Việt Nam cân nhắc sử dụng thuốc mới để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Y tế lên kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, kéo dài từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022, ưu tiên cho 16 nhóm. Ngoài ra, Bộ cũng đang cân nhắc sử dụng các kháng thể đơn dòng và thuốc khác để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Theo Báo Tin Tức, Bộ Y tế đang lên kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất lịch sử, diễn ra từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.

Các nhóm được ưu tiên tiêm chủng sẽ là toàn bộ người dân có độ tuổi nằm trong chỉ định sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất vaccine, đặc biệt ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và phát triển kinh tế, bao gồm 16 nhóm:

  • Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân).
  • Người tham gia phòng chống dịch.
  • Quân đội.
  • Công an.
  • Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
  • Người làm trong lĩnh vực hải quan, xuất nhập cảnh.
  • Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước.
  • Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên; bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
  • Người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi.
  • Người sinh sống tại các vùng có dịch.
  • Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
  • Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
  • Người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...; tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như: Các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế... cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.
  • Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.
  • Người lao động tự do.
  • Các đối tượng khác.

Trước đó, sáng 7/7, Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã tổ chức cuộc họp Hội đồng chuyên môn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, theo trang tin của Bộ Y tế về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Cuộc họp đã đưa ra ý kiến về việc sử dụng kháng thể đơn dòng trong điều trị, vấn đề sử dụng corticoid, thuốc chống đông, thuốc đông y và tiêu chuẩn để bệnh nhân được phép xuất viện.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn cho biết, thế giới hiện vẫn đang điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid theo triệu chứng, hạn chế bệnh nhẹ chuyển thành nặng.

Liên quan đến thuốc đơn dòng, ông Kính nói rằng việc sử dụng sẽ chỉ áp dụng đối với các ca đặc biệt, và sau khi được hội chẩn quốc gia.

Cuộc họp cũng bàn về các trường hợp tái dương tính sau khi ra viện. Giáo sư Kính cho rằng đây đều là những ca nhiễm “an toàn” vì không có khả năng lây lan virus, kết quả dương tính là do biểu hiện của xác virus, do đó những người này không nhất thiết phải làm xét nghiệm lại. Bệnh nhân chỉ cần tự cách ly và theo dõi tại nhà 7 ngày, không nên đưa vào bệnh viện tránh sự kỳ thị từ cộng đồng.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Việt Nam cân nhắc sử dụng thuốc mới để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19