Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ dữ liệu về chương trình tên lửa của Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ chế này sẽ "tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực và cải thiện khả năng giám sát tên lửa" do Triều Tiên phóng của mỗi quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhất trí về cơ chế chia sẻ dữ liệu về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ba nước đã đạt được thỏa thuận này vào ngày 12/11 tại Seoul, Hàn Quốc, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp người đồng cấp Hàn Quốc Shin Won-sik. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara tham gia cuộc họp trực tuyến.

Theo một tuyên bố từ Lầu Năm Góc, cơ chế này sẽ "tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực và cải thiện khả năng của mỗi quốc gia trong việc giám sát tên lửa do [Triều Tiên] phóng". Kế hoạch này đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng và sẽ đi vào hoạt động hoàn toàn vào cuối tháng 12/2023.

Ba bộ trưởng Quốc phòng cũng nhất trí đẩy nhanh và hoàn thiện kế hoạch nhiều năm cho các cuộc tập trận quân sự ba bên nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa ba cường quốc một cách hiệu quả hơn.

Phòng thủ tên lửa là một trong những hợp tác ba bên quan trọng mà lãnh đạo ba nước đã nhất trí tăng cường tại hội nghị thượng đỉnh Trại David (Mỹ) vào tháng 8 trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực.

“Các quốc gia của chúng tôi đã thực hiện các bước sơ bộ để kiểm tra năng lực kỹ thuật của chúng tôi trong việc chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực. Chúng tôi cam kết theo đuổi việc tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa đạn đạo để chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của [Triều Tiên]”, ba đồng minh cho biết trong một tuyên bố chung.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và phương Tây, Triều Tiên vẫn tiến hành nhiều vụ thử tên lửa trong những năm gần đây. Theo đánh giá của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, chế độ này đã tiến hành hơn 80 vụ thử tên lửa đạn đạo kể từ năm 2022. Theo các nhà phân tích, thông qua loạt thử nghiệm này, Triều Tiên đã cải tiến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể nhắm tới lục địa Hoa Kỳ.

Báo cáo đề cập đến đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng rằng ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên "có thể được thiết kế để mang nhiều đầu đạn" vì tên lửa có đường kính và khả năng đẩy lớn hơn.

Các mối đe dọa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn

Triều Tiên hồi tháng 4 cho biết họ đã thử tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn mới, Hwasong-18, đánh dấu một bước phát triển mà các chuyên gia cho rằng sẽ "tăng cường mạnh mẽ" lực lượng của quốc gia này và tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ phóng tên lửa với mức cảnh báo tối thiểu.

Các nhà phân tích cho biết đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc tên lửa xuyên lục địa, một nhiệm vụ quan trọng để triển khai tên lửa nhanh hơn trong chiến tranh.

Bởi vì hầu hết các tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên đều sử dụng nhiên liệu lỏng nên chúng phải được nạp thuốc đẩy tại bãi phóng, đây là một quá trình tốn thời gian và nguy hiểm.

Ông Ankit Panda, một thành viên cao cấp tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Hoa Kỳ, nói với Reuters: “Đối với bất kỳ quốc gia nào vận hành lực lượng hạt nhân dựa trên tên lửa quy mô lớn, tên lửa nhiên liệu rắn là một khả năng cực kỳ đáng mong đợi vì chúng không cần phải nạp nhiên liệu ngay trước khi sử dụng”.

"Những khả năng này phản ứng nhanh hơn nhiều trong thời điểm khủng hoảng”.

Sau khi thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy cao vào tháng 12, Triều Tiên lần đầu tiên trưng bày thứ có vẻ là ICBM nhiên liệu rắn mới trong cuộc duyệt binh vào tháng 2.

Theo nguồn tin lớn của Hàn Quốc, Yonhap News, Triều Tiên tuyên bố ngày 18/11 là "ngày công nghiệp tên lửa" để kỷ niệm việc chế tạo ICBM Hwasong-17 vào tháng 11/2022.

Đầu tháng này, người dân Tokyo (Nhật Bản) đã tham gia một cuộc diễn tập sơ tán sau một loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên.

Hôm 6/11, khoảng 60 người dân ở Nhật Bản đã tham gia diễn tập sơ tán phòng tránh tên lửa, diễn ra tại thủ đô Tokyo. Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng gia tăng số lần phóng thử các loại tên lửa.

Những người tham gia tập trung ở tầng trệt của ga Nerima. Sau đó, họ được các quan chức địa phương dẫn xuống tầng dưới và thực hiện các động tác bảo vệ bản thân như cúi gập người xuống và che đầu.

Cuộc diễn tập thực hiện trong bối cảnh số lượng tên lửa được phóng ngày càng tăng của Triều Tiên kể từ năm ngoái. Triều Tiên đã phóng 59 tên lửa vào năm 2022 và gần đây nhất đã phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ dữ liệu về chương trình tên lửa của Triều Tiên