Xu hướng nhảy việc của giới trẻ - những phép thử để tìm kiếm một công việc ý nghĩa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xu hướng nhảy việc trong thế hệ Z và thế hệ Thiên niên kỷ phản ánh mong muốn tìm được một công việc ý nghĩa, phù hợp với hệ thống giá trị của bản thân. Tuy nhiên, những mặt trái của nhảy việc vẫn còn đó.

Ở tuổi 23, cô Jacqueline đã nhảy việc khá nhiều.

Khoảng sáu tháng trước, cô ấy đã thực tập tại một tập đoàn đa quốc gia trong ba tháng. Sau đó, cô ấy chuyển sang một công ty khởi nghiệp công nghệ nhỏ phục vụ cho hoạt động thuê ngoài. Giờ đây, cô ấy đang làm việc bán thời gian tại một công ty khởi nghiệp công nghệ ở giai đoạn hạt giống khác đồng thời đảm đương hai công việc khác cùng lúc. Tuy nhiên, sự nghiệp của Jacqueline vẫn chưa ổn định. Cô ấy đang xem xét nhảy việc một lần nữa.

“Tôi có hối hận khi chuyển việc không? Không”, cô Jacqueline nói. “Mỗi lần nhảy việc, tôi lại khôn ngoan hơn một chút. Tầm nhìn và sứ mệnh của tôi trở nên rõ ràng hơn”.

“Và tôi không lãng phí bất cứ thứ gì - tất cả những kỹ năng tôi học được trong công việc trước đây phù hợp với vai trò tiếp theo của tôi. Nó giống như một hiệu ứng tổng hợp - rổ kỹ năng của tôi ngày càng lớn hơn”.

Nói chuyện với The Epoch Times, cô Jacqueline lưu ý rằng, các kỹ năng cơ bản như học cách học, đặt câu hỏi hay, kiên định, biết cách làm việc với mọi người và khiến khách hàng hài lòng đã giúp cô “giải quyết 70% mọi nhiệm vụ”.

“Có thể tôi còn trẻ và quá lạc quan, nhưng tôi tin rằng mình đang tạo dựng sự nghiệp của riêng mình, một sự nghiệp không giống bất kỳ ai khác”, cô gái 23 tuổi nói thêm. “Tôi không nghĩ rằng tôi đang bỏ lỡ bất cứ điều gì”.

Xu hướng nhảy việc của giới trẻ - những phép thử để tìm kiếm một công việc ý nghĩa
Nhân viên tại một văn phòng. (Ảnh: Monkey Business Images qua Shutterstock)

Điều bình thường mới

Đã có lúc việc các nhân viên làm việc tại cùng một công ty trong suốt sự nghiệp của họ là điều bình thường. Nghỉ việc thường xuyên là điều mà các nhà tuyển dụng không hài lòng. Nó được coi là một dấu hiệu của sự không nhất quán, không đáng tin cậy và thiếu trung thành. Tuyển dụng, đào tạo và giới thiệu nhân viên mới là một quá trình tốn kém. Và các nhà tuyển dụng không sẵn sàng đầu tư thời gian đó vào một nhân viên không thể gắn bó lâu dài.

Nhưng những thay đổi đáng chú ý đã xảy ra vào đầu thế kỷ 21, khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến hàng triệu người mất việc làm và các công nghệ mới đã tác động đáng kể đến nơi làm việc. Đối với thế hệ Thiên niên kỷ - sinh từ năm 1980 đến 1996 - nhảy việc là điều bình thường mới. Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ năm 2022 cho thấy những người lao động từ 25 đến 34 tuổi ở lại một công ty trung bình 2,8 năm, so với 9,8 năm đối với những người lao động từ 55 đến 64 tuổi.

Một số người thậm chí còn cho rằng thế hệ Z - sinh từ năm 1997 đến 2010 - những người ít bị hạn chế về tài chính hơn nhiều so với thế hệ cũ sẽ vượt qua thế hệ thiên niên kỷ trong xu hướng này. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 6 với 54.000 nhân viên tại 46 quốc gia và vùng lãnh thổ của Pricewaterhouse Coopers, một công ty tư vấn và dịch vụ chuyên nghiệp hàng đầu, nhân viên thế hệ Z có nhiều khả năng săn tìm cơ hội mới nhất, với 35% trong số họ muốn nghỉ việc, tiếp theo là 31% của Thiên niên kỷ.

Đại dịch cũng dẫn đến một làn sóng mọi người rời bỏ công việc của họ, một hiện tượng mà nhà tâm lý học tổ chức Anthony Klotz mô tả là “đợt nghỉ việc vĩ đại”.

Tại sao lại có xu hướng này?

Cảm thấy làm việc quá sức và mức lương thấp thường được coi là những lý do phổ biến nhất để nghỉ việc. Nhưng bác sĩ tâm thần người Úc Tanveer Ahmed cho biết thế hệ trẻ cũng có những động lực khác.

“Họ được thúc đẩy nhiều hơn bởi những gì có thể được gọi là công việc có ý nghĩa. Những công việc phù hợp với hệ thống giá trị của họ”, ông Ahmed nói với The Epoch Times. “Họ quan tâm nhiều hơn đến sự linh hoạt. Vì vậy, đó có thể là làm việc ở nhà, nó có thể là những ngày nghỉ phép”.

“Họ muốn sự phát triển cá nhân. Vì vậy, họ thực sự muốn có thể phát triển cùng với công ty hoặc được đào tạo thêm, và thường thì kỳ vọng của họ đôi khi xoay quanh việc thăng tiến nhanh chóng”.

Ông nói, các thế hệ trẻ cũng khó quản lý hơn, vì vậy họ có xu hướng thích một nơi làm việc dân chủ hơn so với cơ cấu quyền lực từ trên xuống. Họ muốn “vẫn bị chỉ đạo và giám sát, nhưng có thêm quyền tự chủ và tự do để làm việc của mình”.

“Họ thường có bản chất khởi nghiệp hơn một chút, vì vậy họ muốn thể hiện ý tưởng của riêng mình và tìm ra những đổi mới tiềm năng hoặc cơ hội của riêng họ để theo đuổi”, ông Ahmed nói thêm.

“Vì vậy, tất cả những điều này sẽ tập hợp thế hệ Z lại với nhau, và sau đó là do thị trường lao động có rất nhiều lựa chọn công việc… Nếu họ có chuyên môn tốt, họ biết rằng họ có khả năng nhảy việc và đi nơi khác”.

Và đó là những gì cô Jacqueline đã làm. Nhảy việc từ tài chính sang công nghệ rồi hậu cần trong hai năm qua, cô ấy hiện đang tìm kiếm một vai trò mang lại cho cô ấy cảm giác được kết nối và thân thuộc, điều mà công ty hiện tại của cô ấy không thể cung cấp.

Cô gái 23 tuổi cho biết những người lao động trẻ “ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống và sức khỏe tinh thần hơn công việc của họ, vì vậy nếu công việc hiện tại không phù hợp với lối sống của họ, họ sẽ thay đổi nó mà không có nhiều ràng buộc”.

Cô cho biết, mặc dù việc theo đuổi giá trị là một lý do phổ biến dẫn đến việc bỏ việc, nhưng mục tiêu như vậy khó đạt được hơn do bản chất của công việc đã thay đổi.

“Chúng ta đang ngày càng làm nhiều công việc ít vận động hơn mà tác động của chúng là không rõ ràng so với những công việc của các thế hệ cũ. Thêm vào đó, AI đang làm cho công việc trở nên tự động hóa hơn rất nhiều. Vì vậy, điều tự nhiên là thế hệ trẻ không cảm thấy được kết nối với vai trò mà họ đang nắm giữ”.

Vấn đề với nhảy việc

Xu hướng nhảy việc của giới trẻ - những phép thử để tìm kiếm một công việc ý nghĩa
(Ảnh: RawPixel.com/Shutterstock)

Tuy nhiên, nhảy việc không phải là giải pháp phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Cô Stella, 23 tuổi, tốt nghiệp bằng sư phạm, đã trụ lại tại công việc giảng dạy của mình trong hai năm qua. Cô cho biết thay đổi công việc cho phép khám phá nhiều hơn nhưng nó không lý tưởng trong trường hợp của cô.

“Ví dụ, tôi không thực sự có thể nhảy từ giáo viên tiếng Anh sang giáo viên âm nhạc rồi giáo viên toán, vì rất khó để trở thành chuyên gia trong mọi lĩnh vực”, cô nói. “Tôi có thể có nhiều năm kinh nghiệm làm giáo viên nói chung, nhưng nhảy từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác có nghĩa là tôi sẽ thiếu đi sự sâu sắc trong kinh nghiệm”.

Cô Stella cho biết thêm, việc liên tục tìm kiếm những đồng cỏ xanh tươi hơn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn.

“Nếu bạn thường xuyên thay đổi công việc, bạn sẽ luôn phải suy nghĩ, 'Tôi nên đi đâu tiếp theo?'” Bạn sẽ luôn ở trong trạng thái so sánh, xem xét 'công ty này hay công ty kia'. Và dù vậy, bạn sẽ không nhất thiết được nhận vào một vị trí với mức lương cao”, cô nói.

Nhảy việc cũng có thể trở thành một gánh nặng nghề nghiệp.

“Không nhiều công ty, đặc biệt là những công ty lớn, sẽ đánh giá cao điều đó. Họ có thể đặt câu hỏi đại loại như, 'Người này có thể gặp vấn đề gì khiến họ phải thay đổi công việc thường xuyên như vậy?'”, cô nói.

Ông Ahmed cũng đồng tình với ý kiến này, ông nói rằng việc nghỉ việc có thể khiến nhân viên không thể thành thạo công việc, vì để trở nên giỏi trong một vấn đề phức tạp cần mất hơn một vài năm.

“Đôi khi bạn phát triển cùng với một tổ chức, bạn cam kết tuân theo các giá trị của họ, bạn học được các kiến thức của doanh nghiệp. Nhiều nhà lãnh đạo vĩ đại trở thành CEO của các công ty sau khi làm việc cho họ trong 20 - 25 năm. Vì vậy, mức độ cam kết đó… đôi khi hơi thiếu đối với thế hệ Z”.

Ông gợi ý rằng các nhà tuyển dụng có thể giữ chân những người lao động thuộc thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z bằng cách giúp họ phát triển, gắn kết với hệ thống giá trị của họ và mang lại cho họ ý thức về cộng đồng và quyền tự chủ.

“Đây là những nguyên tắc có khả năng áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng tôi nghĩ những người trẻ tuổi thế hệ Z và Thiên niên kỷ, quan tâm đến nó nhiều hơn; họ sẽ cân nhắc nó nhiều hơn và kỳ vọng vào nó”.

Mặc dù đã nhảy việc nhiều lần, cô Jacqueline tự hào về đạo đức làm việc của mình. Vào thời điểm mà việc nghỉ việc trong yên lặng [làm việc ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được] trở thành tâm điểm chú ý và những nhân viên trẻ tuổi sử dụng mạng xã hội để nghỉ việc một cách trực tuyến [quay lại khoảnh khắc nghỉ việc] (còn gọi là #Quittok), cô Jacqueline tin rằng cô ấy vẫn đi theo đường lối cổ điển.

“Tôi vẫn thích những đức tính truyền thống như chăm chỉ, cam kết và có mục đích. Tôi thích ý tưởng được phục vụ một điều gì đó vĩ đại hơn chính bản thân bạn”, cô ấy lưu ý.

“Tôi nghĩ rằng những đức tính đó sẽ suy giảm trong những thời điểm này khi mọi người nghỉ việc hàng loạt. Tôi nghĩ điều đó phản ánh rằng mọi người đang trở nên ích kỷ hơn và tôi không nghĩ điều đó sẽ là một dấu hiệu tốt cho cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Xu hướng nhảy việc của giới trẻ - những phép thử để tìm kiếm một công việc ý nghĩa