Bệnh trầm cảm: 4 triệu chứng chính, phương pháp điều trị và các liệu pháp tự nhiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến. Căn bệnh này ảnh hưởng đến hơn 264 triệu người trên toàn thế giới và thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Vậy triệu chứng và nguyên nhân bệnh trầm cảm là gì?

Người bệnh trầm cảm thường được miêu tả là “suy nghĩ quá nhiều”, “đa sầu đa cảm” hoặc “khả năng chịu đựng stress thấp”. Ngày nay, khi kiến thức về bệnh trầm cảm ngày càng phổ biến, tuy nhiên một số người vẫn còn định kiến hay suy nghĩ lệch lạc về bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, khi một người nói: “Gần đây tôi cảm thấy chán nản”, “Tôi không còn hứng thú với bất cứ điều gì”, “Ngày nào tôi cũng cảm thấy mệt mỏi”, v.v., có thể họ thực sự cảm thấy buồn, nhưng không nhất định là họ đang bị trầm cảm.

Làm thế nào để điều trị và chăm sóc cho người bệnh trầm cảm? Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn trả lời những câu hỏi này bằng nhiều hình ảnh minh họa.

Trầm cảm không chỉ đơn thuần là cảm thấy thất vọng, buồn chán

Có nhiều triệu chứng trong bệnh trầm cảm, những triệu chứng này liên quan đến tâm lý, thể chất, lối sống, v.v… và được chia thành bốn loại.

Các triệu chứng trầm cảm được chia thành bốn loại chính: cảm xúc, nhận thức, hành vi và triệu chứng cơ thể. (Ảnh: The Epoch Times)

1. Triệu chứng cảm xúc

Cảm xúc tiêu cực: Khí sắc giảm kéo dài; không thể cảm thấy vui vẻ; người bệnh cáu gắt, lo âu, lo lắng quá mức và cảm thấy căng thẳng

Cảm giác vô dụng: cảm thấy bản thấy thua kém người khác; mất động lực để làm các việc; cảm thấy bất lực và tuyệt vọng, không thể nghĩ đến sự phát triển tích cực trong tương lai; cảm thấy không muốn sống tiếp và thậm chí có thể có ý định tự tử

2. Triệu chứng hành vi

Mất hứng thú: Mất hứng thú trong các hoạt động hàng ngày; giảm hoạt động xã hội; thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng

Giảm khả năng chăm sóc bản thân: Những người trước đây luôn gọn gàng, chỉnh chu hoặc quan tâm đến ngoại hình lại trở nên cẩu thả và bỏ bê việc chăm sóc cơ thể cũng như vệ sinh cá nhân.

Thực hiện các hành vi có nguy cơ cao: Uống quá nhiều rượu, sử dụng ma túy hoặc lạm dụng các loại thuốc kê đơn để giảm bớt các triệu chứng trầm cảm.

3. Triệu chứng nhận thức

Suy giảm nhận thức: khó tập trung; giảm sức bền và trí nhớ; suy nghĩ và nói chậm; những điều trước đây dễ dàng thực hiện nhưng giờ lại rất khó làm được.

4. Triệu chứng cơ thể

Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, trằn trọc suốt đêm, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều (buồn ngủ quá mức).

Những triệu chứng cơ thể: Đau đầu, nhức mỏi cơ thể; thay đổi khẩu vị và cân nặng; người bệnh sụt cân do không cảm thấy đói hoặc tăng cân do ăn quá nhiều.

Nguyên nhân gì gây ra bệnh trầm cảm?

Có nhiều nguyên nhân khiến một người mắc bệnh trầm cảm. Ví dụ, một số người có tiền sử gia đình khiến họ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Những khó khăn trong cuộc sống và những sự kiện căng thẳng cũng có thể dẫn đến trầm cảm.

Những nguyên nhân phổ biến gây bệnh trầm cảm gồm có:

Di truyền

Có thể giải thích một phần bệnh trầm cảm dựa vào yếu tố di truyền. Trong các nghiên cứu di truyền học, nếu một trong hai người của cặp song sinh cùng trứng mắc trầm cảm, thì người còn lại có 70% khả năng mắc căn bệnh này vào một thời điểm nào đó trong đời. Ngoài ra, tiền sử gia đình có người mắc bệnh trầm cảm hoặc các bệnh rối loạn khí sắc khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của một người.

Các yếu tố sinh lý

Nguyên nhân của bệnh trầm cảm còn liên quan đến chất dẫn truyền thần kinh trong não như dopamin và serotonin.

Các nghiên cứu hiện tại cho thấy hệ thống dopamin bị suy yếu ở bệnh nhân trầm cảm. Dopamine là một chất điều chỉnh hệ thống khen thưởng của não bộ, giúp con người cảm thấy tràn đầy năng lượng và động lực. Điều này có thể giải thích tại sao những người mắc bệnh trầm cảm có các triệu chứng như thiếu hứng thú và mất động lực.

Serotonin làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Não của những bệnh nhân trầm cảm lại ít nhạy cảm hơn với serotonin.

Ngoài các chất hóa học trong não, các trạng thái cảm xúc và sự điều chỉnh tâm trạng trong giai đoạn trầm cảm có liên quan đến những thay đổi ở các vùng của não, chẳng hạn như hạch hạnh nhân, hồi hải mã,v.v. Trầm cảm cũng liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố, chẳng hạn như hiện tượng bài tiết quá mức các hormone gây căng thẳng, cortisol.

Các yếu tố môi trường xã hội

Môi trường mà chúng ta sống, từ gia đình đến xã hội, có thể có nhiều tác động đến trạng thái thể chất và tinh thần của chúng ta. Những trải nghiệm không hạnh phúc thời thơ ấu, những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, các vấn đề về hôn nhân và gia đình, và các vấn đề về mối quan hệ là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Một tuổi thơ không hạnh phúc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau này và cũng sẽ ảnh hưởng đến cách con người phản ứng với căng thẳng và sợ hãi.

Những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, như cái chết của người thân, chia tay, thất nghiệp và các vấn đề tài chính cũng có thể gây ra trầm cảm. Những sự kiện căng thẳng này gây ra cảm giác buồn chán ở tất cả mọi người và các triệu chứng trầm cảm thường xuất hiện sau một thời gian buồn chán kéo dài. Tiếp xúc liên tục với bạo lực và bị bỏ rơi, hoặc những áp bức trong xã hội, cũng liên quan đến sự khởi phát của bệnh trầm cảm.

Yếu tố tâm lý

Một trong những yếu tố tâm lý liên quan đến bệnh trầm cảm là sự nhạy cảm. Những cá nhân có mức độ nhạy cảm cao có xu hướng thể hiện nhiều cảm xúc tiêu cực đối với các sự kiện căng thẳng hơn so với người bình thường. Ngoài ra, sự thiếu tự tin, lòng tự trọng thấp, bi quan, tự phê bình và chỉ trích bản thân quá mức đều là những đặc điểm góp phần gây ra bệnh trầm cảm. Nói tóm lại, kiểu suy nghĩ tiêu cực là một yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.

Các bệnh lý khác

Các bệnh lý tâm thần khác như rối loạn lo âu và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) hoặc các bệnh cơ thể mạn tính như ung thư và đau mạn tính cũng có thể là tác nhân gây ra bệnh trầm cảm.

Ma túy và rượu

Một số người tìm đến rượu hoặc ma túy để đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên những hành vi này có thể khiến tâm trạng của họ tệ hơn và làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh trầm cảm.

3 phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh nhân trầm cảm

a. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp sử dụng lời nói để điều trị. Ở các trường hợp trầm cảm nhẹ, phương pháp này có thể được sử dụng đơn độc; nhưng đối với những bệnh nhân trầm cảm nặng, phương pháp này nên được sử dụng kết hợp với thuốc.

Tâm lý trị liệu có thể điều trị riêng lẻ cho từng bệnh nhân, nhưng cũng có thể thực hiện với nhiều người cùng một lúc, ví dụ như trong liệu pháp hôn nhân và gia đình, liệu pháp tâm lý nhóm,v.v.

Các liệu pháp tâm lý để điều trị bệnh trầm cảm gồm có liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân (IPT) và liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). (Ảnh: The Epoch Times)
  • Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân (IPT)

Tâm lý trị liệu giữa các cá nhân đã được chứng minh là có hiệu quả trên lâm sàng. Phương pháp cho rằng các triệu chứng trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tương tác của bệnh nhân với các thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,v.v. Khi bệnh nhân giảm khả năng giải quyết những vấn đề giữa các cá nhân sẽ dẫn đến lòng tự trọng thấp. Do đó, mục tiêu của trị liệu giữa các cá nhân là giúp bệnh nhân cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân và tăng cường khả năng giao tiếp và tương tác với người khác, từ đó giảm bớt các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

Mục tiêu của liệu pháp nhận thức hành vi là thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực của bệnh nhân. Thông thường, liệu pháp này thường bắt đầu bằng cách hướng dẫn bệnh nhân rằng những suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn đến tâm trạng tồi tệ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ghi lại những suy nghĩ tiêu cực hàng ngày và nhận thức được những suy nghĩ này ảnh hưởng đến cảm xúc của họ như thế nào. Sau đó, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các để thay đổi quan điểm và hành vi.

Ví dụ, nếu một bệnh nhân nghĩ: “Tôi thật vô dụng và không thể làm tốt bất cứ điều gì”, khi đó nhà trị liệu sẽ giúp bệnh nhân tìm ra những bằng chứng bác bỏ suy nghĩ này: Không làm tốt bất cứ điều gì thực sự có nghĩa là một người vô dụng? Hay đây chỉ là những thứ mà bệnh nhân không giỏi? Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân thách thức những suy nghĩ tiêu cực của họ và thảo luận với bệnh nhân những chiến lược để giảm bớt các suy nghĩ này.

  • Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT)

Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm có mục đích nhằm ngăn ngừa sự tái phát bệnh trầm cảm. Bệnh nhân sẽ tái phát khi quay lại cái nhìn mọi thứ bằng suy nghĩ tiêu cực trong các đợt trầm cảm trước đó. Do đó, liệu pháp này sẽ hướng dẫn bệnh nhân nhận biết những lúc họ bắt đầu trở nên chán nản và cố gắng điều chỉnh bằng cách “phi trung tâm”. Nói cách khác, phương pháp này dạy bệnh nhân các giữ một khoảng cách nhất định với những suy nghĩ hoặc cảm xúc của họ, và tự ý thức rằng “suy nghĩ này không phải là sự thật” và “suy nghĩ này không định nghĩa con người tôi”. Những phương pháp như thiền định sẽ được sử dụng trong quá trình này.

b. Điều trị thể chất

Các phương pháp điều trị thể chất cho bệnh trầm cảm bao gồm dùng thuốc và kích thích từ trường xuyên sọ (TMS). (Ảnh: The Epoch Times)
  • Thuốc

Điều trị bằng thuốc hiện tại là phương pháp phổ biến nhất để điều trị trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm phổ biến là các loại thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA), thuốc chống trầm cảm bốn vòng (TeCA), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine (NRI),v.v.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng thuốc có thể không hiệu quả với tất cả mọi người và giống như những loại thuốc khác, lợi ích của thuốc luôn đi kèm với nguy cơ.

  • Liệu pháp sốc điện (ECT)

Trong phương pháp điều trị này, một dòng điện sẽ được truyền qua não bệnh nhân. Dòng điện này gây ra sự phóng điện và những thay đổi sinh lý trong các tế bào nơron thần kinh để điều chỉnh chức năng não. Đây là phương pháp điều trị mạnh nhưng còn gây tranh cãi. Sốc điện thường được sử dụng khi thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác không thành công.

  • Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS)

Phương pháp này sử dụng một từ trường mạnh lặp đi lặp lại để kích hoạt các vùng não và vòng nối thần kinh bị rối loạn trong giai đoạn trầm cảm.

c. Liệu pháp tự nhiên

Phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh trầm cảm gồm có tập thể dục và thay đổi chế độ ăn uống. (Ảnh: The Epoch Times)
  • Tập thể dục

Tập thể dục trong khoảng 30 phút, từ ba đến năm lần một tuần, có thể kích thích sản xuất endorphin, loại hormone giúp cải thiện tâm trạng.

  • Thay đổi hành vi

Tránh sử dụng rượu và ma túy có thể giúp tránh việc làm nặng hơn các triệu chứng trầm cảm. Học cách nói không và tránh những mất mát trong những khó khăn của cuộc sống. Duy trì việc chăm sóc bản thân, ví dụ như sử dụng các chế độ ăn uống lành mạnh hoặc tham gia các hoạt động vui thích.

  • Liệu pháp ánh sáng

Tiếp xúc với ánh sáng trắng có thể giúp điều chỉnh cảm xúc và cải thiện tình trạng trầm cảm. Liệu pháp này chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa.

  • Chế độ ăn Địa Trung Hải

Chế độ ăn Địa Trung Hải gồm có nhiều nguồn ngũ cốc nguyên hạt và các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, dầu ô liu, lượng cá vừa phải, các sản phẩm từ sữa, rượu vang đỏ,v.v. Một nghiên cứu trên các thanh niên Tây Ban Nha cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải làm giảm tỷ lệ mắc bệnh của trầm cảm. Chế độ ăn Địa Trung Hải rất giàu vitamin B, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp dopamine, norepinephrine và serotonin, giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và tâm trạng

  • Sử dụng các thực phẩm bổ sung

Bệnh nhân trầm cảm có thể dùng các chất bổ sung, như S-Adenosyl-L-Methionine (SAMe), 5-Hydroxytryptophan (5-HTP), St. John's wort, axit béo omega-3 và các loại vitamin có chứa vitamin B hoặc vitamin D. St. John's wort được sử dụng làm thuốc chống trầm cảm ở Châu Âu, nhưng lại chưa được chấp thuận ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu về hiệu quả của St. John's wort cho thấy nhiều kết quả tích cực lẫn tiêu cực.

Một số phương pháp điều trị vẫn còn thiếu những nghiên cứu đầy đủ để chứng minh hiệu quả thực tế trong điều trị trầm cảm và một số chất bổ sung chưa được phép sử dụng ở một số quốc gia. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của các bác sĩ khi điều trị.

Health 1+1

(Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe có uy tín nhất của Trung Quốc ở hải ngoại. Được phát hành từ thứ ba đến thứ bảy hàng tuần, công chiếu từ 9:00 sáng đến 10:00 sáng EST (giờ chuẩn miền Đông Hoa Kỳ) trên TV và chiếu trực tuyến, chương trình đưa những tin mới nhất về cách phòng ngừa, điều trị, các nghiên cứu khoa học và chính sách về vi rút corona, cũng như các bệnh ung thư, các bệnh lý mạn tính, sức khỏe cảm xúc và tinh thần, hệ miễn dịch, bảo hiểm y tế và các khía cạnh khác để cung cấp cho mọi người sự chăm sóc tận tình đáng tin cậy nhất. Trực tuyến: EpochTimes.com/Health TV: NTDTV.com/live)

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh

Đức Nhân biên dịch

THÔNG TIN ĐẶC BIỆT - HƯỚNG ĐI MỞ RA KỶ NGUYÊN MỚI:

  • ‘Ganjing World’ (Thế Giới Kiền Tịnh) - Một Công ty Công nghệ cao có trụ sở chính tại Middle Town, New York, ra mắt nền tảng tích hợp thông tin nghe nhìn trực tuyến thế hệ mới nhiều tính năng phong phú với công nghệ đám mây mới nhất.
  • ‘Ganjing World’ cam kết trải nghiệm thoải mái và bảo mật, phục vụ tất cả những nhà sáng tạo nội dung, có thể trình chiếu đồng thời hàng triệu video và phục vụ hàng trăm triệu lượt xem. ‘Ganjing World’ đảm bảo an toàn và lợi nhuận cao.
  • Nền tảng này không liên quan tới chính trị, không thiên vị và trung lập. ‘Ganjing World’ kiên quyết tránh xa các nội dung không phù hợp dựa trên bốn tiêu chí: “không bạo lực, không nội dung khiêu dâm, không tội phạm và không ma túy hoặc gây hại”.
  • Sứ mệnh của ‘Ganjing World’ hướng đến “Truyền thông xã hội” và “Truyền thông cá nhân” thân thiện với mọi gia đình. Một nền tảng số rộng lớn cho phép mọi lứa tuổi tự do chia sẻ kiến thức, ý tưởng, quan điểm và giải trí về nhiều chủ đề… mà không sợ bị kiểm duyệt. ‘Ganjing World’ mang đến trải nghiệm phong phú và trong sạch.



BÀI CHỌN LỌC

Bệnh trầm cảm: 4 triệu chứng chính, phương pháp điều trị và các liệu pháp tự nhiên