗi ngày, nhưng thực tế, do sự khác nhau về vóc dáng, nên lượng nước uống cũng khác nhau ở mỗi người.

Y học cổ truyền tin rằng chuyển hóa nước bình thường trong cơ thể con người đòi hỏi một điều kiện tiên quyết - hoạt động bình thường của các cơ quan và mô của cơ thể liên quan đến chuyển hóa nước.

Bởi vì nước chúng ta uống thực chất chỉ là một nguyên liệu thô, nó cần được các cơ quan nội tạng của cơ thể “lọc và hấp thụ” nhiều lần thì mới có thể sử dụng được cho con người.

Một khi một trong các bộ phận hoạt động chậm lại, nước uống vào sẽ trở thành nước thải và bị tích lại trong cơ thể, gây ra nhiều tình trạng bất thường khác nhau.

Vì vậy, không phải ai cũng có lượng nước cần nạp vào mỗi ngày như nhau. Có một số biểu hiện bất thường liên quan đến uống nước dưới đây, hãy xem bạn đã từng gặp phải những trường hợp này hay chưa:

1 - Khô miệng nhưng không muốn uống nước

Đối với những người bị chứng nhiệt ẩm, một mặt tà nhiệt làm tiêu hao dịch trong cơ thể sinh ra khát nước, mặt khác trong người có ẩm không muốn uống thêm nước. Do đó hình thành mâu thuẫn là dù họ khát nước nhưng vẫn không muốn uống nước.

Tình trạng này có liên quan đến khả năng vận chuyển của dạ dày và lá lách trong cơ thể bị mất đi.

Nếu bạn vẫn ép bản thân uống nước, bạn có thể gặp phải cảm giác khó chịu khi nước tích trữ trong ruột và dạ dày, hơn nữa, bạn thậm chí phải khạc ra nước để có được tinh thần thoải mái.

Về vấn đề này, trước hết, chúng ta không thể cứng nhắc sử dụng 8 cốc nước mỗi ngày làm tiêu chuẩn cho việc uống nước.

Bởi vì nước bạn uống không thể được sử dụng bình thường, thay vào đó nó có thể trở thành gánh nặng. Vì vậy, nếu có các triệu chứng liên quan, bạn nên đến bệnh viện Đông y để được bác sĩ điều trị kịp thời.

2 - Chỉ muốn uống đồ uống nóng

Vì nước ở thể lỏng cần sự vận chuyển và chuyển hóa của "khí" sau khi vào cơ thể con người, đối với những người bị thiếu dương, thiếu khí, do khí trong cơ thể không đủ và dương khí yếu nên không thể vận chuyển ấm được chất lỏng, và họ sẽ thấy khó chịu sau khi uống nước lạnh.

Ngoài ra, loại người này còn có một đặc điểm, đó là thích uống trà có vị nhạt, hơn là uống nước đun sôi.

Đối với những người như vậy, họ nên uống nước ấm có chừng mực.

Nếu bạn có thói quen uống trà, tốt nhất nên sử dụng các loại trà lên men như trà đen và trà Pu'er (trà Phổ Nhĩ), và cố gắng tránh sử dụng các loại trà lạnh như trà xanh và trà trắng.

3 - Cơ thể cường tráng, khỏe mạnh nhưng thích uống nước nóng

Có một nhóm người thường chỉ thích đồ uống nóng, hầu hết những người này có thể chất mạnh; ngoài ra, họ cũng thường thích thịt, thích hút thuốc và uống rượu.

Những người này dễ bị nóng trong người, dễ nổi nóng, miệng khô đắng, nhiệt miệng đốt cháy chất dịch trong cơ thể nên họ hay bị khô miệng.

Người có thể trạng này có thể uống thêm nước sôi để nguội tùy theo nhu cầu, ngoài ra có thể ăn thêm mướp đắng, canh đậu xanh và các thứ thanh nhiệt.

4 - Càng uống nhiều nước, bạn càng khát

Lý do phổ biến nhất khiến bạn càng uống nhiều nước, bạn càng khát là do lượng chất lỏng trong cơ thể phân bố không đồng đều.

Vì chưa giải quyết được tình trạng rối loạn chức năng của lá lách, dạ dày và các nguyên nhân khác, uống nước lúc này không những không giải tỏa được cơn khát mà còn tăng thêm gánh nặng cho chúng, vậy nên bạn sẽ cảm thấy càng uống nhiều càng khát.

Theo sự hướng dẫn của thầy thuốc Đông y, những người như vậy thay vì chỉ tập trung uống nước để giải khát, họ nên thay đổi thói quen xấu và điều chỉnh bằng chế độ ăn uống và sử dụng liều lượng thuốc hợp lý, điều trị tận gốc vấn đề gây ra hiện tượng trên.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao bạn nên uống nước trước khi đi ngủ?