Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn - Chuyên gia dự đoán sẽ sớm cắt giảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh dường như muốn có thêm thời gian để đánh giá tác động của các biện pháp chính sách gần đầy trước khi tiếp tục tạo ra những thay đổi với lãi suất chuẩn.

Trong nỗ lực duy trì sự cân bằng tinh tế giữa việc thúc đẩy phục hồi kinh tế và hạn chế sự mất giá hơn nữa của đồng CNY (nhân dân tệ), Trung Quốc đã giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn (LPR).

Điều này đã được thị trường dự đoán trước. Trong khi đó, theo các nhà phân tích tại Capital Economics, ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ buộc phải tìm cách cắt giảm lãi suất sớm hay muộn, do đà suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Các nhà hoạch định chính sách có thể muốn có thêm thời gian để đánh giá tác động [của các biện pháp chính sách gần đây] trước khi họ tạo ra những thay đổi tiếp theo đối với lãi suất chuẩn”, một ghi chú của Capital Economics cho biết.

“[Nhưng] Bức tranh lớn là, với đà kinh tế yếu, việc giảm lãi suất sẽ sớm diễn ra. Chúng tôi dự đoán mức cắt giảm 20 điểm cơ bản [0,2%] vào cuối quý I năm tới”, ghi chú cho biết thêm.

Theo Trung tâm Tài trợ Liên ngân hàng Quốc gia, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) một năm, thứ được xác định bởi thị trường và đóng vai trò là chuẩn mực để xác định lãi suất, được đưa ra ở mức 3,45% vào thứ 2 (20/11) và không thay đổi so với tháng trước đó.

LPR kỳ hạn 5 năm, được nhiều người cho vay sử dụng làm cơ sở để xác định lãi suất mà họ cung cấp cho các khoản thế chấp, vẫn không đổi so với tỷ lệ 4,2% trước đó.

Reuters đưa tin hôm thứ 2 rằng thị trường đã chờ đợi việc giữ nguyên lãi suất vì đồng CNY đang chịu áp lực và tiếp tục yếu bất chấp các biện pháp chính sách gần đây nhằm giữ đồng tiền ổn định.

26 chuyên gia thị trường đã được thăm dò ý kiến vào tuần trước và họ đều nhất trí với kỳ vọng rằng cả LPR kỳ hạn một năm và kỳ hạn 5 năm đều sẽ không thay đổi.

Được biết, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuần trước cũng yêu cầu một số người cho vay giới hạn lãi suất, nhấn mạnh ý định của chính quyền nhằm giữ chi phí vay ở mức thấp trong nền kinh tế đang chậm lại, trong lúc chính quyền trung ương và địa phương phát hành thêm nợ để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và lĩnh vực tiêu dùng.

Ngân hàng trung ương đã chỉ đạo các ngân hàng duy trì lãi suất ổn định phần nào trước khi chính sách cho vay trung hạn được công bố hôm thứ 2.

Theo tờ Global Times của nhà nước, vào tháng 10, các khoản vay bằng đồng CNY của Trung Quốc đã tăng 738,4 tỷ CNY (102,86 tỷ USD), cao hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường là 600 tỷ–650 tỷ CNY.

Động lực phục hồi kinh tế suy yếu

Trong 4 tháng qua, khi quá trình phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc suy yếu nhanh chóng, Bắc Kinh đã áp dụng một loạt các bước chính sách để khởi động lại nền kinh tế đang suy yếu.

Tuy nhiên, những biện pháp đó hầu như không tỏ ra hiệu quả, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu chúng có thể đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức của Bắc Kinh là 5% trong năm nay hay không, trong khi đây là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong khi những con số do Cục Thống kê Quốc gia công bố tuần trước cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tăng nhẹ trong tháng 10, Trung Quốc lại rơi vào tình trạng giảm phát khi nhu cầu tiêu dùng tiếp tục suy yếu và giá sản xuất giảm.

Với doanh số bán bất động sản tiếp tục giảm và đầu tư vào bất động sản giảm mạnh, các nhà phân tích cũng lo ngại rủi ro lây lan của cuộc khủng hoảng bất động sản sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế Trung Quốc.

Moody's cho biết trong một ghi chú khách hàng vào tuần trước: “Sự suy giảm kéo dài của thị trường bất động sản đang dẫn đến những tác động lan tỏa bất lợi đến các khu vực doanh nghiệp phi tài chính khác thông qua các kênh trực tiếp và gián tiếp, [trong khi] hầu hết các lĩnh vực sẽ phải đối mặt với [những] tác động trong tương lai có thể thấy trước”.

Áp lực đối với đồng CNY

Tuy nhiên, trong khi ngành bất động sản và nền kinh tế của Trung Quốc cần có sự hỗ trợ chính sách bổ sung, các nhà phân tích tin rằng việc tăng cường nới lỏng tiền tệ cũng sẽ gây ra áp lực giảm giá không mong muốn đối với đồng CNY.

Mặc dù đồng CNY đã phục hồi được một số khoản lỗ từ đầu năm đến nay - có thời điểm nó mất hơn 6% so với đồng USD - việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn sẽ khiến khoảng cách lãi suất với Mỹ ngày càng rộng hơn, điều này có thể khiến đồng CNY giảm giá trị và nguồn vốn rời khỏi đất nước.

Sau khi đạt đỉnh 244 điểm cơ bản vào đầu tháng 8, chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc và của Mỹ vẫn duy trì ở mức 178 điểm cơ bản tính đến thứ 2, điều này cho thấy trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm có lãi suất thấp hơn—và do đó, kém hấp dẫn—so với lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.

Điều này cũng có nghĩa là “áp lực thất thoát vốn sẽ tiếp tục tồn tại trong bối cảnh lãi suất chênh lệch không thuận lợi”, theo một ghi chú của Goldman Sachs được công bố vào tuần trước.

“Các nhà hoạch định chính sách cấp cao vẫn tiếp tục ưu tiên sự ổn định [của đồng CNY]” do “áp lực giảm giá đối với đồng tiền”, ghi chú cho biết.

“Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá hối đoái giữa đồng CNY với đồng USD [do đó] sẽ ổn định chung ở mức 7,30 [CNY đổi 1 USD] trong vài tháng tới”, ghi chú cho biết thêm.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn - Chuyên gia dự đoán sẽ sớm cắt giảm