Ba tháng đầu năm, 100 người ở Lạng Sơn phải nhập viện điều trị tâm thần - Bác sĩ lý giải nguyên nhân bất ngờ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bác sĩ Trịnh Thị Việt Hà, Phó Trưởng khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết chỉ trong ba tháng đầu năm 2024, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu.

Theo bác sĩ Hà, phần lớn bệnh nhân là nam giới đang trong độ tuổi lao động và cư trú tại các vùng nông thôn.

Ông V.T (43 tuổi) nhập viện để khám trong tình trạng mê sảng, rối loạn cảm xúc, ảo giác và co giật… Người nhà cho biết bệnh nhân thường xuyên uống rượu đến mức quên ăn, quên ngủ. Ông từng vào viện hai lần vì chứng co giật, mê sảng, nhưng sau khi xuất viện, ông lại tiếp tục thói quen cũ.

Kết quả thăm khám cho thấy, ông V.T. lạm dụng rượu quá mức dẫn đến rối loạn tâm thần.

Ngoài một số triệu chứng nói trên, bác sĩ Việt Hà cho biết nhiều bệnh nhân khác còn có các biểu hiện như kích động, chửi bới, la hét, lo âu, hoảng sợ, đánh người, gây thương tích cho bản thân và người xung quanh. Những người này cũng có các bệnh lý đi kèm như viêm gan, xơ gan, tim mạch và dạ dày.

Theo nữ bác sĩ, đây là những biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người lạm dụng rượu, còn được gọi là “trạng thái cai rượu”.

Hội chứng cai rượu là một loạt các triệu chứng xảy ra khi một người nghiện rượu mạn tính bị thiếu hoặc ngưng uống rượu trong thời gian dài (từ 12 - 48 tiếng). Các triệu chứng thường gặp bao gồm: khó chịu, bồn chồn, bứt rứt trong người, lo âu, buồn bã, mất ngủ, sợ hãi, gặp ác mộng, rối loạn nhịp tim, thậm chí co giật giống động kinh...

Khi người bệnh được uống một lượng rượu nhỏ, các triệu chứng của hội chứng cai rượu sẽ nhanh chóng biến mất, tuy nhiên đây không phải là cách điều trị lâu dài. Những người này có quá trình lạm dụng rượu lâu năm, gây ra nhiều tổn hại trực tiếp lên não bộ và các cơ quan nội tạng, rối loạn chuyển hóa nên bệnh phức tạp, khó điều trị hơn.

Thay vào đó, người bệnh cần được cai rượu tại nhà hoặc nhập viện, cùng với đó là sử dụng thuốc giảm triệu chứng như: thuốc an thần, truyền dịch tĩnh mạch, bổ sung vitamin thiết yếu...

Theo bác sĩ Hà, so với những năm trước, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần do rượu đến điều trị tại bệnh viện đang có xu hướng tăng lên từ 5-10% và trẻ hoá về độ tuổi. Lạm dụng rượu gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ khuyến cáo thêm nếu một người trong gia đình nghiện rượu và xuất hiện dấu hiệu rối loạn tâm thần, người thân cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự điều trị tại nhà.

Các biến chứng do lạm dụng rượu không chỉ do “hội chứng cai rượu” gây nên, trên thực tế, rượu còn dẫn đến các dạng rối loạn tâm thần ở mức độ nặng nhẹ khác nhau, có thể là ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.

Khi một người uống rượu thường xuyên, họ có thể bị lệ thuộc và lạm dụng rượu. Đây được xem là dấu hiệu đầu tiên của chứng rối loạn tâm thần và là triệu chứng nhẹ nhất, nhưng không phải ai cũng để ý.

Các dạng lệ thuộc rượu thường gặp gồm có:

  • Liên tục dùng lượng rượu nhiều;
  • Chỉ uống nhiều rượu vào cuối tuần hoặc gặp trục trặc trong công việc, tình cảm;
  • Uống nhiều rượu dài ngày xen kẽ trong các giai đoạn không uống rượu.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm độc rượu (say rượu) sẽ xảy ra khi một người uống quá nhiều rượu, làm ảnh hưởng đến não bộ, từ đó thay đổi suy nghĩ và hành vi. Gồm có hai loại:

  • Say rượu thông thường: Lúc này, người uống sẽ rơi vào trạng thái cảm xúc lo âu, cáu giận, cảm xúc không ổn định và rối loạn hành vi. Đây cũng là một dạng rối loạn tâm thần, nhưng ở mức độ nhẹ. Tình trạng này không kéo dài, tuỳ theo lượng uống và loại rượu, tác động của nó có thể kéo dài vài giờ hoặc hơn.
  • Say rượu bệnh lý: Một dạng rối loạn tâm thần cấp tính nặng hơn, thậm chí xuất hiện tình trạng loạn thần cấp. Người này có thể có nhiều hành vi nguy hiểm, mất ý thức kiểm soát hành vi: chửi mắng, đánh đập, tự sát… Tương tự với say rượu thông thường, dạng say rượu bệnh lý cũng sẽ hết sau khi rượu mất tác dụng.

Nhiễm độc rượu cùng các rối loạn tâm thần là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: chấn thương, hoạt động phạm tội, tự sát, giết người, tai nạn xe cộ...

Ngoài ra, lạm dụng rượu quá mức cũng gây rối loạn loạn thần do rượu. Dấu hiệu đặc trưng là ảo giác kéo dài, ảo thanh, không có mê sảng xuất hiện khoảng 2 ngày khi người lệ thuộc rượu ngưng uống rượu. Người bệnh có xu hướng tìm đến rượu để giải tỏa khi bị rối loạn loạn thần nhưng càng khiến bệnh cảnh nghiêm trọng hơn, có thể mạn tính giống tâm thần phân liệt.

Tình trạng rối loạn tâm thần này khá ít gặp, tỉ lệ cao hơn ở nam giới và chủ yếu ở những người có tiền sử uống rượu trên 10 năm.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Ba tháng đầu năm, 100 người ở Lạng Sơn phải nhập viện điều trị tâm thần - Bác sĩ lý giải nguyên nhân bất ngờ