Tin vui cho các vận động viên: Rách dây chằng có thể chữa trị bằng nhiều phương pháp, không chỉ phẫu thuật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nhiều năm, người ta tin rằng rách dây chằng chéo trước (ACL) - dải mô dày liên kết bên trong đầu gối chạy từ xương đùi đến xương ống chân (xương ống quyển) - có khả năng phục hồi hạn chế.

Việc đứt dây chằng chéo trước đầu gối, dễ gặp ở các vận động viên, thường dẫn đến một loại phẫu thuật gọi là tái tạo. Theo đó, người ta sẽ thay thế dây chằng bị rách bằng gân từ cơ gân kheo, xương bánh chè hoặc cơ tứ đầu.

Mặc dù phẫu thuật tái tạo ACL hiện là lựa chọn phổ biến nhất cho các vết rách ACL, các nhà nghiên cứu Úc đã chứng minh rằng các phương pháp bảo tồn không phẫu thuật là một lựa chọn thay thế hiệu quả.

Nghiên cứu

Stephanie Filbay, nghiên cứu viên chính tại Khoa Vật lý trị liệu của Đại học Melbourne, đã dẫn đầu hai nghiên cứu về phục hồi ACL - nghiên cứu gần đây nhất chứng minh khả năng tự phục hồi của ACL và một nghiên cứu trước đó cho thấy lựa chọn sử dụng "giao thức chéo".

Bà Filbay nói với The Epoch Times trong một email:

“Trong nghiên cứu gần đây, chúng tôi phát hiện rằng những người lành vết thương có kết quả tuyệt vời sau 12 tháng, bao gồm chức năng đầu gối, chất lượng cuộc sống và sự ổn định - 92% đã quay lại chơi thể thao như trước”.

Theo bà Filbay, có nhiều mức độ phục hồi ACL khác nhau, nhưng trong nhiều trường hợp, ACL được phục hồi về hình dạng trước chấn thương thông qua việc quản lý bảo tồn với sự sắp xếp bình thường được nhìn thấy trong chụp cộng hưởng từ (MRI).

Bà nói: “Trong một nghiên cứu khác, chúng tôi phát hiện thấy những người phục hồi tự nhiên dây chằng chéo trước (ACL) có kết quả tốt hơn sau 2 năm so với những người đã phẫu thuật ACL”.

Trong nhiều năm, các phương pháp tái tạo dây chằng chéo trước (ACL) được xây dựng dựa trên niềm tin rằng loại dây này không có khả năng tự phục hồi hiệu quả. Nghiên cứu mới đây đã thách thức niềm tin này, đặt ra câu hỏi về tính cần thiết của phẫu thuật tái tạo trong mọi trường hợp.

Nghiên cứu về khả năng tự phục hồi của ACL bị rách

Nghiên cứu đầu tiên, được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh Quốc vào tháng 11 năm 2022, đã phân tích dữ liệu của 120 vận động viên tích cực, không chuyên nghiệp từ 18 đến 35 tuổi bị rách ACL.

Những người tham gia được chia thành hai nhóm: nhóm phẫu thuật tái tạo ACL sớm và nhóm phục hồi chức năng với lựa chọn phẫu thuật trì hoãn tùy theo tình hình.

Dữ liệu được thu thập từ MRI, phim chụp X-quang, kiểm tra độ lỏng lẻo thụ động của đầu gối và khảo sát kết quả do bệnh nhân báo cáo vào các thời điểm ban đầu, 3 tháng, 6 tháng, và 1, 2, 5 năm.

Trong số 30 người tham gia chỉ chọn phục hồi chức năng mà không tái tạo ACL, 16 người (53%) cho thấy bằng chứng phục hồi sau 2 năm, trong khi 58% cho thấy bằng chứng phục hồi ACL sau 5 năm theo dõi.

Cũng ở nhóm này, sự phục hồi ACL được quan sát thấy trên MRI sớm nhất là 3 tháng sau chấn thương.

Ngoài ra, những người tham gia trong nhóm này báo cáo chức năng thể thao, giải trí và chất lượng cuộc sống tốt hơn sau 2 năm chấn thương so với những người áp dụng biện pháp phẫu thuật tái tạo.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác vào năm 2021 của Akhil và Sontakke lại cho thấy khả năng phục hồi của ACL bị rách thường kém. Các lý do bao gồm sự hiện diện của dịch khớp ngăn cản sự hình thành cục máu đông, số lượng nguyên bào sợi thấp, mức nitric oxide cao ức chế tổng hợp collagen và nguồn cung cấp máu không đồng đều cho phần trước của ACL.

Mặc dù nghiên cứu của Akhil và Sontakke cho thấy ACL "hiếm khi tự lành mà không có can thiệp", nhưng nó cũng chứng minh rằng tái tạo bằng phẫu thuật dẫn đến tỷ lệ viêm khớp cao hơn trong vòng hai thập kỷ sau phẫu thuật.

Kết quả trên đã thúc đẩy Ms. Filbay tiếp tục nghiên cứu lĩnh vực này. Bà nói: "Bản thân tôi đã bị rách ACL ba lần và bị viêm khớp gối khi còn trẻ, vì vậy tôi rất tâm huyết với nghiên cứu về chấn thương ACL và giúp mọi người tối ưu hóa kết quả lâu dài sau chấn thương".

Nghiên cứu này đặt ra câu hỏi quan trọng về cách tiếp cận điều trị chấn thương ACL và mở ra hướng tiếp cận bảo tồn trong một số trường hợp. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất vẫn cần dựa trên sự đánh giá chuyên môn của bác sĩ dựa trên tình trạng cụ thể của mỗi người.

Nẹp gối hiệu quả trong việc phục hồi dây chằng chéo trước (ACL)

Để tiếp tục nghiên cứu, bà Filbay đã nghiên cứu tác dụng của "giao thức nẹp chéo" (CBP) đối với dây chằng chéo trước bị rách. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh Quốc vào tháng 6 năm 2023.

CBP là một loại nẹp và là phương pháp vật lý trị liệu do bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình quá cố Mervyn Cross phát triển.

Nghiên cứu có 80 người tham gia ở độ tuổi từ 10 đến 58, bao gồm bốn vận động viên chuyên nghiệp. Tất cả đều có vết rách ACL cấp tính được xác nhận bằng MRI.

Đầu gối bị thương của mỗi người tham gia được cố định ở góc 90 độ trong bốn tuần. Khi kết hợp với phục hồi chức năng do chuyên gia vật lý trị liệu giám sát, phạm vi chuyển động ở đầu gối tăng dần sau bốn tuần.

Hình thức phục hồi chức năng này nhắm vào kiểm soát thần kinh cơ chi dưới, tăng cường cơ bắp và tập luyện chức năng, cho phép bệnh nhân quay lại các hoạt động thể thao và giải trí.

Nẹp được gỡ bỏ sau 12 tuần.

Nghiên cứu cho thấy, 90% người tham gia (72 người) chỉ mất ba tháng để phục hồi ACL trên MRI sau khi rách ACL.

Tuy nhiên, 6 trường hợp trong số 8 ACL không lành, MRI sau ba tháng cho thấy ACL đã gắn vào bên, vách bên hoặc vào dây chằng chéo sau (PCL).

PCL hoạt động như một tác nhân đối với ACL, cả hai dây chằng được sắp xếp theo kiểu hình chữ X để ổn định khớp gối đồng thời ngăn xương đùi trượt khỏi xương ống chân (xương ống quyển). Nó cũng ngăn ngừa đầu gối bị xoắn.

Hơn nữa, 11 người tham gia (14%) bị chấn thương lại, trong khi chỉ có một trong số 39 người tham gia bị chấn thương sụn chêm có triệu chứng dai dẳng sau CBP và phải phẫu thuật.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng vì đây là một nghiên cứu thực dụng, dữ liệu đã được thu thập trong quá trình thực hành lâm sàng chứ không phải trong môi trường nghiên cứu. Do đó, một số điều chỉnh đã được thực hiện đối với CBP theo thời gian.

Bà cho biết rằng hơn 530 bệnh nhân đã được điều trị bằng CBP tại Đại học Melbourne. “Nó bao gồm hơn 10 vận động viên chuyên nghiệp; hầu hết đều đã trải qua quá trình phục hồi ACL và quay trở lại môn thể thao của mình”.

Bà nói thêm: "Các vận động viên chuyên nghiệp phải đối mặt với nhiều áp lực khi quyết định điều trị, bao gồm cả việc quay lại tập luyện theo đúng thời gian. Giống như bất kỳ ai bị chấn thương ACL, họ nên cân nhắc ưu nhược điểm của các chiến lược điều trị khác nhau để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất".

Bà Filbay cho biết hiện đang tiến hành một thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên đa trung tâm quy mô lớn về CBP đối với các vết rách ACL.

Phòng tránh rách dây chằng chéo trước (ACL)

Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) thường xảy ra khi đầu gối đột ngột xoắn, chuyển hướng nhanh hoặc tiếp đất sai kỹ thuật. Điều này có thể khiến các vận động viên phải nghỉ thi đấu trong một thời gian dài.

Để phòng tránh rách dây chằng chéo trước, nên lưu ý giữ cho các cơ xung quanh đầu gối khỏe mạnh và dẻo dai.

Chấn thương này thường có biểu hiện như cảm giác "mất trụ" ở đầu gối, gập đột ngột hoặc nghe thấy tiếng "lách tách" bên trong.

Bác sĩ vật lý trị liệu hoặc bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào các kiểm tra lâm sàng; trong một số trường hợp có thể cần chụp X-quang hoặc MRI.

Dưới đây là một số gợi ý giúp phòng tránh rách ACL:

  • Luyện tập kỹ thuật nhảy đúng cách: Tiếp đất đều cả hai chân, gập đầu gối khi tiếp đất.
  • Khi xoay người: Hạ thấp trọng tâm, gập gối và hông.
  • Tăng cường sức mạnh vùng core, gân kheo và cơ tứ đầu đùi.
  • Rèn luyện thăng bằng, sức bền và tốc độ.
  • Cân nhắc các bài tập Plyometric (tập với cường độ cao trong thời gian ngắn) để tăng sức mạnh.

Theo Henry Jom - The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch

Henry Jom là phóng viên người Úc chuyên đưa tin về Úc và các tin tức liên quan đến sức khỏe. Anh có bằng cử nhân khoa học sức khỏe, chuyên ngành phục hồi chức năng và hiện đang hoàn thành bằng sau đại học về luật.



BÀI CHỌN LỌC

Tin vui cho các vận động viên: Rách dây chằng có thể chữa trị bằng nhiều phương pháp, không chỉ phẫu thuật