Bí ẩn loài tre châu Á 120 năm mới nở hoa một lần rồi lụi tàn 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một loài tre đặc biệt sắp nở hoa trở lại sau hơn 100 năm, điều này có thể cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về quá trình tái sinh bí ẩn của nó.

Hoa tre trăm năm mới nở một lần

Phyllostachys nigra var. henonis, hay tre Henon, chỉ ra hoa 120 năm một lần rồi sau đó tàn lụi. Nguyên nhân tre lâu ra hoa vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà thực vật học.

Thế hệ hiện tại của loài này dự kiến sẽ ra hoa vào năm 2028. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Đại học Hiroshima ở Nhật Bản nhận thấy có một số cây tre loại này tại địa phương của họ đã nở hoa sớm hơn - và họ nhân cơ hội này để nghiên cứu loài hoa bí ẩn này.

Trong một nghiên cứu được công bố ngày 12 tháng 6 trên tạp chí PLOS One, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nhiều mẫu hoa không sinh ra bất kỳ hạt giống nào. Nhóm nghiên cứu cũng quan sát thấy không có các cây non mới phát triển từ hệ thống rễ của những cây đã ra hoa, và khả năng sinh sản vô tính của nó cũng rất hạn chế.

Điều này có nghĩa là nhiều cánh đồng tre rậm rạp khó có thể tái sinh và có thể sẽ phải biến mất và được thay thế bằng những cánh đồng cỏ.

Đặc biệt hơn, loài cây chậm nở hoa này có hành vi kỳ lạ đó là chúng nở đồng loạt ở tất cả các nơi trên thế giới, không phân biệt vị trí địa lý và khí hậu, nếu được nhân giống từ cùng một cây mẹ.

Với cây tre, những bộ phận đã được tái phân chia từ cây mẹ theo thời gian và chia sẻ trên toàn thế giới. Mặc dù được trồng ở những nơi khác nhau thì chúng vẫn mang cấu trúc gen tương tự.

Vì vậy, khi một cây tre ở Bắc Mỹ nở hoa thì những cây ở châu Á cũng đồng loạt nở hoa trong khoảng thời gian tương tự. Đây gọi là hiện tượng trổ hoa theo bầy.

Tre Henon ở Nhật Bản

Tre Henon được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 9, nhưng các ghi chép khoa học về quá trình tái sinh của nó còn rất ít. Các nhà nghiên cứu viết rằng khoảng thời gian ra hoa 120 năm của loài này dựa trên các tài liệu lưu trữ từ thế kỷ thứ 9; những vùng cây bị chết ngay sau khi ra hoa được thu thập vào năm 1908, trước khi một số cây được du nhập sang Nhật Bản.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sỹ Toshihiro Yamada, nhà sinh vật học bảo tồn và sinh thái rừng tại Đại học Hiroshima, nói với Live Science: “Các nhà khoa học 120 năm trước đã không mô tả rõ ràng về sự ra hoa của loài này. Vì vậy, chúng ta chưa biết nhiều về hệ sinh thái ra hoa và quá trình tái sinh của loài tre này”.

Loài tre Henon nở hoa 120 năm một lần, lần nở hoa tiếp theo dự kiến vào khoảng năm 2028. (Nguồn ảnh: Toshihiro Yamada/Đại học Hiroshima)

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu một số mẫu vật ra hoa sớm mà họ tìm thấy ở Hiroshima vào năm 2020 với 334 "cành" có khớp nối của loài tre này. Các nhà nghiên cứu nhận thấy 80% cây đã nở hoa trong suốt ba năm nhưng không tạo ra bất cứ hạt giống nào.

Đến cuối năm 2022 không còn cây tre nào sống sót. Yamada cho biết: “Câu hỏi vẫn còn là làm thế nào để những cây chết được thay thế bằng một thế hệ mới. Rõ ràng, việc tái sinh hữu tính không hiệu quả vì loài cây này không thể tạo ra hạt giống”.

Yamada cho biết có thể loài tre có hình thức tái sinh dưới lòng đất, cuối cùng sẽ mọc thành những thân tre mới. Sau khi những thân tre này được hình thành, tre sẽ sinh sôi nảy nở để bù đắp cho sự sinh sản kém hiệu quả của nó.

Tre nở hoa ở Quảng Nam

Theo Moitruongngaynay đưa tin, vào tháng 5/2017, nhiều người dân thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) kéo nhau đến vườn nhà ông Nguyễn Văn Hài để chứng kiến một bụi tre có cây tre “nở trăm hoa” trông rất thú vị.

Tre nở hoa ở Quảng Nam. (Ảnh: Quốc Nhật qua Baogiaothong)

Ông Lê Hữu Trà (hàng xóm ông Hài) cho biết, đây là lần đầu tiên ông tận mắt chứng kiến cây tre nở hoa. “Người ta mê tín nói tre nở hoa thế này là “lộc” vào nhà, có người khác lại bảo đó là “điềm gở” gì đấy nhưng với tôi, tôi thấy đẹp”.

Được biết, sau khi trổ hoa và ra quả, cây tre già sẽ chết, khiến cả khoảnh rừng tre úa tàn trong thời gian vài năm. Một lý giải cho rằng việc ra quả làm cây tre tiêu tốn năng lượng khổng lồ đến mức không thể tiếp tục sinh sôi. Một giả thuyết khác giải thích cây mẹ chết để nhường chỗ cho cây con đâm chồi.

Hiện tượng tre ra hoa hàng loạt thường thu hút nhiều loài thú gặm nhấm, chủ yếu là chuột. Nguồn quả dồi dào trong rừng tre kéo đến hàng triệu con chuột đói.

Chúng ăn quả và sinh sôi ở tốc độ đáng báo động. Sau khi ăn hết quả tre, đàn chuột bắt đầu tàn phá mùa màng, dẫn đến nạn đói và bệnh dịch ở những ngôi làng lân cận.

Ở bang Mizoram phía đông bắc Ấn Độ, sự kiện này diễn ra đều đặn 48-50 năm một lần, khi loài tre Melocanna baccifera trổ hoa và ra quả. Lần gần nhất xảy ra hiện tượng là năm 2006-2008.

Tre nở hoa ở Đồng Tháp:

Theo Đài truyền hình Đồng Tháp, đây là loài tre có nguồn gốc từ Trung Quốc, vì vậy có thể thời gian nở hoa của nó là theo giống tre mẹ, trong khi các loài tre khác ở Việt Nam thì có thời gian nở hoa khác nhau.

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn loài tre châu Á 120 năm mới nở hoa một lần rồi lụi tàn