TikTok ‘phá hủy’ não bộ của con người như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tỷ phú Elon Musk từng ngụ ý rằng, TikTok có thể hủy diệt tương lai của nhân loại. Các nghiên cứu cho thấy, thời gian sử dụng TikTok càng nhiều, thì não bộ càng chịu sự tác động và suy giảm hiệu suất. Nói cách khác, con người trở nên “đần độn” hơn trong công việc, học tập cũng như tương tác xã hội.

TikTok (còn có Douyin - phiên bản dành riêng cho Trung Quốc đại lục), là một nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội, do công ty ByteDance (trụ sở tại Bắc Kinh) phát triển vào năm 2017.

Không giống như Facebook hay Twitter, TikTok chỉ cho phép người dùng đăng tải các video ngắn (hiện tại người dùng có thể tải video với thời lượng dài hơn), thuật toán của ứng dụng sẽ giúp nó lan tỏa và “tìm” đến những người có sự quan tâm.

Tính đến nay, TikTok đã có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu, trong đó Hoa Kỳ được xem là một trong những thị trường lớn nhất của ứng dụng này.

Với lượng người dùng khổng lồ chỉ trong thời gian ngắn, không khó hiểu vì sao TikTok dễ dàng đe dọa vị thế thống trị của Facebook trong hơn một thập kỷ qua.

Elon Musk: “Một số người nghĩ rằng TikTok có thể hủy diệt tương lai nhân loại”

Hôm 18/6, trên tài khoản Twitter cá nhân của mình, tỷ phú Elon Musk đã đăng tải một bài viết, trong đó đặt câu hỏi về sự đe dọa của TikTok đối với tương lai của nhân loại, ông viết:

“Liệu TikTok có thể hủy diệt tương lai của nhân loại không? - Một số người nghĩ như vậy”.

Bài đăng được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện đoạn audio rò rỉ từ hơn 80 cuộc họp nội bộ của công ty mẹ ByteDance.

Theo đó, các nhân viên TikTok ở Trung Quốc đã “nhiều lần truy cập dữ liệu không công khai của người dùng ở Hoa Kỳ”, theo Buzzfeed.

Đoạn ghi âm bao gồm 14 tuyên bố từ chín nhân viên, nội dung cho thấy các kỹ sư TikTok đã truy cập vào dữ liệu người dùng ở Hoa Kỳ “ít nhất” trong vòng năm tháng, từ tháng 09/2021 đến tháng 01/2022.

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này và từ góc độ sức khỏe, chúng ta chỉ cân nhắc đến quan điểm của tỷ phú Elon Musk về khả năng “hủy diệt tương lai” của TikTok. Liệu chúng ta có cơ sở nào để chứng minh hay không?

Thật đáng buồn khi câu trả lời lại là: Có!

Thực tế, TikTok có thể khiến trí não của con người bị ảnh hưởng tiêu cực theo thời gian. Điều quan trọng là, nó làm bạn nghiện và rất khó để dứt ra được. Vậy tác động cụ thể của TikTok đến não bộ là như thế nào?

Ảnh hưởng của TikTok đối với não bộ

1. TikTok rút ngắn sự tập trung của con người

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications cho thấy tình trạng sụt giảm đáng kể thời gian chú ý của con người theo thời gian. Ví dụ:

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch chỉ ra rằng, trung bình một thẻ xu hướng trên Twitter (bắt đầu bằng dấu #) vào năm 2013 giữ vị trí hàng đầu trong 17.5 giờ. Nhưng vào năm 2016, các thẻ tương tự chỉ tồn tại trung bình 11.9 giờ.

Điều này có nghĩa rằng, con người đang mất dần sự chú ý của họ đối với một sự kiện cụ thể nào đó. Họ không còn dành nhiều thời gian để quan tâm và tìm hiểu vấn đề lâu như trước.

TikTok rút ngắn sự tập trung của con người
TikTok rút ngắn sự tập trung của con người. (Unsplash)

Não bộ “được huấn luyện” để tập trung ngắn hạn hơn

Một lý do để lý giải cho hiện tượng suy giảm khả năng tập trung dài hạn của con người là do sự phát triển của các nền tảng video, đặc biệt là các video có thời lượng ngắn, chẳng hạn như TikTok.

Facebook hay Youtube hiện cũng đang bắt chước TikTok về dạng video ngắn tương tự. Tức là, cứ sau 15, 30 hoặc 60 giây, người dùng lại được xem một video mới.

Jessica Griffin, Phó Giáo sư Tâm thần học và Nhi khoa tại Trường Y Đại học Massachusetts, nói với Very Well Health rằng: “Nếu bạn xem TikTok trong thời gian dài, nó có thể gây ra vấn đề về khả năng chú ý, tập trung và trí nhớ ngắn hạn”.

Mặc dù nền tảng TikTok đã mở rộng thời lượng video tối đa từ ba lên mười phút, nhưng các video ngắn vẫn có thể gây ra hậu quả đặc biệt.

Khi thói quen xem video ngắn lặp đi lặp lại, não bộ của bạn được “huấn luyện” với cảm giác rằng, chỉ cần chú ý trong khoảng vài chục giây thì sẽ có một thứ gì đó mới mẻ xuất hiện.

Nhưng trong cuộc sống hiện thực, có khi nào cứ mỗi 15-30 giây, bạn sẽ được chứng kiến điều gì đó thú vị hay không?

Một số người cho biết, trước đây họ có thể xem một đoạn video dài 10-30 phút, nhưng giờ họ dễ dàng đánh mất sự hứng thú chỉ sau vài phút. Họ nhanh chóng hết kiên nhẫn dù thực sự quan tâm đến video.

Não bộ “được huấn luyện” để tập trung ngắn hạn hơn
Não bộ “được huấn luyện” để tập trung ngắn hạn hơn (Unsplash)

Kiểm tra khả năng tập trung

Theo Campus Beat, để kiểm tra khả năng tập trung, bạn có thể tự trả lời các câu hỏi sau:

  • Bạn có cảm thấy nhàm chán với những thứ xảy ra xung quanh và những người đi chơi cùng hay không?
  • Đã bao giờ bạn bắt đầu một sở thích nào đó như nấu ăn, vẽ, hát hoặc mở kênh Youtube nhưng lại bỏ dở giữa chừng không?
  • Nếu dành một tháng cho một nghề hoặc kỹ năng nào đó nhưng không mang lại kết quả như mong muốn, bạn có bỏ cuộc và theo đuổi thứ khác không?

Những câu hỏi trên có thể khiến bạn phân vân, và nghĩ ra nhiều lý do để biện hộ cho chính mình. Vậy với cách đơn giản hơn, bạn thử xem một bộ phim được sản xuất vào những năm 50, 60 hoặc 70 của thế kỷ trước.

Hãy xem và kiểm tra liệu trong vòng vài phút, bạn có cảm thấy sốt ruột và tự hỏi rằng: Khi nào thì tới lúc cao trào hay không?

Nếu câu trả lời là “Có” cho một hoặc nhiều câu hỏi nói trên, thì rất tiếc khi phải nói rằng, khả năng tập trung của bạn đã bị rút ngắn nghiêm trọng.

Những ai đã từng xem chuỗi phim “Chúa tể của những chiếc Nhẫn” (được công chiếu vào năm 2001, 2002, 2003) đều biết rằng, mỗi phần phim đều có thời lượng rất dài nhưng đều thành công về mặt doanh thu lẫn chất lượng:

  • “Chúa tể những chiếc nhẫn: Hiệp hội nhẫn thần” có thời lượng 2 giờ 58 phút;
  • “Chúa tể những chiếc nhẫn: Hai tòa tháp” có thời lượng 2 giờ 59 phút;
  • “Chúa tể những chiếc nhẫn: Sự trở lại của nhà vua” có thời lượng 3 giờ 21 phút.

Tuy nhiên, cũng với thời lượng tương tự (2 giờ 56 phút), bộ phim “The Batman” (đạo diễn Matt Reeves) lại đối mặt với không ít chỉ trích từ phía khán giả khi cho rằng, nội dung quá dài dòng, lê thê bất chấp đánh giá cao của giới phê bình.

Tờ Variety thậm chí còn viết: “Bạn có cảm thấy lạnh sống lưng khi biết rằng The Batman của Robert Pattinson dài đến ba giờ đồng hồ? Hãng phim muốn bơm trực tiếp hình ảnh Bruce Wayne vào nhãn cầu của bạn?”.

Điều này cho thấy khán giả đại chúng ngày nay đã không còn đủ kiên nhẫn để xem các bộ phim thời lượng dài. Tình trạng này cũng được phản ánh khá rõ rệt trong văn hóa đọc khi chúng ta dễ dàng bỏ qua các bài viết “nhiều chữ”.

Điều này cho thấy khán giả đại chúng ngày nay đã không còn đủ kiên nhẫn để xem các bộ phim thời lượng dài.
Điều này cho thấy khán giả đại chúng ngày nay đã không còn đủ kiên nhẫn để xem các bộ phim thời lượng dài. (Unsplash)

2. TikTok khiến trẻ chậm phát triển về mặt cảm xúc và xã hội

Tiến sĩ Michael Manos, Giám đốc lâm sàng của Trung tâm Chú ý và Học tại Cleveland Clinic Children, phát biểu trên tờ Wall Street Journal rằng:

“Nếu não của trẻ quen với những thay đổi liên tục, não sẽ khó thích nghi với một hoạt động phi kỹ thuật số, nơi mọi thứ không di chuyển nhanh như vậy”.

Bà Griffin nói: “Các video ngắn tương tự với kẹo, giải phóng một lượng lớn dopamine (chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu) trong trung tâm khoái cảm của não bộ. Sự vội vã đó khiến bạn muốn xem nhiều hơn, giống như đứa trẻ trong cửa hàng kẹo”.

Điều này làm người dùng khó rời bỏ ứng dụng hơn. Đồng thời, nó tạo ra một thách thức lớn khiến họ rất khó chuyển sang các hoạt động khác.

Cuối cùng, sự phụ thuộc vào TikTok khiến trẻ giảm dần các tương tác trong cuộc sống thực, dẫn đến tình trạng chậm phát triển về mặt cảm xúc và xã hội.

3. TikTok gây trầm cảm, lo lắng và căng thẳng

Khi xem video ngắn càng nhiều, chất dopamine trong não cũng sẽ tiết ra nhiều hơn.

Tiến sĩ Anna Lembke, Bác sĩ Tâm thần và Trưởng Phòng khám Chẩn đoán kép Y học về Nghiện tại Đại học Stanford, nói trên tờ Teen Vogue rằng:

“Vấn đề của việc tiết ra nhiều dopamine cùng một lúc là não của chúng ta phải bù đắp trở lại.

Nó (các video TikTok) thực sự đẩy mức dopamine xuống dưới mức cơ bản, khiến chúng ta rơi vào trạng thái thâm hụt dopamine… Và khi thiếu hụt dopamine, con người có thể gặp phải các triệu chứng trầm cảm và lo lắng.

Nó làm suy yếu khả năng kiểm soát xung động và làm tăng nhu cầu của chúng ta về sự hài lòng ngay lập tức”.

TikTok gây trầm cảm, lo lắng và căng thẳng
TikTok gây trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. (Unsplash)

Tại sao chúng ta “phải” lướt TikTok?

Theo Elite Daily, ngoài những video ngắn gây hứng thú với người xem, thuật toán của TikTok cho phép nó trở nên đặc biệt so với Facebook và các mạng xã hội khác.

Nghiên cứu cho thấy, người sử dụng TikTok về cơ bản là đang tương tác với chính mình.

Aparajita Bhandari, một sinh viên tốt nghiệp ngành truyền thông tập trung vào mạng xã hội tại Đại học Cornell, và Sara Bimo, người có bằng thạc sĩ về nghiên cứu khoa học và công nghệ từ Đại học York, nhận ra rằng:

Trong khi Facebook hay Instagram đều khuyến khích chúng ta kết bạn, tương tác và hình thành các mối quan hệ trên không gian kỹ thuật số; thì TikTok lại khuyến khích người dùng tương tác với thuật toán cung cấp video được cá nhân hóa.

Nghiên cứu vào tháng 5/2021 với 30 sinh viên Trung Quốc cho thấy, trung tâm phần thưởng trong não bộ sáng lên khi họ xem các video kiểu này.

So với các video tổng quát trên TikTok, video cá nhân hóa cũng kích hoạt một phần não giúp bạn tập trung hơn vào chúng.

Các bản quét não cho thấy, những người dùng TikTok thường xuyên có các phản ứng như nghiện, một số người thậm chí không thể tự chủ để ngừng xem.

Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là sự “tăng cường gián đoạn”. Đây là một quá trình lặp lại, vốn để chỉ trung tâm phần thưởng trong não (phần tăng cường) không được đáp ứng mỗi khi nó xuất ra mong muốn hoặc khao khát điều gì đó.

Chính yếu tố này khiến bạn phải lướt TikTok nhiều hơn với hy vọng sẽ tìm thấy thứ thú vị.

Những đó là quá trình xen kẽ, có lúc bạn sẽ thấy thứ bạn muốn, có lúc lại không. Sự phân hóa không thể đoán trước này khiến người ta tò mò, và nó giải phóng chất dopamine. Chất này quay ngược trở lại khiến bạn càng thêm hưng phấn.

Giống như bạn xem một bộ phim, nhân vật chính lúc thắng lúc thua. Điều này khiến bạn cảm thấy hồi hộp và kích thích, muốn xem tiếp tập sau, dự đoán về những gì nhân vật muốn làm và buộc phải xem nhiều hơn để biết kết quả.

Các bản quét não cho thấy, những người dùng TikTok thường xuyên có các phản ứng như nghiện, một số người thậm chí không thể tự chủ để ngừng xem.
Các bản quét não cho thấy, những người dùng TikTok thường xuyên có các phản ứng như nghiện, một số người thậm chí không thể tự chủ để ngừng xem. (Unsplash)

Thời gian sử dụng các thiết bị điện tử càng lâu, não người càng bị tổn hại

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã ít nhiều tạo thuận lợi cho những công việc phức tạp, đặc biệt rút ngắn khoảng cách địa lý, giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn. Nhưng song song với sự tiến bộ này, nó cũng kèm theo không ít mặt trái.

Các thiết bị điện tử như điện thoại smartphone, máy tính, iPad cho đến những thiết bị chơi game cầm tay… đã khiến con người ngày càng bị phụ thuộc, trở nên lười biếng, ít giao tiếp và vô cảm hơn với cuộc sống.

Theo Psychology Today, khi thời gian sử dụng internet và chơi game của con người càng kéo dài, thì não bộ của chúng ta sẽ càng chịu nhiều tổn hại.

Thoạt nhìn, các tổn thương này không dễ nhận thấy trong ngắn hạn, nhưng chúng sẽ ngày càng rõ rệt. Các tổn thương cụ thể bao gồm:

1. Teo chất xám (co rút hoặc mất thể tích mô)

Khi một người bị nghiện internet hoặc chơi game triền miên, thùy trán - vốn là nơi quản lý chức năng điều hành như lập kế hoạch, hoạch định, sắp xếp thứ tự ưu tiên, tổ chức và hoàn thành công việc - sẽ bị ảnh hưởng.

Nói cách khác, chúng sẽ kém dần.

Không chỉ thùy trán, thời gian sử dụng máy tính và chơi điện tử càng kéo dài, thì khu vực chịu trách nhiệm phát triển khả năng đồng cảm và lòng trắc ẩn đối với người khác cũng bị hao mòn.

Phải chăng, đây là lý do khiến con người ngày càng trở nên vô cảm với xã hội và có xu hướng bạo lực hơn?

Tất nhiên, khi sự đồng cảm và lòng trắc ẩn ngày càng kém, thì chiều sâu và chất lượng của các mối quan hệ cá nhân cũng bị ảnh hưởng.

2. Giảm độ dày của vỏ não

Nghiên cứu cho thấy, độ dày vỏ não của những người chơi game trực tuyến bị giảm xuống. Sự suy hao này sẽ khiến khả năng nhận thức của con người bị kém đi.

3. Suy giảm chức năng nhận thức

Những người bị nghiện chơi game và các thiết bị điện tử có khả năng xử lý thông tin kém hiệu quả hơn và giảm ức chế xung động, tăng nhạy cảm ơn đối với phần thưởng và trở nên vô cảm với những mất mát.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động não tự phát bất thường liên quan đến hiệu suất công việc kém.

Hoàng Tuấn

 



BÀI CHỌN LỌC

TikTok ‘phá hủy’ não bộ của con người như thế nào?