Thường xuyên bị ợ chua, nấc cụt? 5 việc cần làm để hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Thiên, ​​65 tuổi ở Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc), bị đau thượng vị tái phát trong vòng một năm trở lại đây, biểu hiện là đau quặn thắt, ợ chua, nấc cụt và nuốt đau.

Ban đầu, ông nghĩ rằng đó là bệnh viêm dạ dày và các triệu chứng thuyên giảm sau mỗi lần tự uống thuốc, nên ông không để ý đến nó.

Tuy nhiên gần đây, ông đến điều trị ngoại trú tại Khu 3, Khoa tiêu hóa thuộc Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Nam do các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Qua nội soi, bác sĩ cho biết ông Thiên bị bệnh trào ngược dạ dày.

Ông cảm thấy rất khó hiểu, làm sao mình lại có thể mắc bệnh này khi không hề hút thuốc hay uống rượu?

Liao Jiangtao, giám đốc Khoa Tiêu hóa Khu 3 thuộc Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Nam cho hay, nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày có liên quan mật thiết đến tuổi tác, chế độ ăn uống, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia, yếu tố tâm lý và các bệnh lý liên quan đến dạ dày.

Mặc dù ông Thiên không hút thuốc hay uống rượu, nhưng tình trạng trào ngược axit dạ dày lặp lại lâu ngày vẫn chưa được giải quyết từ gốc rễ, nên triệu chứng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Liao cũng nói thêm, các triệu chứng điển hình nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là ợ chua và trào ngược. Trong trường hợp nặng, nó còn dẫn đến viêm thực quản và tổn thương mô khác ngoài thực quản, chẳng hạn như hầu, thanh quản và đường thở.

Với sự già hóa của dân số, thói quen ăn uống và các nguyên nhân khác, tỷ lệ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản ngày càng gia tăng.

Bác sĩ Liao Jiangtao giải thích rằng, chúng ta có thể tránh được sự “tấn công” của bệnh trào ngược dạ dày thực quản bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và các yếu tố khác.

- Chú ý đến chế độ ăn uống: Ăn ít hơn và chia thành nhiều bữa nhỏ, chỉ ăn no khoảng 80%, cố gắng hạn chế thức ăn cay và dầu mỡ, chẳng hạn như thịt mỡ, kem, cà phê, sô cô la, cacao, hạt tiêu, đồ uống lạnh và có ga.

- Kiểm soát cân nặng: Béo phì là một tác nhân chính gây trào ngược dạ dày. Vì áp lực trong ổ bụng tăng lên ở những người thừa cân có thể thúc đẩy trào ngược dạ dày. Vậy nên, giảm cân có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng này.

- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên có thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy tiêu hóa. Ngoài ra, nó còn giúp vận động cơ bụng, cải thiện tình trạng căng cơ dạ dày, ngăn ngừa hiện tượng trào ngược dạ dày.

- Chú ý đến tư thế: Trào ngược dạ dày thực quản có thể xảy ra khi cơ thể gập người, cúi xuống, cúi đầu, nằm ngửa và các tư thế khác. Nếu thường xuyên bị trào ngược vào ban đêm, bạn có thể kê cao đầu giường thêm tối thiểu 15cm.

- Phòng ngừa và điều trị táo bón: Bệnh trào ngược dạ dày thường do nhu động tiêu hóa không đủ và rối loạn chức năng làm rỗng, thường xuyên bị táo bón sẽ làm tăng áp lực ổ bụng và dễ sinh ra tình trạng trào ngược.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Thường xuyên bị ợ chua, nấc cụt? 5 việc cần làm để hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày