Thủ tướng Nhật Bản chuyển sang chính sách ngoại giao quyết đoán đối với ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 30 ở San Francisco (Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chất vấn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một số vấn đề nghiêm trọng, báo hiệu sự thay đổi đáng kể trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc. Lập trường của ông Kishida ủng hộ một “mối quan hệ Nhật - Trung ổn định và mang tính xây dựng”, định hình lại mối quan hệ song phương.

Cuộc hội đàm ngày 16/11 đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa ông Kishida và ông Tập sau một năm, kéo dài hơn 20 phút so với 65 phút quy định. Nhân kỷ niệm 45 năm Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Nhật Bản - Trung Quốc, ông Kishida đã nhấn mạnh trách nhiệm chung của cả hai quốc gia, với tư cách là các cường quốc then chốt trong khu vực và trên toàn cầu, trong việc đóng góp cho hòa bình và ổn định thế giới.

Ông Kishida cũng đề xuất hợp tác tương hỗ trong các lĩnh vực như kinh tế, trao đổi văn hóa, bền vững về môi trường, bảo tồn năng lượng và chăm sóc sức khỏe, tùy thuộc vào việc bảo vệ các hoạt động thương mại hợp pháp. Ông thừa nhận việc thiết lập đường dây nóng liên lạc trực tiếp trên biển và trên không giữa các cơ quan quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc gần đây nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại an ninh.

Tuy nhiên, ông Kishida cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông, đặc biệt là khu vực xung quanh quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đã kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ các phao được lắp đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, đồng thời bày tỏ lo ngại về các hoạt động quân sự gia tăng của ĐCSTQ gần Nhật Bản, bao gồm cả các cuộc tập trận chung với Nga.

Căng thẳng ở eo biển Đài Loan cũng là tâm điểm của cuộc thảo luận. Ông Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển đối với cộng đồng quốc tế và Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi trả tự do cho các công dân Nhật Bản bị giam giữ ở Trung Quốc với cáo buộc gián điệp.

Đề cập đến vấn đề gây tranh cãi về việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra đại dương, ông Kishida đã kêu gọi ĐCSTQ đưa ra các quyết định dựa trên cơ sở khoa học và dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với hải sản Nhật Bản. Ông cũng nêu lên mối lo ngại về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.

Ông Kishida cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại liên tục ở cấp lãnh đạo và xử lý khủng hoảng. Ông nói: “Chính vì chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nên đối thoại tích cực giữa các nhà lãnh đạo là điều cần thiết để quản lý mối quan hệ song phương của chúng ta”.

Đáp lại, ông Tập ban đầu từ chối trả lời cụ thể và chỉ chấp nhận đối thoại sau khi ông Kishida kiên trì chất vấn.

Sự thay đổi chiến lược của Nhật Bản đối với Trung Quốc

Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất một “mối quan hệ tương hỗ chiến lược” giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2006. Mối quan hệ này đã được chính thức hóa trong Tuyên bố chung Nhật Bản - Trung Quốc năm 2008 về Thúc đẩy Mối quan hệ Tương hỗ Chiến lược. Khái niệm này nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và chung sống hòa bình, cũng như nâng cấp quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, theo thời gian, nhận thức của Nhật Bản về ĐCSTQ và các ưu tiên chiến lược của nước này đã thay đổi, thúc đẩy sự thay đổi trong khuôn khổ quan hệ song phương. Sự thay đổi này càng củng cố lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc của ông Kishida.

Trong “Sách Xanh Ngoại giao 2020” do Chính phủ Nhật Bản phát hành, thuật ngữ “mối quan hệ tương hỗ chiến lược” đã vắng mặt một cách đáng chú ý trong phần quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc.

Trong khi thừa nhận các mối liên hệ về kinh tế và văn hóa, tài liệu này đã nêu bật mối lo ngại về các hành động của ĐCSTQ vi phạm luật pháp quốc tế, chẳng hạn như xâm nhập vào lãnh hải và không phận xung quanh Quần đảo Senkaku của Nhật Bản.

Chính sách “quan hệ đối ứng chiến lược”, vốn được hình dung trong một thời đại khác với triển vọng tươi sáng, đã bị lu mờ trước những hành động của ĐCSTQ. Điều đó đã khiến chính sách này chệch khỏi mục tiêu ban đầu và khiến Nhật Bản phải đánh giá lại lập trường ngoại giao này.

“Sách Xanh Ngoại giao 2021” càng nhấn mạnh thêm những quan ngại của Nhật Bản. Văn bản này chỉ ra những nỗ lực mở rộng quân sự mờ ám và đơn phương của ĐCSTQ nhằm thay đổi hiện trạng khu vực như những thách thức quốc tế quan trọng. Văn bản này cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về Luật An ninh Quốc gia của Hong Kong và những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, làm suy yếu nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.

Trong ấn bản này, chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rõ ràng về sự tồn tại của nhiều vấn đề với ĐCSTQ, bao gồm cả các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ và ý định giải quyết những vấn đề này thông qua đàm phán. Các thuật ngữ “ổn định” và “mang tính xây dựng” được sử dụng thay vì “chiến lược” và “có đi có lại”, nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ ổn định Nhật Bản - Trung Quốc đối với cả hai nước, khu vực và cộng đồng quốc tế nói chung.

“Sách Xanh Ngoại giao 2022” đã trình bày chi tiết về sự hung hăng ngày càng tăng và những tiến bộ quân sự của ĐCSTQ, nhấn mạnh những diễn biến này là mối lo ngại an ninh đáng kể đối với Nhật Bản và phần còn lại của thế giới. Văn bản này cũng nhấn mạnh những thách thức của ĐCSTQ đối với các giá trị nhân văn phổ quát do ĐCSTQ đặt ra.

Ấn bản này tái khẳng định liên minh Nhật - Mỹ là nền tảng của chính sách đối ngoại và an ninh Nhật Bản, điều này đặc biệt quan trọng trong môi trường an ninh khu vực đầy thách thức hiện nay.

Liên quan đến Trung Quốc, “Sách Xanh Ngoại giao 2022” đã thừa nhận sự phức tạp trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc, nêu bật những thách thức như các hoạt động đơn phương của ĐCSTQ ở Biển Hoa Đông.

Như đã đề cập trước đó, phản ứng của Nhật Bản sẽ thận trọng nhưng kiên quyết. Văn bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc đối với hòa bình khu vực và toàn cầu, trong đó Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc thực hiện các bước đi có trách nhiệm để phát triển “mối quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc mang tính xây dựng và ổn định”.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Nhật Bản chuyển sang chính sách ngoại giao quyết đoán đối với ĐCSTQ