Tập hít thở có làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghiên cứu mới cho thấy thực hiện các bài tập hít thở hàng ngày giúp làm giảm nồng độ peptide liên quan đến bệnh mất trí.

Từ lâu, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng những bài tập hít thở đơn giản có tác dụng làm giảm căng thẳng và lo âu. Không những thế, một nghiên cứu mới gần đây còn cho thấy việc sử dụng kỹ thuật hít thở hàng ngày còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu này được thực hiện tại Đại học Nam California và được công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports. Kết quả nghiên cứu cho thấy người trưởng thành ở mọi lứa tuổi sẽ giảm được nồng độ peptide amyloid-beta trong máu thông qua các bài tập thở hàng ngày. Sự gia tăng nồng độ peptide amyloid-beta trong máu được cho là nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ.

Giải thích kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu này bắt đầu với những câu hỏi về quá trình sản xuất và đào thải peptide beta-amyloid ra khỏi cơ thể, tại sao những mảng amyloid tích tụ trong não, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Đồng thời, các nhà nghiên cứu muốn biết làm thế nào để ức chế hoặc thúc đẩy quá trình đào thải peptide amyloid-beta ra khỏi não và hệ thần kinh trung ương.

108 người tham gia nghiên cứu được yêu cầu thực hiện các bài tập thở trong vòng 20 phút, hai lần một ngày, trong vòng bốn tuần. Một nửa số người tham gia được yêu cầu nghĩ về những tình huống êm dịu, ví dụ như thư giãn trên bãi biển. Nửa còn lại được hướng dẫn điều chỉnh nhịp thở theo nhịp của máy đếm hiển thị trên màn hình máy tính. Mục đích là để tăng dao động nhịp tim do hít thở. Xét nghiệm máu được thực hiện trước khi bắt đầu và xét nghiệm lại sau bốn tuần tham gia thử nghiệm.

Một nửa số người tham gia ở độ tuổi 18-30 và một nửa còn lại ở độ tuổi 55-80. Tuy rằng có sự khác biệt về tuổi, nhưng tất cả người tham gia đều nhận được những hiệu quả tích cực về nồng độ peptid amyloid-beta sau khi thực hiện các bài tập thở.

Sau bốn tuần, nồng độ peptid amyloid-beta trong máu của nhóm người thở theo nhịp trên màn hình máy tính đã giảm xuống. Nhóm người nghĩ về những tình huống êm dịu có nồng độ peptid amyloid-beta cao hơn so với nhóm thở theo nhịp. Tuy nhiên, cả hai nhóm đều có nồng độ peptid amyloid-beta thấp hơn so với nồng độ ban đầu.

Các nhà nghiên cứu xác định rằng những kết quả này là do sự gia tăng dao động nhịp tim, trong đó cao nhất ở nhóm thở theo nhịp. Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên về những biện pháp can thiệp hành vi giúp làm giảm nồng độ peptide amyloid-beta trong máu. Cho đến nay, các bài tập hít thở là phương pháp can thiệp hành vi duy nhất được chứng minh là có thể làm giảm nồng độ peptide amyloid-beta.

Nghiên cứu không đánh giá hiệu quả trên sẽ kéo dài bao lâu hoặc liệu rằng kết quả trên có được duy trì hoặc cải thiện hơn khi thực hành hít thở nhiều tháng hay không. Chúng ta cũng chưa biết có ngưỡng nồng độ peptid amyloid-beta để phòng ngừa bệnh Alzheimer hay không. Tuy nhiên, nghiên cứu trên đã mang lại những kết quả đầy hứa hẹn cho việc phòng chống bệnh Alzheimer trong tương lai.

Peptide amyloid-beta là gì?

Peptide amyloid-beta là các phân tử protein có trong nhiều mô của cơ thể, đặc biệt là tại các synap thần kinh trong não. Những phân tử này là sản phẩm bình thường của quá trình chuyển hóa tế bào, chịu trách nhiệm điều hòa sự hình thành và sửa chữa các synap thần kinh, dẫn truyền thần kinh và vận chuyển sắt.

Với tỷ lệ xuất hiện cao trong các tế bào thần kinh, peptide amyloid-beta đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh Alzheimer. Peptide amyloid-beta là thành phần chính của các mảng amyloid. Sự hình thành mảng amyloid sẽ ảnh hưởng đến tín hiệu của tế bào não và thường dẫn đến sự phá hủy mô não. Khi lượng peptide amyloid-beta trong não dư thừa, chúng sẽ nhanh chóng tích tụ thành các mảng amyloid, gây ức chế nhận thức, trí nhớ và tạo ra tiền đề cho sự phát triển của bệnh Alzheimer.

Những người trưởng thành khỏe mạnh sẽ không có dấu hiệu tích tụ peptide amyloid-beta trong não. Nồng độ peptid amyloid-beta trong máu tăng lên cho thấy nguy cơ mắc bệnh Alzheimer trong tương lai sẽ cao hơn.

Các bài tập hít thở ảnh hưởng đến nồng độ peptid amyloid-beta như thế nào?

Phản hồi sinh học, phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này, hướng dẫn mọi người cách kiểm soát một số chức năng tự động của cơ thể, ví dụ như nhịp tim và nhịp thở. Tập luyện phản hồi sinh học là một phương pháp an toàn và không có tác dụng phụ nên chúng ta có thể dễ dàng kết hợp vào lịch sinh hoạt hàng ngày.

Hít thở có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi nhịp tim. Khi chúng ta hít vào, nhịp tim sẽ tăng lên và khi chúng ta thở ra, nhịp tim sẽ giảm xuống. Sự thay đổi nhịp tim do dây thần kinh phế vị kiểm soát, đó chính là chức năng của hệ thống thần kinh đối giao cảm.

Hít thở có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi nhịp tim. (Ảnh: vlada-Karpovich/pexels)

Chúng ta đều biết rằng nhịp thở sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim, từ đó ảnh hưởng đến hệ thần kinh đối giao cảm và quá trình sản xuất cũng như đào thải các phân tử peptide của não. Phương pháp thở có kiểm soát sẽ tạo ra sự dao động nhịp tim lớn hơn, cho phép hệ thống thần kinh đối giao cảm loại bỏ các phân tử peptide amyloid-beta hiệu quả hơn. Các bài tập thở được sử dụng trong nghiên cứu này có tác động rõ rệt đến nhịp tim của người tham gia. Điều này dẫn đến nồng độ peptide amyloid-beta trong máu của những người này giảm đi sau khoảng thời gian bốn tuần.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tích hợp phương pháp phản hồi sinh học sớm hơn giúp ngăn ngừa các bệnh về cuối đời. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rằng ngay cả những người lớn tuổi cũng có thể thu được nhiều lợi ích thông qua các bài tập phản hồi sinh học thúc đẩy sự thay đổi nhịp tim.

Quá trình lão hóa ảnh hưởng đến nồng độ peptide amyloid-beta như thế nào?

Cơ thể chúng ta cần có sự cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh đối giao cảm để hoạt động ở mức tối ưu. Khi còn trẻ, chúng ta có thể chuyển đổi khá trơn tru giữa hai hệ thống này. Nhưng khi già đi, khả năng sử dụng hệ thần kinh đối giao cảm của chúng ta sẽ giảm xuống và khả năng thay đổi nhịp tim cũng giảm đi, có thể lên tới 80%. Điều này làm tăng sản xuất và giảm đào thải lượng peptide amyloid-beta ra khỏi cơ thể.

Các phân tử peptide amyloid-beta dư thừa sẽ tích tụ trong não, tạo thành từng mảng và gây tổn thương mô não. Các nghiên cứu trước đây đã xác định rằng sự hiện diện của peptide amyloid-beta dư thừa làm tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Hy vọng cho việc phòng bệnh Alzheimer

Có khoảng 55 triệu người mắc chứng mất trí trên toàn thế giới. Bệnh Alzheimer là một bệnh lý thoái hóa thần kinh và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Căn bệnh này làm suy giảm đáng kể trí nhớ, khả năng nói và khả năng tự chăm sóc bản thân của người bệnh, tạo thành gánh nặng cho cả bệnh nhân và những người chăm sóc.

Nghiên cứu chỉ ra rằng tập hít thở là một phương pháp dễ dàng, hiệu quả, ít tốn kém giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Chúng ta cũng sẽ không cần lo lắng về tác dụng phụ hay sự tương tác với các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị khác.

Nghiên cứu này cũng cho thấy việc sử dụng xét nghiệm máu đo nồng độ peptid amyloid-beta trong máu có thể là một phương pháp hợp lý để xác định nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc hỗ trợ chẩn đoán bệnh Alzheimer.

Chắc chắn sẽ cần những nghiên cứu sâu hơn, nhưng đây là một bước đầu tiên đầy hứa hẹn giúp chúng ta tìm hiểu về những phương pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh Alzheimer.

(Bài đăng trên The Epoch Times - Epoch Health của tác giả: Ayla Roberts)

Ayla Roberts: Là một điều dưỡng được chứng nhận và là nhà văn tự do. Cô có bằng cử nhân, thạc sĩ điều dưỡng và đã làm việc ở nhiều vị trí trong lâm sàng và học thuật.

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh

Đức Nhân biên dịch

THÔNG TIN ĐẶC BIỆT - HƯỚNG ĐI MỞ RA KỶ NGUYÊN MỚI:

    • ‘Ganjing World’ (Thế Giới Kiền Tịnh) - Một Công ty Công nghệ cao có trụ sở chính tại Middle Town, New York, ra mắt nền tảng tích hợp thông tin nghe nhìn trực tuyến thế hệ mới nhiều tính năng phong phú với công nghệ đám mây mới nhất.
    • ‘Ganjing World’ cam kết trải nghiệm thoải mái và bảo mật, phục vụ tất cả những nhà sáng tạo nội dung, có thể trình chiếu đồng thời hàng triệu video và phục vụ hàng trăm triệu lượt xem. ‘Ganjing World’ đảm bảo an toàn và lợi nhuận cao.
    • Nền tảng này không liên quan tới chính trị, không thiên vị và trung lập. ‘Ganjing World’ kiên quyết tránh xa các nội dung không phù hợp dựa trên bốn tiêu chí: “không bạo lực, không nội dung khiêu dâm, không tội phạm và không ma túy hoặc gây hại”.
    • Sứ mệnh của ‘Ganjing World’ hướng đến “Truyền thông xã hội” và “Truyền thông cá nhân” thân thiện với mọi gia đình. Một nền tảng số rộng lớn cho phép mọi lứa tuổi tự do chia sẻ kiến thức, ý tưởng, quan điểm và giải trí về nhiều chủ đề… mà không sợ bị kiểm duyệt. ‘Ganjing World’ mang đến trải nghiệm phong phú và trong sạch.



BÀI CHỌN LỌC

Tập hít thở có làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer không?