Tỷ lệ mắc bệnh giang mai bẩm sinh tăng 1.000% ở một bang của Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ đang chứng kiến ​​một xu hướng gia tăng đáng báo động ở trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai bẩm sinh, với số ca bệnh ở một bang có mức tăng đột biến lên tới 1.000%.

Một báo cáo gần đây do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố đã xem xét dữ liệu xuất viện từ các bệnh viện ở Mississippi từ năm 2016 đến năm 2022 và nhận thấy bệnh giang mai bẩm sinh (CS) đã tăng gấp 10 lần. Trong khoảng thời gian 7 năm, tổng số trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc bệnh do lây truyền từ mẹ sang con lên tới 367.

Trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai bẩm sinh có nhiều khả năng sinh non dưới 37 tuần và chủ yếu là từ những bà mẹ sử dụng ma túy bất hợp pháp. Chúng cũng có cân nặng khi sinh thấp hơn khoảng 1,36 kg so với những đứa trẻ không bị CS. Thời gian trẻ sơ sinh nằm viện dài hơn đáng kể và chi phí điều trị cũng tăng gấp 4 lần.

Các phát hiện khác cho thấy, ước tính 97% được coi là trẻ sơ sinh (dưới 28 ngày tuổi), hơn 71% là người Mỹ gốc Phi và gần 60% được sinh ra từ các bà mẹ sống ở các quận ngoại ô. Đoàn hệ gồm một nửa nam và một nửa nữ; hầu hết đều được chẩn đoán mắc bệnh CS khi sinh.

Mặc dù hầu hết trẻ sơ sinh mắc bệnh giang mai đều là người da đen, nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh da trắng lại cao hơn, với mức tăng xấp xỉ 2.600% so với chỉ hơn 1.000%.

Hơn 91% trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh được bảo hiểm Medicaid chi trả so với bảo hiểm không có Medicaid, khiến nó trở thành yếu tố dự báo mạnh nhất về căn bệnh này.

Nghiên cứu hồi cứu là sự hợp tác giữa Bộ Y tế Bang Mississippi và Hiệp hội Bệnh viện Mississippi.

Các nhà nghiên cứu viết trong bài báo: “Cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy sự gia tăng nhanh chóng số ca nhập viện CS ở Mississippi là một mối lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, vì những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến xã hội và sức khỏe của nó”.

Nghiên cứu này không phải không có những hạn chế, bao gồm dữ liệu hạn chế về chăm sóc trước khi sinh, điều trị bệnh giang mai chu sinh và các xét nghiệm chẩn đoán trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu đã cung cấp dữ liệu toàn diện về cấp độ dân số, cho phép đánh giá kỹ lưỡng trên toàn tiểu bang và cho thấy xu hướng bùng nổ.

Bệnh giang mai bẩm sinh là gì?

Theo CDC, bệnh giang mai bẩm sinh là một căn bệnh do nhiễm vi khuẩn Treponema pallidum lây truyền từ mẹ sang con. Những tác động về sức khỏe có thể là cả ngắn hạn và dài hạn. Trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh có thể chịu ảnh hưởng bởi những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm:

  • Các dị tật như mũi yên ngựa, trán nhô ra và lông mày rậm, xương chày cong, sưng khớp, răng phát triển bất thường, viêm giác mạc kẽ, điếc thần kinh và teo thị giác.
  • Gan lách to, sưng và to ở gan, lá lách.
  • Thiếu máu.
  • Bệnh vàng da.

Chiến lược phát hiện và điều trị

Các chiến lược phòng ngừa và phát hiện hiệu quả để xác định bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai là rất quan trọng để đảo ngược xu hướng gia tăng của bệnh giang mai bẩm sinh.

Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (U.S. Preventive Service Task Force) khuyến cáo tất cả phụ nữ mang thai nên xét nghiệm bệnh giang mai càng sớm càng tốt khi biết mình có thai.

Nếu người phụ nữ chưa được chăm sóc trước khi sinh, họ nên được xét nghiệm khi sinh. Theo lực lượng đặc nhiệm, hầu hết phụ nữ mang thai đều được chăm sóc trước khi sinh; tuy nhiên, họ không được sàng lọc hoặc điều trị bệnh giang mai đủ sớm để ngăn ngừa lây truyền sang em bé.

CDC và các hướng dẫn chung của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ và Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến khích sàng lọc lặp lại cho những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao: trong lần khám thai đầu tiên, vào khoảng tuần thứ 28 trong ba tháng cuối thai kỳ và một lần nữa khi sinh con.

Phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh giang mai bao gồm:

  • Phụ nữ sống ở những vùng có tỷ lệ lây nhiễm bệnh cao.
  • Phụ nữ nhiễm HIV.
  • Phụ nữ có tiền sử bị giam giữ hoặc làm việc trong ngành công nghiệp tình dục.
  • Phụ nữ đã từng có quan hệ với bạn tình bị nhiễm bệnh.
  • Những phụ nữ không được chăm sóc trước khi sinh hoặc đến muộn (lần khám đầu tiên trong ba tháng giữa thai kỳ hoặc muộn hơn).
  • Phụ nữ có tiền sử sử dụng ma túy trái phép, đặc biệt là methamphetamine hoặc heroin.
  • Phụ nữ vô gia cư hoặc sống trong một gia đình không ổn định.

Vì bệnh giang mai có thể điều trị được bằng kháng sinh nên nếu được điều trị sớm, các bà mẹ mắc bệnh giang mai có thể ngăn ngừa lây truyền bệnh sang con.

Theo Mary Gillis - The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch

Mary Elizabeth Gillis là phóng viên sức khỏe và chuyên gia về tim phổi với hơn một thập kỷ kinh nghiệm. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về sinh lý học ứng dụng, cô lấy bằng thạc sĩ khoa học về báo chí tại Đại học Columbia.



BÀI CHỌN LỌC

Tỷ lệ mắc bệnh giang mai bẩm sinh tăng 1.000% ở một bang của Hoa Kỳ