9 dấu hiệu cảnh báo sự khởi phát của bệnh tiểu đường - Nguyên tắc ăn uống để giữ đường huyết ổn định

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuơng tự béo phì, tiểu đường là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay. Y học cổ truyền tin rằng tiểu đường và béo phì có liên quan chặt chẽ với nhau - thường là do chế độ ăn uống không đúng cách dẫn đến tổn thương đường tiêu hóa và rối loạn chuyển hóa. Do đó, việc điều chỉnh chế độ ăn uống cho bệnh nhân tiểu đường là rất quan trọng.

Một đánh giá nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu và Đánh giá về Bệnh tiểu đường/Chuyển hóa vào năm 2018 đã tóm tắt dữ liệu từ nghiên cứu học thuật về bệnh tiểu đường và béo phì. Tổng hợp dữ liệu từ Hoa Kỳ và Châu Âu, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở nam giới béo phì cao gấp 7 lần so với người có cân nặng bình thường, trong khi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở phụ nữ béo phì cao gấp 12 lần.

Ngoài ra, ngày càng nhiều nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng béo phì có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 1. Các nghiên cứu gần đây cũng lo ngại về vai trò của hệ vi khuẩn đường ruột đối với bệnh tiểu đường và béo phì. Điều này phù hợp với quan điểm của y học cổ truyền, vốn coi hệ thống tiêu hóa là trung tâm bệnh lý thực tế của bệnh tiểu đường.

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn ở những người béo bụng

Y học cổ truyền chia béo phì thành “béo thật” và “phù nề” tùy theo thể trạng của người bệnh. Vóc dáng béo thật là do ăn quá nhiều, vượt quá khả năng trao đổi chất của con người. Mặt khác, những người bị phù nề thường nói rằng “ngay cả việc uống nước cũng khiến họ béo” và họ thực sự không ăn nhiều như vậy. Điều này là do rối loạn chức năng nội tiết và trao đổi chất dẫn đến khả năng trao đổi chất giảm.

Béo phì trong bụng (nội tạng) là loại béo phì mà trong đó mỡ cơ thể tích tụ chủ yếu ở eo và bụng, dẫn đến kích thước vòng eo lớn hơn 90cm đối với nam giới và lớn hơn 80cm đối với nữ giới. Tỷ lệ eo/hông lớn hơn 0,90 ở nam và lớn hơn 0,85 ở nữ.

Ở những người có chỉ số khối cơ thể quá cao và vòng eo bất thường, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng lên đáng kể. Bụng to là dấu hiệu thừa mỡ và có mô mỡ trắng trong khoang bụng và nội tạng, ảnh hưởng đến chức năng trao đổi chất và có thể dẫn đến hội chứng chuyển hóa. Được coi là “gốc rễ của mọi bệnh”, béo phì có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch vành, tăng axit uric máu và là tác nhân gây ra nhiều bệnh khác.

Một cách an toàn, bệnh tiểu đường có thể là do hai nguyên nhân chính: một là ăn quá nhiều và hai là món ăn nào mà bạn lựa chọn. Theo y học cổ truyền, trung tâm bệnh lý của bệnh đái tháo đường nằm ở đường tiêu hóa, gián tiếp gây tổn thương cho hệ tiêu hóa phụ như gan, túi mật, lá lách, tuyến tụy.

Tại sao người bệnh tiểu đường thường bị sụt cân?

Trong y học Trung Hoa cổ đại, bệnh tiểu đường được gọi là “tam thừa và một thiếu”. “Tam thừa” là ăn, uống và tiểu tiện quá nhiều, và một “một thiếu” là sụt cân.

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, việc thiếu insulin sẽ cản trở khả năng vận chuyển glucose từ máu vào tế bào để lấy năng lượng của cơ thể. Kết quả là cơ thể phải phân hủy mô mỡ và cơ để tạo ra năng lượng, làm giảm trọng lượng tổng thể.

Vì vậy, tình trạng thiếu hụt mỡ và cơ khiến bệnh nhân tiểu đường thường có dáng vóc mảnh mai. Nhưng ngày nay, hầu hết bệnh nhân tiểu đường đều béo phì và không còn những triệu chứng “ba thừa một thiếu” như thời xa xưa. Tại sao vậy?

Một lý do là hầu hết bệnh tiểu đường hiện nay được phát hiện ở giai đoạn sớm hơn và béo phì được cho là nguyên nhân gây ra 80–85% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Vì vậy, một số bệnh nhân không xuất hiện dấu hiệu giảm cân. Một lý do khác là việc kiểm soát hiệu quả các triệu chứng khi sử dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc hạ đường huyết ngay khi xuất hiện triệu chứng “ba thừa” có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của “một thiếu”.

Có ba lý do khiến bệnh nhân tiểu đường giảm cân:

  • Bệnh tật. Khi lượng đường trong máu tăng cao liên tục sẽ xuất hiện tình trạng “ba thừa”, cuối cùng dẫn đến chuyển sang trạng thái “một thiếu”.
  • Ăn kiêng. Khi một số người biết mình mắc bệnh tiểu đường, họ có thể do dự về việc nên ăn uống gì và có thể giảm cân một cách tự nhiên.
  • Tác dụng phụ của thuốc. Dùng một số loại thuốc hạ đường huyết như metformin trong một thời gian có thể dẫn đến giảm cân.

9 biểu hiện giúp phát hiện sớm bệnh tiểu đường

Các triệu chứng nào có thể cảnh báo bạn về bệnh tiểu đường?

  • Mệt mỏi liên tục.
  • Giảm cân không giải thích được.
  • Nhiễm trùng lặp đi lặp lại, chẳng hạn như ngứa âm hộ khó chữa, nhiễm nấm âm hộ và âm đạo tái phát hoặc bệnh nhọt tái phát (nhiễm trùng nang lông).
  • Bất lực.
  • Đi tiểu quá nhiều và khát nước quá mức.
  • Thỉnh thoảng lượng đường trong nước tiểu dương tính nhưng lượng đường trong máu lúc đói lại bình thường.
  • Hạ đường huyết phản ứng (giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn). Đánh trống ngực, đổ mồ hôi và run rẩy xảy ra khi dạ dày trống rỗng.
  • Xơ cứng động mạch, bệnh tim mạch vành và tổn thương đáy mắt (mặt sau của mắt).
  • Ở người cao tuổi, các triệu chứng bao gồm suy giảm cảm giác không rõ nguyên nhân, rối loạn chức năng thần kinh tự chủ, bí tiểu, tiểu không tự chủ, bệnh mạch máu chi dưới, nhồi máu cơ tim, bệnh thận và đột quỵ.

Nguyên tắc trong chế độ ăn kiêng cho bệnh tiểu đường

1 - Tránh ăn quá no và ăn quá nhanh

Hãy ngừng ăn khi đã no từ 70-80% và nhai kỹ.

2 - Uống canh trước

Nếu có súp trong bữa cơm, thì bạn hãy ăn trước. Điều này sẽ làm tăng cảm giác no và giúp bạn giảm cân một cách tự nhiên. Dùng súp sau bữa ăn có thể gây đầy hơi, không tốt cho quá trình tiêu hóa và trao đổi chất.

3 - Cân bằng thịt và rau

Tăng tiêu thụ rau và giảm lượng thịt của bạn. Hãy đặt mục tiêu kết hợp rau vào hầu hết các bữa ăn, cố gắng đạt được sự kết hợp cân bằng giữa cả thịt và rau.

4 - Ăn protein trước

Ăn thực phẩm theo thứ tự sau: thịt (ăn ít hơn rau), tiếp theo là rau (ăn nhiều hơn thịt) và cuối cùng là tinh bột.

Enzym tiêu hóa trong dạ dày chủ yếu được sử dụng để tiêu hóa chất béo và protein. Ăn thịt trước sẽ tận dụng tốt hơn các enzyme tiêu hóa và giúp tránh đầy hơi. Ăn tinh bột trước có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh.

Bằng cách ăn theo thứ tự thịt, rau và tinh bột, lượng đường trong máu của bạn sẽ ổn định hơn, giúp bạn dễ dàng giảm cân.

5 - Ăn đúng loại trái cây vào đúng thời điểm

Bao gồm các loại trái cây xanh và ít ngọt hơn trong chế độ ăn uống của bạn, chẳng hạn như cam quýt, đặc biệt là chanh, đào, kiwi, bơ, ổi, v.v.

Bạn nên ăn trái cây sau bữa trưa và trước bữa tối vì chúng ta có xu hướng ít hoạt động hơn sau bữa tối, cơ thể khó tiêu thụ hết lượng đường trong máu trước khi đi ngủ.

6 - Ăn ít hơn vào bữa tối

Cố gắng ăn hạn chế thực phẩm giàu tinh bột vào ban đêm và nếu ăn, thì chỉ ăn một lượng nhỏ.

7 - Ăn cơm trắng và kê

Gạo lứt chỉ tốt trong một số trường hợp.

Tôi (Tiến Sĩ Wu Kuo-Pin - tác giả gốc bài viết) đã nhận thấy trong quá trình thực hành lâm sàng của mình rằng khi một số bệnh nhân tiểu đường ăn các thực phẩm chủ yếu như gạo lứt hoặc gạo ngũ cốc trong thời gian dài, khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên kém. Kết quả là họ dễ bị thiếu khí, suy nhược, thậm chí mất cơ vì ăn gạo lứt khó tiêu liên tục sẽ tiêu tốn quá nhiều năng lượng từ lá lách và dạ dày. Theo lý thuyết y học cổ truyền, “tỳ chi phối cơ”, khi lách không đủ năng lượng thì khối lượng cơ cũng sẽ giảm đi.

Tôi thường khuyên bệnh nhân tiểu đường nên ăn một nửa gạo trắng và một nửa kê vàng (Foxtail millet). Người xưa tin rằng kê có thể chữa được bệnh tiểu đường, ổn định lượng đường trong máu, giúp duy trì thể lực và tinh thần tốt.

Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường bằng y học cổ truyền

Bệnh tiểu đường có thể được điều trị hiệu quả bằng các loại thảo dược và thực phẩm Trung Quốc. Hầu hết các loại thuốc hạ đường huyết trong danh mục này đều có vị đắng, chẳng hạn như Hoàng Liên (tên khoa học: Rhizoma coptidis), và tương tự đối với các loại thực phẩm như mướp đắng.

Vị đắng trái ngược với vị ngọt, các loại thảo mộc và thực phẩm có vị đắng có thể ngăn chặn sự thèm ăn và làm giảm quá trình trao đổi chất.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng polysaccharides trong thảo dược Trung Quốc có tác dụng chống bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu được công bố trên Báo cáo khoa học vào năm 2021 cho thấy 14 hợp chất hoạt động trong Hoàng Liên có thể làm giảm lượng đường trong máu.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng khẳng định các thành phần trong Hoàng Liên có đặc tính chống viêm.

Trong điều trị bệnh tiểu đường theo phương pháp y học cổ truyền, ngoài việc kiểm soát lượng đường trong máu, việc điều chỉnh nội tạng của bệnh nhân, tùy theo thể chất của từng người, cũng được xem xét.

Đối với những bệnh nhân đã ở giai đoạn sau của bệnh tiểu đường, các bác sĩ y học cổ truyền sẽ sử dụng các loại dược liệu nhằm mục đích khắc phục tình trạng thiếu hụt và tổn thương, bổ sung chất lỏng và năng lượng cho cơ thể. Để ngăn ngừa và điều trị bệnh mạch máu do bệnh tiểu đường gây ra, cần sử dụng các loại thảo mộc như bạch chỉ (angelica), hạt đào (Persicae semen) có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, loại bỏ tình trạng ứ máu.

Thiền, phương pháp điều trị tốt nhất cho chứng đau dây thần kinh ngoại biên

Nhiều bệnh nhân tiểu đường bị lưu thông máu ngoại biên kém ở chi dưới, da ở bàn chân thường xuyên bị tê, thường xuyên bị đau dây thần kinh ngoại biên. Bắt chéo chân, ngồi thiền là cách hữu hiệu để cải thiện tình trạng này. Khi ở tư thế này, lưu lượng máu ở chân sẽ chậm lại. Khi hai chân được mở khóa sau khi ngồi ở tư thế bắt chéo một lúc, lưu lượng máu sẽ tăng lên ngay lập tức. Những đợt bùng nổ máu như vậy có thể giúp vượt qua các chướng ngại vật lưu thông máu ngoại vi. Một số người ban đầu có thể cảm thấy đau khi ngồi ở tư thế này - nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì theo thời gian để thấy được hiệu quả đầy đủ.

Ngoài ra, nghiên cứu gần đây cho thấy thiền - ngoài việc là một bài tập tốt cho sức khỏe - còn có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Tích hợp và Bổ sung vào tháng 2 cho thấy ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2, thiền, khí công và yoga làm giảm kết quả HbA1c (xét nghiệm máu để xác định lượng đường trong máu) trung bình là 0,84% - kết quả này tương tự với việc dùng thuốc hạ đường huyết metformin. Huyết sắc tố glycosyl hóa là một chỉ số quan trọng của bệnh tiểu đường và bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên cố gắng giữ nó ở mức dưới 7%.

Theo Tiến Sĩ Wu Kuo-Pin - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Bác sĩ Wu Kuo-pin là giám đốc của Phòng khám Tim Xinyitang Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học y học cổ truyền Trung Quốc và lấy bằng cử nhân tại Đại học Y khoa Trung Quốc ở Đài Loan.



BÀI CHỌN LỌC

9 dấu hiệu cảnh báo sự khởi phát của bệnh tiểu đường - Nguyên tắc ăn uống để giữ đường huyết ổn định