Virus dần biến mất - Thử nghiệm Vaccine Covid-19 ở Anh có nguy cơ thất bại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một thử nghiệm vaccine COVID-19 ở Anh đã ước tính cho kết quả thành công 80%, nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 50%...

Giáo sư Adian Hill là đồng tác giả của nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng virus Vũ Hán tại Anh Quốc, và theo lời ông nói với tờ Telegraph: “Đây là một cuộc đua, vâng. Nhưng nó không phải là cuộc đua với con người. Đây là một cuộc đua chống lại virus và chạy đua với thời gian”.

Vaccine được đưa vào thử nghiệm này có tên là ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222) và được cho là thuộc top đầu trong cuộc đua chống lại virus Vũ Hán. Trước đó, dữ liệu sơ bộ có được từ thử nghiệm trên động vật cho thấy: cứ tiêm 1 mũi vaccine này cho 6 con khỉ thì sẽ có 1 con sinh kháng thể chống virus sau 14 ngày, và cả 6 con đó sẽ có kháng thể chống virus sau 14 ngày tiếp theo.

Tháng 4 vừa qua, nghiên cứu này đã chuyển đối tượng thử nghiệm vaccine sang người và nhóm thực hiện là đến từ Đại học Oxford do GS Hill dẫn đầu. Vào thời điểm đó, ít có loại vaccine nào đạt được bước tiến xa như vậy và tỷ lệ thành công của thử nghiệm sẽ là 80% theo ước tính ban đầu.

Tuy nhiên, con số này nay đã tụt xuống 50% và nghiên cứu đang phải đứng trước nguy cơ phá sản. Theo lời giáo sư Hill: “Trước đây, chúng tôi dự đoán thử nghiệm sẽ có tỷ lệ thành công 80% và chúng ta sẽ có vaccine vào tháng 9... nhưng tại thời điểm này, chúng tôi có thể sẽ không thu được bất cứ kết quả nào”.

Giáo sư cho biết thử nghiệm giai đoạn cuối này cần tiến hành trên khoảng 10.000 người lớn và trẻ em tại Anh Quốc, nhưng virus Vũ Hán đang biến mất nhanh chóng tại đây và nghiên cứu có thể sẽ thất bại.

Kỳ vọng và hiện thực

Virus biến mất là một tin tốt cho cộng đồng, nhưng sẽ là một tổn thất lớn cho Viện nghiên cứu Jenner của Đại học Oxford - đơn vị mà giáo sư Hill làm giám đốc và nhận lời hợp tác với Công ty dược AstraZeneca để phát triển vaccine AZD1222.

Trước đó, ông Mene Pangalos là một giám đốc của AstraZeneca đã kỳ vọng: “Thử nghiệm vaccine mới tiến tới giai đoạn cuối đã cho thấy đột phá trong nghiên cứu khoa học của Đại học Oxford”.

Thậm chí cả Giám đốc điều hành Pascal Soriot của AstraZeneca cũng hy vọng nghiên cứu có thể cho kết quả sớm nhất vào tháng 6 hoặc tháng 7.

Thế nhưng, trước tình thế hiện nay, khi mà lây truyền trong cộng đồng đã giảm xuống, Đại học Oxford cho biết giai đoạn III của thử nghiệm có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Điều này cũng kéo dài thời gian mua 100 triệu liều vaccine mà Chính phủ Anh hứa hẹn nếu nghiên cứu thành công.

Đại diện của Đại học Oxford cho biết: “Nếu số ca lây nhiễm vẫn còn cao, chúng tôi có thể nhận đủ dữ liệu trong một vài tháng để xem vaccine này có thể hoạt động (thử nghiệm) hay không, nhưng nếu mức truyền nhiễm giảm, việc này có thể sẽ mất tới 6 tháng”.

Điều này càng áp lực hơn cho AstraZeneca khi gần đây đã công bố một thỏa thuận trị giá 1,2 tỷ đô la với chính phủ Hoa Kỳ để sản xuất 400 triệu liều vaccine thử nghiệm.

Tiêm virus để tăng cỡ mẫu?

Áp lực của việc giảm tỷ lệ lây truyền cộng đồng và không thể đưa ra vaccine đã khiến một số nhà khoa học và chính trị gia cân nhắc việc cố tình lây nhiễm virus trên người để thực hiện thử nghiệm vaccine.

Phương pháp này được gọi là nghiên cứu thử thách ở người (HCS: Human challenge studied) vốn đã gây tranh cãi nhưng càng nhạy cảm hơn trong bối cảnh hiện nay. Trong HCS, các tình nguyện viên khỏe mạnh sẽ được tiêm vaccine hoặc giả dược, sau đó là bị chích virus bị suy yếu vào cơ thể.

Đọc thêm: Nên hay không nên tiêm virus Vũ Hán để thử nghiệm vaccine?

Ba mươi lăm nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi thư (pdf) đến Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm vào tháng trước kêu gọi xem xét áp dụng bất kỳ phương pháp nào để đẩy nhanh việc phát triển và sản xuất vaccine, bao gồm cả HCS.

Ngược lại, nhiều quan chức y tế cho rằng không nên xem thường mạng sống của con người, đặc biệt khi cố tình lây nhiễm cho họ một căn bệnh chưa hề có phương thức chữa trị hữu hiệu.

Thanh Long
- Theo The Epoch Times.

*Thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối: Vaccine được tiêm cho người đang sống trong vùng có dịch bệnh có tỷ lệ lây nhiễm cao để so sánh với nhóm người ở chung không được chích. Tỷ lệ lây nhiễm ở Anh đang giảm thấp nên gây khó khăn cho việc thử nghiệm vaccine.



BÀI CHỌN LỌC

Virus dần biến mất - Thử nghiệm Vaccine Covid-19 ở Anh có nguy cơ thất bại