Từ cánh hữu Đặng sang cánh tả Mao, ông Tập bị cáo buộc kéo lùi thể chế của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi Đại hội 20 kết thúc, ông Tập Cận Bình đã cùng các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới tới Diên An – “thánh địa cách mạng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Tập đã nhắc lại cuộc “vận động chỉnh phong” thời Mao Trạch Đông và nói về chủ nghĩa xã hội. Theo các nhà quan sát, chính quyền ông Tập đang phát tín hiệu rằng sẽ kiên trì đấu tranh và đi theo hình thái ý thức của ĐCSTQ; có thể ông Tập sẽ phát động một cuộc vận động đại thanh trừng.

Theo tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, từ ngày 26 đến 28/10, ông Tập Cận Bình đã lần lượt đi khảo sát Diên An ở tỉnh Thiểm Tây, An Dương ở tỉnh Hà Nam và đến thăm nơi ở cũ của Mao Trạch Đông.

Tại Diên An, ông Tập đã nhắc lại quá trình Mao Trạch Đông thâu tóm quyền lực thông qua "Phong trào chỉnh đốn Diên An", và rằng sau đó Tư tưởng Mao Trạch Đông đã được ghi vào Điều lệ đảng, cho nên thế hệ ngày nay không thể mất đi tinh thần tự lực cánh sinh và phấn đấu gian khổ này.

Trong chuyến đi tới An Dương vào sáng ngày 28/10, ông Tập Cận Bình phát biểu rằng, “Chủ nghĩa xã hội là do liều mạng, dốc sức, đánh đổi bằng mạng sống mà có được, trong quá khứ là như vậy, trong thời đại mới cũng phải như vậy”.

Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, báo đài và quan chức ĐCSTQ đều xu nịnh và tung hô 10 năm này là “thời đại mới”.

Chuyến đi đến Diên An của ông Tập cũng gợi lại ký ức về thời kỳ mà ĐCSTQ kích động quần chúng "đấu tranh" và dẫn tới hậu quả đẫm máu.

“Chỉnh phong Diên An” hay "Phong trào chỉnh đốn Diên An" là một cuộc vận động chính trị do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông khởi xướng vào năm 1942, nhằm thanh trừng thế lực chính trị cấp cao trong ĐCSTQ do Vương Minh và Bác Cổ đứng đầu. Cuộc vận động kéo dài trong 3 năm và hơn 10.000 người đã bị bức hại đến chết. Lần tàn sát đó đã thiết lập địa vị lãnh tụ không thể tranh cãi cho Mao.

RFI dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, việc ông Tập dẫn đầu nhóm quan chức cấp cao tới các địa điểm “mang tính lịch sử” mang lại cảm giác như Trung Quốc đang lùi về thời đại cũ.

Từ 'Đặng hữu' quay về 'Mao tả'?

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Diên An – nơi gắn liền với quyền lực của Mao Trạch Đông – là một gợi ý quan trọng và có chủ ý về phương hướng cai trị Trung Quốc của ông trong 5 năm tới.

Nhà bình luận thời sự Bill Bishop viết rằng: "Ông Tập Cận Bình dường như đang gửi đi tín hiệu này ... để chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn phía trước và chuẩn bị cho việc đấu tranh".

Ông Vương Trí Thành (Wang Zhisheng), Tổng thư ký Hiệp hội Giao lưu Tinh hoa Châu Á - Thái Bình Dương Trung Hoa, nói với Đài Châu Á Tự do (RFA) vào ngày 29/10 rằng, khi ông Tập Cận Bình đến Thâm Quyến sau Đại hội 18, ông ta vẫn vô cùng thận trọng và tự cho mình là "người kế thừa Đặng Tiểu Bình". Khi đó rất nhiều người đặt hy vọng vào Tập Cận Bình vì cho rằng trong tương lai ông sẽ là một lãnh đạo theo hướng cải cách. Tuy nhiên, việc ông Tập lựa chọn Diên An sau Đại hội 20 cho thấy trong 10 năm qua ông đã chuyển từ "Đặng hữu" sang "Mao tả", tức là từ bỏ đường lối của Đặng Tiểu Bình và sùng bái đường lối của Mao Trạch Đông.

Ông Vương Trí Thành nói thêm, "ông Tập Cận Bình tự cho bản thân là người kế thừa Mao Trạch Đông và thậm chí còn đặt địa vị ngang hàng. Huyết mạch chính trị của ông ấy đã không còn Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào. Điều này cũng khẳng định hướng đi của chính sách trong tương lai là khuynh tả theo Mao".

Ông Vương lấy ví dụ về quyền lực năm đó của Mao Trạch Đông và chỉ ra thêm rằng ĐCSTQ chưa bao giờ nhẹ tay trong việc chỉnh đốn nội bộ. Mặc dù Tập Cận Bình hiện đang nắm quyền nhưng có rất nhiều người không thể hiện lòng trung thành mà chọn cách im lặng. Ông Tập hiện đang cô đơn trên đỉnh cao và ông ta không biết khi nào mình có thể bị phản công, vì vậy ông ta thà ra tay một lần là dập tắt mọi ý đồ và khả năng cắn trả của đối thủ.

Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), nhà bình luận tại Hoa Kỳ, nói với NTDTV rằng việc ông Tập Cận Bình có thể tái đắc cử tại Đại hội 20 và đưa thân tín vào Ban Thường vụ đều là nhờ vào nòng súng, cán dao và nòng bút, nên các phe phái khác trong đảng đều không phục. Vì vậy, để giải quyết sự chống đối, Tập Cận Bình muốn noi gương Mao Trạch Đông trong việc “chỉnh đảng chỉnh phong” (chỉnh đốn tác phong tư tưởng).

Thông thường, để có được quyền lực tuyệt đối, nhà lãnh đạo ĐCSTQ phải làm chủ được quân đội (nòng súng), tuyên truyền (nòng bút), hệ thống chính trị và pháp luật (cán dao). Trong 10 năm qua, ông Tập đã từng bước thanh lọc các hệ thống này và cài cắm thân tín vào.

Ông Đường giải thích rằng, “Cái gọi là 'chỉnh đảng' tất nhiên là chỉnh đốn tầng lớp cấp cao trong ĐCSTQ, còn 'chỉnh phong’ là đấu tranh tàn khốc và đả kích vô tình".

Đông Phương

Theo Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Từ cánh hữu Đặng sang cánh tả Mao, ông Tập bị cáo buộc kéo lùi thể chế của Bắc Kinh