Thời tiết nồm ẩm kéo dài, nhiều người lớn và trẻ nhỏ đổ bệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời tiết nồm ẩm kéo dài, số bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao khoảng 20-30% so với ngày thường, trong đó phổ biến là các bệnh viêm phổi, hen phế quản, bệnh phổi mãn tính…

Bác sĩ Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết thời tiết nồm ẩm khiến lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại viện có xu hướng gia tăng, đặc biệt là nhóm bệnh liên quan đến hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, cúm…

Trẻ nhỏ là nhóm dễ mắc bệnh, “nhạy cảm” với thời tiết, trong đó nhiều trẻ nhập viện do các bệnh viêm mũi dị ứng, sốt phát ban, viêm đường hô hấp do virus…

Chị Đ.T.H (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết con của chị rất hay bị ốm khi thời tiết thay đổi bất thường. Đợt nồm ẩm lần này, bé hay bỏ bú, ho, chảy nước mũi và khó thở. Sau khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán do viêm phổi, lưu ý cha mẹ theo dõi sát tình trạng của bé, nếu không bệnh có thể tiến triển nhanh chóng.

Không chỉ trẻ em, người trưởng thành và lớn tuổi cũng có thể đối mặt với nhiều nguy cơ sức khoẻ khác nhau trong kiểu thời tiết này.

Ông N.X.H (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết bản thân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ năm 2007. Mỗi khi tiết trời thay đổi, ông đều bị khó thở, cơ thể nóng ran. Tình trạng đặc biệt trầm trọng hơn trong thời gian gần đây, do đó ông đã nhập viện nhằm dự phòng bệnh có nguy cơ trở nặng thêm.

Bác sĩ Phạm Chiến Thắng - Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết bệnh viện tổ chức khám và sàng lọc bệnh nhân khi số ca nhập viện ngày càng tăng. Những người có triệu chứng nặng sẽ cần điều trị; trường hợp nhẹ được hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà, tránh gây quá tải và lây nhiễm chéo.

Bác sĩ giải thích rằng độ ẩm tăng cao trong thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc và ký sinh trùng phát triển, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp.

Bên cạnh đó, một số bệnh viện cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị nấm da; các bệnh liên quan đến dị ứng, viêm da dị ứng do phấn hoa, kích ứng do côn trùng cũng tăng lên gấp đôi so với thông thường.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do trẻ thường hoạt động nhiều nên hay ra mồ hôi ở các nếp gấp da, ẩm ướt kéo dài cộng với vi khuẩn làm tình trạng viêm da trở nặng. Trẻ thường gãi, cào khi bị ngứa, làm da thêm bội nhiễm.

Một số trường hợp khác bị bội nhiễm về trứng cá, da nhiều bã nhờn, mồ hôi, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển, nang lông bít tắc… tình trạng nặng lên.

Trời nồm ẩm, bảo vệ sức khoẻ như thế nào?

Để bảo vệ cơ thể trong mùa nồm, bác sĩ khuyến cáo người dan nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học: ngủ đúng giờ và đủ giấc, tập thể dục hàng ngày và phơi nắng thường xuyên có thể cải thiện sức đề kháng của cơ thể.

Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng. Để tránh các bệnh về đường tiêu hoá, nên ăn chín, uống sôi; tránh đồ sống, đồ tái.

Đeo khẩu trang và mặc đủ quần áo khi ra khỏi nhà. Ngoài ra, người dân nên mang theo ô hoặc áo mưa khi ra ngoài khỏi bị ướt và nhiễm lạnh.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh đồ ăn ôi thiu và ẩm mốc, giữ bát đũa sạch sẽ.

Thường xuyên dùng khăn khô lau sàn nhà và cửa kính vì đây là những nơi dễ đọng nước, ẩm ướt và trơn trượt. Hạn chế mở cửa để tránh khí ẩm nồm vào nhà.

Trong nhà, nên sử dụng máy hút ẩm hoặc bật điều hoà ở chế độ khô để giảm bớt và duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60%. Sấy khô quần áo để tránh nấm mốc.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Thời tiết nồm ẩm kéo dài, nhiều người lớn và trẻ nhỏ đổ bệnh