3 loại tiểu đêm thường gặp, những nguyên nhân phổ biến và cách cải thiện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt mệt mỏi về thể chất. Tuy nhiên, tiểu đêm thường xuyên có thể cản trở giấc ngủ, đồng thời làm kiệt sức về thể chất lẫn tinh thần.

Nhiều người nghĩ rằng chỉ có người già mới dễ bị tiểu đêm, nhưng thực tế người trẻ tuổi cũng có thể gặp rắc rối với nó.

Theo Hiệp hội Kiểm soát Tự chủ Quốc tế (ICS), tiểu đêm được định nghĩa là thức dậy trong khi ngủ vào ban đêm để tiểu tiện.

Guo Yijie, một bác sĩ Đông và Tây y, nói rằng tổng lượng nước tiểu trong khi ngủ vào ban đêm chiếm khoảng 25-30% so với cả ngày.

Sau khi ngủ, cơ thể sẽ tiết ra hormone chống bài niệu, giúp giảm lượng nước tiểu vào ban đêm, nhờ đó con người có thể ngủ ngon.

Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà sự bài tiết hormone chống bài niệu bị suy giảm, lượng nước tiểu và số lần tiểu đêm sẽ tăng lên, gây cản trở giấc ngủ.

Guo Yijie cho biết, trong thời gian ngủ trung bình từ 7 đến 8 tiếng, việc thức dậy vào ban đêm một hoặc hai lần là điều bình thường.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này vượt quá hai lần và mỗi lần thức dậy đều rất muốn đi tiểu, thì đó là bất thường.

Nếu tiểu đêm vượt quá hai lần và mỗi lần thức dậy đều rất muốn đi tiểu, thì đó là bất thường.
Nếu tiểu đêm vượt quá hai lần và mỗi lần thức dậy đều rất muốn đi tiểu, thì đó là bất thường. (Pexels)

Hiểu biết về dịch cơ thể trong y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, dạ dày sẽ chuyển hóa dịch cơ thể, rồi phân tách thành phần tinh khiết và không tinh khiết. Phần tinh khiết đi đến lá lách, trong khi phần không tinh khiết đi đến ruột non để phân tách thêm.

Phổi kiểm soát chất lỏng tinh khiết từ lá lách, phân tán nó vào các mô dưới da và đưa một số chất lỏng đến thận và bàng quang.

Thận đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sinh lý của dịch cơ thể. Trung y gọi quá trình tạo thành nước tiểu ở thận và bàng quang là quá trình hóa hơi.

Chức năng hóa hơi của thận đảm bảo sự phân phối bình thường của chất lỏng trong cơ thể và làm rỗng bàng quang.

Theo y học cổ truyền, vạn vật đều phụ thuộc và tương tác lẫn nhau: mọi cơ quan trong hệ thống cơ quan nội tạng đều có vai trò hình thành và bài tiết nước tiểu.

Ngoài ra, lá lách, phổi và gan cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp chức năng tiêu hóa và hấp thụ.

Guo Yijie cho biết, khi một triệu chứng nào đó xuất hiện, rất khó quy kết đó là do một yếu tố nào, ngoài việc bồi bổ thận khí, các chức năng khác của cơ quan nội tạng cũng cần được cải thiện.

Trong y học cổ truyền, khí, huyết và dịch cơ thể là những chất cơ bản nhất cần thiết cho sự sống.

Khí là nguồn năng lượng và sức sống của cơ thể. Khí duy trì các hoạt động sống. Bệnh tật hoặc các tình trạng khác chỉ có thể phát sinh khi khí trong cơ thể bị mất cân bằng hoặc thiếu hụt.

Theo lý thuyết của Trung y, chức năng chính của huyết là nuôi dưỡng và giữ ẩm. Bên trong cơ thể, máu lưu thông giữa các cơ quan; trên bề mặt cơ thể, máu chảy qua da, xương và cơ.

Thiếu máu có thể gây ra nhiều triệu chứng như tuần hoàn máu kém, cơ thể thiếu năng lượng, sức sống suy nhược…

Thiếu máu có thể gây ra nhiều triệu chứng như tuần hoàn máu kém, cơ thể thiếu năng lượng, sức sống suy nhược…
Thiếu máu có thể gây ra nhiều triệu chứng như tuần hoàn máu kém, cơ thể thiếu năng lượng, sức sống suy nhược… (Pexels)

Ba loại tiểu đêm phổ biến nhất

1. Can huyết ứ trệ

Loại tiểu đêm này biểu hiện là ban đêm thức dậy đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu mỗi lần không nhiều, thường kèm theo tinh thần căng thẳng, da khô, khô miệng, khô mắt và phân cứng…

2. Thể tỳ hư, thấp

Lượng nước tiểu đêm khoảng 200-300ml mỗi lần, nhưng nó sẽ kèm theo các triệu chứng liên quan đến lá lách và dạ dày, đầy hơi, buồn nôn, ăn không ngon, đại tiện phân mềm, tiêu chảy, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu trắng dày.

Lúc này, uống nước đá lạnh sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tiểu đêm.

3. Thận khí hư

Không chỉ là tiểu đêm nhiều mà còn dễ bị tiểu nhiều lần vào lúc 17-19 giờ, phần lớn đều kèm theo các triệu chứng liên quan đến thận.

Chẳng hạn như đau thắt lưng và đầu gối, lưng dưới, gân và xương, đau nhức, ù tai, chóng mặt, dễ mệt mỏi và các triệu chứng khác.

Y học cổ truyền đã phát hiện ra rằng, cơ thể người có một hệ thống kinh lạc, được sử dụng để vận chuyển khí và huyết đi khắp cơ thể.

Khí huyết lưu thông có tác dụng duy trì sự cân bằng và ổn định của các mô, cũng như cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Có 12 kinh mạch chính tương ứng với 12 cơ quan nội tạng, khí và huyết (thông qua các kinh mạch) chạy từ các cơ quan nội tạng đến tay, chân, đầu và mặt.

Khi một cơ quan nội tạng nào đó có vấn đề, một số huyệt vị của kinh mạch tương ứng sẽ cảm thấy khó chịu.

Ví dụ:

  • Từ 3-5 giờ, khí của các kinh mạch chủ yếu đi qua kinh phổi, những người có vấn đề về phổi vào thời điểm này thường ho dữ dội;
  • Từ 17-19 giờ, khí của các kinh mạch chủ yếu đi qua kinh thận, thời gian này thích hợp để vận động, giúp thận thanh nhiệt giải độc.

Y học cổ truyền tin rằng có sự hợp nhất giữa con người và tự nhiên.

Do đó, những thay đổi theo chu kỳ hàng năm, theo mùa, hàng ngày và thời gian trong tự nhiên có liên quan chặt chẽ đến những thay đổi theo chu kỳ sinh lý và bệnh lý của con người.

Lý thuyết này tương tự như lý thuyết đồng hồ sinh học trong khoa học hiện đại.

Theo y học cổ truyền, miễn là bạn chăm sóc bản thân theo quy tắc này, sức khỏe có thể được cải thiện.

Những thay đổi theo chu kỳ hàng năm, theo mùa, hàng ngày và thời gian trong tự nhiên có liên quan chặt chẽ đến những thay đổi theo chu kỳ sinh lý và bệnh lý của con người. 
Những thay đổi theo chu kỳ hàng năm, theo mùa, hàng ngày và thời gian trong tự nhiên có liên quan chặt chẽ đến những thay đổi theo chu kỳ sinh lý và bệnh lý của con người. (Pexels)

5 nguyên nhân phổ biến gây tiểu đêm

  • Buổi tối bài tiết không đủ hormone chống bài niệu, tuyến tiền liệt phì đại ở nam giới cao tuổi gây chèn ép bàng quang và niệu đạo dẫn đến tiểu nhiều lần, tiểu ít.
  • Mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp.
  • Tác dụng phụ của thuốc.
  • Ở những người trẻ tuổi, tinh thần căng thẳng, lo âu, uống quá nhiều nước hoặc các thức uống có chất kích thích (như trà, cà phê có đường) trước khi đi ngủ có thể dẫn đến tiểu đêm nhiều lần.
  • Viêm hoặc nhiễm trùng cũng có thể là nguyên nhân của chứng “tiểu đêm”.

6 cách cải thiện chứng tiểu đêm

  • Uống nước đúng lúc, đúng lượng. Nên uống từ 6-8 ly nước mỗi ngày, lượng nước uống có thể tăng lên tùy theo tình hình.

Tuy nhiên, tốt nhất là uống chậm và từng ngụm nhỏ, đồng thời bạn chỉ uống ít nước trong vòng 3-4 tiếng trước khi đi ngủ vào ban đêm.

  • Giảm uống một số thức uống kích thích (như trà, cà phê, nước ngọt).
  • Giảm ăn trái cây. Trái cây chứa rất nhiều nước và đường, hầu hết chúng đều lạnh. Đặc biệt trái cây có múi nên ăn ít.
  • Tập thể dục nhiều hơn và phơi nắng sẽ giúp cơ thể thư giãn và thúc đẩy tuần hoàn máu. Điều này giúp cải thiện lưu thông máu, tăng cường dương khí, từ đó giấc ngủ sẽ tốt hơn.
  • Chườm nóng vùng bụng dưới giúp điều hòa thận khí.
  • Kiểm soát các bệnh mãn tính như tiểu đường và huyết áp cao, đồng thời giải quyết vấn đề phì đại tuyến tiền liệt.

Guo Yijie cho biết bệnh nhân mắc chứng tiểu đêm nên tuân theo 6 biện pháp tự bảo vệ trên.

Nếu sau khi thử các phương pháp này mà tình hình không cải thiện, thì bạn nên đến gặp bác sĩ đông y để đánh giá tình hình, từ đó đưa ra phương án phù hợp nhất giúp cải thiện tình trạng tiểu đêm.

Theo David Chu từ The Epoch Times tiếng Trung
Bảo Vy biên dịch

Link tham khảo: https://www.epochtimes.com/gb/22/12/28/n13893675.htm



BÀI CHỌN LỌC

3 loại tiểu đêm thường gặp, những nguyên nhân phổ biến và cách cải thiện