Truy tìm nguồn của sông Nile - bí ẩn 3.000 năm chưa được khai phá

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sông Nile bắt nguồn từ đâu? Câu hỏi có vẻ như khá đơn giản trong thời đại của Google Maps, vệ tinh và máy bay trực thăng, nhưng đã khiến các nhà thám hiểm, địa lý học say mê tìm câu trả lời trong hàng nghìn năm qua.

Cách đây gần 3.000 năm, từ thời Ai Cập và La Mã cổ đại, con người đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời về nguồn của sông Nile, dòng sông nằm ở châu Phi và là sông dài nhất thế giới.

Kể cả ngày nay, trong thời đại của google map và hệ thống vệ tinh từ ngoài Trái đất, vấn đề về nguồn của con sông dài hơn 6.650 km này vẫn còn chưa được khai phá.

Nhìn chung thì chúng ta đã biết, sông Nile có hai nguồn chính: sông Nile Xanh từ Ethiopia - đóng góp 2/3 lượng nước dẫn nhập vào sông Nile; và sông Nile Trắng từ Hồ Victoria. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu sâu thêm thì mọi thứ sẽ không đơn giản như thế. Christopher Ondaatje, một nhà thám hiểm đã viết cuốn sách Journey to the Source of the Nile, cho biết: “Bí ẩn về nguồn gốc của sông Nile đã là một thách thức trong ba thiên niên kỷ”.

Sông Nile là mạch xương sống của các đế chế

Sông Nile đã đóng một vai trò quan trọng trong một số nền văn minh cổ xưa nhất trên hành tinh. Nếu không có lượng nước khổng lồ của sông Nile, người Ai Cập cổ đại sẽ không bao giờ tích lũy được của cải và sức mạnh cần thiết để xây dựng các kim tự tháp và kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn bắt đầu từ 5.000 năm trước.

Herodotus, nhà sử học Hy Lạp nổi tiếng từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, đã đi khám phá nhiều nơi theo đúng nghĩa của nó, đã thắc mắc về nguồn gốc của lượng nước khổng lồ cũng như các nhân vật như Alexander Đại đế, Cyrus Đại đế và con trai của ông, và các nhà thống chế của La Mã như Julius Caesar và Nero.

Người La Mã cổ đại có thành ngữ "Nili caput quaerere", nghĩa là "Tìm nguồn sông Nile" trong tiếng Latin. Thành ngữ này được sử dụng để mô tả một nỗ lực gần như là cố gắng làm điều bất khả thi.

Toàn cảnh sông Nile.
Toàn cảnh sông Nile. (Ảnh: Wikipedia/miền công cộng)

Truy tìm nguồn của sông Nile thời cổ đại

Không ngại thử thách, người La Mã từng cố gắng truy tìm nguồn sông Nile trong một nhiệm vụ mà hoàng đế Nero đề ra vào năm 60 - 61. Với sự giúp đỡ của những người dẫn đường Ethiopia, một nhóm nhỏ cận vệ của hoàng đế đã đi dọc theo sông Nile, tới vùng đất bí ẩn thuộc châu Phi. Tuy nhiên, nhóm cận vệ đã thất bại trong việc giải quyết bí ẩn của nhiệm vụ.

Trước người La Mã, người Ai Cập cổ đại cũng đã thực hiện tìm kiếm nguồn gốc của sông Nile. Theo lời kể, người Ai Cập đã lần theo sông Nile đến tận thủ đô Khartoum, Sudan. Một chuyến thám hiểm do pharaoh Ptolemy II Philadelphus (cai trị Ai Cập vào thế kỷ 3 trước Công nguyên) chỉ đạo đã xác định sông Nile Xanh có thể bắt nguồn từ vùng núi của Ethiopia.

Việc tìm hiểu sông Nile Xanh đã đi đúng hướng, nhưng người Ai Cập cổ đại đã không thể tìm ra câu trả lời cho nguồn gốc của sông Nile Trắng.

Hồ Victoria nhìn từ không gian.
Hồ Victoria nhìn từ không gian. Ảnh: ESA

Những Anh hùng tìm nguồn sông Nile gần đây

Richard Francis Burton là một trong những người châu Âu đầu tiên đến Mecca. Ông đã cùng với John Hanning Speke, một nhà tự nhiên học, nhà thám hiểm và sĩ quan trong Quân đội Ấn Độ thuộc Anh tiến hành khám phá nguồn sông Nile vào năm 1855. Họ lên đường với sự hỗ trợ của Hiệp hội Địa lý Hoàng gia Anh (RGS) và thuê những người mang châu Phi, hướng dẫn viên, đầu bếp và phiên dịch viên. Họ vừa mới ra khỏi bờ biển gần Berbera ở Somaliland thì bị người dân địa phương tấn công - Speke bị bắt và bị thương trong một thời gian ngắn trước khi trốn thoát, trong khi Burton bị đâm xuyên qua cả hai má.

Tuy nhiên, cả hai nhà thám hiểm đã bắt đầu một chuyến đi khác do RGS tài trợ vào năm 1856, và tương tự như chuyến đi đầu tiên, nó không bắt đầu suôn sẻ, cả Burton và Speke đều mắc bệnh sốt rét và các bệnh khác. Hơn nữa, nhiều nhân viên được thuê đã bỏ rơi họ. Tuy nhiên, đội thám hiểm đến Hồ Tanganyika. Burton là người châu Âu đầu tiên nhìn thấy hồ, vì Speke đã bị mù tạm thời.

Họ phát hiện ra rằng Tanganyika không thể là nguồn khi họ tìm thấy một con sông lớn chảy vào đó. Speke đã phục hồi thị lực, nhưng Burton sau đó quá yếu để tiếp tục. Speke tiếp tục cuộc hành trình đến Hồ Victoria, nhưng không có Burton. Sau khi làm được điều đó, Speke tuyên bố Hồ Victoria là nguồn thực sự của sông Nile Trắng.

Burton đã phản đối điều này khi họ gặp nhau, ông đề nghị Speke cung cấp bằng chứng. Speke đã thực hiện một chuyến thám hiểm khác tới Hồ Victoria vào năm 1860 cùng với nhà thám hiểm người Scotland James Grant, nhưng một lần nữa thất bại trong việc lập bản đồ toàn bộ khu vực xung quanh Hồ Victoria, nơi được cho là đầu nguồn của sông Nile, để xác nhận rằng bản thân nó không được cung cấp bởi các nhánh khác.

Nhưng vào năm 1864, ngay trước khi Speke dự kiến tranh luận công khai với Burton ở Anh, Speke đã tự bắn mình trong một vụ tai nạn hoặc có thể là tự sát.

Ngay sau đó, một nhà thám hiểm nổi tiếng khác lại bắt đầu nỗ lực giải quyết các câu hỏi về nguồn gốc của sông Nile Trắng. David Livingstone là một nhà truyền giáo theo chủ nghĩa bãi nô nổi tiếng với những chuyến thám hiểm khắp châu Phi. Nhưng Livingstone gặp trở ngại: ông mất tích trong chuyến thám hiểm truy tìm nguồn sông Nile vào cuối năm 1860 - ít nhất là ở châu Âu, vì họ không nhận được tin tức gì về ông.

Một anh hùng khác, Henry Morton Stanley, một nhà thám hiểm người Mỹ gốc xứ Wales, đã lên đường khám phá khu vực và tìm thấy Livingstone. Stanley nhận thấy Livingstone đã bị ốm nhiều năm vào thời điểm này. Sức khỏe yếu của Livingstone cuối cùng đã góp phần dẫn đến cái chết của ông vài năm sau đó trong nỗ lực cuối cùng để tìm ra nguồn gốc của sông Nile.

Stanley bắt đầu một chuyến thám hiểm khác vào giữa những năm 1870. Cuối cùng, ông kết luận rằng Hồ Victoria có một lối thoát duy nhất để chảy vào Sông Nile Trắng là qua Thác Rippon và Hồ Albert, qua đó xác nhận khám phá trước đó của Speke.

Câu chuyện nguồn của sông Nile vẫn chưa kết thúc

Ngày nay, phần lớn chuyên gia đồng ý rằng sông Nile có hai nguồn chính: sông Nile Xanh và sông Nile Trắng, gặp nhau ở Khartoum, Sudan, trước khi tiếp tục chảy về phía bắc, tới Ai Cập. Sông Nile Xanh bắt nguồn từ hồ Tana tại Ethiopia, trong khi sông Nile Trắng bắt nguồn từ khu vực xung quanh hồ Victoria ở Jinja, Uganda.

Đây là lý do tại sao hồ Victoria, hồ lớn nhất châu Phi tính theo diện tích, thường xuyên được coi là nguồn của sông Nile. Tuy nhiên, nhà thám hiểm nổi tiếng Christopher Ondaatje giải thích trên tạp chí Geographical năm 2016, bản thân Hồ Victoria cũng lại chỉ là hồ chứa, nó được các con sông khác cung cấp nước.

Năm 1996, Ondaatje mạo hiểm thực hiện chuyến thám hiểm xuyên châu Phi để xác định nguồn sông Nile và phát hiện, nước của hồ Victoria chảy vào hồ Albert. Sông Nile Trắng không trực tiếp nhận nước chảy ra từ hồ Albert mà từ sông Kagera và sông Semliki. Hai sông này bắt nguồn từ dãy núi Ruwenzori ở Congo.

Cuối cùng, ông kết luận, sông Nile Trắng có thể bắt nguồn từ sông Kagera và sông Semliki. Ông viết: "Dãy Ruwenzori là nguồn cung cấp nước sông Nile quan trọng như hồ Victoria".

Ondaatje nói: “Sông Nile được nuôi dưỡng bởi hai hồ lớn và hai con sông hùng vĩ, không phải bởi bất kỳ hồ hay sông đơn lẻ nào. Khám phá của Speke chỉ là một phần lời giải cho câu đố về nguồn của sông Nile.”

Ông nói tiếp: "ngày nay mọi người sẽ khó có thể bước lại bước chân của tôi, vì các vấn đề chính trị và tình trạng bất ổn ở khu vực này."

Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, nguồn của sông Nile vẫn chưa ổn định.

Theo Discovermagazine



BÀI CHỌN LỌC

Truy tìm nguồn của sông Nile - bí ẩn 3.000 năm chưa được khai phá