'Tiến sĩ Tận thế' cảnh báo: Điều tồi tệ nhất vẫn đang chờ đợi kinh tế Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini đã cảnh báo rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây, thứ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng thiếu hụt tín dụng nghiêm trọng.

Ông Roubini là người có biệt danh là “Dr. Doom” (Tiến sĩ Tận thế) vì là một trong những nhà kinh tế đầu tiên cảnh báo về cuộc suy thoái vào năm 2008 - 09. Ông Roubini đã đưa ra nhận xét trong cuộc phỏng vấn với “The Claman Countdown” (Đếm ngược Claman) của Fox Business vào thứ 2 (10/04).

Ngân hàng First Republic đã thông báo trong một hồ sơ pháp lý vào thứ 6 (07/04) rằng họ sẽ tạm dừng chia cổ tức hàng quý đối với cổ phiếu ưu đãi. Ông Roubini đã được hỏi liệu thông báo trên có là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng Mỹ và các tổ chức tài chính toàn cầu có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn hơn nữa ở phía trước hay không.

Vào tháng 3, Ngân hàng First Republic đã tạm dừng thanh toán cổ tức cho cổ phiếu phổ thông của mình như một “biện pháp kiểm soát thận trọng” sau khi chứng kiến giá cổ phiếu của mình giảm hơn 80%. Tuy nhiên, cho đến nay, ngân hàng này vẫn chưa sụp đổ.

Ông Roubini nói với Fox rằng nhiều ngân hàng khu vực, bao gồm cả First Republic, dường như đang đối mặt với những thách thức đối với mô hình kinh doanh và điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế rộng lớn hơn.

“Tôi nghĩ vấn đề là ở các ngân hàng khu vực, nhưng các ngân hàng khu vực là những bên cho vay đáng kể đối với các hộ gia đình đối với các khoản thế chấp, các doanh nghiệp nhỏ, các SME [doanh nghiệp vừa và nhỏ], bất động sản thương mại. Và do đó, chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng thiếu tín dụng”, ông Roubini nói.

Điều tồi tệ nhất đang ở phía trước

Ông Roubini nói thêm rằng vấn đề cơ bản với các ngân hàng khu vực là họ có “cơ sở tiền gửi hạn hẹp” kết hợp với số lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm. Trong khi đó, người Mỹ đang “nhận ra rằng họ có thể kiếm được, chẳng hạn như 4 hoặc 5% trên các tín phiếu kho bạc [trái phiếu kho bạc ngắn hạn, có kỳ hạn từ 1 năm trở xuống] trên thị trường tiền tệ, thứ được chính phủ bảo hiểm trong khi họ chỉ nhận được lãi suất gần như bằng 0 từ các khoản tiền gửi”, điều đó có nghĩa là các vấn đề ngân hàng có thể sẽ tiếp diễn tại các tổ chức tài chính khu vực.

Nhà kinh tế nói rằng một cuộc khủng hoảng thiếu hụt tín dụng có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ít có khả năng đạt được mục tiêu hạ cánh mềm và nền kinh tế Mỹ có thể sẽ trải qua một cuộc suy thoái sâu sắc, “lớn hơn nhiều so với trước đây”.

“Vì vậy, chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu hụt tín dụng nghiêm trọng đối với một phần khá lớn của hệ thống ngân hàng Mỹ”, ông nói. “Điều tồi tệ nhất đang ở phía trước vì Fed và các Ngân hàng Trung ương khác đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ phải đạt được sự ổn định về giá. Họ phải duy trì tăng trưởng kinh tế và tránh suy thoái. Và họ phải duy trì sự ổn định tài chính. Lãi suất phải tăng hơn nữa vì lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu. Điều đó sẽ gây ra một cuộc hạ cánh cứng của nền kinh tế”.

Ông Roubini, Giám đốc điều hành của Roubini Macro Associates và là giáo sư kinh tế tại Đại học New York, đã đưa ra một cảnh báo tương tự vào tháng trước trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC của Úc. Ông đã lưu ý rằng các Ngân hàng Trung ương chọn không tăng lãi suất cao hơn nữa sẽ có nguy cơ gặp phải “cú sốc về lạm phát và kỳ vọng lạm phát”, thứ có thể dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô. Điều này sẽ đẩy họ rơi vào tình thế khó khăn.

Hỗn loạn ngân hàng

Ngay sau cuộc phỏng vấn của ông Roubini với ABC, Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), ngân hàng lớn thứ mười sáu ở Mỹ, đã sụp đổ. SVB đã phải đối mặt với một sự kết hợp của các vấn đề như lãi suất tăng, vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt và tỷ lệ tiền gửi của khách hàng không được bảo hiểm cao cũng như một lượng lớn tiền gửi đã được đầu tư vào trái phiếu kho bạc, vốn rất nhạy cảm với lãi suất.

Hai ngày sau, các cơ quan quản lý đã đóng cửa Ngân hàng Signature có trụ sở tại New York. Mới đây, ngân hàng này đã gây chú ý vì cáo buộc liên quan đến công ty tiền điện tử FTX hiện đã phá sản. Ngân hàng này cũng có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao.

Silvergate Bank, một tổ chức tài chính tập trung vào tiền mã hóa, cũng đã thông báo vào đầu tháng 3 rằng họ có kế hoạch ngừng hoạt động và tự nguyện thanh lý. Nguyên nhân là do “sự phát triển của ngành và quy định gần đây”.

Forbes đưa tin, khoảng 70% tổng số tiền gửi tại Ngân hàng First Republic - nắm giữ 176,4 tỷ USD tiền gửi vào cuối năm 2022 - không được bảo hiểm.

Những bình luận gần đây của ông Roubini được đưa ra khi các chuyên gia, bao gồm cả Giám đốc điều hành của Man Group, ông Luke Ellis, đã cảnh báo rằng một số lượng đáng kể các ngân hàng có thể sụp đổ trong hai năm tới. Trong đó, những đối tượng gặp phải rủi ro cao hơn có thể là các ngân hàng khu vực nhỏ hơn ở Mỹ và các ngân hàng thách thức (các ngân hàng nhỏ, mới được lập ra nhằm thách thức các ngân hàng lớn và lâu đời).

Bất chấp đưa ra lời cảnh báo vào thứ 2, ông Roubini lưu ý rằng các chuyên gia thị trường dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ không chạm đáy “trong một thời gian”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

'Tiến sĩ Tận thế' cảnh báo: Điều tồi tệ nhất vẫn đang chờ đợi kinh tế Mỹ