Ung thư cơ quan sinh dục nam: Khối u ác tính hiếm gặp có thể khiến bệnh nhân phải làm phẫu thuật cắt bỏ vĩnh viễn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng ung thư cơ quan sinh dục nam vẫn chưa được nhiều người chú ý và quan tâm đến. Tình trạng này thường gặp ở người trung niên và cao tuổi, là một loại ung thư ác tính hiếm gặp với tiên lượng tương đối xấu nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

4 yếu tố nguy cơ cao gây ung thư dương vật mà nam giới nên biết

Theo Giáo sư Trương Kim Minh (Zhang Jinming), Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Trung ương Đại học Tôn Dật Tiên, ung thư dương vật là một loại ung thư ác tính hiếm gặp với tiên lượng tương đối xấu.

Ung thư xuất phát từ quy đầu, niêm mạc mặt trong bao quy đầu, da dương vật, rãnh quy đầu và có thể lan ra toàn bộ dương vật khi phát triển, đồng thời xâm lấn vào các hạch bạch huyết xung quanh và di căn xa.

Ung thư dương vật thường gặp ở nam giới trung niên từ 50-70 tuổi. Khối u thường phát triển ở quy đầu, bao quy đầu và rãnh quy đầu, một số ít trường hợp xảy ra ở thân dương vật.

95% ung thư dương vật nguyên phát là ung thư biểu mô tế bào vảy, một số ít là ung thư mô bào, ung thư tuyến, u ác tính sắc tố đen… và di căn ung thư, vốn ít gặp hơn.

Tỷ lệ mắc ung thư dương vật có đặc điểm địa lý rõ rệt trên toàn cầu. Nhìn chung, tỷ lệ mắc bệnh ở các nước phát triển tương đối thấp, trong khi tỷ lệ mắc bệnh ở các nước và khu vực có nền kinh tế kém phát triển và điều kiện vệ sinh thấp tương đối cao.

Ví dụ, tỷ lệ mắc bệnh ở các nước Âu Mỹ là 0,3-1,0/100.000, trong khi ở Nam Mỹ, Đông Nam Á và một số vùng ở Châu Phi, tỷ lệ mắc ung thư dương vật chiếm 1-2% trong các bệnh ác tính ở nam giới.

Mặc dù ung thư dương vật khá hiếm gặp, nhưng chỉ bằng cách phòng ngừa nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta mới có thể tránh xa tác hại của nó.

Vậy ung thư dương vật có liên quan đến những yếu tố nào?

1. Hẹp bao quy đầu và bao quy đầu dài quá mức

Người bị hẹp bao quy đầu và bao quy đầu dài quá mức có nguy cơ mắc ung thư dương vật cao hơn.

Đối với bệnh nhân bị hẹp bao quy đầu, họ nên phẫu thuật cắt bao quy đầu càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, người có bao quy đầu dài quá mức nên thường xuyên mở bao quy đầu để vệ sinh và giữ sạch sẽ, khô ráo.

2. Nhiễm virus HPV

Theo thống kê, 40% ca ung thư dương vật là do nhiễm HPV.

Virus HPV có thể lây truyền qua đời sống tình dục, từ mẹ sang con và gián tiếp.

Nam giới có nguy cơ cao nhiễm HPV nên đi khám và điều trị kịp thời.

3. Hút thuốc

Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư dương vật.

Một phân tích hồi cứu trên bệnh nhân ung thư dương vật cho thấy những người hút hơn 10 điếu mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư dương vật cao gấp 1,88 lần so với những người hút thuốc nhẹ và 2,22 lần so với những người không hút thuốc.

4. Tổn thương có xu hướng ác tính

U nhú dương vật, bạch sản dương vật, mụn cóc sinh dục khổng lồ và các bệnh khác được gọi là tổn thương tiền ung thư và có nguy cơ phát triển ung thư dương vật cao hơn.

Nếu cơ thể có 4 điểm bất thường, hãy cẩn thận

Nếu được phát hiện và điều trị sớm, ung thư dương vật có thể chữa khỏi 80%. Vì vậy nam giới nên cảnh giác khi cơ thể xuất hiện 4 triệu chứng bất thường dưới đây:

1. Bệnh chàm hoặc thay đổi dạng mụn sẩn

Trong ung thư dương vật giai đoạn đầu, có thể xuất hiện một số thay đổi giống như bệnh chàm hoặc mụn sẩn ở phía trên và mặt trong của bao quy đầu.

Khi bệnh tiến triển, có thể sờ thấy các nốt sần, thậm chí có thể xuất hiện vết loét.

2. Phần dưới cơ thể mưng mủ và hôi thối

Khi khối u phát triển, các vết loét sẽ tiếp tục sâu và rộng hơn.

Ung thư thậm chí có thể xâm nhập vào bao quy đầu tạo thành các vết loét ung thư và tiết ra dịch tiết có mùi hôi.

3. Khó tiểu

Tiểu tiện bất thường ở nam giới chủ yếu liên quan đến các bệnh về hệ thống tiết niệu sinh dục, các vấn đề về dương vật cũng có thể ảnh hưởng đến việc đi tiểu và gây khó tiểu.

4. Bệnh hạch bẹn

Ung thư dương vật phức tạp do nhiễm trùng cục bộ hoặc di căn khối u có thể gây ra các triệu chứng của bệnh hạch bẹn.

Nếu không may bị ung thư dương vật, có thể “cắt bỏ và chữa khỏi vĩnh viễn” được không?

Về vấn đề này, Chu Lập Quần (Zhou Liqun), bác sĩ trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện số 1 Đại học Bắc Kinh, giải thích rằng theo nghĩa rộng, ung thư dương vật thường cần phải cắt bỏ, còn cắt bỏ một phần hay toàn bộ thì chủ yếu phụ thuộc vào giai đoạn của khối u.

Có ba phương pháp phẫu thuật chính cho bệnh ung thư dương vật:

  1. Điều trị bảo tồn dương vật

Các khối u tiền T1 không di căn hạch có thể được điều trị bằng các phương pháp điều trị bảo tồn dương vật như cắt bao quy đầu, điều trị bằng laser và cắt bỏ tổn thương cục bộ.

  1. Cắt dương vật một phần

Nếu khối u kém biệt hóa, cách mô xung quanh hơn 1cm thì có thể lựa chọn cắt bỏ một phần dương vật, tỷ lệ tái phát tại chỗ không quá 8%, tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể đạt trên 90%.

  1. Cắt dương vật toàn phần

Ung thư dương vật trên giai đoạn T2 có thể điều trị bằng cắt toàn bộ dương vật, nếu khối u đã lan xuống bìu thì cần phải cắt bỏ hoàn toàn bìu và tinh hoàn.

Theo Wang He - Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ung thư cơ quan sinh dục nam: Khối u ác tính hiếm gặp có thể khiến bệnh nhân phải làm phẫu thuật cắt bỏ vĩnh viễn