Viết lại lịch sử? Tam Tinh Đôi châm ngòi cho cuộc tranh luận về nguồn gốc của nền văn minh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tóm lại, nền văn minh Tam Tinh Đôi tuy không có văn tự, nhưng đã viết lại nguồn gốc lịch sử của loài người và trở thành chiếc chìa khóa vàng để mở khóa các nền văn minh cổ đại, điều đó cũng hoàn toàn khẳng định loài người hoàn toàn không tiến hóa từ loài khỉ!

“Say ngủ mấy ngàn năm, vừa tỉnh liền chấn động thiên hạ.” Di chỉ Tam Tinh Đôi được biết đến là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỷ 20 và là kỳ quan thứ 9 của thế giới, sau cuộc khai quật hai hố tế tự năm 1986 đã khai quật được hàng nghìn văn vật, vào ngày 22 tháng 3 năm 2021, hơn 500 văn vật được khai quật trong hầm của 6 tòa tế tự, và sau này sẽ còn khai quật được nhiều văn vật nữa. Có thể nói, việc khai quật Tam Tinh Đôi đã lấp đầy khoảng trống trong lịch sử, vén màn bí ẩn về nền văn minh cổ đại, đồng thời đưa những văn hóa đã biến mất trong dòng sông dài lịch sử được phơi sáng, và lật đổ thuyết hoá với trăm ngàn chỗ sơ hở mà đã xuất hiện ở nhân loại hơn 100 năm nay.

1. Văn hóa Tam Tinh Đôi là gì?

Di chỉ Tam Tinh Đôi nằm ở bờ nam sông Áp Tử, phía tây bắc thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, có diện tích khoảng 12 km vuông, ba gò đất nhấp nhô trên đỉnh Tam Tinh Đôi rộng khoảng 10 m. Chúng nằm đối diện với đài Vịnh Mặt Trăng trên bờ bắc của sông Mã Mục. Trong sách "Hán Châu chí - Sơn xuyên chí" những năm Gia Khánh thời nhà Thanh, vùng này có mỹ danh “Tam Tinh Bạn Nguyệt” (ba ngôi sao làm bạn cùng mặt trăng).

Năm 1929, một tú tài tinh thông Đạo giáo là Yên Đạo Thành và con trai là Yên Thanh Bảo đã vô tình đào được hơn 300 món đồ bằng ngọc trong quá trình đào một con mương cạnh nhà của họ. Một nhà truyền giáo người Anh tên chữ Hán là Đổng Đốc Nghi đã mua một số món đồ ngọc từ gia đình họ Yên. Tìm người giám định, họ nhận thấy đó là những báu vật quý giá có lịch sử lâu đời, thế là ông ta lập tức tìm đơn vị đồn trú địa phương để bảo vệ. Năm 1934, ông đã cùng người quản lý của Bảo tàng Đại học Hoa Tây là Cát Duy Hán tổ chức một đội khảo cổ để khai quật hơn 600 văn vật. Tuy nhiên, giới học thuật lúc bấy giờ chưa thực sự công nhận giá trị lịch sử của di chỉ này.

Đến năm 1986, Di chỉ Tam Tinh Đôi mới thực sự khiến thế giới bất ngờ. Vào tháng 7 năm đó, hai nông dân đào đất và lại tìm thấy những món đồ ngọc, họ đã phát hiện ra hố số 1 của di chỉ Tam Tinh Đôi nổi tiếng. Tổng cộng 567 hiện vật đã được khai quật. Sau đó, vào tháng 8, hai nông dân khác lại phát hiện ra hố số 2, nhưng lần này đào được không phải là đồ bằng ngọc mà là những chiếc mặt nạ bằng đồng, tổng cộng khai quật được 6.095 chiếc. Sau đó những tượng người đứng bằng đồng kích thước lớn, cây Thần bằng đồng, mặt nạ mắt lồi, tượng Thần bằng đồng, che mặt bằng vàng, gậy vàng, lượng lớn đồ ngọc và ngà voi liên tiếp được khai quật. Cuối cùng những văn vật thần bí ở Tam Tinh Đôi này đã xuất hiện trước mặt con người. Trong thời gian ngắn, nó đã gây chấn động cả thế giới.

Vào ngày 2 tháng 12 năm 2019, nhân viên của Công viên Khu di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi dùng máy móc thăm dò đã chạm vào hiện vật cách mặt đất một mét ở góc tường sạn đạo dành cho khách du lịch. Các nhà khảo cổ sau đó đã lần theo và tìm thấy 6 hố mới ở Tam Tinh Đôi trong vòng nửa năm.

Vào tháng 10 năm 2020, hơn 100 nhà khảo cổ học từ 34 viện nghiên cứu và trường đại học ở Trung Quốc bắt đầu đợt khai quật khảo cổ học giai đoạn 2. Đến cuối tháng 3 năm 2020, hơn 500 văn vật đã được khai quật. Từ ngày 20 đến 23 tháng 3 năm 2021, CCTV đã ngoại lệ phát sóng các hoạt động khai quật mới nhất của di chỉ Tam Tinh Đôi trong thời gian trong 4 ngày liên tục. Dự kiến, công việc khai quật sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, và việc kiểm tra, phục hồi và phân loại các hiện vật khai quật được sẽ mất từ ​​ba đến năm năm để hoàn thành.

Việc phát hiện ra Tam Tinh Đôi là một khám phá lớn trong lịch sử khảo cổ học của thế giới, đủ để thay đổi hiểu biết của con người về lịch sử và văn hóa cổ đại. Vì vậy, cộng đồng khảo cổ đã đặt tên cho các tài liệu thu được từ một số cuộc điều tra và khai quật khảo cổ học tại địa điểm Tam Tinh Đôi là "Văn hóa Tam Tinh Đôi".

Cây Thần Phù tang bằng đồng được khai quật ở Tam Tinh Đôi, thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Siyuwj / wiki / CC BY-SA 4.0)
Cây Thần Phù tang bằng đồng được khai quật ở Tam Tinh Đôi, thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Siyuwj / wiki / CC BY-SA 4.0)

2. Có bao nhiêu văn vật được chôn cất ở Tam Tinh Đôi bí ẩn?

Ông Tôn Hoa, một giáo sư tại Học viện Khảo cổ, Văn hóa và Bảo tàng thuộc Đại học Bắc Kinh, đã đặc biệt nhắc nhở mọi người về giá trị của các di tích văn hóa Tam Tinh Đôi. Ông nói: “Khi chúng ta đã nhìn quen những hiện vật là vò, bình ở vùng Trung Nguyên, chúng ta sẽ thấy những hiện vật thật kỳ lạ ở Tam Tinh Đôi. Chúng khiến chúng ta kinh ngạc. Tôi cảm thấy như chưa từng thấy bao giờ. Nó đúc kết con người, Thần thánh và mối quan hệ giữa con người với Thần Thánh. Nó cho chúng ta thấy cuộc sống xã hội của người dân Tam Tinh Đôi vào thời điểm đó bằng hình thức hình ảnh".

Kể từ cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên vào năm 1934, hàng chục cuộc khai quật đã được thực hiện ở di chỉ Tam Tinh Đôi. Năm 1986, “hố tế lễ” số 1 và số 2 được phát hiện, hơn 1.000 văn vật quý giá như tượng đồng, tượng người bằng đồng, cây thiêng bằng đồng, mặt nạ bằng vàng, thanh vàng, tượng lớn bằng ngọc và ngà voi được khai quật. Lần này, 6 "hố tế lễ" mới được phát hiện, và hơn 500 văn vật quan trọng đã được khai quật như mặt nạ bằng vàng, đồ trang trí bằng vàng hình con chim, lá vàng, đầu bằng đồng có mắt và ngà voi. Một số học giả đã chia hàng nghìn văn vật quý giá đã được khai quật thành ba loại đại khái là:

Loại đầu tiên là tượng người bằng đồng thanh chưa từng thấy.

Di tích văn hóa đáng kinh ngạc nhất ở Tam Tinh Đôi là nhiều bức tượng đồng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người và có hình dáng kỳ dị. Điều đặc biệt đáng kinh ngạc và không thể hiểu nổi là đôi mắt lồi giống như chiếc kính viễn vọng hiện đại được lắp đặt trên "mặt nạ bằng đồng", mắt có hình trụ và lồi ra ngoài, phần nhô lên dài 16 cm, hình dáng rất khoa trương, hai tai cũng xòe rộng ra hai bên, trên khuôn mặt có một nụ cười bí ẩn và kỳ lạ, được xưng là "thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ".

Ngoài "đôi mắt dọc và đôi tai to", trong các tượng đồng còn có "hình người chân chim", "người đứng to lớn" và "người đứng nhỏ bé" trong tượng đồng. Trong số đó, một tượng đồng cao mảnh khảnh, có dáng vẻ rất khác với nền văn minh Hoa Hạ, được khai quật ở hố tế lễ số 2 ở Tam Tinh Đôi năm 1986, mặc áo choàng giống áo đuôi tôm, chân trần đứng trên một chiếc đế cao. Chiều cao tổng thể của tượng là 2,62 mét, trong đó tượng đồng cao 1,70 mét. Đây là bức tượng đồng cổ nhất, kỳ dị nhất, bí ẩn nhất và cao nhất được phát hiện trong lịch sử thế giới tính đến thời điểm hiện tại, được mệnh danh là “vua của các loại tượng đồng”.

Lôi Vũ, Giám đốc Trạm Khảo cổ Tam Tinh Đôi, cho biết: “Lấy con người làm chủ thể biểu hiện của đồ đồng không phải là truyền thống của nền văn minh đồ đồng ở Trung Nguyên, mà là thế mạnh của Tam Tinh Đôi”. Đôi mắt to, nâng mũi, miệng rộng và tai dài là những điều cơ bản của những bức tượng bằng đồng này. Rõ ràng là người bình thường không thể nào có được tướng mạo này. Vậy câu hỏi đặt ra là, những bức ảnh "chân dung" kỳ quái này thực chất là bắt chước của ai? Người Tam Tinh Đôi có thể tạo ra một bức chân dung bằng đồng sống động giống thật như vậy, nhất định phải có những nhân vật nguyên mẫu tương ứng. Chẳng lẽ hàng nghìn năm trước trên mảnh đất Trung Hoa thực sự có một loại "dị nhân" kỳ lạ sống trên đời như vậy sao?

Bức tượng đồng đứng, hiện đang được đặt ở Bảo tàng Tam Tinh Đôi ở Quảng Hán, Tứ Xuyên, có lịch sử hơn 3.000 năm, và là bức tượng đồng cao nhất và lâu đời nhất được phát hiện ở Trung Quốc (ảnh: ShutterStock).

Loại thứ hai là các hiện vật dung nhập các yếu tố của văn hóa Trung Nguyên

Tượng đồng có tạo hình gần với tượng vùng Trung Nguyên, hoa văn đuôi phượng và quái thú mang nét đặc trưng của văn hóa Trung Nguyên. Ngọc bội thường cúng tế ở Trung Nguyên, rất giống với ngọc trong văn hóa Lương Chử. Ấm gốm ba chân dùng để nấu thức ăn, và các hiện vật lụa còn sót lại có tất cả hoặc một phần các yếu tố văn hóa Trung Nguyên. Cũng có một báo cáo vào ngày 28 tháng 3 rằng các đồ đồng ở địa điểm Tam Tinh Đôi và địa điểm Ngô Thành được làm bằng vật liệu kim loại từ cùng một nguồn.

Loại thứ ba: Các hiện vật sinh thái nguyên bản

Các vật phẩm sinh thái ban đầu được khai quật chủ yếu là ngà voi và vỏ sò, tuy là loài đơn lẻ nhưng số lượng rất lớn. Trước hết hãy nói về ngà voi, theo ước tính sơ bộ thì có hàng nghìn chiếc ngà voi. Nếu một con voi có hai ngà thì phải săn được bao nhiêu con voi? Cơ thể của chúng được xử lý như thế nào? Nhiều voi đến từ đâu? Có lẽ đất Thục xưa kia từng là quê hương nơi loài voi sinh sống?

Hãy nói về vỏ sò. Hiện hơn 4.600 vỏ sò đã được khai quật. Chúng có kích thước đồng đều và một số đã được xử lý. Có thể thấy rằng mọi vỏ sò đều được lựa chọn cẩn thận. Số lượng lớn vỏ từ đâu ra cũng khiến người ta rất đau đầu. Một số chuyên gia sử dụng thiết bị phân tích cho rằng, những vỏ sò này đến từ phần phía bắc của Ấn Độ Dương, chủ yếu là khu vực giữa Vịnh Bangladesh và Biển Ả Rập. Sau đó, câu hỏi cũng được đặt ra: Tại sao lại có rất nhiều vỏ sò từ Ấn Độ Dương xa xôi ở Tam Tinh Đôi, vốn nằm trong bồn địa nội địa?

Vào ngày 15/6/2005, một chiếc mặt nạ mắt lồi bằng đồng được trưng bày tại Bảo tàng Sanxingdui ở Quảng Sơn, Tứ Xuyên (ảnh chụp màn hình Epoch Times).

3. Văn hóa Tam Tinh Đôi bắt nguồn từ đâu? Tại sao nó đột nhiên biến mất?

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy văn hóa Tam Tinh Đôi rất khác với văn hóa Trung Nguyên, đặc biệt là những chiếc mặt nạ lớn bằng đồng được khai quật có hình thù kỳ dị, chưa từng xuất hiện trong văn hóa Trung Nguyên, thậm chí còn giống người ngoài hành tinh. Số ngà voi khổng lồ và hàng nghìn vỏ sò được khai quật đến từ đâu? Ở đất Thục cổ đại hàng ngàn năm trước có voi sao? Nó nằm ở bờ biển sao? Tại sao một nền văn minh đồ đồng phát triển cao như vậy lại không phát hiện ra văn tự nào? Tại sao số ít văn vật được khai quật lại giống với văn hóa Trung Nguyên và các nền văn minh cổ đại khác?

Chính vì nhiều bí ẩn gây hoang mang này mà các nhà khảo cổ học trên khắp thế giới đã tranh cãi trong hơn nửa thế kỷ qua, đến nay vẫn còn nhiều điều chưa thể nào lý giải nổi, cho nên không ít kênh truyền thông gọi nó là văn hóa “người ngoài hành tinh”.

Về nguồn gốc của văn hóa Tam Tinh Đôi, các phiên bản khác nhau trên mạng cũng đầy rẫy ý tưởng, và có đủ các loại thuyết kỳ lạ, ví dụ: "Thuyết Văn minh Thục cổ đại", "Thuyết Văn minh Hoa Hạ", "Thuyết Sơn Hải Kinh", "Thuyết Văn minh Ai Cập", "Thuyết Văn minh Tây Á", và thậm chí một số người còn nói rằng đó là sản vật của văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai dung hợp với nhau và "lai tạp" v.v., có thể nói là đa dạng, mỗi người một kiểu, đủ loại.

Chẳng hạn như "Thuyết văn minh Thục cổ đại". Theo các chuyên gia Đại lục, Tam Tinh Đôi được xác nhận là trung tâm của Thục quốc cổ đại có lịch sử lâu đời nhất ở bình nguyên Thành Đô, và nó là trung tâm của một loạt các di chỉ văn hóa cổ đại liên quan với nó, một số người cho rằng di chỉ Tam Tinh Đôi là Thục quốc cổ đại đã biến mất, những đồ đồng đó chính là "Tàm Tùng" và "Ngư Phù" trong bài thơ "Thục Đạo Nan" của Lý Bạch.

Theo "Thuyết Sơn Hải Kinh": Cây thiêng bằng đồng Tam Tinh Đôi lớn nhất đã được phục hồi, với chiều cao 3,95 mét, là văn vật bằng đồng lớn nhất được khai quật trên thế giới. Cây đồng chia làm ba tầng, mỗi lớp ba cành, trên cành có một con chim đứng, tổng cộng có chín con, còn có một con rồng bay xuống dọc theo thân cây chính, nhìn tựa như sắp cất cánh. Vì vậy, có người căn cứ theo "Sơn Hải Kinh - Hải ngoại đông kinh""Sơn Hải Kinh - Đại hoang đông kinh" mà suy luận rằng cây thiêng bằng đồng này là cây phù tang nơi sinh sống của chín con Kim ô được ghi lại trong đó. Nó tương tự như truyền thuyết "Hậu Nghệ bắn mặt trời" trong "Hoài nam tử - Bổn kinh huấn". Ngoài ra, trang trí rồng trên cây thiêng và rồng trên đồ đồng mới phát hiện cũng có thể được tìm thấy trong "Sơn Hải Kinh".

Theo "Thuyết văn minh Hoa Hạ": Vương Nguy, chủ tịch Hiệp hội Khảo cổ học Trung Quốc, cho rằng những đồ dùng mới được khai quật ở Tam Tinh Đôi mà được phát triển từ ngọc bích, ngọc tông ngọc chương, bao gồm: tượng đồng, bình đồng, chuông đồng, v.v. đều có phong cách của Trung Nguyên. Các di vật của những phong cách này về cơ bản được hình thành tại di chỉ Nhị Lý Đầu, kinh đô của cuối nhà Hạ, và một phần đáng kể được kế thừa từ nhà Thương. Điều này có nghĩa là tổ tiên của Tam Tinh Đôi đã chấp nhận ảnh hưởng mạnh mẽ của hai triều Hạ Thương, và nó cũng cho thấy rõ ràng rằng nền văn minh Thục cổ đại mà đại diện là Tam Tinh Đôi có mối quan hệ rất chặt chẽ với hai triều Hạ Thương ở Trung Nguyên.

Theo "Thuyết Văn minh Ai Cập": Trong số lượng lớn đồ đồng khai quật được ở Tam Tinh Đôi, về cơ bản không có đồ dùng cần thiết hàng ngày, mà hầu hết chúng là vật phẩm tế tư. Đặc biệt, đồ dùng hình bánh xe mặt trời, mũ miện hình mặt trời đứng, hình mặt trời trên que vàng, hình mặt trời trên bò cạp ngọc, chim Thần mặt trời... đều là những đồ vật phản chiếu sự tôn thờ mặt trời. Nó rất gần với nền văn hóa Maya nổi tiếng thế giới và văn hóa Ai Cập cổ đại. Do đó, Trương Kế Trung, Phó giám đốc Bảo tàng Tam Tinh Đôi, cho rằng một số lượng lớn các vật phẩm hiến tế với các đặc điểm khác nhau của khu vực cho thấy Tam Tinh Đôi đã từng là một trung tâm hành hương của thế giới.

Theo “Thuyết văn minh Tây Á”: Hình dạng của đồ đồng Tam Tinh Đôi rất khác với văn hóa Hoa Hạ chủ lưu ở lưu vực sông Hoàng Hà. Ở Tam Tinh Đôi về cơ bản đều là hình dạng của người, thần, chim và thú. Trong số đó, mặt nạ bằng đồng là nổi bật nhất. Hình dạng của những chiếc mặt nạ này hoàn toàn khác so với mặt nạ người ở Trung Nguyên, nhưng chúng có đặc điểm rõ ràng là lông mày lồi, mũi nhọn và cong của Tây Vực. Do đó, một số người suy đoán rằng văn hóa Tam Tinh Đôi đến từ nền văn minh Sumer ở ​​Lưỡng Hà, và được du nhập từ Đông và Tây Á qua Nam Á, chứ không phải từ văn hóa Trung Nguyên vượt qua dãy Tần Lĩnh mà đến.

Các văn vật được khai quật ở Tam Tinh Đôi có thể được gọi là những kiệt tác độc nhất vô nhị, và nhiều trong số đó là những báu vật quý hiếm chưa từng thấy trước đây. Những nhận định trên chỉ là kết luận rút ra từ việc so sánh một hoặc một số loại hình văn vật được khai quật ở Tam Tinh Đôi với các nền văn minh khác. Tuy nhiên, nếu so sánh lần lượt toàn bộ văn vật đã khai quật với các nền văn minh nói trên, thì những suy luận và kết luận mang tính khái quát, phiến diện này không cách nào tự bào chữa được.

Như chúng ta đã biết, Tam Tinh Đôi và các nền văn minh Maya và Ai Cập cổ đại đều nằm ở 30 vĩ độ Bắc bí ẩn. Người của nền văn hóa Tam Tinh Đôi cũng giống như người Maya cách đây 5 nghìn năm, họ đều đột ngột biến mất một cách bí ẩn trong dòng sông dài lịch sử mà không rõ nguyên nhân tại sao? Người ta cũng đã đưa ra giả thuyết với đủ loại nguyên do, nhưng vì không có đủ chứng cứ nên chúng cũng chỉ dừng lại ở giả thuyết mà thôi. Chẳng hạn như giả thuyết lũ lụt, giả thuyết chiến tranh, giả thuyết di cư, giả thuyết sét đánh, giả thuyết xung đột nội bộ, v.v.

Đầu đồng được khai quật ở Tam Tinh Đôi, Quảng Hán, Tứ Xuyên (ảnh: ShutterStock).

4. Văn hóa Tam Tinh Đôi là một loại "văn hóa tiền sử".

Một bậc Thánh giả từng tiết lộ thiên cơ cho các đệ tử rằng: "Kim tự tháp không liên quan gì đến người Ai Cập. Chúng được xây dựng trong một nền văn minh tiền sử, và sau đó kim tự tháp chìm xuống nước trong một lần thay đổi lục địa. Vào thời kỳ nền văn minh thứ hai, khi các lục địa mới xuất hiện, nó trồi lên từ dưới nước. Sau đó, người Ai Cập phát hiện ra một chút công năng của loại Kim tự tháp này, rồi tạo ra có kim tự tháp loại nhỏ. Họ nhận thấy bảo quản xác chết bên trong những Kim tự tháp này rất tốt, bèn bỏ quan tài vào trong đó. Thế là có Kim tự tháp thì mới được tạo ra, có Kim tự tháp lại là của nền văn minh trước. Điều đó khiến cho con người hiện nay không cách nào biết được rốt cuộc là Kim tự tháp được xây dựng vào thời kỳ nào, lịch sử đã bị đảo loạn hết rồi.”

Một số học giả cũng chỉ ra trong bài viết "Giải mã nguồn gốc bồn đại ở Tứ Xuyên và di chỉ Tam Tinh Đôi" rằng: theo quy luật tiến hóa của trái đất, có thể suy ra hiện tượng bồn địa Tứ Xuyên được hình thành do sự chuyển động lên xuống giữa mảng lục địa và mảng đại dương. Chịu ảnh hưởng từ vận động tạo núi Himalaya, bồn địa Tứ Xuyên đã trải qua những biến đổi từ hải bồn thành hồ bồn rồi đến địa bồn.

Hiện tượng nền văn minh Tam Tinh Đôi xảy ra vào thời kỳ bán ẩm của trái đất, tức là thời kỳ sau khi hình thành bề mặt đất và đại dương, và thời kỳ sau khi địa chất bề mặt bắt đầu lộ ra. Do bồn địa Tứ Xuyên có vĩ độ thấp và độ dày của các sông băng ở khu vực biển nông không lớn, nên sau khi trái đất nóng lên thì hiện tượng lộ thiên xảy ra sớm, đã sinh ra hiện tượng có sự sống sơ khai trên trái đất. Nền văn minh Tam Tinh Đôi là một trong những hiện tượng văn minh nhân loại sớm nhất trên trái đất. Do sự phong bế về mặt địa lý của bồn địa Tứ Xuyên đã tạo ra hiện tượng độc đáo của nền văn minh nhân loại Tam Tinh Đôi, hiện tượng này biến mất là do sự sụp đổ của các hồ chứa đầy băng chủ yếu ở phía tây hoặc tây bắc của bồn địa, lũ lụt trong nháy mắt sẽ tiêu huỷ nền văn minh này, cho nên nền văn minh này không lưu lại dấu tích gì. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể giải thích tại sao một số lượng lớn ngà voi và vỏ sò được khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi.

Như chúng ta đã biết, "Kinh Thánh" giảng rằng Thượng đế tạo ra con người từ bùn đất; người phương Đông nói rằng Nữ Oa dùng bùn đất tạo ra người; còn có những vị Thần khác nhau đã tạo ra những nhân chủng khác nhau. Vậy nên, con người trên địa cầu kỳ này đều là do Thần phỏng theo hình dáng của bản thân mà tạo ra, con người là có hình tượng của Thần. Mà con người ở thời kỳ khác nhau có thể có hình tượng khác nhau. Có thể thấy, những hình tượng con người làm bằng đồng kỳ lạ được khai quật ở Tam Tinh Đôi có thể là hình tượng con người của thời kỳ văn minh trước, hoặc hình tượng con người của các nền văn minh tiền sử khác, hoặc hình tượng các vị Thần mà con người tín ngưỡng ở các thời kỳ khác nhau.

Một số người theo chủ nghĩa địa phương dưới sự dẫn dắt của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, dưới ngọn cờ ái quốc, đã gán ghép một cách máy móc nền văn hóa Tam Tinh Đôi của thời tiền sử với nền văn minh Trung Hoa lần này; thật hoang đường khi đem bản đồ quốc gia ngày nay, đối chiếu với lịch sử giai đoạn trước công nguyên. Lại càng buồn cười hơn, khi dùng vô Thần luận, thuyết duy vật, tiến hoá luận... và các quan niệm hiện đại để phân tích diễn biến lịch sử của các nền văn minh cổ đại cả ở phương Đông và phương Tây.

Tóm lại, nền văn minh Tam Tinh Đôi tuy không có văn tự, nhưng đã viết lại nguồn gốc lịch sử của loài người và trở thành chiếc chìa khóa vàng để mở khóa các nền văn minh cổ đại, điều đó cũng hoàn toàn khẳng định loài người hoàn toàn không tiến hóa từ loài khỉ!

Lam Sơn
Theo The Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Viết lại lịch sử? Tam Tinh Đôi châm ngòi cho cuộc tranh luận về nguồn gốc của nền văn minh