Thuỷ đậu: 5 biến chứng nguy hiểm cần lưu ý

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù là một bệnh lành tính, nhưng thuỷ đậu có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Nó thường xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và nhà trẻ, điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng liệu thuỷ đậu có thể tái nhiễm sau khi đã mắc hay không?

Hơn một tuần qua, trung tâm y tế các huyện Bảo Yên, Bắc Hà và Bát Xát tại tỉnh Lào Cai liên tục ghi nhận về nhiều trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu trong trường học. Điều này dấy lên mối lo ngại về sự lây lan của bệnh.

Nhiều người biết rằng thuỷ đậu có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý và điều trị đúng cách. Vậy dựa vào đâu để biết một người đã mắc bệnh?

Giai đoạn phát triển và biến chứng thường gặp của bệnh thuỷ đậu

Bệnh thuỷ đậu có 4 giai đoạn phát triển, bao gồm:

    • Ủ bệnh: Là giai đoạn nhiễm virus trong cơ thể và phát bệnh, thường kéo dài từ 10-20 ngày. Triệu chứng không đáng kể, không dễ nhận biết.
    • Phát bệnh: Người nhiễm bệnh có các triệu chứng sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi. Cơ thể có các nốt phát ban đỏ với đường kinh vài milimet trong 24 - 48 giờ đầu. Ngoài ra, một số trường hợp xuất hiện hạch sau tai, kèm viêm họng.
    • Toàn phát: Người bệnh sốt cao, buồn nôn, chán ăn, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi. Các nốt đỏ bắt đầu hình thành mụn nước hình tròn, đường kính 1-3 milimet, cảm giác ngứa rát, khó chịu. Chúng mọc khắp toàn thân thể, thậm chí lan vào niêm mạc miệng.
  • Hồi phục: Các mụn nước tự vỡ, khô, bong vảy và dần hồi phục trở lại sau 7 - 10 ngày phát bệnh. Để tránh nhiễm trùng, cần vệ sinh cẩn thận các vết thuỷ đậu.

Tuy thuỷ đậu là một bệnh lành tính, nhưng biến chứng của nó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Các biến chứng thường gặp khi bị thuỷ đậu gồm có:

  • Viêm nhiễm: Xảy ra khi người bệnh gãi làm trầy xước hoặc vỡ các nốt thuỷ đậu, từ đó gây viêm, sưng, nhiễm khuẩn và lở loét. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây nhiễm trùng huyết.
  • Viêm phổi: Thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện sốt cao, thở nhanh, đau ngực, khó thở, tím tái… dẫn tới suy hô hấp, phù phổi hoặc thậm chí tử vong.
  • Viêm não: Thuỷ đậu có thể để lại di chứng nặng nề cho người bệnh như bại não, điếc, chậm phát triển tâm thần vận động.
  • Zona: Do virus vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh, khi có điều kiện, chúng có thể hoạt động trở lại và gây bệnh zona thần kinh. Do đó, đây được xem như một biến chứng muộn.
  • Sảy thai, di tật: Phụ nữ bị thủy đậu trong thời kỳ mang thai có nguy cơ bị sẩy thai hoặc thai nhi bị dị tật bẩm sinh.

Làm sao để phát hiện sớm các biến chứng của thuỷ đậu?

Nếu các dấu hiệu dưới đây xuất hiện, người bệnh có thể đã bị biến chứng:

  • Sốt liên tục hơn 4 ngày, sốt cao trên 38,5 độ C
  • Ho nặng
  • Khó thở
  • Phát ban lan rộng sang một hoặc hai bên mắt
  • Rối loạn nhịp tim
  • Nôn mửa
  • Run rẩy dữ dội
  • Cứng cổ
  • Đau đầu dữ dội
  • Buồn ngủ bất thường, khó thức.
  • Gặp khó khăn khi nhìn vào đèn sáng.
  • Khả năng phối hợp cơ kém, gặp khó khăn khi đi lại.
  • Lú lẫn, mất ý thức và chóng mặt.
  • Vết phỏng thuỷ đậu chảy mủ (đặc và có màu vàng) hoặc chuyển màu đỏ.

Khả năng tái nhiễm ở người từng mắc thuỷ đậu

Bệnh thuỷ đậu thường xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và nhà trẻ. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng, liệu trẻ đã mắc bệnh có thể bị lây nhiễm lại nhiều lần hay không?

Trên thực tế, hầu hết những người mắc bệnh đều có khả năng miễn dịch với virus. Tình trạng tái nhiễm chỉ xảy ra ở những người suy giảm miễn dịch.

Do đó, nếu trẻ đã từng bị thuỷ đậu, bạn không cần quá lo lắng.

Người bệnh thuỷ đậu nên ăn gì?

Người bị thuỷ đậu nên ăn các thực phẩm mềm lỏng, dễ hấp thu, giàu dinh dưỡng; đặc biệt tránh thực ăn chua, cay, mặn và giòn… Mụn nước thuỷ đậu mọc trong khoang miệng và họng có thể bị vỡ ra do kích ứng.

Bên cạnh đó, các thức ăn nhiều đường cũng là nguồn thực phẩm nên tránh, vì chúng có thể ức chế và làm suy giảm hệ thống miễn dịch.

Vậy họ nên ăn gì?

  • Thực phẩm giàu protein như thịt gà, thịt lợn nạc, cá, trứng và các loại đậu. Chất đạm rất quan trọng trong việc sửa chữa và bảo trì các mô, nó cũng giúp cơ thể sản xuất kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.
  • Thực phẩm giàu vitamin C như rau xanh, trái cây tươi, quả mọng, cà chua. Vitamin C có khả năng chống oxy hoá mạnh, hỗ trợ sản xuất kháng thể và tăng cường hệ miễn dịch. Loại vitamin này cũng góp phần hình thành collagen, giúp tăng tốc chữa lành vết thương, ngăn ngừa sẹo lõm.
  • Thực phẩm giàu kẽm như sò, thịt bò, hàu, gà, lợn nạc, sữa, trứng và cá. Kẽm giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng chống lại nhiễm trùng và chữa lành vết thương.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Thuỷ đậu: 5 biến chứng nguy hiểm cần lưu ý